Những điều chưa biết về Cuba

06:55 | 21/08/2015

5,617 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Mỹ và Cuba chính thức mở lại đại sứ quán tại thủ đô của hai nước đang gây được sự chú ý của cả thế giới. Đây là bước khởi đầu trong tiến trình bình thường hóa quan hệ, dần tiến tới gỡ bỏ cấm vận về kinh tế và thương mại đối với Cuba. Thành công có được ngày hôm nay là kết quả của hơn 50 năm nỗ lực không ngừng về mọi mặt. Và đặc biệt là sau khi Liên Xô sụp đổ, chỗ dựa của Cuba không còn nữa… Ấy vậy mà Cuba vẫn vượt qua những năm tháng khốn khổ và người lớn có thể thiếu ăn, nhưng trẻ em từ 1 đến 6 tuổi không bị thiếu sữa, không bị thất học và chăm sóc y tế thì chính nước Mỹ cũng chưa chắc đã bằng. Chúng ta hãy cùng xem Chính phủ và nhân dân Cuba đã làm như thế nào?

nhung dieu chua biet ve cuba

Cuba “quá tải” vì khách du lịch

Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ đang khiến một lượng khách du lịch khổng lồ đổ về đảo quốc Cuba trong thời gian qua. Nhiều người đến vì tò mò muốn biết đất nước và con người Cuba sau hơn 50 năm bị bao vây cấm vận, nhưng cũng có những người muốn khám phá vẻ đẹp có một không hai tại vùng biển Caribbean.

Cho đến bây giờ, Cuba vẫn còn là một bí ẩn đối với nhiều người có thể vì các lý do khác nhau, nhưng khi nhắc đến Cuba, người ta sẽ nghĩ ngay đến Che Guevara, Chủ tịch Fidel Castro, rượu rum, xì gà và những bãi biển trải dài ngút tầm mắt.

nhung dieu chua biet ve cuba
Học sinh lớp 1 ở Cuba múa hát tại quảng trường

Nhưng những kỳ tích của Cuba về giáo dục và y tế thì không phải mấy người đã biết.

Cộng hòa Cuba hiện đang đứng ngang hàng với các nước phát triển trên thế giới về y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao cho dù quốc đảo này bị Mỹ cấm vận về kinh tế và thương mại hơn 50 năm qua. Vậy để làm được những điều đó, Chính phủ và nhân dân Cuba đã làm những gì và mỗi lần nhắc đến Cuba là cả thế giới phải “ngả mũ” khâm phục?

Có nhiều người khi đến Cuba chỉ đánh giá được bề ngoài, đó là thiếu thốn, nghèo đói nhưng lại không nhìn được những ưu điểm mà đất nước này có được. Đáng buồn nhất là chính người Việt Nam, khi sang Cuba, thì không hiếm người chê bai Cuba đủ điều. Có thể họ chỉ nhìn thấy những căn nhà bị xuống cấp, những chiếc xe cũ nát chạy tung tăng trên đường phố; thấy những cửa hàng nghèo nàn và giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu từ bàn chải đánh răng, bánh xà phòng cũng khá đắt… thậm chí còn không có mà mua. Nhưng họ không nhìn một khí chất anh hùng của người Cuba, những ưu việt của chế độ trong giáo dục, y tế.

nhung dieu chua biet ve cuba
Trẻ em cấp 1 ở cuba

Tôi được sang học Cuba từ nhỏ và cũng trải qua những ngày ăn đói, những lần xếp hàng cả nửa ngày mới đến lượt đi xe buýt, xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới mua nổi que kem…

Nhưng đất nước này có rất nhiều điều đáng để Việt Nam phải học tập và suy ngẫm về cái gọi là sự “giàu có” của chúng ta.

Trẻ em Cuba từ khi sinh ra đến khi 6 tuổi, đều đặn mỗi ngày được phát 1/2 lít sữa tươi, cứ 2 lần trong 1 tuần được phát 1 lít sữa chua. Sữa ở đây được mua với giá rẻ và rẻ đến kinh ngạc. 1USD có thể mua được gần…100 lít sữa tươi (tất nhiên đó là giá đã được nhà nước trợ giá). Riêng trẻ em và người già được hưởng chế độ đặc biệt, hằng tuần được phát 1/2kg thịt bò, thi thoảng là cá biển.

Chuyện giá cả ở Cuba thì cũng lắm cái buồn cười và với người Việt, thì khó mà tưởng tượng nổi. Ở Cuba, lương công chức rất thấp. Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, lương tháng cũng chỉ trên dưới…50USD; công chức bình thường chỉ dưới 20USD. Nhưng với một gia đình 4 người (vợ, chồng và 2 con), thì chỉ cần hơn 10USD là mua đủ lương thực, thực phẩm, trả tiền điện, nước, gas, tiền thuê nhà… Cuba lưu hành 2 loại tiền, loại cũ là đồng peso, 1 peso có 100 cent, (người Việt hay gọi bằng xu) và 1USD thường đổi được từ 26 đến 30 peso. Công chức (kể cả cảnh sát), ăn cơm tại nhà ăn tập thể, mỗi tháng ăn 24 bữa trưa, phải thanh toán khoảng… 24 peso. Nghĩa là 1USD, ăn được 24 bữa cơm tập thể. Bữa cơm trưa cũng... khá đạm bạc. Thường chỉ có cơm nấu với đậu đen, bát canh, miếng thịt bò khoảng 100gr, hoặc 2 quả trứng… Đi ra chợ, nếu mua cam, có khi 1USD mua được cả… bao tải cam. Tôm hùm ở Cuba cũng rất rẻ, chỉ khoảng 5USD/kg. Còn cá nước ngọt thì lại còn rẻ hơn nhiều. Một con cá trê khoảng 5kg, có khi chỉ… hơn 1USD.

nhung dieu chua biet ve cuba
Bác sĩ Cuba khám bệnh cho người dân

Nên nhớ rằng, thu nhập bình quân đầu người ở Cuba khoảng 5.500euro/năm, nghĩa là cao gần gấp 3 lần Việt Nam. Và bạn đọc sẽ tự hỏi rằng, bình quân đầu người cao thế, sao lại thiếu thốn vậy? Sự thiếu thốn này là một phần do Cuba tập trung tối đa cho con người - mà đặc biệt là trẻ em và người già, tập trung tối đa cho giáo dục, y tế!

Cuba là đất nước được thiên nhiên ưu đãi đến mức kỳ lạ. Rừng rậm, núi cao rất nhiều, vậy mà không có rắn độc, không có thú ăn thịt… chủ yếu ở đây là các loại chồn, dũi, hoặc cáo… Nước ngọt ở Cuba chất lượng tuyệt hảo. Nhà máy nước chỉ cần lọc nước cho sạch, còn không phải… khử trùng.

Chính phủ Cuba đặc biệt chú trọng đến việc chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, ngoài việc khám chữa bệnh, hằng ngày bác sĩ đến nhà hỏi thăm tình hình sức khỏe. Và đối với trẻ sơ sinh, Cuba cấm ngặt việc cho trẻ uống sữa bột. Chỉ trường hợp bà mẹ nào mất sữa hoàn toàn thì mới được phép cho con bú bình, ở đây, các bà mẹ rất có ý thức nuôi con bằng sữa mẹ.

Theo thống kê năm 2014, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 4,2 trên 1.000, đạt kỷ lục trong lịch sử Cuba, đưa quốc đảo này lên danh sách các nước đứng đầu về đảm bảo sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trên thế giới. Năm ngoái, các bác sĩ Cuba đã chế tạo ra vắc-xin chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, đây là một trong số nhiều thành tựu y học của Cuba được cả thế giới công nhận

Y học ở Cuba là một trong số những ngành có số sinh viên học cao nhất, ngoài sinh viên Cuba, hiện ngành này có hơn 10.000 sinh viên nước ngoài đến từ hơn 70 quốc gia trên thế giới, trong đó phần đông là từ các nước kém phát triển trong khu vực và Châu Phi sang học tập.

nhung dieu chua biet ve cuba
Học sinh ở Cuba

Chỉ có hơn 11 triệu dân, nhưng Cuba có tới hơn 150 nghìn bác sĩ, y tá được phân đều ở hơn 219 bệnh viện và 498 trạm xá trên cả nước. Cứ 148 người dân thì có một bác sĩ. (Ở Việt Nam là 7,2 bác sĩ trên… 10.000 dân). Bác sĩ ở Cuba có mặt đến tận từng khu phố. Ai ốm đau gì, đầu tiên là tới bác sĩ khu phố khám và điều trị đã, chỉ khi nào bác sĩ khu phố thấy không chữa được thì mới gửi lên bệnh viện. Nhưng về cơ bản, trình độ của bác sĩ Cuba rất cao và họ chăm sóc người bệnh thì cực kỳ chu đáo.

Đảm bảo được sức khỏe của người dân trong nước đã là một nỗ lực rất lớn, vậy mà hằng năm Cuba còn “xuất khẩu” đi khắp các quốc gia trên thế giới hàng trăm bác sĩ… Tính đến nay, có hơn 60.000 bác sĩ làm việc ở nhiều nước và việc này đã được Cuba làm hơn 50 năm nay! Bác sĩ và giáo viên Cuba có mặt ở nhiều nước khu vực Nam Mỹ và Châu Phi và đội quân này mang về cho đất nước một nguồn ngoại tệ không nhỏ.

Dù còn thiếu thốn về điều kiện vật chất nhưng ở các bệnh viện Cuba không có cảnh chung giường, hoặc nằm dài ngoài hành lang... Qua cung cách, thái độ làm việc của bác sĩ, thì thấy rằng người Cuba rất coi trọng tính mạng con người. Theo thống kê năm 2013 mức đầu tư cho y tế cộng đồng chiếm 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cuba.

Ngoài y tế, giáo dục của Cuba cũng là một tấm gương cho nhiều nước học hỏi.

Kể từ khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959, Chủ tịch Fidel Castro đã quyết tâm xóa mù chữ cho toàn dân, hiện nay 99,8% người Cuba biết đọc, viết, cao nhất trong khu vực Mỹ Latinh. Theo tài liệu của UNESCO, sinh viên Cuba có trình độ và kiến thức cao gấp hai lần so với sinh viên các nước trong khu vực.

nhung dieu chua biet ve cuba

Tuy rằng hệ thống cơ sở hạ tầng của Cuba một phần lớn đã xuống cấp do thiếu kinh phí nhưng học sinh, sinh viên ở đây luôn được tạo điều kiện tốt nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.

Trẻ em Cuba khi bắt đầu đi học cấp một chỉ phải học 6 môn mà trong đó thể dục, âm nhạc và múa là chủ yếu. Mục tiêu là khi các em tốt nghiệp tiểu học chỉ là biết đọc, viết và tính toán cơ bản. Nhà trường chú trọng vào việc hướng dẫn học sinh cách hòa nhập, biết cách sống tự lập. Còn các môn khác sẽ được học dần ở các cấp. Chỉ riêng hai môn Văn học và Lịch sử là bắt buộc từ cấp một đến đại học

Trường học bên Cuba cũng có bán trú, nội trú. Ở cấp một, đa số học sinh ở bán trú, nhà trường nuôi ăn một bữa. Bữa cơm có thịt hoặc giăm bông, canh đỗ đen và một quả chuối. Tuy nhiên, ở các cháu học lớp 1, lớp 2, thì gia đình có thể cho mang thêm đồ ăn đến lớp.

Các trường trung học phổ thông ở Cuba hoàn toàn nằm ở vùng nông thôn, có nhiều trường cách trung tâm các thành phố đến hơn 40km, xung quanh là đồng cỏ bát ngát. Học sinh sống tập trung tại các trường này, đây là một sáng kiến rất hay của Chính phủ Cuba, đưa học sinh ra ở tập trung có hai cái lợi, thứ nhất là rèn cho học sinh sống và sinh hoạt như kiểu quân đội. Chúng ta phải nhớ rằng cách đây không lâu, Cuba luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu chống Mỹ. Cái lợi thứ hai đó là tạo thói quen lao động, hằng tuần học sinh sẽ phải tham gia hái cà phê, chặt mía, hái cam; thu hoạch khoai tây hay làm vệ sinh xung quanh trường.

Mới nghe thì cảm thấy rất khổ, nhưng sau một thời gian thì chẳng ai muốn về nhà. Tôi đã từng học phổ thông nội trú ở Cuba, đó là những ngày tháng không thể nào quên, thời gian đầu chập chững đã giúp tôi hiểu thêm về con người Cuba, chân thành, nồng hậu và rất tình cảm, đặc biệt là với nhân dân Việt Nam. Câu nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” không chỉ là khẩu hiệu, mà đã trở thành hiện thực. Đó là tình cảm đáng trân trọng, gìn giữ.

Chủ tịch Fidel Castro đã từng nói rằng, Cuba sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa và để làm được điều này, nhân dân Cuba phải được đảm bảo hoàn toàn hai quyền cơ bản, đó là được hưởng dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí.

Không như ở Việt Nam, mỗi khi bắt đầu năm học mới, các bậc cha mẹ lại tất bật đi mua sắm sách giáo khoa, đồng phục cho con cái. Ở Cuba, việc này được nhà trường hoàn toàn đảm nhiệm, cứ đến đầu năm học, các gia đình lại đưa con đến nhận sách, vở, bút chì và đồng phục.

Cứ tính từ khi học cấp một đến hết đại học thì riêng khoản này đã ngốn không biết bao nhiêu tiền. Vậy mà họ đã thực hiên được hơn nửa thế kỷ!

Học ở Cuba thực ra không phải là khó, chỉ cần học đúng chương trình, có mặt đầy đủ là lên lớp, giáo viên Cuba luôn sẵn sàng ngồi hàng tiếng với những học sinh chưa hiểu bài, thậm chí nhà trường còn tạo cơ hội thi lại đến hai lần cho học sinh nhưng họ thẳng tay trừng trị những ai quay cóp.

Dù học ở cấp nào đi chăng nữa, chỉ cần một lần bị bắt vì tội quay cóp thì sẽ chịu hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học. Riêng ở đại học, học sinh vi phạm sẽ bị nghỉ học 3 năm, sau đó quay lại năm đang học dở. Chủ tịch Fidel Castro nêu quan điểm về giáo dục là: “Trước hết là phải dạy tính trung thực”. Vì thế, quay cóp được coi điều đáng xấu hổ và bị xử phạt cực nặng. Đã có trường hợp sinh viên Việt Nam sử dụng điện thoại di động trong phòng thi và bị đuổi về Việt Nam… 2 năm. Hết thời gian này, mới được sang học tiếp. Ở Cuba, hầu như không có chuyện ưu tiên cho con cái nhà ai, thành phần thế nào. Ngày xưa, trong những năm chống Mỹ, sinh viên Việt Nam học tập ở Cuba khá đông và thường là học giỏi nhất, giữ kỷ luật tốt nhất. Nhưng gần đây, chất lượng có phần giảm nhiều.

Ngoài học văn hóa ở nhà trường, gần như tất cả trẻ em Cuba đều tham gia vào các câu lạc bộ ngoại khóa như âm nhạc, múa, thể thao. Tất nhiên là Không phải đi xin, phải đóng tiền mà chỉ việc đến đăng ký và tham gia. Học hết bậc tiểu học, gần như 100% học sinh biết múa hát, biết đọc ký xướng âm các bài hát đơn giản và biết chơi một loại nhạc cụ. Có hai loại nhạc cụ được người Cuba rất yêu thích đó là kèn và ghita.

Ở những vùng sâu, vùng xa, khi có một đứa trẻ đến tuổi đi học, thì nếu không thể đi đến trường vì bất cứ lý do gì, cũng sẽ có giáo viên đến tận nhà dạy học.

Học sinh ở Cuba không có khái niệm học thêm. Những học sinh nào học dốt quá, phải thi lại thì dịp hè sẽ có giáo viên kèm cặp.

Năm 2014, Chính phủ Cuba dành 12,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho giáo dục, trên cả Đan Mạch (8,7%), Mỹ (5,4%), Pháp (5,9%). Con số này cho chúng ta biết Cuba chú trọng như thế nào đến việc phổ cập giáo dục cho toàn dân.

Đến Cuba, ta sẽ chìm đắm vào những vũ điệu salsa, casino ở bất cứ chỗ nào. Người Cuba có thể nhảy mọi lúc, mọi nơi và nhảy rất đẹp. Đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày ở đây. Tuy nghèo nhưng họ biết tìm kiếm niềm vui ở những thứ nhỏ nhặt nhất.

Những cụ già với làn da chai sạm vì nắng gió biển đảo ngồi chơi domino, miệng phì phèo điếu xì gà đã trở thành hình ảnh quen thuộc với bất cứ ai đến Cuba như đúng như trong truyện “Ông già và biển cả” mà nhà văn Hemingway đã miêu tả “… mọi thứ trên cơ thể lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt; chúng có màu với nước biển, vui vẻ và không hề thất bại”.

Đó cũng là miêu tả chung về con người Cuba, luôn vui vẻ nhưng sẵn sàng đương đầu với sóng gió. Họ như những con sóng biển Caribe, khi thì lặng im, hiền lành, khi thì mạnh mẽ, sôi nổi.

Cho dù còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống ở Cuba luôn chứa đựng hai yếu tố không thể đánh đổi bằng vật chất đó là: Hạnh phúc và Thanh bình. Trong tương lai rất gần thôi, Cuba sẽ như “rồng đổi màu”, nhanh chóng phát triển về mọi mặt, trở thành một cường quốc bên kia bán cầu.

Nguyễn Phong Sơn

Năng lượng Mới 450

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps