Ai phải chịu trách nhiệm về những tổn thất ở sự cố kênh đào Suez?

07:03 | 31/03/2021

136 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 30/3, kênh đào Suez đã được thông trở lại nhưng cuộc tranh luận về những thiệt hại do việc đóng cửa kéo dài tại tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới này mới chỉ bắt đầu.
Ai phải chịu trách nhiệm về những tổn thất ở sự cố kênh đào Suez? - 1
Tàu Ever Given đã được giải cứu và kênh đào Suez đã thông thương trở lại từ ngày 30/3 (Ảnh: Bloomberg).

Con tàu container khổng lồ Ever Given đã được giải cứu hôm 29/3. Sau 6 ngày tắc nghẽn, giao thông trên kênh đào Suez đã thông suốt trở lại. 6 ngày cũng là thời gian tắc nghẽn dài nhất tại tuyến giao thông đường thủy nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ trong nửa thế kỷ qua.

"Ai Cập sẽ có rất nhiều việc để làm"

Trong một tuyên bố mới đây, công ty thuê tàu Evergreen Line của Đài Loan cho biết, tàu Ever Given đã di chuyển về phía Bắc và đang được kiểm tra các thiệt hại. Các cuộc kiểm tra này sẽ xác định liệu con tàu có thể tiếp tục lịch trình và có gì xảy ra đối với số hàng hóa trên tàu này hay không.

Những ngày qua, chính quyền Ai Cập đã nỗ lực để con đường vận tải thủy này lưu thông trở lại. Bởi đây là con đường thông thương của 12% tổng thương mại toàn cầu và khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Theo nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape Shipping Services, 421 tàu đã chờ đợi để lưu thông qua Suez này lúc 8h sáng qua (giờ địa phương). Kênh đào này thường chỉ lưu thông được khoảng 50 lượt mỗi ngày, nhưng trong những tuần tới, họ sẽ phải xử lý nhiều hơn.

"Việc điều phối tàu nào đi trước và làm sao để sắp xếp điều đó, tôi nghĩ Ai Cập sẽ có rất nhiều việc để làm", ông John Wobensmith - CEO của Genco Shipping & Trading Ltd nói với Bloomberg.

Trong cuộc họp báo ngày 29/3, Cơ quan quản lý kênh đào Suez khẳng định, sẽ mất 4 ngày để giao thông trở lại bình thường.

Theo Arthur Richier - nhà phân tích tại công ty năng lượng trí tuệ Vortexa - cước vận tải tại một số chuyến bị ảnh hưởng đang tăng lên bởi số tàu chở dầu sẵn có tại cảng ít đi do nhiều tàu bị mắc kẹt và một số tàu phải mất nhiều ngày hơn mới tới nơi khi di chuyển vòng qua cực Nam châu Phi.

Rustin Edwards - người đứng đầu bộ phận thu mua dầu của hãng vận tải biển Euronav NV - cũng cho biết: "Sẽ phải mất khoảng 5-6 ngày mới giải quyết được tất cả những tàu đang ùn ứ tại đây. Tại một số cảng bắt đầu xảy ra tình trạng ùn ứ khi các tàu đến cùng một lúc". Theo ông, các công ty container sẽ phải "đau đầu" trong vài tuần tới.

Thiệt hại lớn với công ty tái bảo hiểm?

Theo Fitch Ratings, sự cố trên sẽ gây thiệt hại lớn cho các công ty tái bảo hiểm toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bão mùa đông ở Mỹ và lũ lụt ở Úc. Do đó, giá tái bảo hiểm hàng hải sẽ tăng cao hơn nữa. Theo ước tính của Fitch, thiệt hại có thể lên tới hàng trăm triệu Euro.

Trong trường hợp kiện tụng xảy ra, các chủ sở hữu hàng hóa trên tàu Ever Given và tàu khác có thể yêu cầu các công ty bảo hiểm bồi thường vì giao hàng chậm. Và như vậy, các công ty bảo hiểm này lại nộp đơn kiện lại chủ tàu của Ever Given. Để bảo vệ mình, chủ tàu này lại tìm đến các công ty bảo hiểm của mình.

Công ty thuê tàu Đài Loan Evergreen cho rằng, chủ tàu Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha phải chịu trách nhiệm về mọi tổn thất này. Trước đó, Shoei Kisen đã lên tiếng nhận một số trách nhiệm nhưng họ cho rằng công ty thuê tàu cần phải chịu trách nhiệm với các chủ hàng.

Một nhân viên của Shoei Kisen cho biết, công ty vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu bồi thường nào và họ vẫn đang xem xét họ phải chịu trách nhiệm gì. Hiện thân tàu Ever Given được bảo hiểm tại ba công ty Nhật Bản.

Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết, trách nhiệm đối với việc tiếp đất của con tàu khổng lồ này sẽ được xác định sau một cuộc điều tra. Cơ quan quản lý kênh không có lỗi và thuyền trưởng của con tàu - không phải hoa tiêu - phải chịu trách nhiệm về con tàu.

Theo Dân trí