Người anh cả của PC Bình Dương

19:17 | 19/07/2016

1,419 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 35 năm công tác trong ngành Điện với 20 năm giữ cương vị Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PC Bình Dương), 18 năm làm Bí thư Đảng bộ cơ sở và có 2 nhiệm kỳ là Tỉnh ủy viên, ông Trương Chí Dũng - được mọi người trìu mến gọi tên thân mật là “anh Năm”. 
nguoi anh ca cua pc binh duong
Anh Năm Dũng khi còn là Phó Giám đốc Điện lực Sông Bé.

Anh luôn cố gắng hết sức mình không chỉ với lòng quyết tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu mà còn bằng cả lòng yêu nghề và yêu ngành.

Năm 1981 sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành hệ thống điện thuộc, anh Năm về làm việc tại Phòng Kế hoạch Kỹ thuật - Sở Điện lực Sông Bé. Sau thời gian phấn đấu làm việc, cống hiến hết mình cho đơn vị, với năng lực nổi trội, công tác tốt, chuyên môn vững vàng và được sự tín nhiệm của lãnh đạo, năm 1989 được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Kỹ thuật. Với cương vị mới, anh đã xây dựng kế hoạch phát triển lưới điện, quyết tâm phủ điện khắp tỉnh Bình Dương, nhất là cung cấp điện cho các khu công nghiệp.

Tháng 7/1996, anh Năm được lãnh đạo bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Điện lực Sông Bé khi vừa tròn 40 tuổi. Tháng 01/1997, khi tỉnh Bình Dương được thành lập sau khi tách ta tỉnh Sông Bé và đến 01/4/1997 anh Năm được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc PC Bình Dương cho đến nay.

Với những lợi thế vốn có và thực hiện những chủ trương đúng đắn, Bình Dương đã nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trở thành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khởi đầu từ dấu ấn thành công của Khu công nghiệp Sóng Thần (KCN được thành lập đầu tiên vào tháng 9/1995), đến năm 1997 nhờ chính sách “trải thảm” mời gọi đầu tư trong và ngoài nước của tỉnh, hàng loạt các khu công nghiệp bắt đầu được thành lập như: Sóng Thần II, Đồng An, Việt Hương, Tân Đông Hiệp A, VSIP - Việt Nam Singapore, Nam Tân Uyên, Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và 5… kéo theo nhu cầu về sử dụng điện tăng cao. Điều này đã gây nhiều áp lực cho ngành Điện tại địa phương, đặc biệt là đối với người đang giữ vai trò lãnh đạo đơn vị.

Vận dụng các chính sách quyết định của Trung ương áp dụng thông thoáng trên đia bàn tỉnh Bình Dương để giải quyết “bài toán khó” về nguồn điện, ông Dũng cùng các cộng sự đã mạnh dạn tham mưu lên lãnh đạo tỉnh đề xuất Trung ương đẩy nhanh quá trình xây dựng các trạm 110kV trên địa bàn để đảm bảo cung cấp điện cho các khu công nghiệp. Nhờ kế hoạch dự báo phụ tải được chuẩn bị đầy đủ, thuyết phục nên các đề xuất đều được Trung ương phê duyệt, “bài toán khó” về nguồn điện dần được giải quyết. Kết quả từ 1997 đến nay, ngành Điện đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình trạm nguồn trên địa bàn tỉnh và hiện nay PC Bình Dương nhận điện từ 20 trạm biến áp trung gian 110/22kV, gồm 148 phát tuyến với tổng công suất 2.053MVA, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, cùng với sự linh hoạt, nhạy bén của người lãnh đạo và kịp thời nắm bắt được nhu cầu của khách hàng sử dụng điện, anh Năm đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tích cực vận động chủ đầu tư khu công nghiệp ứng vốn xây dựng trạm 110kV Sóng Thần, Bến Cát. Đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống lưới điện phân phối dọc theo các tuyến đường trong khu công nghiệp để đảm bảo cấp điện nhanh chóng, không để khách hàng phải chờ điện nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất. Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, ngành điện sẽ hoàndần vốn cho nhà đầu tưkhi có doanh thu bán điện. Hình thức vận động “Doanh nghiệp và ngành Điện cùng làm” có thể xem là một cải tiến mới trong công tác quản lý, vừa giúp ngành Điện giảm áp lực nguồn vốn đầu tư ban đầu vừa giải quyết nhanh nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.

Vấn đề về thiếu hụt nguồn điện cơ bản đã được giải quyết, PC Bình Dương nay đã vững bước phát triển theo quỹ đạo chung nhưng khi nhắc đến những thành tích đã đạt được, anh Năm tâm đắc: “Những thành tích đạt được của đơn vị là thành tích chung của tập thể và những thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm”. Chắc chắn rằng cũng không một ai phủ nhận công lao đóng góp của anh trong quá trình phát triển của PC Bình Dương, đặc biệt là trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Giờ đây gần 60 mùa xuân trôi qua với hơn 35 năm miệt mài cống hiến cho ngành Điện, anh Năm Dũng đã làm tròn nghĩa vụ, trọng trách mà các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm đã tin tưởng giao phó góp phần xây dựng nền móng vững chắc, giúp PC Bình Dương vươn mình phát triển.

Nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, riêng giao đoạn 4 năm 2012-2015, PC Bình Dương liên tục là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Điện lực miền Nam; 5 năm liền được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công Thương (2011-2015) và năm 2014 đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về những thành tích xuất sắc, tiêu biểu của đơn vị trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển.

Mai Hoa (Trung tâm Thông tin EVN)