Tổng quan về năng lượng trên thế giới

16:42 | 27/09/2017

5,491 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước công bố ấn bản năm 2017 về năng lượng thế giới với tên gọi Key World Energy Statistics. Ấn bản thường niên này tập hợp tất cả dữ liệu về năng lượng toàn cầu.  
tong quan ve nang luong tren the gioi

Năng lượng hóa thạch vẫn còn ở khắp mọi nơi

Theo số liệu mới nhất của IEA, lượng tiêu thụ năng lượng hóa thạch vào năm 2015 của thế giới vẫn chiếm tỷ trọng 81,4% (số còn lại là năng lượng mới hay còn gọi là năng lượng tái tạo). Năm 1973, tỷ trọng này là 86,7% (trong đó chỉ riêng dầu lửa chiếm 46,2%). Như vậy sau 42 năm, thế giới chỉ giảm được 5,3% mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch nhờ sự tăng trưởng nhẹ của năng lượng sạch.

Cần lưu ý rằng sản lượng khí thiên nhiên toàn cầu tăng gấp ba lần và than đá hơn gấp đôi kể từ năm 1973. Lượng khí thải CO2 toàn cầu bắt nguồn từ đốt nhiên liệu đã tăng gấp đôi trong giai đoạn này.

Theo Hiệp định Paris, để hạn chế sự ấm lên toàn cầu khoảng 2°C vào năm 2100, lượng khí thải toàn cầu phải giảm từ 40% đến 70% vào năm 2050 (so với mức năm 2010).

Phân bố mức tiêu thụ năng lượng thế giới vào năm 2015

Điện chiếm 18,5% lượng tiêu thụ năng lượng của thế giới vào năm 2015 (tăng từ mức 9,4% của năm 1973). Sản lượng điện toàn cầu vẫn bị chi phối bởi than đá, tuy nhiên, than là nhiên liệu có lượng khí thải khí nhà kính lớn nhất.

Năng lượng tái tạo phát triển khá nhanh chóng trong những năm gần đây nhưng cho đến nay vẫn chiếm số ít trong tổng sản lượng thế giới. Trong năm 2015, thủy điện đã sản xuất được 3978 TWh, cao hơn so với sản lượng điện hạt nhân (2571 TWh vào năm 2015), điện gió (838 TWh vào năm 2015) và điện năng lượng mặt trời (247 TWh vào năm 2015 ).

tong quan ve nang luong tren the gioi

Năng lượng: Bất bình đẳng lớn giữa các vùng trên thế giới

Ở cuối của ấn phẩm của mình, IEA đã đưa ra bảng thống kê các chỉ số năng lượng ở mỗi quốc gia vào năm 2015 (sản lượng, mức tiêu thụ năng lượng, lượng khí thải CO2...).

Bảng thống kê cho thấy sự bất bình đẳng lớn giữa các nước về mức tiêu thụ năng lượng. Chẳng hạn, mức tiêu thụ trung bình của một người dân châu Phi vào năm 2015 thấp hơn mức trung bình của các nước OECD hơn 6 lần.

IEA cũng nhắc lại những dự báo về mức tiêu thụ năng lượng thế giới. Theo đó, vào năm 2040, mức tiêu thụ năng lượng của thế giới sẽ tăng 30% so với mức của năm 2015. IEA cho rằng để đạt được mục tiêu giảm khí thải nhà kính theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu vào năm 2040 chỉ được phép tăng 10% so với mức của năm 2015.

Nh.Thạch

AFP