Dạy môn tự nhiên bằng tiếng Anh ở Nam Định: Có thực sự cần thiết?

07:00 | 31/03/2014

2,949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết, theo kế hoạch, Sở sẽ tổ chức thí điểm dạy các môn tự nhiên (gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học) bằng tiếng Anh tại 13 trường THPT từ học kỳ II năm học 2013-2014. Đến thời điểm hiện nay việc tổ chức thí điểm dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh đã được triển khai ở 4 trường, gồm THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Trần Hưng Đạo, THPT A Nghĩa Hưng và THPT Tống Văn Trân.

Trường THPT Nguyễn Khuyến là một trong những trường sẽ tổ chức thí điểm việc dạy các môn tự nhiên bằng Tiếng Anh

Ông Mai Thanh Quế, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT  Nam Định cho hay, các trường thí điểm dạy từ 1-2 tiết, chứ không dạy toàn thời gian. Cụ thể 5 trường THPT chất lượng cao tổ chức dạy ít nhất 2 tiết đối với mỗi môn tự nhiên; 7 trường khác gồm THPT Nguyễn Khuyến, THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Lê Quý Đôn, THPT Xuân Trường B, THPT Nam Trực, THPT A Nghĩa Hưng, THPT Trực Ninh dạy ít nhất 1 tiết.

Đối với những giáo viên tham gia dạy môn tự nhiên bằng tiếng Anh, Sở yêu cầu các trường phải chọn những người có năng lực tốt cả về chuyên môn và tiếng Anh. Giáo viên có thể lựa chọn các tiết dạy trong sách giáo khoa hoặc chuyên đề tự chọn thuộc chương trình THPT; giáo án của giáo viên được chuẩn bị bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Trước khi thực hiện giảng dạy, giáo viên bộ môn tự nhiên phải phối hợp với giáo viên tiếng Anh cung cấp cho học sinh tự vựng, thuật ngữ và cấu trúc tiếng Anh liên đến bài học. Các trường tham gia giảng dạy thí điểm phải tổ chức hội thảo sau buổi dạy để trao đổi, rút kinh nghiệm.

Vẫn theo Sở GD&ĐT tỉnh, việc dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh trong trường THPT không phải là cách làm riêng của Nam Định. Đây là đề án của Bộ GD&ĐT được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Cuối năm 2013, Bộ đã tổ chức tập huấn giáo viên dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh cho 63 tỉnh, thành, trong đó Nam Định có 2 giáo viên được cử đi.

Sau đợt tập huấn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cũng đã tổ chức hội thảo học tập và chia sẻ kinh nghiệm tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong tháng 3/2014, với thành phần tham dự gồm ít nhất 1 giáo viên mỗi môn Toán, Lý, Hóa và Sinh của 13 trường (gồm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phòng; 5 trường THPT chất lượng cao và 7 trường khá nhất trong nhóm đại trà).

Trang bị khả năng giao tiếp, khả năng viết bằng tiếng Anh cho các em cần thiết hơn hay là triển khai một đề án rất mơ hồ về mục tiêu như dạy các môn tự nhiên bằng Tiếng Anh?

Như vậy, có thể thấy, trong mục tiêu của việc thí điểm dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh này rất mơ hồ. Nếu mục tiêu là để tăng cường kiến thức của các em về các môn tự nhiên, thì rõ ràng không cần phải dạy bằng tiếng Anh. Còn nếu nâng cao khả năng tiếng Anh của các em học sinh thì chắc chắn không thể bằng việc tăng cường ngữ pháp, khả năng giao tiếp cho các em. Có thể thấy nếu dạy môn tự nhiên bằng tiếng Anh chắc chắn sẽ không làm tăng khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh được, bởi các môn tự nhiên có những khái niệm riêng, nhiều khi là khái niệm rất “hẹp”, nói bằng tiếng Việt chưa chắc các em đã hiểu hết, nói gì đến tiếng Anh (?!).

Hơn nữa, thực tế trong các trường THPT hiện nay cho thấy, nếu các thầy cô giỏi các môn tự nhiên thì cũng ít người giỏi cả tiếng Anh (do thực trạng đào tạo giáo viên sư phạm hiện nay). Có lẽ tìm mỏi mắt mới có được người “văn võ song toàn” như vậy. Vì vậy, trong khi giảng dạy, nói bằng tiếng Anh để diễn tả bài giảng chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Còn với các em học sinh, có thể đoán được nhiều em sẽ không mặn mà gì với cách học này. Bởi mục tiêu của các em vẫn chỉ là học làm sao để đỗ được trường ĐH mà mình yêu thích, nên ngay từ đầu khi vào các trường, các em đã tự phân ra ban A, ban B, ban C để tập trung học. Còn nếu học các môn tự nhiên bằng tiếng Anh thì thực tế, các em sẽ cảm thấy chẳng mang lại lợi ích gì nếu theo học. Kiến thức về các môn tự nhiên của các em sau khi học bằng tiếng Anh chắc chắn sẽ không tăng; còn khả năng về tiếng Anh thì cũng khó mà phát triển hơn được.

Hơn nữa, trình độ tiếng Anh của các em sẽ rất khó để theo dõi bài giảng (trong trường hợp nếu giáo viên giảng một cách trơn tru). Một em học sinh cho biết, thay vì tổ chức học các môn tự nhiên bằng Tiếng Anh, các trường nên có những cách nào đó để bồi bổ khả năng giao tiếp, khả năng viết, nhớ từ vựng của các em học sinh thì sẽ mang ý nghĩa nhiều hơn.

Không hiểu xuất phát mục tiêu nào mà Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định lại hào hứng với việc dạy nghe rất lạ đời là dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh như vậy? Hay là thí điểm như trên chỉ là để chuẩn bị chọn ra những em “gà nòi” để đi thi Olympic quốc tế để lấy thành tích? Nếu quả thực mục tiêu là như vậy thì cần loại bỏ ngay thí điểm này để tập trung vào những công việc khác mang lại ý nghĩa thiết thực hơn cho các em học sinh, cho ngành giáo dục và cho cả xã hội, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của các thầy cô và các em học sinh.

Thục Quyên