Băn khoăn đưa Ngoại ngữ thành môn khuyến khích

07:00 | 14/02/2014

1,018 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 13/2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị triển khai công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014 và tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2014.

Giữ nguyên phương án thi 4 môn

Một trong những nội dung được đại diện các Sở GD-ĐT chú ý nhất là về một số điều chỉnh phương án thi - công nhận tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra từ ngày 2 – 4/6/2014 với 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn, 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử.

Học sinh có thể đăng kí thi môn Ngoại ngữ (đề thi theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển tốt nghiệp. Điểm khuyến khích được tính như sau: Bài thi môn Ngoại ngữ được 9,0 điểm trở lên được cộng 2 điểm, đạt 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm, đạt 5 điểm trở lên được cộng 1 điểm.

Hầu hết các đại biểu ủng hộ phương án thi 4 môn thay cho 6 môn hiện hành.

Về việc giảm số môn thi để học sinh tự chọn dẫn đến học sinh học lệch, Bộ cho rằng việc xét và công nhận tốt nghiệp có sử dụng quá trình trong học tập, muốn có hồ sơ dự ĐH tốt học sinh không thể học lệch. Đề thi cũng thay đổi theo hướng câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết, tránh tình trạng đoán mò, giải quyết máy móc vấn đề.

Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã lấy ý kiến của 45 giám đốc sở GD-ĐT tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án trường THPT chuyên. Cùng với việc lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội, đến nay Bộ đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Có nhiều nội dung được sự đồng thuận cao của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Trong số 45 Giám đốc Sở GD-ĐT được hỏi ý kiến, có 42 ý kiến đồng tình, chỉ có 2 ý kiến đề nghị thi 6 môn như hiện hành. Về nội dung thực hiện phương án điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT, đa số ý kiến đồng tình áp dụng ngay từ năm 2014 và coi là động thái tích cực. Tất cả 45 Giám đốc sở GD-ĐT được hỏi ý kiến tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án trường THPT chuyên đều đồng tình triển khai ngay từ năm 2014.

Bộ cần có khung “cứng” cho miễn thi

Về vấn đề 20% được miễn thi tốt nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng việc xét 20% không hề đơn giản mà hết sức phức tạp, đồng thời miễn giảm 20% cũng không giảm được bao nhiêu. Nhiều ý kiến đề xuất nếu Bộ vẫn giữ quan điểm miễn thi 20% thì Bộ nên có một khung cứng, lường trước tất cả các tình huống, các yếu tố, đầy đủ và chi tiết như một chuẩn chung để các trường căn cứ vào đó xét đối tượng miễn thi.

Cũng có ý kiến cho rằng Bộ không nên quy định mức miễn thi cứng là 20% mà có sự khác nhau giữa các vùng miền, do chất lượng giáo dục khác nhau giữa các vùng miền mà thay vào đó, nên miễn thi cho tất cả các học sinh đạt tiêu chuẩn.

Về điều này, Bộ GD-ĐT cho rằng, trong điều kiện bệnh thành tích còn chưa được khống chế triệt để hiện nay, nếu không khống chế tỷ lệ miễn có thể dẫn đến việc miễn thi không thực chất. Mặt khác, khống chế tỷ lệ miễn thi sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, địa phương, làm cho việc xét duyệt miễn thi chính xác.

Bên cạnh đó, khi khống chế tỷ lệ thì sẽ có sự cạnh tranh, cả học sinh, phụ huynh cùng quan tâm nên sẽ có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Ngay cả ở miền núi, số học sinh khá giỏi cũng trên 20% nên với tỷ lệ này sẽ chỉ có học sinh khá giỏi không được miễn thi chứ không có học sinh yếu kém mà vẫn được miễn thi. Cùng với quá trình chấn chỉnh ý thức, sự trung thực của giáo viên và học sinh, chất lượng kiểm tra đánh giá tăng lên thì tỷ lệ sẽ được điều chỉnh”.

Tới đây, khi triển khai phương pháp đánh giá PISA để đánh giá chất lượng giáo dục giữa các tỉnh/thành thì dựa trên kết quả PISA, Bộ sẽ có sự phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.

Nên đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn

Về môn thi ngoại ngữ, tuyệt đại đa số ý kiến đều đồng ý không đưa môn ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc, có nhiều ý kiến đề nghị đưa thành môn thi tự chọn.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng nên đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: "Nên đưa môn ngoại ngữ là môn tự chọn, không nên là môn khuyến khích cộng điểm như các môn khác. Nhiều năm nay ngoại ngữ là môn bắt buộc, bây giờ môn ngoại ngữ lại trở thành môn khuyến khích thì không nên. Chúng ta nên giữ nó đi ngang hơn là để nó trùng xuống, hơn nữa chúng ta đang thực hiện đề án phổ cập ngoại ngữ đến năm 2020”.

Theo ông Hùng thì nếu chưa đổi mới thi môn ngoại ngữ theo hướng toàn diện tất cả các kỹ năng thì cũng nên để ngoại ngữ là môn tự chọn, sau đó dần dần sẽ đổi mới, bởi nếu không thi sẽ kéo theo việc học ngoại ngữ ở các cấp học khác.

Đồng tình quan điểm trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho rằng nếu ngoại ngữ là môn khuyến khích thì rất thiệt thòi cho những em thi khối A1 và khối D. Ông khẳng định: “Nếu xác định thi tự chọn mà không được chọn môn ngoại ngữ thì những em học giỏi ngoại ngữ sẽ rất thiệt thòi”.

Tuy nhiên, tại hội nghị ngày 13/2, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra một phương án duy nhất là quy định ngoại ngữ là môn thi khuyến khích. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đây thực sự là một bước lùi để có thể tiến nhanh hơn trong tương lai.

Ông cho rằng việc học và dạy ngoại ngữ hiện nay chất lượng không đồng đều giữa thành phố và nông thôn, đồng bằng và miền núi, nội thành và ngoại thành. Việc thi ngoại ngữ từ trước tới nay cũng chưa bao giờ chính thức bắt buộc, khu vực khó khăn vẫn có thể thay thế bằng môn khác.

Lãnh đạo ngành giáo dục cũng thẳng thắn thừa nhận trên thực tế, học sinh học ngoại ngữ, thi ngoại ngữ, nhưng không sử dụng được. Có nhiều lý do như chương trình sách giáo khoa không đảm bảo, không có chuẩn; giáo viên quen kiểu dạy nặng ngữ pháp, dạy nhưng không nghe nói, trình độ thấp; cách thi và kiểm tra hiện nay là trắc nghiệm, thi cả triệu người trong một lúc, thi để đỗ chứ không phải để sử dụng.

Vì thế, nếu coi đây là môn thi bắt buộc thì có thể khuyến khích học để thi, nhưng không khuyến khích được việc học để sử dụng. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chính giáo viên cũng không nghe, nói, đọc, viết thạo thì làm sao dạy được học sinh? Nếu theo mục đích dạy để học sinh sử dụng được tiếng Anh thì hiện nay cả nước không có nơi nào thực hiện được. Học sinh giỏi chủ yếu do học thêm bên ngoài. Muốn tách giáo viên để dạy nâng cao thì phải có quỹ thời gian, ngắt một giai đoạn ra để đi nhanh hơn”.

Khánh An