Vì sao rau sạch không sạch?

07:00 | 26/12/2013

4,497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở số báo trước, chúng tôi đã phản ánh tình trạng rau “sạch” mà không sạch đang được bán tràn ngập ngoài thị trường. Vì sao lại như vậy, đó là vấn đề rất nhiều người đặt ra như một sự nhức nhối, chưa có lời giải.

>> Rau sạch có thực sạch?

“Một tiền gà bằng ba tiền thóc”

Để xảy ra tình trạng này trước hết phải nói rằng là vì lợi nhuận. Bởi “rau sạch” nếu so với rau không sạch giá bán đắt hơn gấp nhiều lần dẫn đến cứ giá tiền này thương lái “chặt chém”. Trong khi thực tế rau của họ chỉ là bẩn! Như bà Dung bán đậu đũa vừa phun thuốc sâu mà chúng tôi nêu ở bài 1: “Ngập tràn… rau bẩn” đăng trên số báo trước.

Bên cạnh lợi nhuận thì công tác quản lý, cụ thể khâu kiểm duyệt hay công lao của những người sản xuất rau sạch không được đền đáp như những gì họ đáng được hưởng cũng là những nguyên nhân dẫn đến… hiếm rau sạch. Như chuyện Hợp tác xã Văn Đức (Gia Lâm) mới chỉ gắn mác được vài chục phần trăm sản phẩm rau sạch, số còn lại là vàng thau lẫn lộn giữa rau an toàn (RAT) và không an toàn trên thị trường được người nông dân ở đây giải thích đại khái rằng: phương pháp trồng rau an toàn và trồng bình thường (rau không an toàn) tương đối giống nhau do thời gian làm đất, gieo hạt, bón phân và phun thuốc như nhau. Chỉ có khác ở rau an toàn công đoạn phun thuốc có thời gian cách ly lâu hơn trước khi mang bán.

Sản xuất rau an toàn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh

Đáng nói là công sức chăm sóc, đầu tư sản xuất RAT của người nông dân xác định ngay là “một tiền gà mà ba tiền thóc”. Khi giá bán hiện nay ra thị trường không cao hơn các vùng rau khác. “Công chăm sóc mất nhiều thời gian, tiền đầu tư nhà kính tốn kém mà giá thành không hơn nhiều so với rau không an toàn nên làm sao có thể khuyến khích được nông dân”, anh Q một nông dân tại Văn Đức cho hay.

Vì thế, nông dân không mấy thiết tha với việc trồng RAT do đòi hỏi công chăm sóc, đầu tư tốn kém. Khi được hỏi, khâu kiểm định chất lượng RAT trước khi lưu thông trên thị trường, trong siêu thị, các cửa hàng ở đây ra sao, anh Q thẳng thừng: “Lúc đầu cán bộ của Chi cục có thường xuyên qua lại kiểm định nhưng bây giờ không có ai làm việc này nữa, máy móc thì thiếu, thời gian đâu để có thể kiểm định hết khối lượng rau của bao nhiêu hộ dân. Trừ khi xảy ra vấn đề gì thì cơ sở nhập rau mới tiến hành kiểm định còn không thì thôi, rau cứ thế mang ra chợ bán. Còn việc họ gắn nhãn mác RAT bày bán ra sao trong các cửa hàng, siêu thị không phải lỗi của nông dân chúng tôi (!?)”. Trước vấn đề này, theo ông Nguyễn Hồng Anh - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Hà Nội, trách nhiệm kiểm tra, quản lý kinh doanh thực phẩm sạch là của ngành nông nghiệp, công thương, y tế...

Tuy nhiên, việc phát hiện vi phạm trong kinh doanh thực phẩm sạch không dễ, bởi hàng hóa được luân chuyển trong ngày, trong khi muốn kết luận thực phẩm có sạch hay không phải qua kiểm nghiệm chính thức. Điều đó cho thấy việc quản lý hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khiến việc kinh doanh mặt hàng này nghiễm nhiên đang bị lợi dụng một cách công khai, lỗi đầu thuộc về ai cũng khá rõ. Chỉ cần được gắn mác “sạch” là mặc nhiên mặt hàng đó “nâng giá trị” cao hơn 30-40%, thậm chí gấp 2, 3 lần so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Như các loại rau củ sạch bán trong siêu thị, cửa hàng rau an toàn đắt hơn rau trên thị trường khoảng 30-40%. Cụ thể, rau muống18.000-20.000 đồng/mớ, cải ngọt 20.000 đồng/kg...

Chị Lan, một người kinh doanh rau an toàn trên đường Liễu Giai, Ba Đình cho biết: Sở dĩ rau bán trong các cửa hàng RAT thực thụ có giá cao hơn rau ngoài chợ do phải đáp ứng nhiều điều kiện, từ sản xuất đến kinh doanh nên đắt hơn thực phẩm thông thường. Tuy nhiên, cũng không ai có thể rõ được người sản xuất, nuôi trồng thực phẩm sạch được huấn luyện, đào tạo bài bản ra sao do các cơ quan có thẩm quyền mở và có tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất hay không.

Trên thị trường, RAT chịu chung mức giá như rau không an toàn hoặc mức chênh lệch không xứng với chi phí, công sức bỏ ra khiến người bán bị thiệt thòi. Người tiêu dùng cũng có lý do của mình. Những người biết tình hình ô nhiễm trên rau tìm đến nơi bán RAT. Nhưng do quản lý chưa tốt, nhiều người kinh doanh cố tình “treo đầu dê, bán thịt chó”, gây mất lòng tin khách hàng. Đây là một nguyên nhân khiến lượng người tìm cách mua RAT không đông, đồng thời làm người trồng rau sạch “nản” không suy trì “sự nghiệp” của mình.

Bà Nguyễn Thị Lượng, một người tiêu dùng thẳng thắn cho rằng: “RAT thì mà làm gì, nuôi trồng ở đâu cũng đều mang ra chợ bán như nhau. Nên xem việc mua rau sạch hiện nay chỉ mang tính hình thức, lý thuyết. Rau ăn hằng ngày không xảy ra vấn đề gì là may mắn cho người tiêu dùng rồi”.

Còn chị Liên, một khách hàng thường xuyên của cửa hàng RAT trên đường Thái Thịnh thì cho rằng: “Tôi vẫn thường đến các cửa hàng RAT để mua lượng rau ăn cho cả tuần. Rau ở đây thì có chút yên tâm hơn so với rau ngoài chợ. Tuy nhiên, để trả lời chất lượng ra sao, có kiểm định chứng nhận hay không, thì hầu hết các cửa hàng vẫn chưa ghi chú rõ cho người tiêu dùng, chỉ biết là rau được trồng ở “vùng an toàn, có thương hiệu” là hết”.

Buông xuôi với rau an toàn

Gần đây, ở Hà Nội xuất hiện rất nhiều cửa hàng kinh doanh RAT làm thị trường này đang “nóng” dần lên khi tết Nguyên đán đang đến gần. Nhu cầu tiêu thụ rau xanh hiện nay của Hà Nội khoảng 2.600 tấn/ngày, trong khi sản lượng RAT chỉ có khoảng 800 tấn/ngày, chưa đạt 30%. Và đương nhiên, hơn 70% lượng rau vẫn tiêu thụ ở Hà Nội mỗi ngày là... chưa an toàn.

Thế nên, nhiều năm qua việc sử dụng RAT vẫn là nỗi lo canh cánh, mất niềm tin với người tiêu dùng. Thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp để mở rộng vùng sản xuất RAT, với diện tích đã đạt hơn 2.080ha. Các địa phương cũng đã xây dựng 4 cơ sở sơ chế RAT tại xã Văn Đức (Gia Lâm) và các xã Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa (Phúc Thọ), gắn với vùng RAT tập trung có công suất 2-5 tấn/ngày và 30 cơ sở chế biến nhỏ của các HTX, doanh nghiệp khác, có công suất 200-1.000kg/ngày.

Dù với rất nhiều nỗ lực, thì thành phố mới có hơn 60 cửa hàng bán RAT, sản lượng tiêu thụ trung bình 50-120kg/ngày. Như vậy, thử hỏi rau sạch cung cấp bao nhiêu cho đủ? Thực trạng đó dẫn tới việc nguồn cung ít, cầu nhiều, nên vàng thau lẫn lộn, bỏ qua kiểm duyệt. Hô bẩn thành sạch hay tự gắn nhãn “sạch” cho thực phẩm chưa sạch để đội giá, kiếm lời vẫn là một thực tế đang xảy ra. Theo khảo sát của chúng tôi, tại các chợ đầu mối như Dịch Vọng, chợ xanh (Ngã Tư Sở) người bán để lấy lòng khách hàng luôn giới thiệu rau tại sạp là… rau nhà trồng.

Điều tra mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cho thấy, khoảng 73% người bán buôn rau tại các chợ không phân biệt được rau thường với RAT nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật để kiểm tra độ an toàn của rau (bộ quick test kiểm tra nhanh tại chỗ hoặc giấy chứng nhận). Tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%, trong đó có 60% không quan tâm đến việc rau có an toàn hay không.

Đặc biệt, điều tra của IPSARD còn cho thấy, có tới 30% số người bán buôn rau được điều tra cho rằng không cần thiết phải cung cấp RAT. Lý do RAT có giá bán cao, người mua chưa lựa chọn nhiều, điều kiện kinh doanh lại gặp nhiều khó khăn về chi phí thuê mặt bằng, đầu ra không ổn định... Nhu cầu rau xanh của toàn thành phố hiện nay là quá lớn, trong khi nguồn cung RAT chỉ như “muối bỏ bể”. Phần còn lại, bà con nông dân phải tự mang sản phẩm RAT không bao gói, không nhãn mác ra các chợ bán như rau... không an toàn. Người dân thì thực tế không còn mấy ai quan tâm đến khái niệm “rau sạch” vốn đã quá xa xỉ đó nữa.

Để nhận biết rau sạch: Những loại rau sản xuất hữu cơ thường rất cằn cỗi, không non, không ngon như là rau được tẩm ướp, phun thuốc chất kích thích. Rau rất chóng héo, để từ sáng đến trưa đã héo. Rau phun thuốc luôn luôn xanh những lại không an toàn.

TS Vương Ngọc Tuấn (Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng)


 

Mạnh Kiên - Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.