Bài toán giao thông Hà Nội: Chờ lời giải từ hệ thống đường sắt cao tốc

15:01 | 11/10/2011

711 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ nhiều năm nay, người dân Hà Nội luôn phải đối diện với nạn ùn tắc giao thông cục bộ. Đã có không ít giải pháp được đưa ra nhằm tìm lời giải cho bài toán giao thông nhưng hầu như chỉ mang tính chất nhất thời. Tuy nhiên, khi một loạt các dự án đường sắt cao tốc được khởi động thì đại đa số người dân Thủ đô đều tin rằng: Hà Nội đã tìm ra lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông.

Giải pháp phân làn giao thông vẫn chỉ mang tính chất tạm thời.

Phân làn giao thông chỉ là giải pháp tạm thời

Một thực tế không thể phủ nhận là hạ tầng giao thông Thủ đô hiện đang “quá” quá tải trước tốc độ phát triển chóng mặt của các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện giao thông cá nhân.

Việc Hà Nội gồng mình chống trả với nạn kẹt xe trong những giờ cao điểm bằng giải pháp phân làn giao thông, tức là tách ô tô và xe gắn máy, xe đạp ra hai làn riêng chỉ có thể coi là giải pháp tạm thời.

Ba lần trước là năm 2005 thực hiện ở nút giao thông Kim Mã – Liễu Giai, năm 2006 ở tuyến đường Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, năm 2009 ở tuyến đường Giải Phóng. Mặc dù đã qua thí điểm phân làn, nhưng ở những tuyến đường này hiện nay trật tự giao thông vẫn rất lộn xộn do các phương tiện giao thông lấn sang làn đường của nhau.

Lần thứ tư này được triển khai từ ngày 20/9/2011 ở 5 tuyến đường: Phố Huế, Hàng Bài, Bà Triệu, Kim Mã, Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, Giải Phóng. Tuy nhiên, theo quan sát, sau gần một tháng thí điểm, Hà Nội đã huy động mọi lực lượng tham gia hướng dẫn thì tình hình giao thông ở những tuyến phố này có phần tốt hơn. Nhưng đồng nghĩa với đó là câu hỏi: Liệu các lực lượng chức năng Hà Nội sẽ duy trì cách làm này được bao lâu?

Quả thật, với những gì đã diễn ra tại những lần phân làn lần trước, chẳng ai dám khẳng định nạn ùn tắc giao thông của Hà Nội đã được cải thiện. Vì những lần phân làn trước đó không thành công xuất phát từ quá nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân "bất khả kháng” đó là hạ tầng giao thông đô thị.

Hà Nội 36 phố phường ngày nào giờ đang trở lên quá trật hẹp, đông đúc. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở vẫn vậy, vẫn là những tuyến phố vừa nhỏ lại hẹp, đan xen vào đó là vô số những ngã ba, ngã tư, đường ngang, ngõ dọc,…, lại không có đường riêng cho xe buýt nên chỉ cần một cái xe buýt vượt qua làn đường của xe máy là ùn tắc có thể xảy ra, phân làn bị phá vỡ mà không dễ lập lại vì mật độ các phương tiện giao thông rất lớn.

Chờ lời giải từ đường sắt cao tốc

Đường sắt trên cao sẽ là giải pháp xóa sổ những hình ảnh như thế này.

Thực tế giao thông Hà Nội là thế. Nói như vậy không có nghĩa là bàn lùi, giải pháp phân làn giao thông ở một số tuyến phố ở Hà Nội để giảm bớt ách tắc trong điều kiện hiện tại của hạ tầng giao thông là việc làm cần thiết, là giải pháp tối ưu nhất và nhận được sự động thuận cao trong dư luận xã hội.

Nhưng cũng chính từ đây, bài toán giao thông Hà Nội lại đang đặt ra cho các cấp lãnh đạo Thủ đô quyết tâm đẩy nhanh các tuyến đường sắt đô thị như là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Vì thực tế, với tốc độ phát triển các phương tiện giao thông như hiện nay, chẳng biết hạ tầng giao thông Hà Nội sẽ chịu đựng được đến bao giờ.

Và những mong mỏi, kỳ vọng đó của đông đảo người dân Thủ đô đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông – Vận tải cụ thể hóa bằng quyết tâm quyết liệt triển khai các dự án đường sắt trên cao. Đã có không ít người dân khi được tận mắt chứng kiến giữa hồ Đống Đa và đường Hoàng Cầu những trụ cầu bằng bê tông đã xây xong của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông phải mừng thầm hạnh phúc: Hà Nội sẽ sớm thoát khỏi nạn ùn tắc giao thông.

Thông tin của Bộ Giao thông – Vận tải và UBND TP Hà Nội cho biết: tuyến đường này dài 13km do Cục Đường sắt Việt Nam thuộc Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư và Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu. Khởi công từ tháng 4/2010 đến nay công trình đang bước vào giai đoạn thi công khẩn trương.

Quyết tâm trên càng được khẳng định khi mới đây, trong quá trình đi kiểm tra việc thực hiện dự án, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tốc độ thi công để tháng 6/2014 chạy thử và chính thức đưa vào sử dụng ngày 2/9 hoặc chậm nhất là 1/10/2014.

Ngay tại thời điểm đó, đại diện của nhà thầu đã hứa với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội là sẽ cố gắng đẩy nhanh tốc độ thi công để chính thức đưa công trình vào sử dụng trong năm 2014 theo yêu cầu của thành phố. Từ động thái này cho thấy tính cấp bách của vấn đề giao thông ở một thành phố lớn như Hà Nội.

Hay như dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội cũng vậy, sau một thời gian đình đốn, trì trệ vì nhiều lý do cũng được tái khởi động với quyết tâm hoàn thành vào năm 2016. Không chỉ vậy, theo kế hoạch thì từ nay đến năm 2018, Hà Nội còn đưa vào sử dụng hai tuyến nữa là tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi và tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.

Và nếu được triển khai theo đúng kế hoạch đã định, chậm nhất đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 4 tuyến đường sắt đô thị kể cả chạy trên cao, chạy ngầm và nổi với sức chở lớn vừa nhanh, vừa thuận tiện cùng hoạt động.

Và nếu được như vậy thì có thể khẳng định: dù có cấm hay không cấm xe gắn máy thì lượng phương tiện này cũng sẽ giảm vì chẳng ai dại gì mà lại chọn giải pháp bon chen, nhích từng bước dưới bầu không khí ngột ngạt, bụi bặm trên các tuyến phố Thủ đô thay vì ngồi trên những chuyến tàu cao tốc vừa nhanh, vừa tiện lại không phải khổ sở vì ách tắc giao thông cả.

Từ nhiều năm nay, Hà Nội vẫn loay hoay đi tìm lời giải bài toán giao thông nhưng chưa gặt hái được thành công như mong muốn. Bài toán này tuy khó nhưng không phải là không có lời giải, nguyên nhân được cho là “bất khả kháng” đã được chỉ ra.

Và giờ đây, với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân Thủ đô là từng bước xây dựng một mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, bài toán giao thông chắc chắn sẽ sớm tìm ra lời giải.

Có thể sẽ phải 8 đến 10 năm nữa, hiệu quả của các dự án đường sắt cao tốc mới được khẳng định, nhưng ngay tại thời điểm này, chúng ta có quyền hy vọng: Bài toán giao thông Hà Nội đã tìm ra lời giải.

Thanh Ngọc