Xung quanh bệnh vi khuẩn "ăn thịt người": Mắc bệnh không dễ

07:00 | 30/05/2013

4,246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ thập niên 20 của thế kỷ trước, ở Mỹ đã xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên với biểu hiện bệnh: hoại tử chân, tay, mặt… thậm chí có ca tử vong. Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến 2011, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã có 10 ca cấp cứu trong tình trạng bệnh tương tự. Gần đây nhất, một bệnh nhân nam ở Thái Bình cũng mắc phải bệnh này nhưng diễn biến theo chiều hướng: sốc nặng, viêm hoại tử lan tỏa khắp cánh tay bên trái. Vậy đây là căn bệnh có phải ai cũng dễ dàng mắc và làm thế nào để phòng ngừa bệnh v.v… đặc biệt là trong những ngày hè nắng nóng này?

Từ những ca bệnh ở Mỹ

Cuối năm 2009, cậu bé Matthew McKinney, 14 tuổi ở Mỹ, sau một lần đi bơi ở hồ Hope Mills, thuộc thị trấn Hope Mills, bang North Carolina trở về, đến tối cậu thấy rất mệt mỏi, người đau ê ẩm kèm theo triệu chứng buồn nôn, sưng tấy mũi bên trái. Đến đêm, thì Matthew sốt li bì đến nỗi sáng hôm sau cậu phải đi cấp cứu ở bệnh viện thành phố Fayetteville. Nhưng do không phát hiện ra bệnh, mặc dù đã làm các xét nghiệm, cậu bé được bác sĩ kê đơn thuốc rồi cho về nhà. Nhưng sau khi về nhà, cậu vẫn sốt li bì kèm theo các triệu chứng ngày một nặng hơn với nửa mặt bên trái của Matthew tự dưng biến dạng do sưng tấy, vòm miệng bị phá hủy và các mô trong miệng bắt đầu thối rữa.

Nguy hiểm hơn nữa, mũi của cậu bị hoại tử đen xì, vi khuẩn đã lan rộng tới phổi và xoang mũi… Cậu được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Tại đây, cậu được xác định nhiễm một loại khuẩn gây màu dạng hiếm. Loại khuẩn này thường sống ở sông, hồ, suối… Để điều trị bệnh và có thể sống sót đến ngày hôm nay, Matthew đã phải cắt bỏ nửa cánh mũi trái, một phần vòm miệng và bỏ đi 5 cái răng.

Hình dạng vi khuẩn "ăn thịt người"

Cũng tại Mỹ, vào năm ngoái đã xảy ra một trường hợp tương tự Matthew nhưng chỉ tiếc là bệnh nhân này đã tử vong. Bệnh nhân này là Anthony Hills, 55 tuổi, thuộc quận Charleston, tiểu bang Nam Carolina. Theo các bác sĩ Trường ĐH Y khoa Nam Carolina, nơi bệnh nhân đã điều trị thì trước khi được đưa đến đây, Anthony đã bị sưng cánh tay và chân bên phải, đồng thời người rất mệt mỏi kèm theo sốt. Sau đó, các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt cánh bỏ cánh tay phải và dự định cắt chân sau để cứu sống anh ấy. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện phẫu thuật bỏ chân thì Anthony đã qua đời.

Không chỉ Matthew, Anthony mà ở Mỹ đã có những ca bệnh như vậy và những ca đầu tiên có thể xem như xuất hiện vào năm 1927. Từ đó đến nay, theo báo cáo y học của Mỹ tổng số đã có 150 ca bệnh. Tất nhiên, tùy theo từng trường hợp, nhưng nặng nhất là tử vong, còn không sẽ phải cắt bỏ bộ phận, cơ quan nội tạng nào đó của cơ thể. Có người đã phải trải qua 5 năm điều trị mới sống nổi. Mỹ cũng được coi là quốc gia có số bệnh nhân mắc bệnh này cao nhất thế giới.

…Đến những ca gặp trong nước

Còn ở Việt Nam, gần đây nhất là một bệnh nhân nam 40 tuổi ở Tiền Hải, Thái Bình, nhập Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 12/4 trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử lan tỏa khắp cánh tay trái. Trước đó, theo người nhà bệnh nhân kể lại, anh bị sốt và lập tức chỉ một ngày sau đó, cánh tay trái của anh sưng nề rồi chỗ sưng ấy nhanh chóng lan tỏa ra khắp cánh tay, lên tới bả vai… Các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã điều trị cho anh và trong 10 ngày, anh đã “qua” được tình trạng sốc, nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, toàn bộ cánh tay trái của anh đã bị hoại tử nên phải chuyển sang Viện bỏng Quốc gia để ghép da.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì đây là ca bệnh hiếm hoi có thể sống sót do nhiễm vi khuẩn lạ. Vậy đây là loại vi khuẩn gì? Tại sao lại gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”?

Bệnh nhân ở Thái Bình bị hoại tử cánh tay trái do nhiễm khuẩn "ăn thịt người"

Đó chính là vi khuẩn mang tên Aeromonas hydrophila, hình que, thuộc họ vi khuẩn Gram âm, nằm trong họ Vibrionaceae, sống chủ yếu trong môi trường nước bề mặt (nước ngọt và nước lợ) và không chỉ gây bệnh cho người mà còn thường xuyên gây bệnh cho các loài cá, tôm, động vật lưỡng cư... Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sau khi xâm nhập vào cơ thể con người có thể qua vết thương hở, qua da, cũng có thể qua đường ăn uống trong trường hợp ăn hải sản như hàu… chúng sẽ “ăn dần ăn mòn” phần mô mềm (thịt) để rồi dẫn đến viêm, hoại tử tổ chức, sau đó lan tràn vào máu gây nhiễm trùng máu. Và đó cũng chính là nguyên nhân vì sao gọi vi khuẩn này là “ăn thịt người”.

Ở một hình thức khác, chúng có thể tiết độc tố làm ô nhiễm nguồn nước, gây bệnh tiêu chảy, xâm nhập qua đường ruột, gây nhiễm trùng máu ở người bị suy giảm miễn dịch, suy đa phủ tạng… Tuy nhiên, điều đáng nói là khi đã bị hoại tử, nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila thì gần như chắc như đinh đóng cột rằng, nguy cơ tử vong rất cao. Minh chứng là trong 10 ca nhiễm bệnh năm 2010-2011 ở Việt Nam, chỉ có 3 ca được cứu sống, 7 người còn lại đều tử vong. Và tất cả họ đều có biểu hiện chung là: xơ gan, suy đa tạng, vàng da, vàng mắt, hoại tử…

Đừng quá hoang mang

Với căn bệnh này, con người có dễ mắc phải không? Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết: “Con người rất khó nhiễm khuẩn Aeromonas hydrophila do chúng chỉ gây bệnh trên những người bị suy giảm miễn dịch. Minh chứng rõ ràng nhất là trong vài năm mới có khoảng chục ca bệnh. Vì vậy người dân không nên quá hoang mang, lo lắng”. Cái lo lắng nhất mà bác sĩ Cấp cho biết chính là việc xác định căn nguyên bệnh nhanh bởi nếu để lâu, bệnh biến chứng rất phức tạp dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Mà để xác định được bệnh do nhiễm khuẩn “ăn thịt người” thì hoàn toàn không đơn giản, nhất là ở các bệnh viện tuyến dưới. Do các bác sĩ ở đây chưa bao giờ gặp phải cũng như chứng kiến biểu hiện, tình trạng của bệnh nhân cho nên việc chẩn đoán bệnh rất khó. Thêm vào đó, vi khuẩn Aeromonas hydrophila lại khá nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh nên sau khi bệnh nhân đã được dùng kháng sinh thì việc nuôi cấy để tìm vi khuẩn không hề dễ dàng. Nhiều bệnh nhân chỉ được chẩn đoán qua hiện tượng lâm sàng. Bác sĩ Cấp nói: “Tỷ lệ xác định được căn nguyên Aeromonas hydrophila là thấp”.

Mặc dù, được đánh giá là hết sức nguy hiểm, nhưng GS.TS Phùng Đắc Cam, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng: Aeromonas hydrophila rất dễ bị tiêu diệt khi dùng các kháng sinh Sulfamit, Chloramphenicol, Tetacyclin, Ciprfloxacine. Vi khuẩn này kháng với Penicillin, AmpicillinA, Amoxillin và Cephalothin. Aeromonas hydrophila cũng rất dễ loại trừ bằng các dung dịch formol 2%, cồn 70%, cồn Iode, nước Javel (dùng để rửa vết thương).

Để đề phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, nên hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nhất là khi trên cơ thể có vết thương. Những người phải làm việc thường xuyên trong môi trường nước bẩn, làm bè tre nứa, đánh bắt cá… tốt nhất nên có trang bị phòng hộ phù hợp. Nếu có dấu hiệu sưng nề, hoại tử ở vùng có vết thương sau khi tiếp xúc nước bẩn cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.


Nguyễn Hưng