Áp trần giá dầu của Nga: Khó như lên trời!
Nhằm thắt chặt tài lực chiến tranh của Moscow, bộ ba G7 - Liên minh Châu Âu - Úc đã áp đặt giá trần lên những sản phẩm dầu thô của Nga kể từ tháng 12/2022, và dầu mỏ tinh chế kể từ tháng 2/2023.
Nếu giá thùng dầu không vượt quá mức trần, những công ty kinh doanh dầu Nga có thể tiếp cận những dịch vụ tài chính, tàu vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa của phương Tây.
Tuy nhiên, ông Mike Salthouse - Giám đốc đối ngoại của dịch vụ bảo hiểm NorthStandard P&I Club, cho biết: “Nhưng tài liệu vận chuyển có thể chứa thông tin sai lệch. Những chủ tàu sẽ khó mà biết được giá thực tế. Nếu Nga muốn xuất khẩu dầu và bán với giá cao hơn mức trần, thì doanh nghiệp xuất khẩu của Nga và người nhận sẽ lợi dụng cơ hội này để không tiết lộ thông tin về giá trị thực tế của lô hàng”.
Giá trần đã kéo giá dầu Nga xuống, nhưng khi giá dầu Brent vượt mức 80 USD/thùng, giá dầu Urals của Nga cũng đã bị đẩy qua mức 60 USD/thùng. Hiện nay, dầu ESPO Blend - xuất khẩu từ cảng Kozmino ở Viễn Đông, cũng được giao dịch với giá cao hơn 60 USD/thùng.
Trên thực tế, ngay cả khi chưa có cơ chế giá trần, những công ty bảo hiểm đã không có cách nào để xác minh giá trị của những lô hàng, vì có thể chúng đã đi qua nhiều lần giao dịch trước khi đến đích.
Ông Lars Lange - Tổng thư ký Liên minh Bảo hiểm Hàng hải Quốc tế, cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn không thể định giá giá trị của lô hàng dầu mỏ. Những giấy phép thông quan gửi đến chúng tôi đều có biểu hiện tuân thủ giá trần, nhưng tôi biết có điều gì đó đang diễn ra đằng sau bức màn. Không có điều luật nào để giúp chúng tôi đối phó với những trường hợp cụ thể này”.
Rủi ro an ninh tăng
Ngoài rủi ro vi phạm lệnh trừng phạt, còn có vấn đề gia tăng số lượng tàu thuộc “hạm đội tàu ma” - tức tàu chở dầu mà các quốc gia mua để vận chuyển dầu của Nga. Theo các nhà lãnh đạo, điều này làm tăng rủi ro an ninh cho ngành vận tải biển.
Ông Rolf Thore Roppestad - Giám đốc điều hành dịch vụ hàng hải Gard AS cho biết: “Hạm đội tàu ma là rủi ro lớn đối với tất cả những chủ tàu đang tuân thủ theo quy định trừng phạt”. Đồng thời, theo ông, nguy cơ va chạm với loại tàu này đang gia tăng.
Ông nói tiếp: “Tôi không có giải pháp nào cho trường hợp hạm đội tàu ma. Nhưng nếu chúng ta hiểu được mức độ rủi ro, chúng ta có thể đề phòng”.
Theo ông Salthouse, lệnh trừng phạt làm nhiều tàu đối mặt với nguy cơ mất bảo hiểm, tạo thêm rủi ro cho những chủ tàu và chính phủ trên khắp thế giới.
“Đó là một vấn đề mà chúng tôi đã cố gắng giải thích với các chính phủ. Không ai được lợi khi nhìn thấy những con tàu lênh đênh trên biển, vừa không có bảo hiểm, vừa chở hàng hóa nguy hiểm. Chúng tôi đã không nhận được tiền, mà còn gặp nhiều chuyện khác nữa", trích lời ông Mike Salthouse.
Ngọc Duyên
AFP
-
Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu, giá gạo giảm mạnh nhất trong 16 năm
-
Trung Quốc nới lỏng hạn chế mua nhà, giá sắt thép tăng vọt
-
Ấn Độ nhập khẩu vàng tăng gấp 3 lần
-
Fed để ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất lớn
-
Các nhà kinh tế thúc giục Trung Quốc tăng cường “giải cứu” bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng