Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 9/8 - 15/8

08:14 | 16/08/2021

339 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các tin chính của ngành năng lượng trong nước tuần qua, từ ngày 9/8 đến 15/8/2021.

Hệ thống truyền tải đã sẵn sàng cho dự án điện gió lớn nhất Việt Nam

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam, công suất 400 MW.
Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam, công suất 400 MW

Ngày 13/8/2021, tại các xã Ea Nam, xã Ea Khal, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, Trungnam Group thực hiện đóng điện thành công đường dây 500 kV Di Linh - Pleiku nhánh rẽ Trạm biến áp 500 kV - Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam, công suất 400 MW.

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam kết hợp trạm biến áp 500 kV - 450 MVA và đường dây 500 kV, đấu nối chuyển tiếp lên đường dây 500 kV Pleiku - Di Linh, sau khi hoàn thành sẽ là nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Dự kiến khi dự án hoàn thành, hàng năm sẽ bổ sung khoảng 1.173,6 GWh vào nguồn điện quốc gia; ước tính trong thời gian vận hành nhà máy, nhà đầu tư sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách của địa phương và dự kiến nộp thuế GTGT khoảng 250 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Nhà máy điện gió Ea Nam đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Năng lượng tái tạo chiếm 11,4% tổng sản lượng điện 7 tháng đầu năm

Lũy kế 7 tháng đầu năm, năng lượng tái tạo đạt 17,35 tỷ kWh
Lũy kế 7 tháng đầu năm, năng lượng tái tạo đạt 17,35 tỷ kWh

Theo báo cáo tình hình hoạt động tháng 7/2021 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng 8/2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 7 tháng đầu năm, năng lượng tái tạo đạt 17,35 tỷ kWh, chiếm 11,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 7/2021 đạt 23,95 tỷ kWh, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng đạt 151,65 tỷ kWh, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Trong đó Thủy điện đạt 38,29 tỷ kWh, chiếm 25,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; Nhiệt điện than đạt 76,86 tỷ kWh, chiếm 50,7%; Tuabin khí đạt 17,95 tỷ kWh, chiếm 11,8%; Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 17,35 tỷ kWh, chiếm 11,4%; Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 2 triệu kWh; Điện nhập khẩu đạt 722 triệu kWh, chiếm 0,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Quảng Trị dừng cấp chủ trương đầu tư dự án điện gió mới để rà soát quy hoạch

Một chân trụ cột điện gió đang được thi công ở H.Hướng Hóa
Một chân trụ cột điện gió đang được thi công ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị mới đây đã có văn bản yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND tỉnh này không xem xét việc cấp chủ trương đầu tư các dự án điện gió mới khi chưa hoàn thành việc đánh giá tổng thể tác động môi trường phát triển các dự án năng lượng.

Trước đó, hàng loạt dự án điện gió tại Quảng Trị dù chưa xong các thủ tục pháp lý về đất đai nhưng vẫn cho nhân công và máy móc thi công ồ ạt, làm người dân và dư luận địa phương bức xúc.

Theo văn bản của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị cần tập trung rà soát, khẩn trương hoàn thành Đề án tổng thể phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh. Trong đó, cần chú trọng đánh giá tổng thể tác động môi trường, nhất là các dự án năng lượng tái tạo phía Tây, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định đời sống nhân dân.

Trước mắt, UBND tỉnh cần chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời có phương án khắc phục kịp thời các bãi thải đất có nguy cơ sạt lở; hoàn thành các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường; xây dựng phương án bảo vệ công trình thi công trước mùa mưa lũ, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án...

Chia tách dự án điện mặt trời Dầu Tiếng thành 2 dự án nhỏ

Từ tháng 6/2019, Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 chính thức được đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia
Từ tháng 6/2019, Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 chính thức được đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia

Tập đoàn B.Grimm Power của Thái Lan và Tập đoàn Xuân Cầu của Việt Nam đã mới đây đã chia tách dự án điện mặt trời Dầu Tiếng - Tây Ninh (DTE) thành 2 dự án nhỏ hơn thông qua việc thay đổi cấu trúc sở hữu của công ty chủ đầu tư. Cụ thể, dự án DTE (quy mô 420 MW) sẽ được chia thành dự án DTE1 (180 MW) và dự án DTE2 (240 MW). Theo đó, Công ty CP năng lượng DT1 do Xuân Cầu sở hữu 100% sẽ nắm giữ toàn bộ dự án DTE1.

B.Grimm Power trước đây sở hữu 55% cổ phần DTE, tương ứng quy mô 231 MW, sẽ nâng sở hữu lên 96,25% cổ phần DTE và doanh nghiệp này chỉ còn sở hữu dự án DTE2. Gần 4% còn lại do Xuân Cầu sở hữu. Theo Tập đoàn Thái Lan, giao dịch thực hiện nhằm tạo sự linh hoạt hơn khi huy động nguồn vốn và các thỏa thuận tài chính khác nhau của hai đối tác. B.Grimm Power cũng nhấn mạnh, hành động này không được coi là thương vụ liên kết, mua lại hay phân chia tài sản.

Tiếp tục giảm 90 tỷ đồng tiền điện đợt 4 cho khách hàng tại miền Trung - Tây Nguyên

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, giảm giá điện cho các hộ dân là quyết sách đúng đắn.
Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, giảm giá điện cho các hộ dân là quyết sách đúng đắn

Theo ước tính của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), 741.000 khách hàng sử dụng điện tại miền Trung - Tây Nguyên thuộc đối tượng được giảm giá điện, giảm tiền điện trong đợt 4 với tổng số tiền là 90 tỷ đồng.

Cụ thể, EVNCPC sẽ giảm 75 tỷ đồng cho khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt trong 2 tháng (kỳ hoá đơn tháng 8 và kỳ hoá đơn tháng 9/2021) và giảm 15 tỷ đồng hỗ trợ các doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung không thu chi phí hoặc có thu một số khoản chi phí của người phải cách ly với thời gian áp dụng trong 7 tháng (từ kỳ hóa đơn tháng 6 đến kỳ hóa đơn tháng 12/2021).

Riêng đối với khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt, trong tháng 8, tổng tiền giảm ước tính 37,4 tỷ, bao gồm giảm 18 tỷ cho khách hàng sử dụng điện đến 200kWh/tháng (mức giảm 15% giá trị hóa đơn trước thuế) và giảm 19,4 tỷ cho khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng (mức giảm 10% giá trị hóa đơn trước thuế).

Ước tính giảm khoảng 530 tỷ đồng tiền điện đợt 4 cho khách hàng tại TP Hà Nội

EVNHANOI đảm bảo cung cấp điện cho công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội
EVNHANOI đảm bảo cung cấp điện cho công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội

Việc triển khai giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ đang được Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) tập trung thực hiện nhằm bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích. Tính đến ngày 31/7/2021, EVNHANOI đã giảm giá điện, giảm tiền điện gần 1.295 tỷ đồng. Theo ước tính, tổng số tiền điện giảm trong đợt 4 này là khoảng 530 tỷ đồng.

EVNHANOI cũng cho biết, sản lượng điện thương phẩm tháng 7/2021 của Tổng công ty đạt 2.212,07 triệu kWh, giảm 0,18% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng đạt 12.073,70 triệu kWh, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất trong tháng vào ngày 2/7 là 90,427 triệu kWh và thấp nhất vào ngày 23/7 là 59,884 triệu kWh. Công suất của hệ thống điện lớn nhất vào lúc 14g ngày 2/5 là 4.531 MW và nhỏ nhất lúc 4g ngày 24/7 là 1.723 MW.

Tiêu thụ điện miền Nam tiếp tục giảm mạnh khi giãn cách xã hội

Biểu đồ sản lượng hệ thống điện miền Nam.
Biểu đồ sản lượng hệ thống điện miền Nam

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tiêu thụ miền Nam đã giảm mạnh từ ngày 19/7 (thời điểm bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội ở 19 tỉnh/thành phố).

Những ngày đầu tháng 7 khi chưa thực hiện giãn cách xã hội, công suất đỉnh của khu vực miền Nam là khoảng 17.500-18.500 MW, sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày của hệ thống điện phía Nam là 326,8 triệu kWh. Tuy nhiên, kể từ ngày 19/7, công suất đỉnh chỉ còn ở mức 13.300-13.500 MW, giảm tới 4.000 đến 5.000 MW (tương đương khoảng 29%) so với trước khi giãn cách xã hội; sản lượng tiêu thụ trung bình ngày cũng chỉ chỉ đạt 263,2 triệu kWh - tức là giảm khoảng 20%.

Để đảm bảo vận hành an toàn Hệ thống điện Quốc gia khi tiêu thụ điện khu vực miền Nam xuống thấp do nhiều tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) sẽ duy trì thực hiện việc chỉ huy điều độ với yêu cầu phù hợp cơ cấu nguồn điện, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết... Các mệnh lệnh điều độ huy động nguồn điện trong hệ thống tiếp tục được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, thực hiện đồng đều và không phân biệt giữa các loại hình nguồn điện.

Lâm Anh (t/h)

Bản tin Dầu khí 13/8: Chiến lược LNG tham vọng của Nhật Bản Bản tin Dầu khí 13/8: Chiến lược LNG tham vọng của Nhật Bản
Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 2/8 - 8/8 Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 2/8 - 8/8
Bản tin Covid-19: Hà Nội giãn cách thêm 15 ngày, TPHCM có tín hiệu tích cực Bản tin Covid-19: Hà Nội giãn cách thêm 15 ngày, TPHCM có tín hiệu tích cực
Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 26/7 - 1/8 Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 26/7 - 1/8