50 lính đặc nhiệm Mỹ sang Syria làm gì?

10:21 | 03/11/2015

1,981 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi các cuộc đàm phán quốc tế về Syria vẫn bế tắc, Mỹ thông báo gửi lính đặc nhiệm và cố vấn quân sự sang Syria với nhiều lời rào trước đón sau rằng họ chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn và yểm trợ chứ không giữ vai trò chiến đấu. Với một nhúm người như thế liệu Mỹ có thể đảo ngược thế cờ mà Nga đã bày ra ở Syria và Trung Đông hay không?

Chỉ là sự ăn miếng trả miếng Nga - Mỹ

Ngày 30-10, hội nghị quốc tế mở rộng bàn về khủng hoảng Syria tại Vienna với hơn 20 nước tham gia đã đưa ra thảo luận nhiều điểm, trong đó có điểm mấu chốt nhất và cũng là điểm bế tắc, do là bất đồng căn bản giữa các bên tham gia hội nghị. Đó là số phận chính trị của Tổng thống Syria Bashar Al Assad.

Sau 8 giờ tranh luận tại hội nghị Vienna, các nước phương Tây vẫn giữ lập trường Tổng thống Syria hiện nay phải ra đi là điều kiện tiên quyết cho một giải pháp chính trị. Trong khi đó Nga và Iran khẳng định Tổng thống Bachar Al Assad phải có vai trò trong tiến trình chuyển tiếp chính trị trong tương lai ở Syria.

Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry cho biết, các bên tham gia hội nghị đồng ý với nhau về việc Nhà nước Syria phải được duy trì và để Liên Hiệp Quốc  (LHQ) thương lượng ngừng bắn giữa các phe nổi dậy với Damas.

Cũng giống như hội nghị trước đó do Nga đề xuất, hội nghị lần này do Mỹ chủ trì với sự tham gia đông đảo hơn của các nước có liên quan (nhưng không có đại diện chính quyền Damas hay đối lập Syria), cũng không được kết quả ngay.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 1-11 nói rằng, tiến trình đàm phán về Syria không nên bị dừng lại vì vấn đề chuyện gì sẽ xảy ra với Tổng thống Bashar al-Assad.

“Tương lai của Syria hay tương lai của tất cả các cuộc đàm phán hòa bình và các cuộc đối thoại do người Syria chủ trì không nên bị cản trở bởi vấn đề tương lai của một người. Cơ bản, tôi tin là tùy thuộc vào người Syria quyết định về tương lai của Tổng thống Assad” - Tổng Thư ký Ban phát biểu.

Nhưng ông Ban cũng nói rằng, ông phấn khởi về việc các bên tham gia đàm phán ở Vienne đạt sự thông hiểu về những vấn đề then chốt, trong đó có sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình ngoại giao để chấm dứt chiến tranh ở Syria.

50 linh dac nhiem my sang syria lam gi
Lực lượng đặc biệt của Mỹ

Nếu như cũng trong thời gian diễn ra hội nghị về Syria lần một tại Vienne, Nga thông báo đạt thỏa thuận với Jordani, một đồng minh lâu đời của Mỹ, về việc phối hợp đánh IS, thì cùng lúc diễn ra hội nghị lần 2 về hòa bình Syria hôm 30-10, Mỹ thông báo Mỹ gửi lính đặc nhiệm và cố vấn quân sự sang Syria, đồng thời bơm thêm tiền cho lực lượng chống đối chính phủ Damas. Một động thái giống như kiểu ăn miếng trả miếng.

Theo AFP, Tổng thống Obama đã cho phép gần 50 binh sĩ thuộc lực lượng tác chiến đặc chủng của Mỹ phối hợp phe nổi dậy ở Syria trong nỗ lực của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Việc triển khai những binh sĩ này đánh dấu lần đầu tiên lực lượng trên bộ của Mỹ được gửi tới Syria để phục vụ các cuộc đột kích.

Những binh sĩ Mỹ được triển khai tới Syria sẽ cung cấp “một số hoạt động đào tạo, một số lời khuyên và một số hỗ trợ” cho những người chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan IS, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói với các phóng viên.

“Đây là sự tăng cường một chiến lược mà Tổng thống đã thông báo hơn một năm trước”, ông Earnest nói thêm rằng, “cốt lõi” của chiến lược của Mỹ ở Iraq và Syria vẫn là “xây dựng năng lực cho những lực lượng địa phương trên thực địa”.

Tuy thế, một quan chức Mỹ nói  với đây không phải là dấu hiệu Mỹ đổi chiến lược mà chỉ là sự tăng cường chiến dịch.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói quyết định của Tổng thống Barack Obama gửi lực lượng đặc biệt đến Syria chỉ nhằm chống lại các phần tử Nhà nước Hồi giáo và không có nghĩa là Mỹ tham gia cuộc nội chiến Syria. Ông Kerry không loại trừ việc Mỹ dính líu thêm nữa tại Syria nhưng ông cũng không thể tiên đoán tương lai.

Sau khi Mỹ nói sẽ điều đặc nhiệm tới Syria, Nga cảnh báo nguy cơ xảy ra “chiến tranh ủy nhiệm” ở Trung Đông. Ngoại trưởng Lavrov đã lên tiếng sau hội đàm ở Vienne với người đồng cấp John Kerry và đặc sứ của LHQ chuyên trách Syria Staffan de Mistura.

Theo Ngoại trưởng Nga thì Mỹ tự quyết định “đơn phương và không tham vấn gì lãnh đạo Syria” cả.

Ngoại trưởng Nga nói thêm: “Tôi chắc chắn, cả Mỹ và Nga đều không muốn tình hình tuột dần vào cái gọi là cuộc chiến ủy nhiệm. Thế nhưng đối với tôi, rõ ràng là nó đang làm cho hợp tác giữa hai quân đội càng cần thiết”.

Ngày 31-10, Mỹ thông báo cấp thêm 100 triệu USD để giúp phe đối lập ôn hòa tại Syria củng cố chính quyền địa phương và các xã hội dân sự.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết số tiền này sẽ được dùng để giúp các trường học tiếp tục mở cửa, giúp người dân có được  nước sạch và điện và hỗ trợ cho truyền thông độc lập. Sự đóng góp mới nhất này đã nâng số tiền trợ giúp cho phe đối lập ôn hòa tại Syria lên đến 500 triệu USD kể từ năm 2012.

Thùng nước nhỏ có chữa được đám cháy lớn?

Việc Mỹ gửi lính và cố vấn sang Syria cũng đang gây tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ. Phát biểu trên Đài Truyền hình CNN ngày 31-10, cựu Ðại sứ Christopher Hill nói, “có lẽ Tổng thống Mỹ phải trình bày rõ ràng hơn cho người dân biết tại sao ông lại quyết định đưa binh sĩ vào Syria, và làm sao có thể đảm bảo được là những binh sĩ Mỹ này chỉ giữ vai trò huấn luyện và cố vấn chứ không đảm trách trách nhiệm chiến đấu”.

Nhà ngoại giao lỗi lạc và kỳ cựu từng đại diện cho nước Mỹ ở Iraq cho hay Syria vẫn là nơi đầy biến động, e ngại chuyện binh sĩ Mỹ bị đẩy vào thế phải cầm súng chiến đấu “có thể xảy ra”, cho dù đây là điều Tổng thống Obama và các nhà hoạch định chính sách không mong muốn.

Ðầu tháng 10 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định ngưng chương trình huấn luyện cho dân quân Syria để chuyển sang kế hoạch viện trợ quân sự cho các lực lượng đang chiến đấu chống IS và chống chính quyền Bashar Al-Asssad.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chương trình huấn luyện không đem lại kết quả vì số dân quân tham gia ít ỏi, đồng thời dân quân chỉ muốn chiến đấu chống quân đội của chính quyền Al-Assad “chứ không coi IS là mục tiêu của họ”.

Vì thế, câu hỏi đang được đặt ra là với lượng binh sĩ dưới 50 người sẽ có mặt tại Syria, liệu có đủ để thúc đẩy lực lượng dân quân vừa đánh IS vừa đánh quân đội của chính quyền al-Assad như Mỹ trông đợi hay không?

Theo Marc Thornberry, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, mọi quyết định của Nhà Trắng đưa ra “đều quá trễ”, chỉ là những bước “vá víu” không đem lại kết quả nào về mặt quân sự, “mà chỉ cho thấy chính sách sai lầm của hành pháp”.

Vẫn theo ông Marc Thornberry, “không thể xem (chuyện đưa vài chục bình sĩ sang Syria) là chiến lược để đạt bất kỳ mục tiêu nào, mà chỉ là giải pháp tạm bợ tìm cách chữa cháy”.

S.Phương

Năng lượng Mới 471