Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam: Nhiều giải pháp vượt khó

07:45 | 22/07/2015

1,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, giá than khoáng sản giảm... tồn kho lớn nhưng TKV vẫn cố gắng duy trì sản xuất tại các đơn vị để đảm bảo việc làm và thu nhập, ổn định đời sống cho trên 123 ngàn cán bộ, công nhân và người lao động.

Khó tiêu thụ sản phẩm

Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), từ đầu năm đến nay sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn giảm 4,6% so với cùng kỳ 2014, trong đó xuất khẩu giảm 68%. Hiện toàn ngành đang tồn kho hơn 11 triệu tấn than trong đó than sạch 8,2 triệu tấn. Nếu tính cả lượng tồn kho của các đơn vị ngoài TKV thì ngành than tổng lượng than tồn kho của ngành than tính đến thời điểm này khoảng gần 15 triệu tấn. Tình trạng trên một phần xuất phát từ chính sách tạm dừng xuất khẩu than cám của Chính phủ. Hiện ngành than chủ yếu tiêu thụ cho các hộ điện trong nước.

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm vừa qua, TKV gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tồn kho tăng, giá than khoáng sản giảm mạnh... tồn kho lớn nhưng TKV vẫn cố gắng duy trì sản xuất tại các đơn vị để đảm bảo việc làm và thu nhập, ổn định đời sống cho trên 123 ngàn công nhân, cán bộ và người lao động. Đây là bài toán xã hội lớn mà Tập đoàn này gần như bắt buộc phải giải, không thể để lặp lại việc giãn sản xuất như đã làm cách đây hơn một thập niên.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam: Nhiều giải pháp vượt khó
Thợ hầm lò TKV

Bên cạnh đó, giá của một số loại khoáng sản, kim loại màu cũng đang giảm sâu trong giai đoạn từ cuối năm 2014 đến nay. Hầu như tất cả các loại khoáng sản đều giảm giá từ 5 đến 10%, riêng vàng giảm tới 15%. Cùng với việc các loại phí cấp phép, phí cung cấp tài liệu đều tăng cũng như sự cấp phép chậm trễ đã làm cho không ít đơn vị gặp khó khăn. Chẳng hạn Công ty Cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang, tài nguyên tại các mỏ cũ đã cạn kiệt, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép kịp thời để có thể tiếp tục sản xuất. Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên do giá kẽm giảm dưới giá thành, do vậy một số dây chuyền không thể hoạt động vì bị lỗ.

Ngoài ra, các cơ chế về thuế phí tăng cao của công tác quản lý Nhà nước về Than - Khoáng sản cũng là những thách thức không nhỏ đối với cán bộ, công nhân các đơn vị thuộc Tập đoàn TKV. Do vậy, mặc dù đã nỗ lực duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân lao động, nhưng với sự giảm sút về giá bán và thị trường tiêu thụ, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của TKV chỉ đạt 48,1% kế hoạch năm, tiền lương bình quân đạt 8,2 triệu đồng/người/tháng, bằng 94,3% so với kế hoạch đề ra

Cân đối lại sản xuất

Để khắc phục những khó khăn trên, vừa qua TKV đã đưa ra nhiều giải pháp trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, TKV sẽ tập trung tối đa cho công tác tiêu thụ và các đơn vị cân đối sản xuất với nhu cầu tiêu thụ để giảm tồn kho. Do tình hình tiêu thụ than trên thị trường gặp nhiều khó khăn, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị cân đối lại kế hoạch sản xuất - tiêu thụ than trong 6 tháng cuối năm 2015. Mặc dù, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo cho phép tiếp tục xuất khẩu than cám từ ngày 25/5/2015, nhưng do việc ngừng xuất khẩu than cám chất lượng cao trong nhiều tháng đã ảnh hưởng tới việc tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ than trên thị trường thế giới cũng giảm sút mạnh do suy thoái kinh tế đã tác động trực tiếp đến lượng than xuất khẩu của Tập đoàn.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, Tập đoàn mới xuất khẩu được gần 700 ngàn tấn than, đạt trên 23% so với kế hoạch năm và bằng 17,1% so với cùng kỳ năm 2014. Để đạt mục tiêu, tiêu thụ 36 triệu tấn than trong năm 2015, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị cân đối diện sản xuất đã thực hiện và điều hành giảm một phần sản lượng của các tháng còn lại so với kế hoạch đầu năm, trên cơ sở đảm bảo việc làm, tiết giảm chi phí để cân đối được tài chính, ổn định thu nhập cho người lao động. Tổng số sản lượng giảm khai thác của các đơn vị khoảng 3 triệu tấn. Các đơn vị khai thác than lộ thiên tiếp tục đẩy mạnh bóc đất, tạo đà khai thác cho năm sau. Các đơn vị khai thác than hầm lò tăng cường đào lò xây dựng cơ bản, tạo diện sản xuất mới. Ngay trong quý III năm nay, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nhằm đạt mức tối thiểu 7,8 triệu tấn, cả năm tiêu thụ 35-36 triệu tấn than. Phấn đấu đến cuối tháng 9-2015 này, Tập đoàn sẽ giảm lượng than tồn kho xuống còn 8 triệu tấn…

Về kế hoạch dài hơi, trước những áp lực về điều kiện sản xuất và tiêu thụ than, để đảm bảo kinh doanh có lãi, ổn định đời sống và việc làm cho 123 ngàn lao động, TKV đưa ra mục tiêu đẩy mạnh đổi mới quản trị doanh nghiệp, đổi mới tổ chức, đẩy mạnh đầu tư áp dụng công nghệ mới. Ngoài ra, TKV cũng tăng cường hơn nữa việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm chi phí, kiểm soát chặt chẽ chi phí từ đầu vào đến đầu ra ở tất cả các công đoạn sản xuất kinh doanh đã góp phần quan trọng giúp TKV đảm bảo cân đôi được tài chính. Bên cạnh đó, TKV đang tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ để đưa các mỏ đầu tư mới vào hoạt động đúng tiến độ, nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và đáp ứng tối đa nhu cầu than sau năm 2015.

Chung sức đồng lòng

Nhằm giúp TKV tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sự phát triển ổn định, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng với Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý việc điều chỉnh, bổ sung một số đề án, dự án cấp bách để đáp ứng tối đa nhu cầu than tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện (trong đó Quảng Ninh có 6 đề án thăm dò và 9 dự án khai thác than); làm cơ sở để cấp phép thăm dò, khai thác các đề án, dự án của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc khẩn trương triển khai nhiệm vụ, kế hoạch công tác, các địa phương, sở, ngành có liên quan đã chủ động, tích cực trong việc phối hợp giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên để các dự án của TKV được triển khai kịp thời, đúng tiến độ, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình từ công ty TNHH một thành viên về chi nhánh của TKV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý để TKV và một số đơn vị chi nhánh của TKV được sử dụng lại các Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án cải tạo phục hồi môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt cho một số dự án khai thác than trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã quan tâm giải quyết cho một số lĩnh vực liên quan đến thuê đất để thực hiện các dự án khai thác than, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng một số khu vực mỏ, quy hoạch cảng bến tiêu thụ than cho phù hợp với mô hình quản lý mới. Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho ngành than được tiếp tục xuất khẩu một số chủng loại than cám, than cục có chất lượng cao mà trong nước đang ít có nhu cầu sử dụng. Có thể nói, đây là sự điều chỉnh rất quan trọng giúp ngành than cân đối được bài toán cung cầu, giảm chi phí tồn kho, đảm bảo việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội Vùng mỏ cũng như góp phần ổn định nền kinh tế quốc dân.

Nguyễn Kiên

Năng lượng Mới 441