Thấy gì qua việc Bộ GD-ĐT cắt thi đua vì tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp

07:00 | 30/07/2013

706 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi toàn xã hội đang hoang mang về những tiêu cực và bệnh thành tích diễn ra trong ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một quyết định khiến dư luận nói chung và các lãnh đạo Sở - Ngành nói riêng ngỡ ngàng: cắt thi đua nếu tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp.

Quyết định này được “hé lộ” trong Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 được tổ chức sáng 20/7 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ÐT TP.HCM, bày tỏ thắc mắc: "Ðề nghị hội đồng thi đua của bộ lý giải vì sao cắt cờ thi đua của ngành giáo dục TP.HCM - đơn vị duy nhất đạt 14/14 chỉ tiêu thi đua. Có phải vì lý do tỉ lệ tốt nghiệp của TP.HCM cao hơn năm trước 0,76%?".

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời: "Nhiều năm nay bộ quyết tâm khắc phục tiêu cực thi cử, chỉ đạo mỗi năm càng quyết liệt. Tỉnh thành nào có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao hoặc cao hơn năm trước thì bị hạ một bậc thi đua".

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Phạm Vũ Luận cho biết: Thống kê cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT hiện nay còn xa với thực tế. Trước khi đi đến quyết định giao quyền chủ động tổ chức thi tốt nghiệp cho các tỉnh thành (năm học 2011-2012), Ban cán sự Ðảng, lãnh đạo bộ và 63 giám đốc sở đã có cuộc họp tuyệt mật và đi đến quyết tâm chiến lược là phải trung thực với dân, với Ðảng. Hội nghị đã thống nhất quyết tâm tỉ lệ tốt nghiệp không được vượt quá tỉ lệ tốt nghiệp của những năm trước đó.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.

Theo lời kể của Bộ trưởng, cuộc họp "tối mật" được tổ chức lần đầu tại Ðà Nẵng và sau đó tại Cần Thơ. Việc hạ một bậc thi đua cũng là một thống nhất tại hai hội nghị này.

Ðể chứng minh quan điểm của bộ là có cơ sở, Bộ trưởng dẫn chứng: "Chúng tôi đã chấm phúc tra 17.000 bài thi của 16 tỉnh thành trong kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái. Kết quả: có sai phạm rất lớn ở những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng. Coi thi không nghiêm túc, nhiều bài thi giống nhau ở những sai sót rất ngớ ngẩn, chấm thi không chính xác, sai lệch không chấp nhận được. Sắp tới bộ sẽ tiếp tục rút bài thi của 63 tỉnh thành để chấm phúc tra, đặc biệt là các tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng lên".

Có thể nói, đối với căn bệnh thành tích và những tiêu cực đã tồn tại trong ngành giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và các lãnh đạo của Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi và quyết sách khá mạnh mẽ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, những năm qua, Bộ GD-ĐT đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm chống tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như đưa thanh tra của Bộ GD-ĐT về cắm chốt, chấm chéo, thi theo cụm, nhưng nơi này, nơi kia vẫn xảy ra tiêu cực. Từ năm 2012, cùng với việc giao chủ động đồng thời nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã có thêm những giải pháp kiểm soát tiêu cực.

Thứ trưởng cho rằng, tỷ lệ quá cao của năm trước đã không thực chất thì việc tiếp tục tăng thêm nữa vào năm sau càng thể hiện sự thiếu quyết tâm “thi thực chất”. Do đó, việc tăng tỷ lệ tốt nghiệp không tương xứng với thực tế, để xảy ra tiêu cực thì hạ thi đua là cần thiết. Mặt khác, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước và hầu hết các tỉnh, thành đều giảm mà lại có vài tỉnh, thành tỷ lệ tốt nghiệp tăng lên, mặc dù năm trước cũng đã “cao ngất ngưởng” thì việc này cần phải xem xét lại.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT dẫn đoàn thanh tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.

Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT không chỉ căn cứ vào một việc là “tỷ lệ tốt nghiệp tăng” để hạ bậc thi đua của một số địa phương mà còn căn cứ vào thực tế dạy học ở bậc phổ thông, nhất là lớp cuối cấp THPT. Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT đưa ra vấn đề này vì hầu hết các tỉnh thành đã có tỷ lệ tốt nghiệp đạt quá cao, có biểu hiện chắc chắn là vượt xa chất lượng dạy học thực tế, nếu  tiếp tục vượt ngưỡng đó là không thực chất.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết: “Trong việc hậu kiểm của năm trước hay năm nay, chúng tôi không chỉ nhằm vào các địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao hoặc tăng đột biến. Đã có những  địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp không tăng nhưng vẫn nằm trong phạm vi phải hậu kiểm vì có những dấu hiệu tiêu cực khác”.

Về vấn đề chấm hậu kiểm, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp THPT với số lượng nhiều hơn năm trước bằng cách chọn ngẫu nhiên phòng thi để chấm thấm thẩm định cả 63 tỉnh, thành. Mặt khác, vẫn chọn những phòng thi có dấu hiệu tiêu cực để chấm thẩm định.

Kết quả chấm thẩm định sẽ được phân tích riêng cho 2 loại bài này, kết hợp với kết quả thanh tra, kiểm tra ở các khâu coi thi, chấm thi để có nhận xét, đánh giá về tính nghiêm túc trong kì thi của các tỉnh và của cả nước. Với những tỉnh, thành có sai sót trong các khâu của kì thi, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản riêng gửi cho các địa phương yêu cầu chấn chỉnh và xử lý kỷ luật nếu cần thiết với những cá nhân, cơ sở sai phạm.

Có thể nói, quyết định cắt cờ thi đua của những tỉnh, thành có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao của Bộ GD-ĐT đã vấp phải khá nhiều phản ứng từ dư luận. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, đây là một biện pháp mạnh tay nhằm khống chế và xử lý những tiêu cực trong giáo dục.

Đã từ lâu, “bệnh thành tích” đã ăn sâu vào hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta, hình thành nên những bảng báo cáo “khá và giỏi” không thực chất. Những vị lãnh đạo của Bộ GD-ĐT đã đối mặt với những khó khăn, rào cản trong việc cải tổ việc dạy và học đi vào chất lượng, học thật – điểm thật. Và những quyết sách như thế này cũng chỉ mang tính tình thế và đối phó tạm thời với căn bệnh thành tích của ngành giáo dục, chứ chưa thể chữa tận gốc những tiêu cực quá nặng nề này. Vì thế, thay vì chỉ trích những quyết định của Bộ GD-ĐT, có lẽ mỗi cơ sở giáo dục, mỗi người thầy, người trò nên tự thay đổi suy nghĩ cũng như cách dạy – học của mình, để ngành giáo dục thật sự đào tạo nên những nhân tài, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc giáo dục khác.

Có lẽ, chỉ đến khi nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao là thực chất của việc dạy và học trong nhà trường phổ thông, thì những quyết định gây tranh cãi như thế này chắc chắn sẽ không còn; và lúc đó, xã hội và người dân sẽ thật sự tin tưởng vào chất lượng giáo dục của nước nhà.  

Khánh An