Giáo dục đạo đức thiếu đồng bộ

09:39 | 16/02/2014

2,134 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giáo dục đạo đức cho học sinh được coi là vấn đề cấp thiết trước lo ngại về tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống ở trong khung cảnh học đường. Tuy nhiên, có không ít cha mẹ “khoán trắng” việc dạy con cho nhà trường, vì thế giáo dục nhân cách, đạo đức giữa 2 môi trường gia đình - nhà trường đang thiếu đồng nhất.

Năng lượng Mới số 296

Người lớn không làm gương?

Không phải ngẫu nhiên mà lại có nhiều bậc phụ huynh, nhiều nhà giáo và cả xã hội quan tâm đến vấn đề “đạo đức học đường” đến như vậy, khi mà tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%.

Giáo viên và phụ huynh phải làm gương trong việc giáo dục đạo đức cho con trẻ

Tại cuộc tọa đàm “Giáo dục với việc hình thành nhân cách, đạo đức con người, văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” vừa diễn ra ngày 22/1/2014, ông Hoa Hữu Vân - Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, theo điều tra cho thấy, có tới 57% cha mẹ không dành nổi một giờ trong ngày để dạy con cái; Cách dạy con đi thưa về chào bị coi nhẹ. Khi trẻ con bắt đầu học nói thì cha mẹ dạy “hello, bye”, người lớn chào trẻ con đi học về. Điều này chứng tỏ tiêu chí giáo dục đạo đức trong gia đình đã lệch hướng và một đứa con ngoan đồng nghĩa với học giỏi.

Việc dạy đạo đức cho học sinh trong nhà trường hiện nay không được chú ý đúng mức, khiến việc “dạy người” bị coi nhẹ. Tại các nhà trường, tiết Giáo dục công dân chỉ chiếm chưa đến 4% thời lượng các môn học, trong khi vấn đề rèn đức, rèn người lại là vấn đề quan trọng hàng đầu. Thêm vào đó, tâm lý “môn chính, môn phụ” khiến các giáo viên chưa có sự nhìn nhận đúng đắn về tầm quan trọng của môn học này.

Nhiều giáo viên cũng chưa có lối sống và cách hành xử đúng mực để học sinh noi theo. Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ việc thầy giáo hiếp dâm nữ sinh, giáo viên bạo hành học sinh hay dùng chiêu “ép” học sinh phải đi học thêm… đã khiến xã hội mất dần niềm tin vào những người làm công tác “trồng người”.

Bên cạnh vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường còn nhiều lỗ hổng, tình trạng học sinh hư, vi phạm pháp luật còn bắt nguồn từ phía gia đình. Không ít các bậc cha mẹ thiếu sự quản lý hoặc chiều chuộng quá mức, để học sinh có thể tùy ý làm bất cứ điều gì mình muốn.

Nhiều gia đình cũng do mải mê làm ăn, kiếm sống không chú ý, quan tâm đến con nghĩ gì, làm gì, học gì. Cũng còn những bậc cha mẹ chưa làm gương cho con cái. Thậm chí, có phụ huynh còn mang tư tưởng phó mặc việc dạy dỗ con em cho giáo viên, cho nhà trường…

Cùng với đó là sự tác động của những tiêu cực xã hội xuất hiện hằng ngày trên các mạng xã hội lên tâm lý của học sinh. Ở lứa tuổi mới lớn, các em đón nhận những mặt trái của xã hội một cách thụ động, lệch lạc và không nghĩ tới hậu quả.

Không cần cao xa

Qua các cuộc khảo sát do đoàn giám sát của Văn phòng Chủ tịch nước tại nhiều trường phổ thông, ông Nguyễn Chí Thành, Trợ lý của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhận xét, việc dạy đạo đức trong nhà trường có nhiều bài học ôm đồm, không sát thực tế. Việc dạy tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức vào các môn học khác cũng chưa thực sự hiệu quả…

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ học sinh tiểu học nói dối cha mẹ là 22%, THCS là 50% còn THPT là 64%.

Sự dối trá, không trung thực của trẻ nếu kéo dài thì có thể dẫn đến những hành vi không tốt như: trộm cắp, có những hành vi bạo lực vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên.

Cụ thể, học sinh lớp 3 được học tìm hiểu Liên Hiệp Quốc, lớp 7 học về thuế thu nhập cá nhân, trách nhiệm công dân. Chính sự lệch pha trong giáo dục kiểu này đã tác động không tốt đến việc hình thành nhân cách trong giới trẻ.

Ở bậc trung học phổ thông, nhiều giáo viên chỉ ra nghịch lý khi học sinh lớp 11 và 12 không có tiết học đạo đức nào. Chương trình giáo dục công dân chỉ có ở lớp 10 (29 tiết/năm) mà rất nặng nề về kiến thức với 2 phần triết học và đạo đức gồm các nội dung trừu tượng, hàn lâm như vật chất, ý thức, tồn tại xã hội, ý thức xã hội, phương pháp luận biện chứng... Chính điều này làm mất hứng thú cho cả khâu dạy và học nên hiệu quả giáo dục không cao.

Đã vậy, trước dư luận xã hội, ngành giáo dục - đào tạo còn thường xuyên bổ sung rất nhiều nội dung “thời sự” theo kiểu hở đâu vá đó, như: giáo dục an toàn giao thông, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tham nhũng... vào môn giáo dục công dân.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng cho công tác “dạy người” này, giáo viên không nên chỉ dừng ở việc đánh giá điểm số với học sinh mà cần dựa vào nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn của học sinh. Ðáng chú ý, mỗi thầy giáo, cô giáo phải luôn luôn là những tấm gương đạo đức về hành động việc làm... để học sinh noi theo.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) nhận xét: “Trong nhà trường chúng ta hiện nay đều đã làm tốt việc cung cấp kiến thức cho người học, nặng về rao giảng đạo lý như học sinh cần phải làm gì và vì sao cần phải làm điều đó. Tuy nhiên, người thầy lại ít nghĩ tới cảm nhận của học sinh về yêu cầu giáo dục đó ra sao.

Rất ít giáo viên quan tâm tới việc ngoài kiến thức ở trường lớp còn có con đường nào khác có thể giúp học sinh nhận thức sâu sắc, hiểu và tự nguyện làm theo. Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những điều nghe và nói mà phải hình thành từ nỗ lực hành động của mỗi người.

Bởi vậy, nếu quan niệm môn đạo đức, giáo dục công dân là môn giúp học sinh hình thành nhân cách thì phải xem đây là môn học mở chứ không thể vạch ra một chương trình cứng như hiện nay”.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bày tỏ băn khoăn: “Đưa nhiều thứ vào môn giáo dục đạo đức trong nhà trường nhưng dường như lại chưa có chiều sâu nên học sinh vẫn thiếu những kỹ năng để vượt qua những tình huống khác nhau của cuộc sống”.

Bởi một trong những kỹ năng cơ bản mà môn học Đạo đức, Giáo dục công dân hướng tới là người học biết vận dụng kiến thức đã học để nhận xét, đánh giá các hiện tượng, các sự kiện, các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống phù hợp với lứa tuổi; biết lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp… Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, do quá tham nhồi nhét các kiến thức cao siêu, những bài học nặng tính rao giảng lý thuyết nên học sinh vẫn ngơ ngác khi phải đối mặt thực tiễn cuộc sống, dẫn đến việc thiếu khả năng ứng xử thích hợp.

Trước thực tế này, nhiều giáo viên đề nghị môn đạo đức không nên dạy quá nhiều bài học lý thuyết như hiện nay, mà phải hướng đến những điều thực tiễn, có giá trị mới đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, để giáo dục đạo đức cho con em mình, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, là tấm gương cho con cái noi theo. Xây dựng môi trường giáo dục tốt với thế “kiềng ba chân” gia đình- nhà trường- xã hội, sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để giáo dục đạo đức học sinh trong xu thế hiện nay.

 

Khánh An
 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.