Phong trào đa dạng hóa cơ cấu năng lượng ở vùng Vịnh

06:16 | 08/10/2017

579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều quốc gia vùng Vịnh như Arập Xêút, Kuwait, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Qatar đang tích cực chuyển đổi kinh tế, đa dạng hóa cơ cấu năng lượng theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Trong nhiều thập niên qua, các quốc gia thuộc Hiệp hội Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã gặt hái được hàng tỉ USD lợi nhuận từ dầu mỏ. Họ tận dụng nguồn thu khổng lồ này vào 2 mục tiêu chính: trợ cấp cho đời sống nhân dân và trao quyền cho các quỹ đầu tư chính phủ đi thu mua các tài sản đầu tư trên toàn cầu.

Tuy nhiên, khi làn sóng nhận thức về biến đổi khí hậu và bất ổn dầu mỏ đang lan tỏa trên khắp thế giới, những “ông lớn” dầu mỏ ở vùng Vịnh đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Không chỉ cải cách, đa dạng hóa nền kinh tế, chấm dứt sự tin tưởng vào nhiên liệu hóa thạch như xương sống của nền kinh tế, mà giờ đây họ còn tìm cách đa dạng hóa cả cơ cấu năng lượng.

phong trao da dang hoa co cau nang luong o vung vinh
Nhà máy Điện mặt trời Sidrah 500 tại mỏ dầu Umm Gudair của Kuwait

Trong kế hoạch chi tiết về tầm nhìn năng lượng tái tạo 2030 được công bố năm 2010, Kuwait đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tạo ra 4.500MW điện tái tạo (chiếm 15% tổng nhu cầu năng lượng) từ sự kết hợp giữa điện gió, điện mặt trời.

Để hỗ trợ chiến lược quốc gia này, Công ty Dầu mỏ Kuwait (KOC) đã khánh thành nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại mỏ dầu Umm Gudair vào tháng 10-2016. Nhà máy có tên là Sidrah 500 này sẽ sản xuất 10MW điện, một nửa trong số đó sẽ cung cấp cho lưới điện quốc tế và nửa còn lại sẽ được KOC sử dụng để vận hành một số cơ sở khai thác dầu tại chính mỏ Umm Gudair. Tổng giám đốc KOC Jamal Ja’afar từng tuyên bố, đến năm 2020, 20% điện năng cần thiết để vận hành KOC sẽ đến từ năng lượng tái tạo.

Với tổng dân số 4,4 triệu người, Kuwait tiêu thụ 350.000 thùng dầu mỗi ngày, để sản xuất điện và khử muối biển. Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Thủy lợi Kuwait Mohammad Bushehri dự tính đến năm 2035 dân số của nước này sẽ tăng lên 5,5 triệu người và đến lúc này, nhu cầu dầu trong nước dự kiến sẽ đạt khoảng 1 triệu thùng/ngày. Ông lưu ý, tổng công suất phát điện của Kuwait hiện nay lên đến 16.700MW, trong khi nhu cầu đỉnh vào mùa hè này đạt 13.800MW. Ông Bushehri không ngần ngại khẳng định: “Tương lai là năng lượng tái tạo”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) Suhail Al Mazroui cho biết, UAE đang đặt tầm nhìn về điện hạt nhân để đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng cho quốc gia này trong những năm tới. Trước mắt, vào năm 2018, UAE sẽ đưa vào hoạt động nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Trung Đông.

Các thành phần chính của lò phản ứng Barakah đã hoàn thành xây dựng vào tháng 5-2017, nhưng nhà điều hành dự án - Công ty Năng lượng Nawah vẫn đang chờ đợi giấy phép cuối cùng từ các nhà quản lý trước khi vận hành thương mại. Đến lúc 3 đơn vị còn lại của tổ hợp hạt nhân Barakah hoàn thành, 1/4 nhu cầu điện của UAE sẽ được cung cấp từ nhà máy này.

Hiện nay, năng lượng khí tự nhiên đáp ứng gần như tất cả nhu cầu năng lượng của UAE. Tuy nhiên, theo kế hoạch năng lượng UAE 2050, đến năm 2050, sự đóng góp của khí tự nhiên sẽ giảm xuống 38%, trong khi tỷ trọng của các loại năng lượng hóa thạch sạch, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo sẽ tăng lần lượt là 12%, 6% và 44% trong cơ cấu năng lượng của UAE.

Khác với đa số các quốc gia trong vùng Vịnh, Qatar ngày nay vẫn dựa chủ yếu và khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Một bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) tại Hội thảo về Năng lượng tái tạo của Bộ Năng lượng và Công nghiệp Qatar hồi tháng 4-2017 cho biết, mức tiêu thụ khí đốt trong nước của Qatar đã tăng lên 80% trong 5 năm qua để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện và nước. Nhu cầu năng lượng tổng thể dự kiến sẽ còn tăng trưởng hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời là một “lựa chọn hấp dẫn” cho Qatar.

Bản thân Qatar cũng khẳng định cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo, phát triển một nền kinh tế đa dạng, giảm phụ thuộc vào hydrocarbon trong tầm nhìn quốc gia 2030 của mình. Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu vào tháng 11-2016 rằng: “Qatar đặt mục tiêu 200MW điện từ năng lượng mặt trời trong giai đoạn đầu và sau đó tăng lên 500MW”.

Linh Phương