Vụ lật ca nô ở Cần Giờ: Những cuộc điện thoại cầu cứu hé lộ điều gì?

06:43 | 08/08/2013

1,105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều cuộc điện thoại báo tin khẩn về vụ ca nô bị nạn ở Cần Giờ (TP HCM) dần được hé lộ qua sự trình bày của những cá nhân có liên quan tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

>> Thông tin chính thức về vụ chìm tàu ở Cần Giờ

>> Vụ tai nạn ở Cần Giờ: Bất ngờ từ di vật của người lái ca nô

Xung quanh những cuộc điện thoại

Khoảng 19h30 ngày 2/8, Thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu (đang nghỉ phép tại Nghệ An) nhận được điện thoại của ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc với nội dung: “Có 1 ca nô của Công ty đi Cần Giờ, trên đường về bị hết nhiên liệu, nhờ tàu của đơn vị chở xăng dầu đi tiếp tế”.

Chiếc ca nô bị chìm làm 9 người thiệt mạng.

Vì Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc đang triển khai đóng và sửa chữa ca nô cho đơn vị nên Thượng tá Quỳnh báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và điều động tàu BP 13-04-02 chở xăng dầu đi tiếp tế.

Khoảng 19h45 cùng ngày, tàu BP 13-04-02 rời cảng dầu khí mang theo 2 can xăng (khoảng 60 lít) và 2 hộp nhớt đi tiếp tế cho ca nô nói trên. Cùng đi trên ca nô có ông Tô Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc.

Đến khoảng 20h30 cùng ngày, ông Đảo điện thoại cho Thượng tá Quỳnh thông báo: “Ca nô trên đã bị chìm”. Thượng tá Quỳnh hỏi ca nô nào? Ông Đảo nói: “Ca nô H29 BP của đơn vị anh”.

Thượng tá Quỳnh nói: “Ca nô biên phòng đang bảo dưỡng, sửa chữa sao anh lại điều đi chở người?”. Ông Đảo nói: “Em sai rồi, anh cố gắng giúp em”. Thượng tá Quỳnh tiếp lời: “Anh phải thông báo ngay cho các cơ quan liên quan để tổ chức cứu hộ cứu nạn, tôi sẽ cho tàu đang đi tiếp tế cứu nạn ngay”.

Sau đó, Thượng tá Quỳnh điện thoại chỉ đạo Thượng tá Nguyễn Thế Phát, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ đang trực chỉ huy đơn vị triển khai lực lượng phương tiện tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, Thượng tá Quỳnh điện thoại cho ông Văn Đức Ánh (thuyền trưởng tàu BP 13-04-02) chuyển sang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và báo cáo vụ việc lên Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh.

Lập tức, Thượng tá Phát chỉ đạo điều động thêm một tàu BP 12-04-05 và 2 ca nô BP 13-10-03, BP 13-10-15 tham gia tìm kiếm cứu nạn, đồng thời cử cán bộ sang làm việc và ứng trực tại trụ sở Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc.

Thuyền trưởng tàu tiếp dầu cho ca nô H29 BP nói gì?

Theo tường trình, vào khoảng 19h30 ngày 2/8, thuyền trưởng Văn Đức Ánh nhận được lệnh của Chỉ huy trưởng Biên Phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu chở người và nhiên liệu của Công ty Việt - Séc ra tiếp tế cho ca nô tại khu vực ven biển Cần Giờ.

Tàu cứu hộ đưa thi thể nạn nhân cuối cùng của vụ tai nạn vào bờ.

Khoảng 19h40, ông Tạ Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh của Công ty Việt - Séc đi ca nô tới và đưa lên tàu BP 13-04-02 hai can xăng (1 loại 30 lít/can = 60 lít) và 2 hộp nhớt (1 loại 1 lít/1 hộp = 2 lít) để tiếp tế cho ca nô của Công ty Việt - Séc.

Đến 19h45 tàu BP 13-04-02 rời Cảng dầu khí đi theo hướng Cần Giờ do ông Sơn hướng dẫn. Khoảng 20h30, tàu vào khu Cồn Ngựa (huyện Cần Giờ) thì bị mắc cạn. Sau đó, thuyền trưởng Ánh đã lùi tàu ra khỏi khu vực mắc cạn và báo tình hình về chỉ huy đơn vị rồi tiếp tục công tác tìm kiếm.

Đến khoảng 20h40, thuyền trưởng Ánh nhận được điện của Thượng tá Quỳnh, Chỉ huy trưởng và Thượng tá Phát, Chỉ huy phó nghiệp vụ báo ca nô đã chìm rồi ra lệnh cho tàu chuyển sang làm công tác tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp.

Thuyền trưởng Ánh cho biết: “Tôi đã điều động tàu chạy đến ngay tọa độ mà anh Sơn (Công ty Việt - Séc) cho để tìm kiếm cứu nạn nhưng không thấy gì. Tôi tiếp tục điều động tàu tìm kiếm ở khu vực xung quanh đó”.

Một thời gian sau, đến khi thấy các cơ quan chức năng ra làm công tác tìm kiếm cứu nạn và đã liên lạc với tàu SAR 272 thì nghe qua bộ đàm đã vớt được 17 người trên kênh 16 VHF. Tàu của thuyền trưởng Ánh vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm cứu nạn. Đến khoảng 4h sáng 3/8, thuyền trưởng Ánh nghe điện báo đã cứu thêm được 4 người nữa.

H.Long