Những công trình thể thao trăm triệu đô la chỉ dùng 1 lần

11:03 | 21/04/2014

4,273 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với số vốn đầu tư xây dựng hàng nghìn tỉ đồng nhưng chỉ phát huy tác dụng trong thời gian diễn ra SEA Games 22. Từ đó đến giờ, các công trình ở đây xuống cấp trầm trọng và bị “xẻ thịt” để sử dụng sai mục đích như làm trường học, quán bia hơi, nhà hàng, quán bar, massage, trụ sở công ty...

Khuôn viên khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình còn bị “xẻ” hàng nghìn mét vuông cho một công ty có tên Đông Dương Home Interior

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình được khởi công xây dựng ngày 6/12/2001 để chuẩn bị cho SEA Games 22 tổ chức vào năm 2003 tại Hà Nội. Khu liên hợp thể thao quốc gia có diện tích 247 ha tại hai xã Mễ Trì, Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Chi phí xây dựng sân­ Mỹ Đình là gần 53 triệu USD, sức chứa 40.000 chỗ ngồi và là sân vận động hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Cùng giai đoạn 1 của dự án, ngoài Sân vận động Mỹ Đình, còn có cung thể thao dưới nước gồm 3 bể bơi với tổng vốn xây dựng khoảng 240 tỉ đồng. Sau SEA Games 22, giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được triển khai, với kinh phí 1.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 mà Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề nên khoản kinh phí này chưa thể bố trí được để thực hiện giai đoạn 2 của dự án.

Trường THPT Newton là một trong những đơn vị thuê địa điểm hoạt động ở khán đài B.

 

Với chủ trương xã hội hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du Lịch đã đồng ý cho Khu Liên hợp thể thao quốc gia tự chủ tài chính và thí điểm kêu gọi đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, quỹ đất để thực hiện liên doanh, mở rộng các hoạt động dịch vụ là nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại đây. Và cũng tạo thêm nguồn thu cho Khu Liên hợp thể thao quốc gia, giảm chi cho Ngân sách Nhà nước.

Ngay khi được bật đèn xanh, Ban quản lý Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình tận dụng triệt để mọi diện tích khi tiến hành cho thuê mặt bằng, địa điểm, phòng ốc. Hàng chục loại hình dịch vụ như cà phê, cửa hàng nội, ngoại thất, nhà hàng, massage... mọc lên trong khuôn viên Khu liên hợp thể thao này.

Cung điền kinh giờ trở thành sân tennis.

Sân vân động Mỹ Đình tưởng chừng như là nơi hoạt động hiệu quả khi hàng năm diễn ra vài trận đấu bóng đá quốc tế. Nhưng thực tế, sân Mỹ Đình phục vụ thể thao ít hơn các hoạt động khác. Ngoài một nhà hàng ẩm thực mới mọc lên trong khuôn viên, sân là nơi thường xuyên tổ chức các chương trình ca nhạc, thử xe, trải nghiệm xe hơi của các hãng. Ngoài bóng đá, nơi đây từng biến thành sân golf trong một thời gian ngắn.

Đáng chú ý, ngay trước mặt tiền khán đài B hướng ra đường Lê Đức Thọ, một quán bar mang tên O2 được thiết kế lộng lẫy. Xung quanh quán này, là khu ẩm thực phố cổ, siêu thị nội thất và bia hơi...

Một góc khuôn viên sân vận động còn bị “xẻ” hàng nghìn mét vuông cho một công ty có tên Đông Dương Home Interior thuê làm xưởng sản xuất đồ nội thất và bày bán vật liệu xây dựng. Hình ảnh sân vận động nhốn nháo, nhộn nhịp buôn bán chẳng khác gì cái chợ.

Không chỉ bị “xẻ thịt”, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình còn bị xuống cấp một cách trầm trọng. Lối vào khán đài C, B của sân vận động có nhiều vết nứt chéo chạy dài, nhất là ở khán đài C, vết nứt dài cả chục mét, miệng rộng tới mức có thể đút bàn tay người lớn vào được. Ngoài ra, do ít được dọn dẹp nên cỏ mọc um tùm ở lối vào, nước đọng trên mặt đường nhìn rất mất mỹ quan.

Quán bar O2 ngay trước cổng sân Mỹ Đình

Nằm chính giữa khán đài B là một quán cafe vắng khách. Nhân viên quán cho biết, ngoài phục vụ cafe, quán này còn mở cả dịch vụ karaoke vào buổi tối. Gần quán cafe, trường THPT Newton là một trong những đơn vị thuê địa điểm hoạt động bên trong khán đài B.

Ngay sát sân Mỹ Đình là tổ hợp các khu thể thao khác. Cung thể thao dưới nước hầu như đóng cửa bởi mỗi năm tại đây chỉ tổ chức vài giải bơi của Quốc gia, thậm chí phong trào. Sau 5-6 năm nữa, rất khó có thể khẳng định cung dưới nước có đủ sức tổ chức một Đại hội lớn có sự tham dự của 45 Quốc gia và vùng lãnh thổ như Asiad. Thêm nữa tại đây hiện tại được bao bọc bởi các lớp học, quán cà phê.... tương tự như ở sân vận động Mỹ Đình. 

Ngoài ra cũng nằm trong Khu liên hợp thể thao quốc gia còn có cung điền kinh trong nhà với kinh phí xây dựng 540 tỉ đồng, nhưng chỉ sử dụng cho giải điền kinh ở Asian Indoor Games đúng 1 lần. Hiện đường chạy đã bị lột cất kho. Mặt bằng sân điền kinh này được chia thành các sân quần vợt để cho thuê. Đây là sự lãng phí cực lớn, tốn kém ngân sách Nhà nước nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu.

Các nhà thi đấu tại Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng rơi vào tình trạng gần như bỏ không, chủ yếu tổ chức các giải phong trào hay văn nghệ, thậm chí là trông giữ xe.

Lối vào sân Mỹ Đình nứt toác, đọng nước.

Sân vận động xuống cấp với những vết nứt dọc ngang.

Những vết nứt to tới nỗi có thể nhét được tay người vào trong.

Tại SEA Games 22 còn có rất nhiều những công trình hoang phí khác ngoài Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Ví dụ, thay vì tổ chức bóng chuyền bãi biển ở các địa phương có sẵn điều kiện tự nhiên, thiên nhiên tốt, ngành thể thao chi hàng tỉ đồng để làm một sân thi đấu bóng chuyền bãi biển ngay giữa Nam Định, họ thuê xe chở cát về đổ đống rồi bắt vận động viên thi đấu trong cái lạnh cuối năm. Kết quả, giờ không thể tìm được hoang tích của sân bóng chuyền bãi biển này. 

Đấy chỉ là một vài ví dụ cho thấy sự bất cập, lãng phí của những công trình thể thao hậu SEA Games 22 diễn ra cách đây 11 năm. Vậy nếu Việt Nam “cố đấm ăn xôi” tổ chức tiếp ASIAD 2019 tới đây thì không hiểu những công trình được đầu tư với hàng nghìn tỉ đồng nữa thì sau đó sẽ được sử dụng như thế nào, hay cũng rơi vào tình trạng như trên.

Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đưa ra cái mức giá buồn cười là 150 triệu USD để tổ chức ASIAD 2019. Chỉ tính sơ qua việc xây dựng trường đua xe đạp lòng chảo cũng đã tiêu tốn hết tầm 200 triệu USD. Thế mà theo ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cho rằng kế hoạch tổ chức ASIAD với mức dự toán kinh phí khoảng 150 triệu USD được trình lên chính phủ là "rất có cơ sở", đây chẳng khác nào việc “đếm cua trong lỗ”. Và những chi phí vượt mức đề ra sẽ lại đổ vào đầu dân. Bắt dân sau đó phải oằn mình ra mà trả nợ.

Nhiều khu vực trong khu liên hợp thể thao Mỹ Đình hoang vu như chưa từng có người đặt chân đến.

 

Thực tế, việc tổ chức ASIAD đúng là sẽ mang lại nhiều nguồn lợi to lớn cho Việt Nam, như những gì Bộ VH, TT&DL báo cáo. Thế nhưng, cần phải nhìn thẳng vào thực tế đó là Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn. Chúng ta không thể bỏ tiền “tấn” khi đất nước còn nghèo. Còn rất nhiều trẻ em không có trường để đi học, không có bệnh viện để khám chữa bệnh. Hiện nay dịch sởi đang hoành hành trên khắp cả nước, mà điều kiện cơ sở vật chất cho ngành y tế còn rất thiếu thốn. Còn rất nhiều những cây cầu cần xây, để những hình ảnh cô giáo phải chui vào túi nilông để... qua suối không còn xuất hiện.

Hàng nghìn tỉ đồng được đầu tư xây dựng các công trình thể thao phục vụ kỳ SEA Games 22 nhưng bị sử dụng sai chức năng và để các công trình thể thao tầm cỡ xuống cấp trầm trọng. Những hiệu ứng tích cực được hứa hẹn như thu hút du khách, đột phá đưa thể thao đỉnh cao nước nhà lên tầm cao mới, xem ra chỉ là bức tranh vẽ màu hồng hơn là cơ sở đáng tin cậy để cấp quản lý nhà nước quyết định đầu tư khoản tiền khổng lồ vào đó.

Đặc biệt khi thực tế xã hội chúng ta còn rất nhiều khó khăn và nỗi ám ảnh nợ đầu tư công vẫn lơ lửng với ví dụ nhãn tiền Athens (Hy Lạp) tổ chức Olympic 2004. Đây chính là căn nguyên khiến dư luận kịch liệt phản đối việc Việt Nam đăng cai ASIAD 2019. Người Việt không muốn ngành thể thao đi vào vết xe đổ của SEA Games 22.

 

Minh Tú

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc