Xin đừng nhân danh giáo dục để kiếm tiền

11:08 | 15/09/2014

2,348 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông thường, trường học phải là nơi thanh sạch nhất, không vướng bận những chuyện tiền bạc, lợi nhuận, có như vậy mới cho ra đời những thế hệ học sinh có cả kiến thức và nhân cách. Thế nhưng khi giáo dục trở thành mảng miếng kinh doanh béo bở thì những hệ lụy của nó ngày càng nhiều và biến trường học thành một xã hội thu nhỏ với đầy đủ những xô bồ và tiêu cực.

Có lẽ chưa bao giờ thuật ngữ “kinh doanh giáo dục” lại được nhắc đến nhiều như thế bởi những nguồn siêu lợi nhuận mà nó mang lại. Và cũng chưa bao giờ, tình trạng “người người làm giáo dục, nhà nhà làm giáo dục” lại bung nở và mang đến nhiều hệ lụy như hiện nay.

Mầm non thì vượt tầm kiểm soát; phổ thông thì lạm thu, lạm dạy (thêm); và chưa bao giờ ở ta lại có nhiều trường cao đẳng, đại học như bây giờ, các trường đua nhau xin “thăng hạng”, trung cấp xin lên cao đẳng, cao đẳng xin lên đại học, rồi liên doanh, liên kết, liên thông… Đến nay, cả nước đang có hàng nghìn trường trung cấp, cao đẳng và đại học, hàng trăm công ty tư vấn giáo dục, du học… (cả trong nước và nước ngoài). Tất tật đều nhắm vào túi tiền của cha mẹ học sinh.

Trường mầm mon ở... nhờ Nhà văn hóa

Trước hết, cần phải nhìn nhận nền giáo dục nước ta những năm qua dường như đang diễn ra một hiện tượng trái với quy luật, đó là coi trọng phần ngọn, thiếu quan tâm tới phần gốc. Trong toàn bộ nền giáo dục, những cấp học đầu đời được ví như những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng của ngôi nhà, nền móng vững chắc chính là cơ sở cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ngược lại, nền móng không vững chắc thì càng xây cao càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ của sự sụp đổ. Tuy vậy, hiện nay chúng ta đã quá quan tâm đến việc xây dựng những trường đại học mà bỏ quên mất cấp học mầm non, dẫn tới tình trạng thiếu thốn trường sở. Hệ lụy của tình trạng này là nhiều bậc phụ huynh phải đưa con em mình đến các trường tư thục, những nhóm trông trẻ không được chứng nhận. Mặt khác, thiếu trường còn dẫn đến hiện tượng nhiều bậc phụ huynh phải rất vất vả mới xin cho con được vào trường học tốt, hiện tượng chạy trường, chạy lớp cũng là một thực tế đáng buồn trong xã hội ta, thật đau xót khi phải chứng kiến những hiện tượng tiêu cực diễn ra ngay từ những ngày đầu tiên con em chúng ta biết thế nào là trường học.

Qua được cấp mầm non, khi mà học sinh còn “chân ướt chân ráo” bước vào lớp học, công tác dạy và học còn chưa được ổn định nhưng các trường đã ồ ạt tính đến chuyện thu các loại phí, quỹ. Mặc dù Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có quy định cụ thể về những khoản thu ngoài học phí trong các cấp phổ thông, nhưng vẫn có rất nhiều trường còn “bịa” thêm những khoản tiền núp bóng “xã hội hóa giáo dục” để tận thu của học sinh. Mới đây, sự việc phụ huynh học sinh phản ánh trường tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) thu 500 nghìn/học sinh/năm với danh nghĩa phí bảo trì, bảo dưỡng điều hoà cũng gây bức xúc trong dư luận. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống đã phải lên tiếng trấn an và khẳng định sẽ không để lọt những trường hợp lạm thu và thu bất hợp lý.

"Kinh doanh giáo dục" đem lại nguồn thu siêu lợi nhuận

Điều đáng nói là trong năm học 2012-2013, trường Tiểu học Dịch Vọng B cũng đã từng bị phản ánh vì có khoản thu “hỗ trợ tiểu học” 10.000 đồng/học sinh/năm và cũng đã bị xử lý sai phạm. Thế nhưng có lẽ điều này không ngăn cản những người làm giáo dục tiếp tục … “lạm thu” tràn lan. Không chỉ lạm thu đầu năm học, vừa qua Sở GD-ĐT TP HCM khiến dư luận hoang mang vì đề án 4.000 tỷ đồng cho việc sử dụng sách giáo khoa điện tử trong trường phổ thông. Đành rằng số tiền này chỉ trên đề án, dự thảo, thế nhưng để có được một chiếc máy tính bảng phục vụ cho việc học, mỗi gia đình phải tiêu tốn 3-5 triệu/học sinh và tất nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện cho con sử dụng thiết bị hiện đại này. Đến thời điểm này, đề án vẫn chưa được UBND TP.HCM phê duyệt, thế nhưng nếu được thông qua, có lẽ quá nhiều người mượn danh con trẻ, mượn danh cải cách giáo dục để làm giàu bất chính.

Không chỉ tiêu cực trong các cấp học phổ thông, các trường đại học đang đối mặt với tình trạng “trăm hoa đua nở” và nhiều lãnh đạo thực sự coi giáo dục đại học là một “mỏ vàng” và là một dạng kinh doanh siêu lợi nhuận. Điều này dẫn tới thực trạng nhiều trường đại học đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thu hút thật nhiều sinh viên thay cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và củng cố uy tín của cơ sở giáo dục.

Sự việc ‘lùm xùm” ở ĐH Hoa Sen về vấn đề ăn chia lợi nhuận giữa các cổ đông vừa qua là một ví dụ. Khi giáo dục không còn giữ nguyên được sự trong sáng vốn có mà bị pha lẫn bởi mùi tiền thì học sinh - sản phẩm của quá trình đào tạo - cũng dễ bị vấy bẩn. Cũng cần phải nhìn nhận, khi có quá nhiều trường được thành lập thì việc cạnh tranh để có học sinh sẽ phải đặt lên hàng đầu, chương trình học tập bị xem nhẹ và hệ quả là có nhiều “sản phẩm giáo dục” kém chất lượng được ra lò. Và những nhà đầu tư cho giáo dục (phụ huynh học sinh) hay nhà nước lại chẳng thể trả lại cho cơ sở đào tạo những sản phẩm ấy. Nhiều sinh viên tốt nghiệp rồi lại phải theo học thêm các trường khác, có tới 2-3 bằng trong tay mới tìm được việc làm. Xã hội thì phải chịu thêm gánh nặng với hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp.

Đại học Hoa Sen

Từ trước đến nay, giáo dục vốn đã được xem là một lĩnh vực kinh doanh vì đó cũng là sự phù hợp với quy luật phát triển và nhu cầu xã hội. Tất nhiên, đã kinh doanh thì không thể không xem trọng lợi nhuận, song kinh doanh giáo dục cần phải là ngành kinh doanh “có điều kiện” mà ở đó khuyến khích sự đầu tư phi lợi nhuận, hoặc ít nhất cũng không xem lợi nhuận là mục đích tối thượng. Nhà trường có thể kinh doanh, nhưng không theo kiểu “bán chữ”. 

Chúng ta nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là “tất cả vì tương lai con em chúng ta”. Thế nhưng giáo dục đang chuyển từ “công ích”, “phi lợi nhuận” sang một “ngành kinh doanh” để rồi những khái niệm như “tham nhũng vặt”, “học giả”, “bằng giả”, “chạy trường”, “chạy lớp” có cơ hội len vào môi trường giáo dục vốn rất thanh cao.

Giáo dục là lĩnh vực có thể mang lại lợi nhuận, nhưng phải coi là một ngành kinh doanh chân chính, vì “sản phẩm” là con người nên chất lượng phải được xem trọng, nếu nghiêng hẳn về mục tiêu lợi nhuận thì hậu quả mang lại cho xã hội, cho tương lai đất nước thật không thể đong đếm. Người làm giáo dục phải có tư duy vì sự nghiệp trồng người. Chỉ những người có khát khao đóng góp cho sự nghiệp khai trí hãy tham gia. Còn nếu muốn kiếm tiền, muốn đầu tư để thu nhiều lợi nhuận thì xin hãy buông tha cho giáo dục!

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.