Những ngôi trường hoang ở... Hà Nội!

06:45 | 30/09/2013

1,330 lượt xem
|
Học sinh thiếu chỗ học trong khi trường xây xong chưa được đưa vào sử dụng. Nghịch lý này đang tồn tại ngay ở thủ đô Hà Nội. Trường xây tiền tỉ nhưng cô và trò vẫn khai giảng, học tập trong ngôi trường như nhà hoang. Trường xây xong để rêu mọc, mối làm tổ, còn thầy và trò thiếu phòng học, thiếu sân chơi.

3 năm chưa xong cổng

Sau 3 tháng nghỉ hè thì các em học sinh Trường THCS Cộng Hòa (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã chịu thiệt thòi vì không được học ở trường lớp mới.

Thầy Nguyễn Hữu Phúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến hết năm 2010, rồi 2011 và cho đến tận bây giờ là giữa tháng 9/2013 những phòng học mới vẫn chỉ là… cái xác nhà không vôi ve, không cửa nẻo, không điện đóm và vẫn chưa được nhà thầu bàn giao. Suốt mấy năm qua, Trường THCS Cộng Hòa vẫn là một công trường dang dở, sân trường nham nhở, bề bộn những gạch đá, vôi vữa, cốp pha… cổng không có và tường rào vẫn chỉ là những hàng gạch mộc. Giờ đây công trình này đang được tận dụng làm nơi gửi xe đạp cho học sinh. Nhiều phòng bị chiếm dụng là nơi để rác và vật liệu xây dựng.

Trường THCS Cộng Hòa có vốn đầu tư… tiền tỉ nhưng cổng trường chỉ là hai cột gạch mộc, rêu phong phủ đầy

Thầy Hiệu trưởng cho biết, hiện nay Ban Giám hiệu nhà trường đã cố gắng đảm bảo số lượng phòng học cho học sinh, nhưng có nhiều phòng chức năng phải chung nhau như phòng hành chính, phòng bảo vệ, phòng thư viện, phòng y tế… Không chỉ có vậy, cả trường gồm hơn 400 học sinh cùng giáo viên phải dùng chung một nhà vệ sinh gồm 2 phòng rất nhỏ. Thầy Phúc cười khổ: “Lúc nào trò vào thì thầy đành phải nhịn, cả trường chỉ có 1 nhà vệ sinh, không thể đáp ứng được số lượng học sinh như hiện nay”.

Tại Trường THCS Tân Hòa (xã Tân Hòa) hiện cũng đang rơi vào cảnh ngộ tương tự.

Để có thể đạt trường chuẩn quốc gia, tháng 3/2010 Trường Tân Hòa tiến hành xây dựng thêm 8 phòng học và 5 phòng chức năng. Theo kế hoạch số phòng xây thêm này sẽ hợp nhất vào hạ tầng sẵn có của trường và sẽ được bàn giao vào cuối năm 2011. Tổng vốn đầu tư cho hạng mục trên theo dự toán là 4,3 tỉ đồng. Ấy thế mà đã 2 năm trôi qua, 8 phòng học đó tuy nằm trong khuôn viên của trường nhưng thầy trò Trường Tân Hòa vẫn chỉ có thể ngày ngày đứng nhìn mà không vào học được vì chẳng ai bàn giao cho họ cả. Trong suốt 2 năm ấy khu lớp học này bị bỏ mặc cho mối xông và cỏ mọc xanh rì dọc các khe gạch đá hoa lát nền.

Thầy Nguyễn Mạnh Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Chủ đầu tư công trình là UBND xã. Chúng tôi chỉ là đơn vị thụ hưởng nên lý do tại sao những lớp học này không được đưa vào sử dụng thì các anh nên hỏi nhà thầu và chủ đầu tư…”.

Hiện nhà trường chỉ có 13 phòng sử dụng cho việc dạy và học, cả bộ máy nhà trường được dồn vào 2 phòng có diện tích 25-30m2. Sau khi tình trạng khu phòng chuyên môn của nhà trường bị bỏ hoang do chủ đầu tư chưa bàn giao được phản ánh, đại diện nhà thầu đã cử 1-2 người thợ tới sơn sửa, hoàn thiện nốt cổng trường và lát lại sàn gạch. Thầy Hiệu trưởng chia sẻ: “Nếu thời tiết ổn định và hoàn thiện liên tục thì có lẽ cuối tháng 9 này nhà thầu sẽ bàn giao khu phòng chức năng cho nhà trường. Chúng tôi sẽ sắp xếp thư viện, phòng hoạt động chuyên môn, phòng nghe nhìn và tăng phòng học để các thầy cô và học sinh yên tâm giảng dạy, học tập hơn”.

Liệu có xóa được “trường hoang”?

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch xã Vương Đắc Thủy cho biết: Dự án đầu tư, xây dựng phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ của Trường THCS Cộng Hòa do xã Cộng Hòa đầu tư, nguồn vốn ngân sách do UBND TP Hà Nội cấp. Dự án được triển khai xây dựng từ đầu năm 2011, với thời hạn 270 ngày (9 tháng). Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, dự án này đã chậm tiến độ gần hai năm; chủ đầu tư mới hoàn thành việc xây thô, chưa bàn giao 2 công trình là nhà hiệu bộ; khu phòng học 2 tầng gồm 6 phòng; sân trường; khu vực cổng trường và tường bao xung quanh trường.

Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần đôn đốc, yêu cầu chủ thầu thi công xây dựng để bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vì thiếu vốn, doanh nghiệp này không đủ sức để tiếp tục xây dựng tiếp nên đã dừng lại từ cuối năm 2011 đến nay”. Với dự án ban đầu 9,8 tỉ đồng, hoàn toàn là nguồn vốn ngân sách cấp, dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Cộng Hòa sau đó đã nâng lên là 11,6 tỉ đồng do trượt giá và những vấn đề phát sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, xã đã bàn giao cho nhà thầu 8,6 tỉ đồng dưới hình thức công trình xây dựng đến đâu, nghiệm thu và thanh toán tiền đến đó.

Phòng Thư viện của Trường THCS Tân Hòa được trưng dụng làm phòng chứa đồ dùng thiết bị

Đại diện Xí nghiệp Xây dựng Trường Sơn, nhà thầu thi công hai dự án đã đưa là lời hứa sẽ bàn giao công trình THCS Tân Hòa vào ngày 15-9 và công trình THCS Cộng Hòa vào 20/9 nhưng lãnh đạo xã Cộng Hòa, lãnh đạo Xí nghiệp Xây dựng Trường Sơn - đơn vị thi công, đã làm việc để xin lùi thời hạn bàn giao công trình. Theo biên bản này, thời hạn cuối cùng bàn giao công trình Trường THCS Tân Hòa là ngày 20/9/2013 và Trường THCS Cộng Hòa là 30/9.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai trường cho rằng, không nhận được bản thiết kế các hạng mục thi công trong khuôn viên trường học, mà chỉ được giao trách nhiệm giám sát chung. Trước thông tin này, ông Vương Đắc Thủy khẳng định: “Không có chuyện Ban Giám hiệu nhà trường không được biết về bản thiết kế tổng thể các hạng mục xây dựng. Trước khi thi công, chúng tôi đã trao đổi với nhà trường về vị trí cũng như quy hoạch chung của công trình. Nhà trường đã có góp ý với chúng tôi về vị trí của công trình, nhưng do ảnh hưởng đến chỉ giới đê điều nên chúng tôi đã điều chỉnh lại cho phù hợp với hiện trạng và mục đích sử dụng của trường”.

Về việc thắng thầu cả 2 công trình trường THCS của 2 xã, ông Thủy cũng phân trần: “Chúng tôi đã tổ chức đấu thầu công khai, đảm bảo đúng quy định của Bộ Xây dựng và đã thông qua hồ sơ năng lực của nhà thầu. Tuy nhiên, sau khi Xí nghiệp Trường Sơn thắng thầu, nhưng do gặp khó khăn về vốn, chúng ta cũng cần thông cảm với doanh nghiệp”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “Lãnh đạo UBND huyện, Phòng Tài chính, Phòng Giáo dục, UBND xã Tân Hòa, Cộng Hòa đã nhiều lần ngồi với nhà thầu về vấn đề này, nhưng năng lực nhà thầu đến thời điểm hiện tại họ đã bị cạn kiệt về vốn, không có tiền để đầu tư tiếp. Chủ đầu tư (UBND xã) không được phép “ứng vốn” cho nhà thầu, vì xây dựng đến đâu, nghiệm thu đến đó xã mới được phép thanh toán cho đơn vị thi công! Bởi thanh lý hợp đồng bây giờ cũng chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, bởi công trình hiện đang dở dang, không biết phải quyết toán như thế nào cho hợp lý”.

Trong khi ở nội thành Hà Nội vẫn có những trường phải học nhờ đình chùa, học tạm nhà dân… thì lại tồn tại những ngôi trường xây bằng “tiền tỉ” rồi bị bỏ hoang cho mối xông, rêu mọc thì cơ quan chức năng “bị động” trong việc giải quyết, thầy cô giáo và học sinh các trường THCS trên chỉ biết “lắc đầu ngao ngán” và tiếp tục điệp khúc… chờ đợi.

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank