Ai Cập lại sắp có chính biến?

07:00 | 02/07/2013

347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tình hình tại Ai Cập đang có những diễn biến ngày càng tồi tệ. Trong khi người biểu tình tấn công trụ sở của phe cầm quyền thì bên trong nội các chính phủ, 4 bộ trưởng đã từ chức. Tối hậu thư của phe đối lập cũng đã được đưa ra.

Dân Ai Cập biểu tình tại Quảng trường Tahrir hô các khẩu hiệu phản đối Tổng thống Morsi, ngày 30/6

Người biểu tình Ai Cập hôm 1/7/2013 đã tiến chiếm và phá hoại trụ sở của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Họ bắt đầu tấn công vào cơ quan này trong đêm 30/6, sau các vụ đụng độ giữa hai phe chống đối và ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi làm cho 16 người chết.

Tòa nhà trên đây nằm tại khu Moqattam ở phía đông Cairo, đã bị tràn ngập và cướp phá, sau khi đốt cháy một phần vào tối 30/6. Một số người quẳng các đồ vật qua cửa sổ, số khác mang đi những chiếc nón sắt, áo giáp chống đạn, tivi, bàn ghế và tài liệu.

Các nhân chứng cho hãng tin AFP biết không có thành viên nào của Huynh đệ Hồi giáo hiện diện bên trong lúc đó, vì họ đã được đưa ra khỏi trụ sở trước cuộc tấn công.

Xung quanh tòa nhà, những người biểu tình hô to các khẩu hiệu chống Tổng thống Morsi và Huynh đệ Hồi giáo, trên nền các bài nhạc yêu nước.

Một phát ngôn viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo tối 30/6 cho biết “150 tên côn đồ” đã tấn công vào trụ sở bằng cách quăng vào các chai bom xăng tự tạo, ném đá, bắn súng săn. Truyền hình nhà nước cũng chiếu cảnh tòa nhà này bị đám đông xông vào.

Theo nguồn tin y tế, một thanh niên 26 tuổi đã bị thiệt mạng do trúng đạn vào đầu trong vụ tấn công này, hàng chục người khác bị thương. Tổng cộng hôm 30/6 đã có đến 16 người chết trong các vụ chạm trán giữa hai phe chống đối và bảo vệ ông Morsi trên cả nước Ai Cập.

Trong khi đó, AFP dẫn lời một viên chức cao cấp của chính quyền nói rằng hôm qua, bộ trưởng các bộ Du lịch, Môi trường, Thông tin, Tư pháp đã cùng gửi đơn cho Thủ tướng Hicham Qandil xin từ chức, sau các cuộc biểu tình khổng lồ hôm 30/6 với 14 triệu người trên tổng số 84 triệu dân tham gia.

Người dân đã xuống đường rầm rộ tại Cairo và nhiều thành phố khác, hô vang khẩu hiệu “Nhân dân muốn chế độ sụp đổ” - đây cũng là khẩu hiệu đã từng vang lên trên các đường phố Ai Cập vào đầu năm 2011, chống lại chế độ độc tài của ông Hosni Mubarak.

Người biểu tình Ai Cập tấn công trụ sở của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo

Sau khi thu thập được 22 triệu chữ ký cho bản kiến nghị đòi Tổng thống Morsi phải ra đi, phong trào Tamarrod (tiếng Ả Rập có nghĩa là nổi dậy) đã ra tối hậu thư cho ông Mohamed Morsi, đến 17 giờ ngày 2/7 (15 giờ GMT) phải rời bỏ quyền lực, để các định chế Nhà nước có thể chuẩn bị cho một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn. Trang web của phong trào này đe dọa, trong trường hợp ông Morsi từ chối, lúc 17 giờ ngày 2/7 sẽ là lúc khởi đầu cho một chiến dịch bất tuân dân sự quy mô.

Với sự ủng hộ của nhiều nhân vật nổi tiếng và các phong trào đối lập thế tục, tự do và cánh tả, lời kêu gọi của Tamarrod đã có tiếng vang rộng rãi. Phong trào này kêu gọi quân đội, cảnh sát và bộ máy tư pháp “đứng hẳn về phía nguyện vọng của nhân dân”.

Quân đội vốn từng tạm nắm quyền điều hành đất nước trong vòng một năm rưỡi, từ khi ông Mubarak ra đi đến khi ông Morsi được bầu lên vào tháng 6/2012, tỏ ra ngần ngại không muốn đóng một vai trò tích cực hơn, trong lúc bạo lực đang được kìm hãm và an ninh đất nước chưa bị đe dọa.

Ai Cập đang bị chia rẽ trầm trọng giữa những người chống đối Tổng thống Mohamed Morsi - tố cáo chính quyền ngày càng độc đoán và muốn thiết lập một chế độ được Hồi giáo thống trị, và những người ủng hộ ông Morsi vì ông được bầu lên một cách dân chủ.

Tình hình chính trị bất ổn tại Ai Cập, đất nước Arập đông dân nhất với trên 80 triệu người, đè nặng lên nền kinh tế đang bị đe dọa bởi lạm phát, thất nghiệp gia tăng và đồng tiền quốc gia bị mất giá.

H.Phan (Tổng hợp)

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc