Tết này, chạnh lòng cô giáo mầm non

06:30 | 22/01/2014

1,439 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chúng tôi tìm đến nhà chị Vũ Thị Chòe, 46 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Truyền, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Tuy nhiên, cổng nhà khóa im ỉm. Lát sau, một người phụ nữ đen đúa, khuôn mặt khắc khổ, mái tóc khô xác, hớt hơ hớt hải đi trên chiếc xe đạp cà tàng về chào chúng tôi. Thoạt nhìn, chúng tôi cứ ngỡ là một chị nông dân quanh năm phơi nắng, phơi sương, hoặc một phụ nữ chuyên đi làm cửu vạn, bốc vác nặng nhọc nào đó chứ không phải là một giáo viên mầm non mà chúng tôi đang tìm gặp.

“Thiếu trước, hụt sau”

Ở chị toát ra một sự thiếu thốn, cũ kỹ. Chiếc áo rẻ tiền dường như đã dùng được rất lâu. Trời lạnh nhưng chị vẫn đi chiếc dép nhựa cứng, cố che đi bàn chân đen đúa, nứt nẻ sau những ngày dầm dưới bùn ruộng.

Lúng túng mời khách vào nhà, rồi như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, chị Chòe bảo: “Tuy là giáo viên mầm non, nhưng tôi còn trồng 4 sào lúa, cũng làm lụng quần quật cấy hái chẳng khác gì các chị em trong xã đâu”. Biết được mục đích của chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của chị, chị Chòe cho hay chị làm nghề “bảo mẫu” đã được 26 năm nay.

Thời mới vào nghề, đất nước còn đang trong chế độ bao cấp, tiền công của những giáo viên như chị được trả bằng… thóc do bố mẹ các cháu đóng cho nhà trường. Một tháng chị được trả 12-13 kg thóc, chẳng đủ để một mình mình ăn chứ đâu dám mang đi đổi lấy rau, cá… để cải thiện. Những năm đầu thập kỷ 1990, tiền lương của chị được “nhích” lên và được trả bằng tiền là 70.000 đồng/tháng.

Tất nhiên là số tiền ấy cũng chẳng đủ để trang trải cuộc sống. “Cái cảnh “thiếu trước, hụt sau”, chạy vạy vay tiền trước để chi tiêu, rồi trả “nóng” ngay khi nhận được đồng lương là điều thường xuyên xảy ra với tôi” - chị chia sẻ.  

Chị Chòe cùng chiếc xe cà tàng rời khỏi nhà để đến trường mầm non dạy học

Bao nhiêu năm cống hiến, thế nhưng ước mơ gom góp tiền lương, xây được một ngôi nhà vững chãi để an tâm sinh sống, thay thế ngôi nhà cũ kỹ, dột nát thì vẫn mãi chỉ là… ước mơ đối với chị, bởi cái lẽ đồng lương quá thấp, bởi lẽ một ngôi nhà tạm ở được theo thời giá hiện nay thì cũng phải lên đến 100 triệu đồng. Con số đó quá lớn, trong khi chị chưa bao giờ cầm quá trong tay 10 triệu đồng thì tiền ở đâu mà xây?

Trước kia, chị ở cùng với bố mẹ, anh chị em. Sau đó, bố mất, các anh chị khác đã lấy vợ, lấy chồng đi nơi khác, chỉ còn chị “quá lứa, lỡ thì”, ở vậy chăm sóc người mẹ già, năm nay đã 81 tuổi. Người mẹ già đã ở tuổi bị lẫn, nên mọi việc đều vào tay chị.

Ước mơ có ngôi nhà nhỏ sẽ mãi chỉ là ước mơ nếu như không có sự quan tâm của Quỹ “Mái ấm công đoàn” của LĐLĐ tỉnh Thái Bình. Tháng 5.2013, sau khi khảo sát, Quỹ đã quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng cho chị Chòe để chị xây mái ấm cho mình. Nhận đồng tiền mà cô giáo Chòe nửa mừng nửa lo. Mừng là bởi cảm nhận được sự quan tâm, nhưng lo là bởi chỉ với 30 triệu thì chắc chắn không đủ.

Nhưng rồi, anh em, họ hàng các đồng nghiệp tại trường đã xúm tay, mỗi người cho chị vay một ít (vay theo kiểu “bao giờ có thì trả”); công xây nhà thì được hàng xóm láng giềng hỗ trợ. Chỉ sau 2 tháng, đến tháng 7.2013, trên nền đất cũ, một ngôi nhà một tầng nhỏ nhắn, khang trang, vững chãi đã mọc lên với tổng tiền xây dựng là 105 triệu đồng. Màu sơn tươi sáng của ngôi nhà như hứa hẹn một cuộc sống bớt u ám hơn của 2 mẹ con.

“Ngày trước còn ở nhà cũ, mẹ con tôi khổ lắm. Mái ngói thì xô lệch, tường thì đã vữa ra từng đám. Mỗi khi trời mưa là tôi lại hộc tốc trở về nhà để hứng nước mưa dột tòe loe từ mái nhà xuống. Còn khi bão thì hai mẹ con đành phải…sơ tán”- chị Chòe rùng mình nghĩ lại. Bây giờ, cái nhà cũ kỹ đấy vần còn, nằm nem nép bên cái nhà mới khang trang. Nhìn ngôi nhà hom hem như một bà cụ, chúng tôi không khỏi cám cảnh cho cái thời gian hàng chục năm hai người phụ nữ yếu đuối phải sinh sống trong đó.

Có ngôi nhà mới, với “nội thất” toàn là đồ cũ anh em trong nhà hỗ trợ (cái tủ nằm đã mất cả nắp kính thì được một người em trai ở Hải Phòng “tân trang” lại rồi gửi về; bộ bàn ghế tiếp khách cũ thì được nhà một người chị cho…), chị bớt đi nỗi lo lắng về sự an toàn của 2 mẹ con, nhưng cuộc sống vẫn còn rất khó khăn. Tất tần tật chi phí trong nhà của 2 con người đều rơi vào đồng lương còm cõi của chị.

Sức khỏe của chị lại không tốt, hay ốm đau. Để có đủ lương, chị phải đi đến trường từ sáng sớm để chăm 15-20 cháu, mãi đến tối mới về. Mà chăm trẻ con, ai cũng biết, rất vất vả với bao việc không tên.

“Đến Tết, nghe đài báo nói về các mức thưởng, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng làm tôi chạnh lòng lắm. Chúng tôi chẳng có khái niệm thưởng Tết, mà nhà trường chỉ có quà là 1kg đường và 1kg mỳ chính để động viên giáo viên mà thôi” - chị Chòe nói.

Chị giãi bày thêm: “Số tiền 2,2 triệu đồng/tháng không đủ cho 2 mẹ con chi tiêu. Vừa rồi mới nhận lương đầu tháng, nhưng do phải lo trả nợ công xây nhà mà mình thuê người ngoài, đến hôm nay trong túi tôi chỉ còn 300 nghìn đồng. Để tiết kiệm, hai mẹ con ăn uống cũng hạn chế, chủ yếu là ăn rau trồng được hoặc xin được của hàng xóm, còn rất ít bữa mua thịt, cá cải thiện. Mẹ tôi thì được “chế độ ưu tiên” hơn: mỗi bữa tôi luộc 1 quả trứng gà cho mẹ ăn. Còn tôi thì quấy quá cho xong”. Với số tiền ít ỏi trên, nên giờ chị cũng chưa trả được đồng nào tiền vay mượn để xây nhà.

Nỗi chạnh lòng của vị giám đốc sở

Chị Chòe chỉ là một trong nhiều giáo viên mầm non có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ của quỹ “Mái ấm công đoàn” của LĐLĐ tỉnh Thái Bình. Theo một cán bộ CĐ phụ trách Quỹ này, từ năm 2010 đến nay, quỹ đã hỗ trợ cho 98 căn nhà, đối tượng hỗ trợ đến một nửa là giáo viên, trong số đó, đại đa số là giáo viên mầm non.

Đem câu chuyện về cuộc sống khó khăn của giáo viên trao đổi với ông Đặng Phương Bắc- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình - chúng tôi nhận được tâm sự rất thật của ông: “Tôi chạnh lòng với đội ngũ giáo viên của mình lắm”.

Theo ông Bắc, tại Thái Bình, đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn nhất là giáo viên mầm non, với hơn 5.000 cô giáo. Ông Bắc chia sẻ: Những giáo viên mầm non ở nông thôn có thu nhập ổn định, nhưng khiêm tốn, chỉ đạt mức 2 triệu đồng/tháng và chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, thừa giờ. Các trường mầm non không có hoạt động nào khác ngoài chuyên môn nên không có các khoản thu, do vậy không có khoản tiền hỗ trợ nào khác cho đội ngũ giáo viên của mình.

“Họ còn sinh hoạt trên địa bàn dân cư, ngoài đáp ứng chi phí sinh hoạt hàng ngày thì còn phải tham gia các phong trào như nông thôn mới, đóng góp các hoạt động trong dòng tộc…, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả” - ông Bắc chia sẻ thêm. Vào những ngày Tết thì thực sự chưa có sự quan tâm nào về vật chất.

Quà Tết chủ yếu là mang ý nghĩa tinh thần. Nếu trường nào khá thì có in lịch cho giáo viên; trường nào thưởng nhiều hơn thì chỉ có… 50.000 đồng/giáo viên. Tháng lương 13 là một khái niệm rất… xa lạ với các giáo viên mầm non.

Theo thống kê, tỉnh Thái Bình có 6.600 giáo viên tiểu học; 6.200 giáo viên THCS; 2.000 giáo viên THPT. Cũng theo ông Bắc, càng lên các cấp trên thì giáo viên càng bớt khó khăn hơn. Giáo viên tiểu học còn được hưởng lương theo ngạch bậc, thâm niên, thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/người/tháng.

“Người nào có chồng thu nhập khá thì không sao, nhưng nếu cô giáo nào có chồng làm nông thì nhà cũng rất khó khăn, chông chênh hạnh phúc” - ông Bắc nói. Càng lên các bậc học trên thì mức thưởng Tết cũng khá hơn: các giáo viên THCS đều được thưởng Tết với mức… 100.000 đồng/người; giáo viên THPT còn khá hơn nữa, ở mức 200-300.000 đồng/người. Tuy nhiên, tất cả giáo viên ở các bậc giáo dục đều giống nhau: họ không biết đến tháng lương thứ 13 mỗi khi Tết về.

“Lương giáo viên thấp là tình trạng chung của ngành giáo dục cả nước. Trường học không có dịch vụ có thu, phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Bài toán lương, thưởng cho giáo viên là…bài toán dài kỳ. Để tăng thu nhập cho giáo viên hàng tháng là rất khó khăn, ngành không làm được” - ông Bắc nói.

Để động viên cho những giáo viên, vào những dịp 20.11, khai giảng, Tết, các cấp CĐ có tổ chức thăm, tặng quà (mỗi suất quà tư 500.000 đồng đến 1 triệu đồng) cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Đó là một sự an ủi về mặt tinh thần đáng quý để giúp họ đỡ chạnh lòng, tiếp tục cống hiến trong sự nghiệp “trồng người” những thế hệ tiếp theo.

Thục Quyên

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...