20 năm Putin lãnh đạo nước Nga

07:10 | 31/12/2019

483 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trải qua 20 năm, Putin lãnh đạo nước Nga đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng cũng đối mặt không ít thách thức.

"Giấc mơ thường trở thành hiện thực vào đêm giao thừa, đặc biệt là giao thừa năm nay", Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình Nga đêm 31/12/1999, với tư cách là quyền Tổng thống Nga. Trước đó, Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức và trao lại quyền lực cho Putin.

Hơn ba tháng trước, khi được Yeltsin đề bạt từ Giám đốc Tổng cục An ninh (FSB) lên làm Thủ tướng, Putin gần như chưa có tiếng tăm gì trên chính trường.

"Cậu đã có đủ thời gian để suy nghĩ về việc đó trước đây rồi. Giờ hãy trả lời đi", Yeltsin quả quyết khi Putin từ chối đề nghị làm quyền Tổng thống và thuyết phục Yeltsin không từ chức. Putin buộc phải nhận lời. Ông trở thành quyền tổng thống trong bối cảnh nước Nga đang lao đao vì cuộc khủng hoảng kinh tế và những rối ren từ cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất (1994-1996).

"Vẫn còn quá sớm để xóa bỏ tư cách cường quốc của Nga. Tôi sẽ đưa nước Nga trở lại vũ đài thế giới", Putin cam kết trong phát biểu mừng năm mới 2000.

Nước Nga khi đó vừa hứng chịu hàng loạt vụ đánh bom xảy ra trên khắp toàn quốc khiến hơn 300 người thiệt mạng. Putin cáo buộc phiến quân Chechnya là thủ phạm gây ra các cuộc khủng bố và quyết định mở chiến dịch quân sự, mở màn chiến tranh Chechnya lần thứ hai.

Đến tháng 2/2000, hai tháng sau khi Putin trở thành quyền Tổng thống, quân đội Nga chiếm được thủ đô Grozny của Cộng hòa Chechnya. Chưa đầy một tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 diễn ra, Putin trèo vào buồng lái một tiêm kích Su-27, cùng phi công vượt qua vùng chiến sự bay thẳng tới thủ phủ Grozny của Chechnya. Trong cuộc gặp với các binh sĩ Nga đang tham chiến tại Chechnya, Putin thề sẽ nghiền nát phiến quân.

Hình ảnh một lãnh đạo cứng rắn trên chiến trường khiến danh tiếng của Putin gia tăng nhanh chóng, giúp ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 26/3/2000, trở thành Tổng thống Nga.

Ngay sau khi nắm quyền, Putin tiếp tục thể hiện hình ảnh lãnh đạo cứng rắn khi tung ra hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm củng cố quyền lực và khẳng định vị thế. Trong những năm đầu tiên, ông thẳng tay vô hiệu hóa quyền lực của các nhà tài phiệt, những người đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ sau khi Liên Xô tan rã và tìm mọi cách dùng tiền thao túng chính trường.

Năm 2003, Nga bắt nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky, ông chủ tập đoàn dầu khí Yukos với khối tài sản 8 tỷ USD, với cáo buộc lừa đảo, trốn thuế, biển thủ và rửa tiền. Sau khi Khodorkovsky lĩnh án 9 năm tù năm 2005, tập đoàn Yukos sụp đổ. Sau 10 năm ngồi tù tại một trại cải tạo ở vùng Viễn Đông, Khodorkovsky được Putin ân xá và sống lưu vong tại Anh.

Nikolai Petrov, thành viên Trung tâm Carnegie Moskva, cho rằng việc hạ bệ Khodorkovsky đánh dấu thắng lợi của siloviki, nhóm các quan chức hàng đầu thuộc cơ quan an ninh Nga, trước giới tài phiệt lũng đoạn kinh tế Nga từ thời Yeltsin.

Thắng lợi này giúp Putin giành lợi thế đáng kể về chính trị và kinh tế trước các đối thủ, giúp ông lấy lại quyền kiểm soát của nhà nước đối với các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và hệ thống truyền hình. Sự ủng hộ của các kênh truyền hình được coi là yếu tố quan trọng giúp Putin tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào tháng 3/2004 với 71% phiếu bầu.

Chỉ 6 tháng sau khi tái đắc cử, Putin đối mặt với những thách thức mà ông cho là "khó khăn nhất" trong sự nghiệp chính trị, đó là các cuộc tấn công khủng bố tại trường học ở Beslan và thủ đô Moskva. Tuy nhiên, các sự kiện này cũng tạo điều kiện để Putin củng cố quyền lực, khi đưa ra sáng kiến thay thấy cuộc bầu cử thống đốc vùng bằng hệ thống bổ nhiệm trực tiếp từ Điện Kremlin.

Hệ thống bổ nhiệm lãnh đạo vùng này vấp phải sự phản đối của nhiều cựu lãnh đạo, trong đó có Yeltsin, cho rằng đây là một bước xa rời dân chủ ở Nga. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn được áp dụng, giúp Putin thể hiện quyền lực từ trung ương tới địa phương.

20 năm Putin lãnh đạo nước Nga
Tổng thống Nga Putin tại lễ khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vlapostok hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters.

Khi nhiệm kỳ hai của Putin sắp kết thúc, nhiều người đề nghị sửa đổi Hiến pháp để cho phép ông ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ ba, do Hiến pháp Nga quy định một người không được làm quá hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp. Tuy nhiên, trước nguy cơ vấp phải sự phản đối của phe đối lập và dư luận, Putin từ chối phương án này.

Tháng 12/2007, Putin tuyên bố ủng hộ Phó thủ tướng Dmitry Medvedev trở thành người kế nhiệm. Medvedev cũng lập tức đề nghị Putin nắm ghế Thủ tướng sau khi ông đắc cử Tổng thống năm 2008 và Putin chấp nhận.

Đây được coi là "bộ đôi quyền lực" của Nga trong giai đoạn 2008-2012, nhưng giới quan sát cho rằng Putin thời kỳ này thực tế là người đưa ra mọi quyết sách quan trọng tại Điện Kremlin và Tổng thống Medvedev chỉ là người thừa hành. Vào cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Medvedev đã thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp, giúp kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm, động thái được cho là dọn đường cho sự trở lại của Putin.

Năm 2012, "bộ đôi quyền lực" này có sự hoán đổi vị trí, khi Putin tiếp tục tranh cử ghế tổng thống và đắc cử nhiệm kỳ thứ ba với 63% phiếu bầu, sau đó bổ nhiệm Medvedev làm Thủ tướng. Theo Reuters, khoảng 20.000 người hồi tháng 5/2012 đã tổ chức biểu tình ở thủ đô Moskva để phản đối việc Putin đắc cử nhiệm kỳ ba, dẫn đến các cuộc đụng độ với cảnh sát khiến hơn 400 người bị bắt.

Trong cuộc bầu cử năm 2018, Putin giành được 77% số phiếu và tiếp tục làm Tổng thống Nga trong nhiệm kỳ thứ tư kéo dài 6 năm, sẽ kết thúc vào năm 2024.

Phát biểu lúc bấy giờ, Putin khẳng định ông không có kế hoạch sửa đổi hiến pháp. Tổng thống Nga cũng gạt câu hỏi về việc liệu ông có tranh cử để tại vị đến năm 2030 hay không. "Tôi sẽ làm gì, ở lại cho đến khi tôi 100 tuổi sao? Không", Putin nhấn mạnh. Tuy nhiên, những suy đoán về khả năng Nga sửa đổi hiến pháp để Putin tiếp tục giữ chức tổng thống vẫn tiếp diễn.

Bên cạnh các biện pháp ổn định xã hội và củng cố quyền lực, Putin trong 20 năm lãnh đạo của mình đã thực hiện một loạt cải cách mạnh tay nhằm vực dậy nền kinh tế Nga vốn đã trên bờ vực sụp đổ sau khi Liên Xô tan rã.

Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, Putin tập trung thực hiện chiến lược kinh tế do Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế German Gref đưa ra năm 2000 nhằm thay đổi rộng khắp nền kinh tế Nga trong vòng một thập kỷ. Chiến lược này bao gồm cải cách thuế và lương hưu, sửa đổi luật đất đai, giảm thiểu đáng kể các rào cản khi mở và điều hành doanh nghiệp, cải cách công vụ, đồng thời thúc đẩy đàm phán đưa Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Quá trình quốc hữu hóa nền kinh tế bắt đầu. Những cải cách đáng kể tiếp tục được thực hiện trong kinh tế vĩ mô và lĩnh vực tài chính. Nợ công gần như được trả hết và Quỹ Bình ổn ra đời.

Nga cũng thực hiện thành công nhiều chương trình công nghiệp quốc gia, xây dựng nền kinh tế dựa trên cơ sở công nghệ cao, giảm quá phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên. GDP tăng trung bình 7% trong nhiệm kỳ đầu của Putin và một phần nhiệm kỳ thứ hai khi những cải cách bắt đầu cho "trái ngọt".

Trong 10 năm từ 1999 đến 2008, GDP Nga tăng 94% và GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Nhờ giá dầu tăng và dòng tiền đầu tư không ngừng từ nước ngoài, giá trị đồng rouble được tăng cường đáng kể. Đây được đánh giá là thập kỷ tăng trưởng nổi bật nhất trong lịch sử kinh tế Nga.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thành tựu kinh tế của Nga trong thời kỳ này nhờ vào giá dầu và các mặt hàng xuất khẩu tăng cao hơn là do hiệu quả từ các chính sách cải cách của Putin. Nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm tới gần 25% GDP và khoảng 30% tổng thu nhập ngân sách quốc gia của Nga.

Nước Nga bắt đầu hứng chịu đòn giáng đầu tiên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào 2007-2008, khiến tăng trưởng kinh tế trở nên ì ạch ở mức dưới 2%. Dù Putin cam kết sẽ nhanh chóng đưa nền kinh tế Nga phát triển trở lại, việc chính phủ của ông không có bất kỳ cải cách nào lớn khiến tình trạng trì trệ kéo dài suốt nhiều năm sau.

Bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu ngày càng phình to và chi tiêu quốc gia thiếu hiệu quả được coi là những yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế Nga. Chỉ số cạnh tranh và điều kiện kinh doanh ở Nga không có nhiều cải thiện, trong khi tình trạng tham nhũng tiếp tục gia tăng.

Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Ulyukayev năm 2014 cảnh báo rằng nếu giá dầu trung bình giảm xuống mức 50 USD/thùng, nước Nga sẽ mất hơn 45 tỷ USD thu nhập, khiến nền kinh tế đối mặt nguy cơ tăng trưởng thấp. Dự báo này nhanh chóng trở thành hiện thực, khi nước Nga lâm vào khủng hoảng tài chính sâu sắc vào cuối 2014 vì giá dầu lao dốc.

Giá dầu tháng 12/2014 ở mức gần 56 USD/thùng, bằng một nửa so với 6 tháng trước đó. Nguồn thu từ dầu giảm mạnh khiến đồng rouble mất giá nhanh chóng. Tính đến tháng 3/2016, giá trị của đồng rouble chỉ còn bằng 50% so với thời điểm tháng 7/2014. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi phương Tây bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Giá dầu sụt giảm và tình trạng bị cô lập khỏi kinh tế toàn cầu đã chôn vùi mọi hy vọng về cải cách và tăng trưởng kinh tế của Nga. Thay vì tăng trưởng GDP trung bình 6% một năm trong giai đoạn 2012-2018 như kỳ vọng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Nga liên tục duy trì ở mức dưới 1%.

Để đáp trả và thể hiện sự cứng rắn, Putin ra lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại lương thực từ phương Tây. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và tiêu dùng của chính người dân Nga. Các sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu trở nên khan hiếm và tăng giá, trong khi tiền lương giảm và tình trạng thất nghiệp gia tăng, khiến chất lượng cuộc sống của người dân Nga giảm sút, đặc biệt là các gia đình trung lưu và những người nghèo.

Trong năm 2015, mức tăng trưởng GDP của Nga giảm 3,7%, mức giảm kỷ lục kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, theo Financial Times. Lương bình quân của người Nga giảm từ 967 USD/tháng năm 2013 xuống còn 450 USD/tháng năm 2016, thấp hơn cả Trung Quốc và Ba Lan, theo Mikhail Matovnikov, nhà phân tích trưởng tại ngân hàng Sberbank của Nga.

Đến cuối năm 2017, sau một số cải cách của chính phủ và giá dầu trên đà hồi phục lên mức 70 USD/thùng, kinh tế Nga bắt đầu đà hồi phục, khi lạm phát giảm xuống dưới 2% và tăng trưởng kinh tế tăng từ 0,3% năm 2016 lên 2,3% năm 2018.

Tuy nhiên, khảo sát năm 2018 của trang Finanz.ru với 1.400 nhà quản lý doanh nghiệp ở Nga cho thấy 76% số người tham gia khảo sát đánh giá tình trạng của nền kinh tế Nga hiện nay là "khủng hoảng và thảm khốc", chỉ có 4% cho rằng nền kinh tế đất nước đang hoạt động tốt.

Sự sút giảm của nền kinh tế cũng tác động đáng kể đến ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế và chính sách đối ngoại của Putin.

Những năm đầu nhiệm kỳ, Putin nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây. Ông là một trong những người đầu tiên điện đàm với Tổng thống Mỹ George W. Bush để chia buồn sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Ông cũng giúp Mỹ đánh Taliban tại Afghanistan và cho phép Mỹ hiện diện quân sự tại vùng Trung Á, một trong những lãnh thổ quan trọng với an ninh địa chính trị Nga, để phục vụ mục đích chống khủng bố.

Trong khi EU và NATO không ngừng mở rộng ảnh hưởng về phía đông, Putin chấp nhận để các quốc gia từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga ngả về phương Tây, nhưng cũng tìm cách "hóa giải" sức mạnh của NATO. Ông năm 2002 thậm chí đề nghị để Nga gia nhập NATO như một cách để tăng cường hợp tác chống khủng bố.

Sau cuộc gặp giữa Putin và Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 29/5/2002 tại Italy, việc thành lập Hội đồng NATO - Nga được tất cả thành viên của khối tán thành. Tuy nhiên, NATO vẫn coi Nga là mối đe dọa và không chấp nhận tư cách "thành viên đầy đủ" của Moskva.

Quan hệ Nga - NATO căng thẳng trở lại vào năm 2008, khi Putin phát động chiến dịch quân sự can thiệp vào Gruzia để ủng hộ hai khu vực Nam Ossetia và Abkhazia ly khai và công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa này. Cuộc chiến 5 ngày của Nga ở Gruzia vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phương Tây. Chiến dịch này cũng đánh dấu sự chấm dứt của hợp tác song phương trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Nga.

Với phong cách lãnh đạo cứng rắn của mình, Putin luôn muốn thể hiện vị thế của Nga trên trường quốc tế và không chịu khuất phục trước sức ép từ phương Tây. Điều này được thể hiện rất rõ trong nỗ lực sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Bất chấp sự phản đối của Ukraine và những đe dọa từ phương Tây, Putin vẫn cho tiến hành cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea để sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ. Truyền thông Nga ca ngợi Putin như một lãnh đạo sẵn sàng bảo vệ lợi ích của đất nước, của dân tộc trong "vòng vây hãm của kẻ thù".

Sự kiện Nga sáp nhập Crimea châm ngòi cho làn sóng đòi ly khai ở nhiều khu vực tại miền đông Ukraine, khiến xung đột đẫm máu nổ ra tại đây suốt nhiều năm qua. Kiev và các đồng minh phương Tây cáo buộc Moskva kích động nổi dậy và hỗ trợ nhân lực, vũ khícho phe ly khai ở miền đông Ukraine, nhưng Điện Kremlin bác bỏ.

Nước Nga dưới thời Putin càng bị đẩy vào tình thế bị cô lập hơn nữa sau một loạt bê bối, từ cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ cho tới việc bị nghi hỗ trợ phe ly khai Ukraine bắn rơi máy bay MH17 ở miền đông nước này. Mỹ và châu Âu cũng áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này bị cáo buộc đứng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh, dù Moskva bác bỏ.

Trước tình cảnh bị cô lập ở châu Âu, Nga buộc phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng tới Trung Đông. Tham vọng đưa nước Nga trở lại vũ đài thế giới được Putin thể hiện qua quyết định phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria năm 2015. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã, nước Nga thực hiện một cuộc phiêu lưu quân sự quy mô lớn ở Trung Đông, khu vực Moskva đang dần đánh mất ảnh hưởng vào tay phương Tây.

Sự thành công của chiến dịch can thiệp tại Syria được coi là "điểm sáng" trong chính sách đối ngoại của Nga. Gần 5 năm tham chiến tại đây đã biến Nga thành một thế lực có ảnh hưởng đáng kể ở Trung Đông, đặc biệt là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chính sách "nước Mỹ trên hết" và giảm bớt can thiệp quân sự ở nước ngoài.

Đến nay, Nga trở thành bên duy nhất có thể đàm phán với mọi "tay chơi" ở Trung Đông. Nước này đang cung cấp tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, và ký những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với Arab Saudi, đồng minh thân cận nhất với Mỹ trong thế giới Arab. Nga cũng xích lại gần hơn với Ai Cập, một đồng minh lâu năm khác của Mỹ, và đang từng bước tiến tới hình thành một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Chiến dịch quân sự kéo dài ở Syria mang lại danh tiếng trong nước cho Putin, nhưng cũng khiến quân đội Nga hứng chịu một số tổn thất về nhân lực và khí tài, trong khi kinh tế Nga phải gồng mình gánh khoản chi phí lớn cho các hoạt động quân sự ở vùng đất xa xôi. Xung đột ở quốc gia này khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn, đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải tiếp tục can dự và chấp nhận những rủi ro về quân sự, chính trị có thể xảy ra.

Tuy nhiên, cuộc chiến ở Syria cũng là cơ hội để Nga phô diễn các loại khí tài quân sự của mình, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu vũ khí. Kể từ khi lên cầm quyền, Putin đã thúc đẩy mạnh mẽ chương trình hiện đại hóa quân đội, mang tới những thay đổi lớn trong diện mạo quân sự của Nga.

Khi Putin mới nhậm chức, quân đội Nga đã bị suy giảm đáng kể về sức mạnh và danh tiếng, khi ngân sách quốc phòng giảm từ mức 246 tỷ USD năm 1988 xuống còn 14 tỷ USD năm 1994, quân số giảm từ 5 triệu người xuống còn một triệu người, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Trong đội quân một triệu người này, Bộ tổng tham mưu quân đội Nga chỉ huy động được 65.000 binh sĩ để tham gia cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất (1994-1996), trong đó sự lạc hậu về trang bị, khí tài cùng huấn luyện yếu kém đã khiến quân đội Nga hứng chịu nhiều tổn thất. Sức mạnh quân sự duy nhất của Nga khi đó chỉ là năng lực răn đe hạt nhân nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh cho Nga.

Nhưng kể từ khi Putin bắt đầu cuộc cải cách quân đội và tăng mạnh chi tiêu quốc phòng từ năm 2008, quân đội Nga đã lột xác hoàn toàn. Nga đã phục hồi và phát triển các tổ hợp công nghiệp quốc phòng do nhà nước quản lý trên cơ sở 50 công ty công nghiệp quốc phòng. Bước đi này giúp thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, không chỉ đủ đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn phục vụ cả xuất khẩu.

Năm 2018, Nga vượt qua Anh trở thành nước sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, theo báo cáo từ SIPRI. Hiện tại, Nga đã xuất khẩu vũ khí tới 65 nước và ký hiệp định hợp tác kỹ thuật, quân sự với 89 nước.

Nền quốc phòng Nga được đánh giá còn thua kém Mỹ trong các lĩnh vực như tàu sân bay hay tiêm kích tàng hình, nhưng lại vượt mặt Mỹ trong nỗ lực phát triển vũ khí siêu vượt âm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 9/12 phải thừa nhận nước này đang theo sau Nga về vũ khí siêu vượt âm, cho biết Washington đang đầu tư nhiều nguồn lực để bám đuổi Moskva, nhưng sẽ mất vài năm nữa mới sở hữu vũ khí tương tự.

Global FirePower năm 2019 xếp hạng Nga là nước có lực lượng vũ trang mạnh thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ.

20 năm Putin lãnh đạo nước Nga
Các binh sĩ Nga tuần tra ở Syria hồi tháng 11. Ảnh: NYTimes.

Hai thập kỷ Putin lãnh đạo nước Nga, những quan điểm về ông cũng được phân làm hai thái cực. Hầu như mọi hành động của ông đều gây bàn tán. Ông luôn nỗ lực hết mình để khắc họa bản thân là một người cứng rắn, ngay cả trong các hoạt động đời thường như tập judo, chơi khúc côn cầu, lái xe môtô, săn bắn hay câu cá.

Một khía cạnh đặc biệt gây tranh cãi ở Putin là cách ông đối xử với người đồng tính. Chính quyền Putin hồi năm 2013 thông qua một luật cấm quảng cáo về đồng tính luyến ái cho những người dưới 18 tuổi. Putin quả quyết luật chống đồng tính "không gây hại cho bất kỳ ai". Bộ Tư pháp Nga khẳng định nó được đưa ra để "bảo vệ đạo đức và sức khỏe trẻ em". Thế nhưng, Tòa án Nhân quyền châu Âu lại ra phán quyết rằng đạo luật trên là biểu hiện của hành vi phân biệt đối xử và kỳ thị người đồng tính.

Dù Putin đã nắm quyền một thời gian dài, các cuộc thăm dò ý kiến dư luận do truyền thông Nga thực hiện cho thấy ông vẫn rất nổi tiếng và được yêu mến. Sau chiến dịch quân sự ở Syria năm 2015, tỷ lệ ủng hộ Putin ở mức cao nhất là 89,9%. Kết quả khảo sát năm 2017 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga dành cho ông vẫn ở mức 83,5%.

Tuy nhiên, Putin không được ủng hộ cao như vậy ở phạm vi toàn cầu. Khảo sát năm 2015 của Gallup về mức độ yêu thích của các lãnh đạo thế giới, Putin chỉ được 33% số người được hỏi ủng hộ, kém mức 53% của Barack Obama. Tỷ lệ không ủng hộ ông là 43%, cao hơn so với mức 29% của Obama.

Một số người Nga cho rằng dù cuộc sống có được cải thiện trong những năm đầu nhiệm kỳ của Putin, nước Nga đang bị ông kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là trong cách truyền thông quốc gia và báo chí nói về Tổng thống. Những người phản đối còn cáo buộc Putin trao quyền lực cùng quyền kiểm soát vào tay một nhóm nhỏ những người giàu có.

Lev Gudkov, giám đốc Trung tâm Levada, một tổ chức thăm dò dư luận độc lập, cho rằng sự ủng hộ lớn của người dân Nga dành cho Putin một phần do ông chủ Điện Kremlin luôn nhận được sự chú ý của dư luận trong nước đối với các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là qua lần sáp nhập Crimea hay chiến dịch quân sự ở Syria. Người dân có cảm giác nước Nga "đang khôi phục hình ảnh của một siêu cường" như thời Liên Xô.

20 năm Putin lãnh đạo nước Nga
Những người ủng hộ Putin trong lễ kỷ niệm 4 năm ngày Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ ở Sevastopol hồi năm ngoái. Ảnh: NYTimes.

Tuy nhiên, Gudkov cho rằng bầu không khí chính trị đang thay đổi bên trong nước Nga có thể khiến Putin đối mặt nhiều thách thức hơn trong những năm cuối nhiệm kỳ thứ tư, đặc biệt là sau khi ông ký thông qua luật cải cách hưu trí, tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động Nga. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra khắp nước Nga để phản đối đạo luật này.

Dù vậy, các nhà quan sát cho rằng Putin vẫn có thể giúp nước Nga vượt qua qua thời kỳ khó khăn. "Putin với sự trợ giúp của Trung Quốc và các nước khác đã tìm cách bảo vệ nền kinh tế Nga trước sự công phá từ các lệnh cấm vận của phương Tây. Điều này kết hợp với năng lực chiến thuật của Putin trong các vấn đề quốc tế có thể giúp nước Nga chống chọi với sức nặng của chính mình", Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, nhận định.

Theo VNE