Thấy gì từ việc Việt Nam "đi lùi" trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu?

17:24 | 09/08/2012

4,433 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization – WIPO thuộc LHQ) đã công bố bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu với 141 nước. Theo đó, vị trí của Việt Nam đứng 76/141, ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng thụt lùi xa so với các nước láng giềng.

Căn cứ định vị trí tuệ Việt Nam

Từ năm 2007, WIPO đã cùng một số đại công ty và các tổ chức phi chính phủ cho ra đời hệ thống Chỉ số Đổi mới/ Sáng tạo toàn cầu – Global Innovation Index (GII) và lập ra bảng xếp hạng hàng năm của các quốc gia trên thế giới.

Theo GS.TSKH Trần Xuân Hoài, “sự đổi mới/sáng tạo” không chỉ giới hạn với các phòng thí nghiệm hoặc với việc xuất bản các bài báo khoa học, mà còn bao gồm cả những đổi mới/sáng tạo về tổ chức quản lý xã hội cũng như đổi mới/sáng tạo mô hình kinh doanh.

Đổi mới/sáng tạo được thể hiện ở đầu vào và đầu ra của cả một quốc gia. Đó là một chỉ số đánh giá về trí tuệ, về hoạt động và những thành quả của hoạt động trí tuệ con người.

Khả năng sáng tạo của Việt Nam chưa cao

 

Đổi mới/sáng tạo là động lực quan trọng cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh đối với các nước đã phát triển cũng như đang phát triển. Nhiều Chính phủ đang đặt sự đổi mới/sáng tạo thành trung tâm của chiến lược phát triển.

Những cá nhân hình thành nên quốc gia, nhân cách và trí tuệ của các công dân định hình nên hình ảnh một quốc gia, trong đó trí tuệ của từng con người như là một yếu tố để quyết định nhân cách và trí tuệ quốc gia.

Bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu sử dụng chỉ số Global Innovation Index (GII) – Chỉ số Đổi mới toàn cầu ra đời từ năm 2007, qua WIPO thuộc LHQ, để thiết lập bảng xếp hạng hằng năm của các quốc gia trên thế giới. Đó là một chỉ số đánh giá về trí tuệ, về hoạt động và thành quả của hoạt động trí tuệ con người, không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, về tài sản thừa kế, vay mượn, cướp bóc hay những may mắn bất ngờ nào cả.

Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII- Global Innovation Index) bao gồm bảy điều kiện cơ bản như sau:

1.      Các tổ chức nhà nước

2.      Nguồn lực con người

3.      Cơ sở hạ tầng

4.      Độ chín của thị trường

5.      Mức hoàn thiện của kinh doanh.

6.      Kết quả khoa học (Scientific outputs)

7.      Thành quả sáng tạo (Creative outputs).

 

Thứ bậc, Điểm đánh giá Chỉ số Đổi mới/ Sáng tạo của Việt nam và các nước xung quanh

Năm

Số nước

Điểm cao nhất

Việt Nam

Malaysia

Singapore

Thái Lan

Điểm

Bậc

Điểm

Bậc

Điểm

Bậc

Điểm

Bậc

2008

153

5.8

2.38

65

3.47

26

4.1

7

3.01

34

2009

130

5.28

2.97

64

4.06

25

4.81

5

3.4

44

2010

132

4.86

2.95

71

3.77

28

4.65

7

3.06

60

2011

125

74.1

36.71

51

44.05

31

74.11

1

43.33

48

2012

141

68.2

33.9

76

45.9

64.8

64.8

3

36.9

57

 

Từ năm 2008 đến 2010, Việt Nam vẫn đứng ở nửa sau của bảng xếp hạng với các thứ hạng lùi dần, từ 64, 65 đến 71. Bất ngờ đến năm 2011, Việt Nam vươn lên top trên với thứ hạng 51/125, chứng tỏ chúng ta đã và đang có những nỗ lực để cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt về mặt trí tuệ và sáng tạo. Tuy nhiên, năm 2012, thứ hạng của Việt Nam lại chỉ đạt ở mức 76/141 nước.

Với những con số ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể thấy rằng Việt Nam vẫn dậm chân tại nửa sau của thế giới, trong khi đó, các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan và đặc biệt là Singapore lại vững vàng đứng ở top trên với những điểm số cực cao.

 

Vì đâu Việt Nam đứng top sau của thế giới?

Gần đây, sự kiện các học sinh, sinh viên giỏi của Việt Nam tham gia tranh tài tại các kỳ thi Olympic Toán học, Vật lý, Sinh học… và đạt được huy chương vàng, bạc… khiến dư luận và những người nặng lòng với giáo dục cảm thấy xúc động và tự hào.

Nhưng một, hai cá thể xuất sắc không làm nên tập thể giỏi giang, cũng như chỉ một mình giải thưởng Fields của giáo sư Ngô Bảo Châu không thể đưa nền Toán học Việt Nam đứng ngang hàng với các nước phát triển. Qua bảng xếp hạng Trí tuệ toàn cầu của WIPO, chúng ta có thể thấy Việt Nam vẫn còn thua rất xa các nước trong khu vực, chứ không nói đến chuyện so sánh với các nước phát triển của Châu Âu, Châu Mỹ.

Theo GS.TSKH Trần Xuân Hoài, nguyên do vị trí của Việt Nam trên bản đồ giáo dục, trí tuệ và sáng tạo của thế giới lại thấp đến vậy có thể lý giải do “sự bất cập của Tổ chức quản lý Nhà nước và sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho Vốn con người”. Chính là bởi hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn chưa thực sự hoàn thiện, vẫn còn nhiều tiêu cực, kìm nén sự phát triển của cá nhân và của cả cộng đồng.

Giáo dục là xương sống của toàn xã hội, nhưng với thực trạng nền giáo dục như hiện nay thì việc trí tuệ Việt Nam xếp hạng tụt dóc là điều hoàn toàn có thể đoán được. Từ những sự kiện như Đồi Ngô, “đạp đổ cổng trường” hay chuyện “thầy giáo đánh học sinh”, chạy trường, chạy điểm… đã khiến bộ mặt giáo dục Việt Nam càng có phần đen tối.

"Vụ việc Đồi Ngô" là một vết đen của ngành giáo dục nước ta trong năm 2012

 

Việc các trường chuyên, lớp chọn mọc lên như nấm ở thành thị, các cuộc chạy đua không mệt mỏi vào trường điểm, các trường ĐH và sau ĐH Quốc tế liên kết với Việt Nam cũng được thành lập rất nhiều, mục đích là để “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam” thì hầu như không mang lại nhiều kết quả lắm.

Thậm chí, việc chúng ta đưa rất nhiều lứa học sinh, sinh viên ra nước ngoài thi thố, hoặc số lượng du học sinh Việt Nam sang các nước tiên tiến nhất thế giới tu nghiệp cũng không cải thiện nổi vị trí của chúng ta trên bản đồ giáo dục, sáng tạo quốc tế.

Những tiêu cực trong giáo dục và thực trạng “chảy máu chất xám” nặng nề chính là nguyên nhân chủ yếu của việc chỉ số đổi mới/sáng tạo của nước ta ngày càng thụt lùi so với thế giới. Khi vẫn còn tình trạng chạy trường, chạy điểm trong trường học, chạy chức chạy quyền nơi công sở thì giá trị thực của trí tuệ, đổi mới và sáng tạo còn bị hạ thấp.

Bên cạnh đó, nền giáo dục nước ta vẫn khuyến khích “làm theo” hơn là “sáng tạo”, thích đi theo “lối mòn tư duy” hơn là tìm ra cách nghĩ mới, cách làm mới. Điều ấy thể hiện rõ ràng nhất ở cách dạy, cách học trong nhà trường hiện nay; việc truyền thụ kiến thức “đọc – chép”, thầy giảng trò nghe kìm hãm tư duy sáng tạo của học sinh và biến việc học thành sự tiếp thu một chiều, thụ động.

Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh về kinh tế và mạnh mẽ tri thức thì yếu tố con người là cốt lõi và được biểu hiện bằng sức sáng tạo và tri thức khoa học đích thực. Trong sự sáng tạo và tri thức đích thực này không có chỗ cho văn hóa nói dối và bao che, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Nước ta không thiếu nhân tài, bởi qua các kỳ thi quốc tế, có rất nhiều gương mặt trẻ của Việt Nam đạt giải cao và làm rạng danh đất nước. Thế nhưng, một vài cá thể xuất sắc cũng không thể nâng tầm được cả dân tộc nếu chúng ta vẫn dậm chân với những tiêu cực, những lạc hậu, những đua chen vô ích.

Bác Hồ đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và nếu chúng ta không nỗ lực giải quyết dứt điểm các vấn đề trong giáo dục, thì thứ hạng trí tuệ, sáng tạo của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tụt dốc không phanh, và lúc đó, chúng ta thực sự là một dân tộc yếu kém. 

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.