Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2: Nếu chần chừ, thiệt hại sẽ nặng hơn

Bài 2: Hoàn thành dự án là vì lợi ích quốc gia

11:43 | 06/04/2020

901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xét trên mọi góc độ - hiệu quả kinh tế, an ninh năng lượng, trật tự xã hội - các chuyên gia cho rằng việc tiếp tục hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là rất cần thiết. Nói như PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, “tiếp tục dự án chính là vì lợi ích quốc gia”. Đặc biệt, trong bối cảnh bão Codvid – 19 đang càn quét nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án này chính là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

“Tốt nhất nên vận hành vào năm 2021”

Trong con mắt của PGS. TS Trần Đình Thiên, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 hiện “như ngôi nhà chỉ còn chờ một hàng ngói nữa sẽ được hoàn thiện”, trong khi chủ đầu tư “có ngói nhưng vướng quy định nên không thể tự lợp nốt”.

Quả vậy, theo kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam cùng các chuyên gia độc lập, tính đến tháng 12.2019, dự án đã hoàn thành tổng thể 84,4% kế hoạch. Trong đó, phần thiết kế đạt 99,63%; ký các hợp đồng mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,8%; thi công đạt 82,19%; chạy thử đạt 5,75%. Dự án đã thanh toán cho các công việc hoàn thành hơn 32,2 nghìn tỷ đồng (tổng vốn đầu tư hơn 41,7 nghìn tỷ đồng), trong đó phần vốn chủ sở hữu đã thực hiện là 19,366 nghìn tỷ đồng, còn lại đi vay.

bai 2 hoan thanh du an la vi loi ich quoc gia
Phối cảnh tổng thể Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Trong trường hợp dừng dự án, về tài chính, chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ phải thanh toán cho các công việc đã hoàn thành hoặc hoàn thành một phần là 2,117 nghìn tỷ đồng, chưa kể tiền phạt dừng hợp đồng từ phía nhà thầu. “Khả năng bán dự án để thu hồi toàn bộ chi phí là rất thấp, thậm chí không bán được vì vấn đề pháp lý”, báo cáo chỉ rõ. Về vấn đề an ninh năng lượng (điện), sẽ không có nguồn điện từ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với lượng điện khoảng 7 tỷ kWh/năm. Điều này đồng nghĩa hệ thống phải huy động thêm từ các nguồn điện chạy dầu (có giá từ 3.000 – 5.500 VNĐ/kWh tương ứng dùng dầu FO và DO). Khi đó, về mặt kinh tế - xã hội sẽ chịu thiệt hại một khoản chênh lệch giá trị giữa các nguồn điện của sản lượng thiếu cần huy động. Về mặt an ninh trật tự xã hội, nếu dừng dự án sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng tới tỉnh Thái Bình, trong đó có việc các hộ dân đã nhường 131,74 ha đất (có kiện cáo, đòi nợ…)”.

Trong trường hợp tiếp tục triển khai dự án, nhóm chuyên gia cho rằng, dù có những khó khăn song thực chất, dự án chỉ cần tiếp tục giải ngân 9,59 nghìn tỷ đồng là hoàn thành. Trong đó, có 2,117 nghìn tỷ đồng buộc phải thanh toán cho các công việc đã hoàn thành hoặc hoàn thành một phần trước đó. Như vậy, khoản so sánh chênh lệch thực tế về đầu tư giữa 2 phương án (tiếp tục hoặc dừng dự án) chỉ là 7,48 nghìn tỷ đồng.

Về phía chủ đầu tư chỉ xem xét mức độ hiệu quả trên quan điểm dòng tiền không tính chiết khấu cho thấy, nếu dự án vận hành vào năm 2021, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ chủ đầu tư eIRR là 5,51%; thời gian thu hồi toàn bộ giá trị đầu tư không chiết khấu vào năm 2033, có chiết khấu vào năm 2046. Nếu vận hành vào năm 2022, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ chủ đầu tư là 5,42%; thời gian hoàn vốn lần lượt vào các năm 2034 và 2049. Năm 2023, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ chỉ còn 5,36%; thời gian thu hồi vốn vào năm 2034 và 2052. Tóm lại, “trong điều kiện hiện nay, việc đưa nhà máy vận hành tốt nhất vào năm 2021” vì “chỉ số hiệu quả khi dự án đi vào hoạt động năm 2021 cao hơn thời điểm năm 2022, 2023”.

Nhóm chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh dự án hiện nay (tòa đã xử và tuyên án, cơ quan pháp luật đang tiến hành thu thập hồ sơ…), “việc tiếp tục triển khai dự án cần có cơ chế đặc biệt để vừa thực hiện công việc vừa bảo vệ cán bộ dám thực hiện vì lợi ích chung”. Cơ chế đặc biệt ở đây ý nói đến việc cho phép PVN sử dụng hơn 9,59 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu tiếp tục đầu tư cho Nhiệt điện Thái Bình 2. Trong số này, có 2,117 nghìn tỷ đồng buộc phải thanh toán theo các điều khoản hợp đồng về khối lượng công việc đã thực hiện, do đó khoản so sanh chênh lệch thực tế về đầu tư giữa 2 phương án chỉ là 7,48 nghìn tỷ đồng. “Khi không có được nguồn vốn vay thì giải pháp này phù hợp nhất xét cả về phía cạnh hiệu quả kinh tế tương đối (so với việc dừng dự án), khía cạnh nguồn cung điện và vấn đề an ninh, trật tự xã hội”, báo cáo nêu rõ.

bai 2 hoan thanh du an la vi loi ich quoc gia
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoàn thành dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là vì lợi ích quốc gia

“Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được thu xếp vốn theo phương án cơ cấu 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay). Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ này có thể đúng trong rất nhiều trường hợp để tránh rủi ro nhưng với một số dự án lại là tai họa, tức là người ta muốn cứu dự án trên cơ sở nguồn lực của mình nhưng không được làm vì như vậy là “phạm luật”. “Chính sự cứng nhắc về cơ chế này nhiều khi trói tay trói chân người ta. Trường hợp dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đáng ra chúng ta xử lý được vì chỉ còn chờ giải ngân hơn 9 nghìn tỷ đồng nữa sẽ hoàn thiện dự án, nhưng chúng ta để thời gian cứ thế trôi đi khiến máy móc hư hỏng tăng, trong khi người ta có tiền cũng không được phép làm”.

Từ đó, ông Thiên nhấn mạnh vấn đề ở đây là phải sớm đưa ra quyết sách để tháo gỡ vướng mắc về việc này. PVN đã chi cho dự án này 32.000 tỷ đồng tương đương ¾ tổng số vốn đầu tư và mỗi ngày lại phát sinh thêm 6 tỷ đồng tiền lãi cho các khoản vay để đầu tư cho dự án.

Với việc dự án bị chậm tiến độ không phải tính bằng ngày, bằng tháng mà bằng năm, thì riêng khoản thiệt hại này thôi đã là vô cùng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn khoản thiệt hại khác lớn hơn gấp hàng chục lần. Đó là, nếu chậm một ngày, sẽ làm tăng mức độ hư hỏng của máy móc, thiết bị đã đầu tư; nếu không tiếp tục triển khai dự án thì toàn bộ máy móc, công nghệ sẽ chỉ như đống sắt vụn, thiệt hại lớn cho ngân sách. Chưa hết, nếu dừng dự án, PVN vẫn phải trả thêm hơn 2.000 tỷ đồng cho những phần việc đã thực hiện trước đó. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay. Vì vậy, theo ông Thiên, “việc tiếp tục dự án nên đặt vấn đề vì lợi ích quốc gia lên trên hết, đừng sợ người ta có động cơ chấm mút gì ở đây. Tất nhiên, đi kèm với đó phải có cơ chế giải trình”.

Nhìn trên khía cạnh an ninh năng lượng, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long dẫn dự báo của Bộ Công thương cho thấy, giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu song hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022). Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025. “Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với 2 tổ máy công suất 1.200 MW để phát điện có ý nghĩa rất lớn với an ninh năng lượng quốc gia khi bổ sung khoảng 7 tỷ kWh/năm”.

Trường hợp không thể đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành đúng tiến độ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tìm nguồn phát điện chạy bằng dầu để thay thế và phải bù thêm 4.000 - 5.000 đồng/kWh và với sản lượng điện chạy dầu trong năm nay dự kiến là 3 tỷ kWh, chi phí phải bù thêm lên đến 12.000 - 15.000 tỷ đồng. Trong một cuộc họp về dự án, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết với sản lượng 7 tỷ kWh mỗi năm, nếu không kịp vận hành từ năm 2020 thì mỗi năm sẽ phải tốn khoảng 35.000 tỷ đồng để chạy dầu bù sản lượng điện của nhà máy này. Điều đáng lo là rồi đây tất cả những thiệt hại đó sẽ được tính vào giá thành điện, giá thành dịch vụ và người dân và doanh nghiệp, hay nói rộng ra là toàn bộ nền kinh tế, mới là người phải gánh chịu!

“Rõ ràng, xét cả về an ninh năng lượng lẫn kinh tế xã hội, dự án này cần phải được triển khai nếu chúng ta không muốn hơn 32.000 tỷ đồng đã giải ngân sẽ mất trắng”, ông Long nói. Điều khiến vị chuyên gia này cảm thấy nuối tiếc là “đến nay, dự án vẫn dậm chân tại chỗ cho thấy trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, trực tiếp là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước”. “Đợi đến giờ mới có quyết sách cuối cùng là quá muộn”, ông Long nói.

Theo Báo Đại biểu nhân dân