An toàn hành lang lưới điện: Bài toán nan giải

07:40 | 06/09/2015

801 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cơ cấu nguồn năng lượng nước ta, điện vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu, là đầu vào đảm bảo hoạt động động của hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế. Điện vì thế được ví là “máu” nuôi sống cơ thể nền kinh tế. Và trong đó, hệ thống lưới điện chính là “mạch máu” đưa “máu” đi khắp cơ thể. “Mạch máu” có ổn định, an toàn thì điện mới thông suốt. Tuy nhiên, do lưới điện nằm trải dài, nhiều khu vực xa xôi, cách trở nên để làm được điều này, ngành điện rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, của cộng đồng xã hội…  

Vấn đề cấp bách

Số liệu thống kê của Chi nhánh lưới điện cao thế Bắc Ninh cho thấy, tính đến hết tháng 4-2015, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 44 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện 110, chiếm 1/3 số trường hợp vi phạm ở khu vực miền Bắc. Còn tại Nam Định, 3 tháng đầu năm 2015 cũng có tới 27 sự cố do người dân thả diều, vật bay, quăng ném các vật thể vào đường dây. Đại diện Ban An toàn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng ngừa, xử lý, giải quyết các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, năm 2014 đã giảm được 1.310 vụ so với cùng kỳ, tuy nhiên số vụ vi phạm vẫn rất lớn đến 5.499 vụ.

an toan hanh lang luoi dien bai toan nan giai

Nhà xây dựng dưới đường dây 220kV ở TP Cần Thơ

Ông Đinh Thế Phúc - Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khi nói về câu chuyện này đã cảnh báo: Việc cung ứng điện đã được đảm bảo ổn định, tuy nhiên do sự cố mưa giông bất thường và vi phạm hành lang an toàn lưới điện đã gây ra tình trạng mất điện ở một số khu vực.

Còn theo ông Vũ Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải Quốc gia, hầu như địa phương nào cũng có vi phạm. Ở miền Bắc, miền Nam, các vụ vi phạm chủ yếu là khoảng cách an toàn phóng điện cao áp như do thả diều, xe cẩu, tàu, sà lan... do tổ chức, doanh nghiệp gây nên còn khu vực miền Trung vi phạm là do các cá nhân đốt nương, rẫy để lấy đất canh tác hoặc khai thác cây gây gãy đổ vào đường dây.

Có thể thấy những vi phạm chủ yếu do thiếu kiến thức về an toàn lưới điện, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, doanh nghiệp về lĩnh vực điện lực còn thấp. Điều này không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản mà còn gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho ngành điện trong việc khắc phục. Điển hình như năm 2014, tại Nam Định đã xảy ra hai sự cố do diều gây ra làm cháy máy biến áp trạm 110kV Nam Ninh và trạm trung gian 35/10kV Cổ Lễ, thiệt hại hơn 11 tỉ đồng.

Các sự cố lưới điện cao áp đều gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ví dụ như Công ty Cổ phần dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise (Nam Định) 3 tháng đầu năm 2015, công ty bị 2 lần mất điện đột ngột khiến thiết bị, máy móc bị hư hỏng với tổng thiệt hại hơn 20.000 USD, chưa bao gồm thiệt hại về sản lượng, uy tín do chậm đơn hàng. Hệ thống máy móc hiện đại, được lập trình tự động hóa nên khi mất điện đột ngột đã ảnh hưởng đến bộ nhớ, do đó sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện sẽ bị hỏng và phải hủy hết để làm lại.

Mới đây, ngày 25-5, tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã xảy ra tai nạn phóng điện 110kV, làm 4 học sinh bị bỏng, trong đó có 1 em đã qua đời sau 10 ngày điều trị. Nguyên nhân được xác định là khi đi ngang qua vị trí có đường điện cao thế, các em đã vác cần câu vi phạm khoảng cách an toàn nên bị phóng điện. Vụ việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm hành lang lưới điện cao áp.

Cần sự vào cuộc của cộng đồng

Hệ thống điện có được ổn định, an toàn hay không phụ thuộc rất lớn vào lưới điện truyền tải, do đó việc bảo vệ hành lang lưới điện có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tránh xảy ra sự cố mất điện, nhất là trong mùa nắng nóng 2015 và các năm tiếp theo. Để đảm bảo cấp điện an toàn phục vụ nền kinh tế, sinh hoạt của người dân, nhất là trong mùa nắng nóng 2015, hầu như trong cuộc giao ban nào, lãnh đạo Bộ Công Thương đều chỉ đạo các đơn vị, trực thuộc và EVN, cũng như có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố và Tập đoàn EVN tăng cường rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn đường dây truyền tải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra sự cố điện.

Trên thực tế, mỗi tỉnh, quận, huyện đều có hội đồng xử lý vi phạm an toàn hành lang công trình lưới điện cao áp, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao, chủ yếu vẫn do ngành điện thực hiện là chính nhưng do nhiều nguyên nhân như địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nhân lực mỏng, thiếu quyền hạn, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng địa phương nên việc phát hiện, xử lý những vi phạm không hề đơn giản.

Đối với việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện như đốt nương làm rẫy, chặt cây rừng gãy đổ vào đường dây, canh tác trong và ngoài hành lang lưới điện của bà con người dân tộc; hay việc thả diều, đốt pháo, xây dựng lấn chiếm không gian lưới điện cao áp gây sự cố dù có “bắt tận tay, day tận trán” cũng khó xử lý, một là vướng “cái tình” vô ý, hai là ít khi “bắt đền” vì đối tượng vi phạm rất nghèo. Nhiều vụ việc còn kéo dài không được giải quyết gây bức xúc cho người dân. Đơn cử như trường hợp vi phạm ở tổ 2, phường An Hòa, Hà Đông, Hà Nội kéo dài tới 3 năm chưa xử lý xong.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó phòng Quản lý Điện năng Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố còn trên 800 điểm vi phạm, phấn đấu năm 2015 không để phát sinh mới và giảm 30% số vụ nhưng việc xử lý triệt để gặp nhiều khó khăn do vấn đề lịch sử để lại.

Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 Võ Đình Thủy cho biết, đơn vị chịu trách nhiệm cấp điện cho 21 tỉnh, thành phố, nếu xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm, do đó để hạn chế tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, đơn vị đã thường xuyên, rà soát kiểm tra, đảm bảo toàn bộ các thông số kỹ thuật an toàn của hành lang lưới điện; lắp đặt các biển báo hiệu, biển cấm theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích bằng nhiều hình thức để người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

Ông Vũ Ngọc Minh khi đưa quan điểm này cũng khuyến cáo, những vụ sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện để lại những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đời sống tinh thần và cả tính mạng của người dân. Về kinh tế xã hội làm tê liệt, gián đoạn hoạt động sản xuất của hầu hết các ngành nghề, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất… Chính vì vậy, ngành điện rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng các cấp tại địa phương. Với riêng EVNNPT, Tổng công ty đã định hướng các công ty truyền tải điện tăng cường công tác kiểm định kỳ, qua đó sớm phát hiện các vi phạm, nguy cơ vi phạm để kịp thời ngăn ngừa, xử lý theo quy định; chủ động kết hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền mang tính liên tục, hiệu quả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các biện pháp tuyên truyền về hành lang an toàn lưới điện đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khuyến cáo, đề nghị tổ chức, cá nhân chuyển mục đích canh tác sang trồng cây ngắn ngày, độ cao thấp bên ngoài hành lang.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện đang là bài toán khó nhưng không phải không có lời giải. Trước mắt hội đồng xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện của các địa phương phải tập trung rà soát, phân loại các điểm vi phạm, chỉ đạo giải quyết triệt để mang tính răn đe, không để lặp lại. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, thực thi Luật Điện lực và các văn bản liên quan nhằm nâng cao ý thức chấp hành bảo vệ hành lang lưới điện, phòng tránh các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn về điện... thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp ở địa phương, chương trình giáo dục trong nhà trường. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp trong quản lý đất đai, dự án, cấp phép xây dựng...; đối với ngành điện cần đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra các tuyến đường dây do đơn vị quản lý, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các điểm vi phạm.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 454