Ai “ém” con số vụ tai nạn lao động?

07:00 | 13/03/2014

1,098 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013, cả nước xảy ra hơn 550 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người, nhưng cuối năm chỉ nhận được 175 biên bản điều tra. Nhiều người đặt câu hỏi, đang có chuyện gì khuất tất đằng sau những con số? hay Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) làm chưa hết trách nhiệm?

Năng lượng Mới số 303

Những con số này được đưa ra trong cuộc họp báo về Tuần lễ Quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ được tổ chức vừa qua. Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2013 cả nước xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động, làm chết 627 người và 6.260 người bị thương. So với những năm trước, mặc dù tổng vụ tai nạn lao động có giảm nhưng số vụ có người chết và số người chết đều tăng 10-21%. Đồng Nai dẫn đầu danh sách số vụ tai nạn lao động với gần 1.700 vụ, TP Hồ Chí Minh có số người chết nhiều nhất là 92 người.

Như vậy, mặc dù số lượng các vụ tai nạn lao động có xu hướng giảm nhưng tai nạn lao động nghiêm trọng lại có xu hướng tăng và chiếm tỷ lệ lớn. Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động (chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết, người bị thương…) năm 2013 là 71,85 tỉ đồng và thiệt hại về tài sản là 6,27 tỉ đồng.

Khai thác khoáng sản vẫn dẫn đầu về tai nạn lao động

Điển hình, ngày 7/12/2013, vụ tai nạn thương tâm xảy ra do ngạt khí tại Công ty TNHH Việt Nam Chitin (Hậu Giang) đã làm 4 người tử nạn. Trước đó, vụ tai nạn do trật toa xe khỏi đường ray xảy ra ngày 24/11/2013 tại Công ty Than Vàng Danh cũng lấy đi tính mạng của 3 công nhân và làm 4 người khác bị thương nặng. Trong năm 2013, có 2 vụ ngạt khí xảy ra trong quá trình lao động tại vỉa than 643 (Quảng Ninh) và Nhà máy Tinh luyện dầu - Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (Đồng Tháp) cũng khiến nhiều người thiệt mạng.

Ngoài ra, những vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng về người và của trong vụ sập đá tại mỏ đá Lèn Rỏi ở Nghệ An, sự cố thang máy tại công trình xây dựng khu đô thị Đại Thanh (Hà Nội), sập dàn giáo tại công trình cầu Sông Tranh (Hải Dương) hay vụ tai nạn do ngã vào hồ xử lý chất thải tại Công ty Hào Dương (TP HCM) cho thấy tai nạn lao động luôn là nỗi lo thường trực và đáng báo động.

Xin được nói thêm rằng, tất cả các vụ tai nạn lao động đều phải được điều tra và lập biên bản kể từ khi xảy ra theo thời hạn sau: Không quá 48 giờ đối với vụ tai nạn lao động nặng; không quá 10 ngày làm việc đối vụ tai nạn lao động nặng làm bị thương từ 2 người trở lên; không quá 20 ngày làm việc đối vụ tai nạn lao động chết người; không quá 40 ngày làm việc đối với vụ tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật. Đối với vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng cần gia hạn điều tra, thì trước khi hết hạn điều tra 5 ngày làm việc. Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động phải báo cáo và xin phép người ra quyết định thành lập đoàn điều tra. Thời hạn gia hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định.

Lý giải về điều này, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn Lao động phân trần rằng, hiện nay toàn quốc chỉ có hơn 400 nhân viên thanh kiểm tra hàng ngàn cơ sở lao động. Chính vì vậy, việc thanh kiểm là không xuể.

Một chi tiết mà nhiều người đặc biệt chú ý là: chỉ có 175 bản báo cáo điều tra về tai nạn lao động trong khi trong năm có 550 vụ tai nạn lao động chết người (trong gần 6.700 vụ). Đang có chuyện gì khuất tất đằng sau những con số? Hay Bộ LĐ-TB&XH làm chưa hết trách nhiệm?

Theo quy định về nhiệm vụ của các đoàn điều tra tai nạn lao động thì khi nhận được tin báo của cơ sở sản xuất có tai nạn chết người hoặc có 2 lao động bị tai nạn nặng trở lên, Thanh tra các Sở LĐ-TB&XH tỉnh thông báo ngay cho các cơ quan thuộc thành phần đoàn điều tra tai nạn lao động để tham gia.

Đoàn điều tra tai nạn lao động phải lập tức đến ngay cơ sở để xảy ra tai nạn, yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp các tài liệu, hồ sơ, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn và phối hợp với cơ quan công an huyện hoặc tỉnh tiến hành điều tra tại chỗ để lập biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm thương tích, thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn.

Như vậy có thể thấy rằng, con số 550 vụ tai nạn lao động làm chết người là do các cơ sở sử dụng lao động báo cáo. Nghĩa là, các cơ sở đã hoàn thành trách nhiệm thông báo của mình. Thế nhưng, chỉ có 175 bản báo cáo điều tra tai nạn do cơ quan chức năng hoàn thành. Tại sao con số này lại nhỏ như vậy? Lý giải về vấn đề này, ông Thắng cho hay, hiện nay có hai loại báo cáo. Khi xảy ra một vụ tai nạn lao động nào đó, sẽ có báo cáo nhanh của cơ sở và báo cáo định kỳ. Với báo cáo nhanh thì các doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ vẫn cố tình giấu giếm hoặc cố tình làm sai lệch thông tin. Còn đối với báo cáo định kỳ của các địa phương thì lại chưa đầy đủ, cần phải có các yếu tố phân tích. Việc phối hợp giữa các cấp chưa tốt nên tiến độ điều tra các vụ tai nạn lao động chết người vẫn còn rất chậm so với quy định. Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn xảy ra trong khai thác khoáng sản tư nhân, trong các công trình xây dựng nhà ở của dân thì chẳng có ai đứng ra tiến hành điều tra, thống kê và báo cáo.

Đương nhiên, khi để xảy ra tai nạn lao động, những cơ sở sản xuất thường để lộ ra những khiếm khuyết trong công tác bảo hộ, đảm bảo an toàn lao động. Trách nhiệm của những cơ sở này là rất lớn. Thế nên, đương nhiên họ sẽ tìm đủ mọi phương kế để giấu giếm, làm sai lệch hồ sơ và tính chất của vụ việc. Nếu các đoàn điều tra tai nạn lao động chỉ theo những thông tin từ hồ sơ do cơ sở cung cấp thì những thông tin ấy liệu có đáng tin, liệu người lao động có được bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm của những cơ sở sử dụng lao động có được thực thi.

Để khắc phục vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu và ban hành các thông tư mới để các doanh nghiệp, các cơ sở lao động thuận tiện hơn trong việc báo cáo tình hình an toàn lao động.

Đặt vấn đề trách nhiệm của địa phương trong việc xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, ông Thắng cũng cho biết thêm rằng, hiện nay chưa có chế tài nào quy định nhắc nhở địa phương. Tuy trong Chỉ thị của Ban Bí thư có nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra nhiều tai nạn lao động nhưng trách nhiệm như thế nào vẫn còn chưa được quy định cụ thể.

Khi có bất cứ một vụ tai nạn lao động nào xảy ra, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến người lao động ấy đã được quy định rõ ràng. Chưa vội nói đến tính chính xác của những bản báo cáo điều tra tai nạn lao động, chỉ tính riêng đến con số những biên bản kia quá thấp với con số thực tế cũng đã là việc đáng suy nghĩ. Đương nhiên, trách nhiệm của cơ sở sử dụng lao động đã rõ ràng nhưng trách nhiệm của cơ quan thanh tra tai nạn lao động cũng không thể chối quanh.

Tiến - Minh