Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng (P2)

13:20 | 18/08/2015

|
Bộ sách của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là một bộ từ điển về các từ đồng nghĩa, tức “synonym dictionary/dictionary of synonyms” (tiếng Anh)

Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng

Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng

Bạn đọc: Lướt facebook, tôi thấy trên dòng thời gian của một người bạn có mục “Những lời vàng ngọc của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng”. Tôi tò mò tìm hiểu thêm thì thấy vị này có cả một bộ sách “hoành tráng” có tên là Từ điển nguồn gốc tiếng Việt gồm 3 tập với 27.500 mục từ. Xin nhờ ông An Chi cho biết ý kiến về bộ sách này và những lời vàng ngọc kia? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Tân Văn (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Bộ sách của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là một bộ từ điển về các từ đồng nghĩa, tức “synonym dictionary/dictionary of synonyms” (tiếng Anh) và “dictionnaire des synonymes” (tiếng Pháp) không hơn không kém. Mà chúng có là những từ đồng nghĩa đích thực hay không thì cũng còn cần đến một sự thẩm định rất công phu (nếu nó thực sự xứng đáng với sự thẩm định này). Carl Darling Buck có một pho từ điển chưa dày bằng bộ sách của ông Vọng; nó chỉ dày hơn 1500 trang (nhưng giá trị học thuật của nó thì chắc chắn là “dày” hơn rất nhiều) và có nhan đề là A Dictionary of Selected Synonyms in The Principal Indo-European Languages (The University of Chicago Press, Third Impression 1971).

Buck đã tự giới hạn trong phạm vi các ngôn ngữ Ấn Âu, là những ngôn ngữ đã được nghiên cứu chắc chắn và rốt ráo về mặt từ nguyên cho nên độ tin cậy về mặt này rất cao. Ấy vậy mà Buck cũng chỉ gọi chung các từ (words) đem ra so sánh trong pho từ điển của mình là “synonyms”, chứ không gọi là “cognates” mặc dù cognates trăm phần trăm thì nhan nhản ở trong sách. Và trong pho từ điển của mình thì, sau từng bảng so sánh những từ đồng nghĩa (trong hàng chục thứ tiếng Ấn Âu), Buck luôn luôn thực hiện việc biện luận tỉ mỉ về từ nguyên chứ không phải hoàn toàn không có biện luận như BS Vọng. Và vì nhầm lẫn về khái niệm “cognate” (từ đồng nguyên) nên BS Vọng đã viết:

“Các tiếng nói Ðông nam Á [Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Mông Bahnar, Rhade, v.v.] bao bọc tiếng Việt trong một vòng dây thân ái của tình anh em ngôn ngữ chung giòng (sic) chung họ hàng mà chúng ta không ngờ đến đó thôi” (“Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt”).

Thực ra thì ở đây, ta có đến 5 dòng họ: 1. Tiếng Khmer và tiếng Bahnar thuộc dòng Môn-Khmer; 2. Tiếng Lào và tiếng Thái [Lan] thuộc nhóm phía Tây của các ngôn ngữ Tày - Thái, chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Sanskrit; 3. Tiếng Chàm, tiếng Malay, tiếng Indonesia và tiếng Rhade (Rhađê) thuộc họ Malayo - Polynesian; 4. Tiếng Nùng thuộc nhóm phía Đông của các ngôn ngữ Tày - Thái chịu ảnh hưởng của tiếng Hán; 5. Tiếng Hmong thì lại là một ngôn ngữ Miêu - Dao. Vì vậy nên, về mặt phổ hệ, ta không thể nói 10 ngôn ngữ trên là “chung dòng chung họ hàng” được. Vì không phân biệt được về mặt ngữ hệ nên hễ thấy có những từ đồng nghĩa và cận âm với từ của tiếng Việt thì BS Vọng đều cho là “cognates” tất tần tật. Thực ra, khái niệm “cognate” chỉ có hiệu lực trong phạm vi một dòng họ mà thôi; ra khỏi quỹ đạo đó thì chỉ có thể lả từ mượn (borrowing, emprunt) mà thôi. Longman Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics của Jack C. Richards, John Platt, Heidi Platt (Longman Group UK Limited, Third Edition 1993) đã định nghĩa “cognate” rạch ròi như sau:

“A word in one language which is similar in form and meaning to a word in another language because both languages are related. For example English brother and German Bruder”.

“Sometimes words in two languages are similar in form and meaning but are borrowings and not cognate forms. For example, kampuni in the African language Swahili, is a borrowing from English company”.

Dịch nghĩa:

“(Cognate) là từ của một ngôn ngữ, tương tự về hình thức và ý nghĩa với từ của một ngôn ngữ khác do cả hai đều có họ hàng với nhau. Thí dụ như brother của tiếng Anh và Bruder của tiếng Đức”.

“Có khi từ của hai ngôn ngữ [cũng] tương tự về hình thức và ý nghĩa nhưng lại là từ mượn chứ không phải là những hình thức đồng nguyên. Thí dụ như kampuni của tiếng Swahili châu Phi là từ mượn ở company của tiếng Anh”.

Xin lấy một thí dụ thuộc loại đơn giản, để thấy trong quyển từ điển của mình thì BS Vọng cho rằng từ mượn là từ đồng nguyên: Việt: ách; Thái: eek; Lào: eék; Nùng: ách; Tàu: ách.

Ở đây, “ách” là âm Hán Việt của chữ [軛], có nghĩa là… ách; nói một cách khác, đây là một từ Việt gốc Hán chứ không có chuyện đồng nguyên. Chữ [軛], khi mà nguyên âm của nó hãy còn là [ε], chính là nguyên từ (etymon) của “eek” (Thái [Lan]) và “eék” (Lào); nói một cách khác, đây là từ Thái [Lan] và từ Lào gốc Hán; cũng không có chuyện đồng nguyên (với tiếng Hán). Chữ “ách”, mà BS Vọng ghi là tiếng Nùng thì chúng tôi cho là chuyện khả nghi. Từ điển Tày-Nùng-Việt của Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974) ghi âm của nó là “ec”, tức [εk]. Chắc chắn đây là cách ghi âm chính xác hơn cách của BS Vọng và đây cũng là một từ mượn, chứ không phải đồng nguyên với [軛] của tiếng Hán. Cuối cùng, cách ghi “Tàu: ách” của BS Vọng chỉ chứng tỏ rằng ông đã vi phạm nguyên tắc khi so sánh. Lý do: “ách” là âm Hán Việt của chữ [軛] còn âm “Tàu” của chữ này thì lại là “è”.

Tóm lại, tính khoa học trong bộ từ điển của BS Nguyễn Hy Vọng thì thấp còn những lời “chém gió” của ông trong nhiều bài chắc chắn sẽ giúp cho những độc giả sáng suốt thư giãn một cách thoải mái.

Năng lượng Mới 449