Ai? Tổ chức nào? Bao giờ?

17:13 | 29/12/2011

406 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là những câu hỏi mà bất cứ người nào, từ các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân đến tất thảy mọi người dân đều muốn đặt ra, muốn biết rõ trước những việc làm đã hoặc chưa ổn, những dự án… đem lại hiệu quả hoặc ngược lại, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, cũng là tiền bạc của nhân dân và cuối cùng là những kế hoạch trong tương lai được mọi người quan tâm bởi tính hữu ích thiết thực cho đời sống cộng đồng.

Thời gian qua, một trong nhiều việc rất lớn chúng ta đã làm được, đạt hiệu quả rõ rệt là kiềm chế lạm phát. Điều này đã tác động trực tiếp theo hướng có lợi cho đời sống nhân dân. Công sức hiển nhiên là của Chính phủ, trong đó không thể không nhắc đến đóng góp đáng kể của vị tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngân hàng Nhà nước đã khống chế trần lãi suất huy động tiền gửi (14%/năm).

Trong các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội vừa qua, các đại biểu đều rất bức xúc với nhiều việc "nóng” hiện nay: ùn tắc và tai nạn giao thông gia tăng; giáo dục còn tụt hậu; giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện chưa minh bạch; đầu tư công còn dàn chải; việc xây dựng ở thủ đô còn bất hợp lý; hè, đường ở Hà Nội còn lộn xộn, chậm được khắc phục… Cũng như những thành tựu, mọi hạn chế, yếu kém đều có trách nhiệm từ một tổ chức, cơ quan và có người đứng đầu cụ thể. Chắc chắn phải có danh tính rõ ràng.

Ví như việc di rời các nhà máy, bệnh viện, một số trường đại học, các trung tâm nghiên cứu ra khỏi nội đô để giảm áp lực phương tiện dẫn tới ùn tắc giao thông là một chủ trương đúng đắn, đã có từ lâu. Nhưng một số tòa nhà "chọc trời” tại trung tâm vẫn tiếp tục mọc lên. Ai là người quyết định, có hiệu lực pháp lý để việc này được thực thi? Tại các phường, quận, ai là người ký cho phép nhiều điểm trông, giữ ôtô, xe máy chiếm dụng vỉa hè, lòng đường dẫn tới ùn tắc giao thông? Ai có trách nhiệm ký quyết định thu hồi, chuyển giao các dự án "treo”, sau nhiều năm không triển khai, gây lãng phí đất đai mà vẫn không thực thi phận sự, để các dự án tiếp tục nằm im, gây bất đồng tình trong dư luận? v.v…

Khi trả lời chất vấn, một số vị có trách nhiệm thường dùng từ sẽ (sẽ khắc phục, sẽ xử lý, sẽ cho triển khai, sẽ xúc tiến…). Nhưng các đại biểu và người dân cần câu trả lời cụ thể hơn là bao giờ? Không thể cụ thể đến từng ngày, nhưng phải nói rõ quý, năm nào hoàn tất kế hoạch, công việc. Tất nhiên, mọi sự trì trệ, không như ý muốn đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng cần thấy nguyên nhân chủ quan là chính. Nhớ lại lịch sử tháng 8/1945, phải đương đầu với kẻ thù quay lại mưu cướp nước ta một lần nữa, Chính phủ ta khi ấy chỉ có 2 bàn tay trắng đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công.

Bộ máy hành chính của ta đang vận hành theo cơ chế dân chủ, tập trung. Dân chủ thì đã rõ, ai cũng có thể đóng góp tâm, trí. Còn tập trung thì xin trở lại câu hỏi: Ai? Tổ chức nào? Bao giờ?

Ninh Bình