Nghề giao dịch viên

09:03 | 25/09/2016

841 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người ta thường bảo: “Nghề nào nghiệp ấy”. Vui có, buồn có, tủi có, hạnh phúc có… Những cung bậc cảm xúc của một nghề không mới mẻ gì đó là “giao dịch viên”. Nghề đã vô tình chọn tôi và tôi cũng đã trót yêu nghề. Ấy vậy mà mới đó thôi, ngót nghét cũng đã hơn chục năm tôi gắn bó với nghề giao dịch rồi.
nghe giao dich vien
Nhân viên giao tiếp khách hàng Điện lực Trung tâm Nha Trang.

Là người thường xuyên trực tiếp giao tiếp với khách hàng, xử lý, giải quyết các nhu cầu của khách hàng và được gọi vui là “bộ mặt” của cơ quan nên giao dịch viên cần phải trang bị cho mình một kiến thức nghiệp vụ vững vàng, kỹ năng giao tiếp tốt và đương nhiên phải nhiệt tình, chân tình, chu đáo, cởi mở với chính những khách hàng của mình.

Nghề giao dịch mang đến nhiều niềm vui nhưng đôi khi cũng gặp nhiều điều buồn tủi. Thật vậy! Bạn đã bao giờ rơi vào hoàn cảnh bị người khác quăng tiền thẳng vào mặt mình chưa? Tưởng rằng điều khó tin trong môi trường công sở văn minh lịch thiệp lại có những khách hàng có cách hành xử thiếu văn minh như vậy! Nhưng đó không ít lần xảy ra khi ai đã từng là giao dịch viên liên quan đến công việc thu tiền.

Một vị khách bước ra khỏi Điện lực sau khi quăng mấy tờ tiền năm chục xuống bàn khi đóng tiền điện kèm theo câu mắng: “Tiền đó, mấy ông mấy bà ăn đi”. Chị nhân viên lẳng lặng cúi xuống nhặt mấy tờ tiền mà vị khách ấy vừa quăng đếm thử có đủ với tiền điện tháng 8 hay không rồi chép miệng: “Chắc nhà bị cắt điện nên chị này bực tức”. Ngẫm nghĩ, âu cũng là “nghiệp” của “nghề”. Chị thu ngân viên tại quầy ứng xử khá bình thản và hình như cũng đã khá quen với việc ấy. Chưa kể đến việc có những khách hàng khó tính, thanh toán gần ba triệu tiền điện mà chỉ là tờ 5.000 đồng, 2.000 đồng và 1.000 đồng.

Tháng nào cũng như tháng nào, cứ vậy, chị giao dịch lại cặm cụi đếm tiền mà phải đếm thật nhanh thật chính xác vì e ngại khách hàng phải đợi chờ lâu. Vậy cũng đã là khá may mắn khi không gặp phải những khách hàng ứng xử cực kỳ nóng tính và thô lỗ khi giao dịch. Hay khi gặp những điều không vui trong cuộc sống, giao dịch viên cũng phải nở nụ cười trên môi khi tiếp đón khách hàng. Biết rằng không dễ dàng chút nào nhưng đã là giao dịch thì phải biết cân bằng giữa gia đình và công việc, kiểm soát được cảm xúc của mình để không phải làm mất đi hình ảnh đẹp của khách hàng dành cho ngành điện.

Nói như vậy không có nghĩa nghề giao dịch không có niềm vui. Khi làm nghề họ gặp gỡ được rất nhiều người, tiếp xúc rất nhiều tính cách, nhiều ngành nghề, nhiều lứa tuổi vì vậy giúp cho họ có rất nhiều trải nghiệm với những con người khác nhau trong xã hội. Đó cũng là môi trường làm việc tốt, năng động, cởi mở, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử thông minh và sáng tạo.

Là hình ảnh đầu tiên khi khách hàng đến giao dịch. Ấn tượng đầu tiên về Công ty có tốt đẹp hay không phụ thuộc khá nhiều vào cách giao dịch viên ứng xử có khéo léo và chuyên nghiệp hay không. Ấy vậy nên, tôi – một giao dịch viên đang công tác tại quầy luôn tự hào vì những công việc mà mình đã, đang và sẽ làm. Để từ đó tiếp tục công hiến công sức nhỏ bé của mình, góp phần xây dựng thương hiệu PC Khánh Hòa ngày càng đẹp hơn trong mắt quý khách hàng sử dụng điện.

Hồng Tú (EVNCPC)