Nhọc nhằn kiếm sống

18:16 | 15/08/2012

3,209 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hà Nội hiện có hàng chục khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp đang làm ăn trên địa bàn. Trong đó, các KCN như: Nội Bài, Thăng Long, Sài Đồng A - B, Quang Minh, Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, Ninh Hiệp... đã và đang tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động ở Hà Nội và nhiều địa phương lân cận. Số lao động ngoại tỉnh ở các KCN trên chiếm trên 80% (với tuổi đời rất trẻ từ 18-28). Đa phần họ xuất thân từ những vùng quê nghèo và tìm đến các KCN với niềm mong ước “đổi đời”. Thế nhưng cuộc sống không phải là “màu hồng” như họ tưởng.

Đời thợ...

Gần 12 giờ trưa, dưới cái nắng như thiêu như đốt đầu mùa hè, chúng tôi đã có chuyến “mục sở thị” vào những xóm trọ của công nhân tại KCN Nội Bài, Thăng Long, Quang Minh để tận mắt chứng kiến đời sống của những người lao động nơi đây. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những dãy nhà trọ lụp sụp, ẩm thấp, hôi hám và chật chội. Đã vậy, chuyện mất điện, mất nước xảy ra thường xuyên. Nhiều phòng cho công nhân thuê chừng 8m2 lẽ ra dành cho 2 người, nhưng thường là 4-5 người/phòng. Cá biệt có phòng ở tới 6 người. Nhìn cảnh này mà tôi thấy sởn da gà. Trong đầu trộm nghĩ, trời rét ở đây còn tạm chấp nhận được, chứ mùa hè như mấy hôm nay họ sẽ ở ra sao? Với mức lương cơ bản của người lao động như hiện nay thì căn phòng chen chúc 4-5 người như vậy cũng là điều dễ hiểu!

Giờ tan ca của công nhân

Phòng có 5 người, mỗi người một quê, trong đó Trang và Lan là hai chị em ruột (quê Sơn La). Cả hai đều làm Công ty HOYA Glass Disk Việt Nam (KCN Thăng Long). Cuộc sống của hai chị em cũng tạm ổn với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng. Với số tiền ấy của hai chị em cộng lại sẽ mua được gần 1 tấn thóc bằng bố mẹ làm ruộng cả năm. Tháng nào phía đối tác đặt nhiều hàng, tăng ca, tăng kíp (12 giờ) thì Trang cũng được ngót nghét 3 triệu đồng. Xuất thân từ nông thôn nghèo khó nên hai chị em Trang ý thức rõ việc kiếm được từng đồng tiền mà mình bỏ công sức vất vả đến nhường nào, thậm chí đánh đổi bằng cả nước mắt. Vì vậy, họ chắt chiu, tiết kiệm và toan tính từng đồng bỏ ra mỗi khi mua sắm. Hai chị em nhẩm tính: mỗi tháng 1 triệu đồng tiền thuê nhà, chi phí điện nước, gạo và vài thứ lặt vặt cũng mất gần 2 triệu. Số lương còn lại phải giữ để phòng thân khi ốm đau, một chút gửi về phụ giúp gia đình cho các em ăn học và phần nhỏ tích lũy để sau này tính chuyện chồng con.

Không chỉ thu nhập thấp, nhiều công nhân tại các KCN - KCX đang phải chịu đựng nhiều thiệt thòi về tinh thần, môi trường sống quá ô nhiễm vì  tiếng ồn và khói bụi, hóa chất, sơn, vécni... bốc lên từ các nhà máy sản xuất nhựa, đồ gỗ xuất khẩu; tiếng gầm rú của các cỗ máy quá “đát” từ những thập niên 90 của thế kỷ trước vẫn dùng để sản xuất kính, nhôm... Nguyên nhân của sự ô nhiễm trên là do các nhà máy đều sử dụng dây chuyền công nghệ lạc hậu để sản xuất. Một số nhà máy sản xuất không thực sự “quan tâm” đến vấn đề môi trường, thiếu hệ thống xử lý tiếng ồn và rác thải đạt tiêu chuẩn nên gây ra mùi hôi thối, khói bụi độc hại làm cho môi trường sống ở khu vực này thêm ngột ngạt và rất khó thở. Không những thế có khi còn bị chủ doanh nghiệp quỵt lương… và cả rủi ro luôn đeo bám. Đó là nỗi lo thường trực của rất nhiều lao động đang làm việc tại các KCN - KCX trên địa bàn Hà Nội hiện nay.

Đời sống vật chất của người công nhân vốn đã nghèo khó, song đời sống tinh thần của họ lại thiếu thốn đủ đường. Sau giờ làm việc về nhà, đa phần công nhân chỉ biết làm bạn với căn phòng chật chội, ẩm thấp, hôi hám. Theo quan sát của chúng tôi thì có đến 90% số người lao động tại các KCN  không phương tiện nghe nhìn; không sách báo và thiếu chỗ vui chơi giải trí... Chính từ rất nhiều những cái “không” ấy đã nảy sinh ra nhiều tệ nạn xã hội, trộm cắp, nghiện hút, hiếp dâm... do sự thiếu hiểu biết của người lao động ở các KCN gây nên - nhất là lao động ngoại tỉnh.

Xin nêu một số vụ vi phạm pháp luật gần đây tại KCN Thăng Long. Tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (nơi liền kề KCN) từng xảy ra những vụ hiếp dâm, mất cắp xe máy, còn chuyện cờ bạc, đánh nhau... xảy ra như “cơm bữa”. Mặt khác, phần lớn công nhân sống xa gia đình nên nhiều cặp công nhân yêu nhau sau đó chuyển về sống với nhau như vợ chồng cho “đỡ” chi phí. Chính từ lối sống buông thả, không ý thức được hành động của bản thân mình khiến không ít cặp vợ chồng hờ đã trót gieo trồng trước thời vụ nên đành phải “cưới chạy” hoặc nạo phá thai thường xuyên.

Hạnh phúc xa xôi

Hoài thở dài cho biết: “Đời công nhân “ngắn” lắm anh à. Suốt ngày làm bạn với công việc, với ca kíp nên tuổi thanh xuân trôi đi lúc nào không hay. Nhiều lúc chợt nghĩ: Mình mong có một người bạn trai hiền lành đến phòng để trò chuyện cho đỡ buồn cũng không có”. Phòng có 4 chị em đều ngót 30 cả rồi nhưng tất cả đều “vườn không nhà trống” - chưa ai có người yêu! Đi làm về bước vào căn phòng trọ với rất nhiều số “không” tròn trịa: Không tivi, không đài, không sách, báo, không mạng Internet… Cứ sau giờ tan ca, chị em phân công nhau đi chợ mua thức ăn rồi về tập trung nấu nướng. Ăn xong ngồi tán gẫu giết thời gian, buồn ngủ thì đi ngủ một mạch đến sáng rồi lại bắt đầu một ngày làm việc mới. Hoài nhấn mạnh: “Không chỉ riêng gì bọn em, mà hiện có hàng trăm, có khi cả hàng ngàn công nhân nữ ở KCN này mong có một người bạn trai hoặc người yêu để tâm sự trong những lúc buồn vui”…

Thu nhập của người công nhân vốn đã thấp, nay lại phải đương đầu với giá cả sinh hoạt tăng cao nên họ càng phải vất vả. Nhung (quê Bắc Giang), công nhân Công ty ToTo tâm sự: “Khó khăn, vất vả đến mấy em cũng chịu được, chứ nỗi cô đơn, trống trải thì em không thể. Hiện nhiều công nhân nữ ở KCN này đã bỏ về quê lấy chồng. Chứ ở đây tìm được chồng khó lắm!”. Nhung đã từng có người yêu quê Lạng Sơn làm ở Công ty Yamaha nhưng do lương quá thấp nên anh ấy bỏ về quê làm việc khác từ hơn 1 năm nay. “26 tuổi rồi mà chưa có người con trai nào thực sự yêu và tiến đến hôn nhân, em dự định làm hết năm nay về quê lấy chồng rồi kiếm một việc gì gần nhà để làm. Chứ bươn chải mãi nhỡ không lấy được chồng thì “chết”… Nhung lo lắng.

Mặc dù được làm việc tại một KCN lớn và hiện đại nhất Hà Nội, nhưng cuộc sống của những người công nhân ở đây rất vất vả, tạm bợ, phải thuê nhà cho đến việc lo toan trong sinh hoạt hàng ngày. Làm công nhân ở Công ty Canon chưa đầy 4 năm nhưng Thúy (quê Hà Nam) có đến không dưới 10 lần phải di chuyển nhà trọ. Lần đầu, Thúy ở với người bạn cùng quê được vài tháng nhưng mâu thuẫn nên đành chuyển đi. Lần khác do khu nhà trọ an ninh không đảm bảo; lần thì do chủ nhà hay để ý đến điện nước… nên đành chuyển. Hiện nay, giá thuê phòng ở KCN này tăng theo tháng. Trung bình 1 phòng trọ rộng 10m2 (vệ sinh khép kín) hiện có giá thuê 1,2 triệu, chưa tính giá điện 3-4 ngàn đồng/1kW. Mỗi tháng tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước thì người thuê nhà phải trả 1,5 triệu. Nếu so với mức lương gần 3 triệu/người thì mất 1/2 tháng lương của người công nhân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện KCN Thăng Long có 3/4 công nhân là nữ. Do tỷ lệ nữ chiếm đa số nên rất ít người tìm được bạn trai. Có nhiều chị em làm công nhân ở đây 4-5 năm mà vẫn chưa tìm được “mảnh tình vắt vai”. Hễ nói về chuyện “lập gia đình” thì không ít chị em công nhân rơi lệ, bởi họ luôn mong ước tìm cho mình một người bạn trai đúng nghĩa.

 

Cuộc sống của người công nhân vốn đã khó khăn, song những người công nhân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc càng đáng phải suy ngẫm. Suy cho cùng, nếu khó khăn về kinh tế họ còn cố gắng để làm việc, chứ còn thiếu thốn về mặt tình cảm với người khác giới để có thể nên vợ nên chồng thì càng xa vời với cuộc sống của người công nhân ở KCN này. Vì vậy, các tổ chức công đoàn các công ty cần quan tâm, tạo ra các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ thường xuyên hơn nhằm xích mọi người lại gần với nhau hơn. Có như vậy, những người nữ công nhân ở KCN này mới có cơ hội gặp gỡ, kết bạn… để rồi tìm cho mình người bạn đời tri kỉ...

Công đoàn đâu rồi?

Trao đổi với chúng tôi về đời sống của người lao động đang làm việc tại các KCN, bà Nguyễn Thị Hóa - Chủ tịch Công đoàn các KCN và KCX Hà Nội cho biết: Không chỉ riêng địa bàn Hà Nội mà trên phạm vi cả nước, đang ngày càng nhiều KCN quy mô lớn mọc lên, thu hút hàng vạn lao động từ nông thôn đổ về làm việc. Kéo theo đó là rất nhiều vấn đề nảy sinh, bức xúc của người lao động cả về vật chất và tinh thần. Đứng trước thực trạng ấy, chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng; tổ chức các buổi tọa đàm với các cơ quan có thẩm quyền để tìm ra những hướng giải quyết. Đặc biệt, chúng tôi đã trao đổi với các ngành hữu quan, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đầy đủ hơn đối với người lao động để họ yên tâm sản xuất. Nhưng so với mặt bằng chung, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức lương mà người lao động tại các KCN ở Hà Nội hiện nay còn quá thấp. Mặt khác, một số doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đã lợi dụng “triệt để” những khe hở ở khoản 2 điều 27 của Bộ luật Lao động để lách luật, chỉ ký hợp đồng hai lần với người lao động (nghĩa là hợp đồng lao động ngắn hạn và hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm).

Nếu trong thời gian thử việc, người lao động không may bị tai nạn nghề nghiệp hay không đáp ứng được với yêu cầu của doanh nghiệp - họ sẵn sàng sa thải lao động mà không “phải chịu” bất cứ ràng buộc nào về mặt pháp lý. Chính kẽ hở này, đã gây khó khăn cho Công đoàn các cấp trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, thời gian làm việc lại quá căng thẳng, môi trường bụi bẩn độc hại, tiếng ồn đã gây ra không ít những ảnh hưởng cho người lao động. Một vấn đề khác, hầu hết tại các KCN đều chưa quan tâm, chú ý đến vấn đề nhà ở cho công nhân, thiếu khu vui chơi giải trí, phương tiện nghe nhìn, sách báo cho người lao động. Việc các công ty, doanh nghiệp không quan tâm đến nhà ở cho người lao động vô hình trung đã và đang tạo điều kiện “thuận lợi” cho những người xây nhà cho thuê chèn ép, nâng cao giá thuê nhà, cho bọn cò mồi về nhà trọ có sức lộng hành, bắt bí người có nhu cầu thuê nhà ở. Chính sự thờ ơ, thiếu quan tâm của các giới chủ doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền tới đời sống tinh thần của công nhân trong KCN đã làm “bùng phát” các tệ nạn tại xóm trọ của công nhân.

Đứng trước thực tế trên, Công đoàn các KCN đã phối kết hợp cùng các ban, ngành chức năng nhiều lần kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, chỉ được một thời gian ngắn sự việc rồi đâu lại vào đấy! Qua đó cho thấy, việc cải thiện môi trường làm việc, nâng cao thu nhập cho công nhân tại các KCN, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Hà Nội rất cần sự phối hợp đồng bộ, sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chức năng cũng như các quy định chặt chẽ của Nhà nước, nhằm giúp nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Có như vậy, người lao động có điều kiện phát triển và yên tâm làm việc, phát huy khả năng của mình để làm giàu cho bản thân, doanh nghiệp và cho xã hội. Chia tay chúng tôi, bà Hóa vẫn đau đáu nỗi niềm trăn trở: “Nếu chúng ta chỉ chăm lo xây dựng ồ ạt các KCN mà không quan tâm tới nơi ăn chốn ở cho người lao động, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học, chợ, nhà trẻ, phương tiện để đưa đón công nhân... thì đến một lúc nào đó, người lao động sẽ bị mòn mỏi về trí lực, thể lực, rồi họ sẽ bị lạc hậu như cỗ máy hết date”. Đồng thời, bà cũng kiến nghị: Công đoàn cơ sở ăn lương của tổ chức công đoàn chứ không ăn lương của các chủ doanh nghiệp. Một mặt, Bộ LĐ-TB&XH cần có hướng dẫn cụ thể về những quy định, nghị định mới, bám sát thực tế hơn nữa, cần sớm khắc phục tình trạng lách luật của các doanh nghiệp như hiện nay. Có khắc phục được điều này thì công đoàn cơ sở mới phát huy được vai trò của mình theo đúng nghĩa bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cả hai phía.

Ngô Xuân Lộc

(Năng lượng Mới số 146, ra thứ Ba ngày 14/8/2012)