Ả Rập Xê-út và Nga mất khả năng chi phối giá dầu thế giới

08:59 | 27/11/2023

5,448 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ả Rập Xê-út và Nga đã sai khi tin rằng mình vẫn còn khả năng chi phối giá dầu trên thị trường quốc tế, ông James Rogan, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nói trong một bài viết trên trang Washington Examiner.
OPEC+ bất ngờ hoãn cuộc họp đến ngày 30/11OPEC+ bất ngờ hoãn cuộc họp đến ngày 30/11
OPEC+ hoãn họp: Dấu hiệu tan vỡ của liên minh dầu mỏ lớn nhất thế giới?OPEC+ hoãn họp: Dấu hiệu tan vỡ của liên minh dầu mỏ lớn nhất thế giới?
Ả Rập Xê-út và Nga mất khả năng chi phối giá dầu thế giới
Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019

Mỹ hiện đang khai thác hơn 13 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 1 triệu thùng/ngày so với chỉ một năm trước. Trong khi đó, Ả Rập Xê-út khai thác khoảng 10 triệu thùng/ngày và sản lượng của Nga ở mức khoảng 9 triệu thùng/ngày. Hiện nay, các nhà đầu cơ và nhà đầu tư ngày càng phớt lờ những biến động ngắn hạn về giá dầu do Ả Rập Xê-út và Nga gây ra.

Hôm thứ Tư (22/11), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thông báo rằng họ sẽ trì hoãn cuộc họp tiếp theo sang tuần sau. Điều này phát đi tín hiệu rằng Ả Rập Xê-út và Nga đã thua trong cuộc chiến quyết định giá dầu toàn cầu.

Các nhà kinh doanh dầu mỏ nhận ra rằng hai nước này hiện là người chấp nhận giá chứ không phải người ấn định giá. Khi có thông báo rằng cuộc họp bị trì hoãn, giá dầu WTI của Mỹ đã giảm gần 5% xuống dưới 74 USD một thùng.

Nga rất cần nguồn vốn khi vẫn đang trong cuộc xung đột với Ukraine trong khi trấn an người dân của mình trước các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Điều quan trọng là các chuyên gia dầu mỏ cho rằng Nga phải trả hơn 36 USD/thùng dầu bán ra để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, khiến quốc gia này thu về chỉ chưa đến 46 USD mỗi thùng.

Trong khi đó, Ả Rập Xê-út cũng phải đối mặt với những thách thức tài chính và họ cần giá dầu ở mức 88 USD/thùng để cân bằng ngân sách và thực hiện chương trình đa dạng hóa kinh tế.

Nguồn cung gia tăng

Giá dầu toàn cầu vào năm 2024 sẽ được xác định bởi nguồn cung mới ở Tây bán cầu và vận mệnh kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và Chủ tịch Tập Cận Bình coi trọng an ninh nội bộ và doanh nghiệp nhà nước hơn là sự năng động kinh tế.

Trong khi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đang chậm lại đáng kể, nguồn cung dầu mới từ Mỹ, Canada, Guyana và Brazil sẽ khiến giá dầu toàn cầu giảm trong suốt năm 2024.

Nhờ những tiến bộ công nghệ, sản lượng dầu của Mỹ luôn tăng trưởng đáng ngạc nhiên. Kể từ năm 2014, sản lượng trên mỗi foot giàn khoan đã tăng 200%, với phần lớn sự cải thiện đó đến từ năm 2020. Tổng chi phí khai thác cho các mỏ mới và các mỏ hiện hữu đều đã giảm mạnh.

Cùng với đó, Canada dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm tới 500.000 thùng/ngày vào năm 2024. Sản lượng từ Guyana cũng đang tăng đáng kể mặc dù đất nước này mới chỉ bắt đầu khai thác dầu mỏ cách đây vài năm. Đến năm 2027, sản lượng hàng ngày ở Guyana sẽ đạt 700.000 thùng/ngày.

Brazil cũng đang tăng cường khai thác với kế hoạch tăng sản lượng trong năm 2024 so với con số 2,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Sản lượng từ cả Guyana và Brazil dự kiến sẽ tăng 400.000 thùng/ngày vào năm sau.

Sản lượng của các nước ngoài OPEC được dự báo sẽ tăng thêm hơn 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2024, trong khi nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng 1 triệu thùng/ngày.

Quan trọng nhất, khi giá dầu tăng, sản lượng của Mỹ sẽ tăng. Tất cả chỉ là vấn đề giá cả. Và khi giá tăng, nhu cầu sẽ giảm. Thị trường, chứ không phải Ả Rập Xê-út và Nga, quyết định giá dầu.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông James Rogan, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, sau này làm việc trong lĩnh vực tài chính và luật trong 30 năm.

Đỗ Khánh

Washington Examiner