Nêu tên người vi phạm giao thông lên báo: Việc nên làm!

07:00 | 02/01/2014

756 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lần thứ 4 Thông tư 38/2010 của Bộ Công an, người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông sẽ bị gửi thông báo về nơi cư trú, cơ quan làm việc để xem xét thi đua, thậm chí còn nêu tên lên mặt báo... Đây được xem là giải pháp đặc biệt đối với người vi phạm giao thông.

Năng lượng Mới số 287

Tiêu chí bình xét thi đua

Theo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII, Bộ Công an), cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Thông tư 38, việc sửa đổi Thông tư 38 nhằm phù hợp với quy định của luật xử lý vi phạm hành chính và đảm bảo tính răn đe trong xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Theo Dự thảo sửa đổi Thông tư 38 quy định, nhiều lỗi vi phạm sẽ phải gửi thông báo về nơi cư trú, như: không có giấy phép điều khiển phương tiện hoặc có nhưng giấy phép đó không phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép điều khiển phương tiện; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; chống đối, cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ...

Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tổng hợp danh sách người vi phạm để đưa lên mặt báo

Theo đó, người vi phạm sẽ bị lập biên bản với đầy đủ thông tin về địa chỉ cư trú (số nhà, đường phố, thôn (xóm), xã (phường, thị trấn), quận (huyện), tỉnh (thành phố), đơn vị công tác, học tập. Ngoài ra, khi nhận được thông báo vi phạm, công an xã (phường, thị trấn) có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm… nơi cư trú của người vi phạm, nơi tổ chức đặt trụ sở làm việc hoặc đến cơ quan, đơn vị, trường học để nhắc nhở, giáo dục.

Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm theo địa chỉ ghi trong thông báo vi phạm thì chuyển trả lại thông báo đó cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm. Bên cạnh đó, cơ quan công an phải báo UBND xã (phường, thị trấn) về các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trên địa bàn. Đề xuất UBND xã (phường, thị trấn) chỉ đạo tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, trường học nhắc nhở, giáo dục đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm.

Các cơ quan có người vi phạm giao thông được gửi giấy thông báo vi phạm phải xác định rõ việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị, trường học... xem việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí để bình xét thi đua trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức, hạnh kiểm cuối năm của học sinh, sinh viên.

Nêu tên lên báo, đài

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư 38 nêu rõ, lực lượng công an các tỉnh, thành phố, Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (C67, Bộ Công an) sẽ lập danh sách các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông để gửi đến các cơ quan thông tin truyền thông, báo, đài truyền hình, truyền thanh địa phương.

Đối với những trường hợp chống người thi hành công vụ hoặc sử dụng rượu, bia, chất ma túy rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn thì danh sách cá nhân vi phạm với đầy đủ thông tin về địa chỉ cư trú, cơ quan, đơn vị công tác, học tập phải được gửi về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông Trung ương. Nội dung công bố công khai, bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Tổng cục VII nêu ra trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2010. Những lỗi vi phạm nặng thuộc về lỗi cố ý hoặc thể hiện ý thức tham gia giao thông kém thì chỉ phạt bằng tiền thôi không đủ sức răn đe.

Tổng cục VII cho biết, qua gần 3 năm thực hiện Thông tư 38 của Bộ Công an, công an các địa phương đã gửi hơn 1,5 triệu thông báo vi phạm đến công an cấp xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, công tác, học tập để theo dõi giáo dục. Việc gửi thông báo vi phạm giao thông đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân.

Vì vậy, trong lần sửa đổi Thông tư 38, Tổng cục VII tiếp tục đề nghị quy định cho phép hằng tuần Cục C67, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, công an các tỉnh, thành phố được lập danh sách các trường hợp vi phạm giao thông thuộc diện phải gửi thông báo để nêu tên trên báo, đài truyền hình, truyền thanh địa phương.

Trước hết là nêu tên công chức vi phạm

Liên quan đến vấn đề chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII gần đây, trước thực trạng người dân “vô tư” vi phạm Luật Giao thông, dẫn đến tình hình tai nạn giao thông xảy ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những giải pháp nhằm “đánh” trực tiếp vào tư duy cũng như ý thức của người dân khi tham gia giao thông… Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho hay, chúng ta có dám đưa người vi phạm Luật Giao thông đi lao động công ích ngay sau khi vi phạm, kể cả cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước không? Tình trạng vi phạm giao thông là nguyên nhân đẩy thực trạng tai nạn giao thông tăng nhanh chóng mặt, người tham gia giao thông thay đổi hướng đi bừa bãi, không coi lực lượng chức năng ra gì.

Nói về quy định nêu tên người vi phạm giao thông lên mặt báo, luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN cho rằng: “Quy định này sẽ tạo tính răn đe, giáo dục cao”.

Theo luật sư Lê Cao, tinh thần của Dự thảo Thông tư sửa đổi thực ra cũng kế thừa những nội dung của Thông tư 38/2010/TT-BCA. Chuyện công khai thông tin những người có những vi phạm nghiêm trọng, có tính chất cố ý vi phạm cũng là một trong những biện pháp chế tài hữu hiệu để ngăn ngừa, răn đe tội phạm. Một khi đã là chế tài thì tất nhiên là gây hậu quả bất lợi về các mặt tài sản hay uy tín, danh dự của công dân, đặc biệt là đối tượng phải chịu trách nhiệm thực thi. Những văn bản quy phạm pháp luật trước đây cũng thể hiện rõ các hình thức chế tài này. Ngay bản thân Điều 72 của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã có những quy định về việc thông báo, công khai thông tin người vi phạm pháp luật như là một hình thức “chế tài” hành chính đối với một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, tại điều luật này chưa có lĩnh vực liên quan đến hành vi vi phạm về an toàn giao thông. Do đó, nếu xét thấy cần thiết đưa lĩnh vực này vào Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính và qua đó có các hướng dẫn chi tiết để thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông thì sẽ phù hợp với mong muốn của người lập pháp, lập quy mà lại không vi phạm nguyên tắc của pháp luật về tính tuân thủ văn bản có giá trị pháp lý cao hơn.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, không phải trường hợp nào cũng nêu tên trên phương tiện truyền thông đại chúng mà phải cân nhắc đưa vào những lỗi nào thì thông báo về địa phương, lỗi nào thì công bố lên phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng theo hướng các trường hợp nêu tên là cố tình vi phạm gây ra tai nạn nghiêm trọng. Quy định này trước hết nên thực hiện đối với cán bộ, công chức và sẽ không vi phạm với các quy định khác vì đã có luật cán bộ công chức.

“Xử phạt người vi phạm nặng quá thì gây phản ứng, thấp quá thì không đủ sức răn đe, hơn nữa một số người vi phạm có thái độ bất cần nếu chỉ buộc họ nộp phạt thì không đảm bảo được yêu cầu quản lý, giáo dục, răn đe” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Thiên Minh