Cô giáo chui vào túi nilon vượt suối đến trường:

“Chúng tôi thấy bàng hoàng”

15:59 | 18/03/2014

2,248 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi clip “Cô giáo chui túi nilon vượt suối lũ đến trường” được đăng tải ngày 17/3, các chuyên gia giáo dục đều bày tỏ sự bàng hoàng và bức xúc bởi hàng ngày, hàng giờ, các cô giáo và học sinh vẫn phải vượt suối bằng cách nguy hiểm này.

Clip do cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên mẫu giáo đang dạy ở điểm trường Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) quay lại. Con suối trong clip là suối Nậm Pồ, đoạn giáp ranh giữa hai bản Lai Khoang và Sam Lang, trên trục đường từ trung tâm xã vào tận đường biên giới Việt - Lào.

Trong chiếc điện thoại của cô giáo Tòng Thị Minh, đoạn clip quay cảnh các cô giáo đứng bên bờ suối, nước xiết cuồn cuộn.

Rồi các cô chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao “đựng” cô giáo và kéo các cô - lúc này nằm im trong túi nilông ấy - để bơi vượt qua suối. Một tay túm miệng bao, một tay sải nước bất chấp con suối mùa lũ đang băng băng chảy xiết.

Các cô giáo phải chui vào túi nilon để vượt suối lũ đến trường.

Tất nhiên các cô giáo nằm im và nín thở khi nằm trong cái “phao túi bóng” ấy. Với cô Minh thì cái chuyện khiến PV vô cùng sửng sốt này là “chuyện bình thường mà, chúng em chỉ có cách đó qua suối thôi chứ chả cây cầu nào chịu được lũ rừng cả”.

Không chỉ cô Minh, một số đồng nghiệp khác của cô và nhiều em học sinh, mùa lũ, cũng được đưa qua suối bằng cái cách nguy hiểm ấy để đến trường.

Liên quan đến việc các cô giáo ở điểm trường của bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phải ngồi trong túi ni lông để nhờ người đưa qua suối đi dạy học vào mùa lũ, các chuyên gia giáo dục đều bày tỏ sự bàng hoàng và khâm phục sự dũng cảm của các cô giáo.

Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: "Tôi đánh giá cao các cô giáo về mặt yêu nghề"

“Các cô giáo ngồi trong túi ni lông để qua suối như vậy là rất nguy hiểm đến tính mạng và rủi ro rất cao. Tôi đánh giá cao các cô giáo về mặt yêu nghề. Không phải vì đồng lương hay vì việc được ưu đãi đặc thù đến cỡ nào, thậm chí nếu lương các cô giáo ở đây lên đến 20 triệu đồng một tháng đi nữa, nếu không có lòng yêu nghề, sự hy sinh dũng cảm, không thể nào dám ngồi trong túi ni lông mà qua suối chảy xiết vào mùa lũ như vậy được. 

Bà Nguyễn Thị Khá (Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội).

Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh: “Vấn đề nữa là việc này đã diễn ra bao lâu rồi, ngành giáo dục có biết vấn đề này không và địa phương có phản ánh lên cấp trên không? Kiến nghị bao nhiêu lần rồi, phòng giáo dục, sở giáo dục và tỉnh Điện Biên có biết việc này không, có giải pháp gì chưa?”

PGS Văn Như Cương: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"!

Là một người nhiều năm gắn bó, tâm huyết với ngành giáo dục, hiện đang là Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh Hà Nội, PGS Văn Như Cương thốt lên: “Thật kinh khủng, quá đáng sợ, quá thương cho cô giáo, học sinh Sam Lang! Chuyện đó xảy ra chết người như chơi, nếu túi ni lông thủng 1 lỗ thôi thì nước sẽ vào, tính mạng các cô, các em sẽ ra sao? Nguy hiểm quá!

Tôi khâm phục tinh thần bám trường bám lớp của những thầy cô Sam Lang, đó là những tấm gương tâm huyết với nghề. Không chỉ dạy dỗ mà còn đến tận nhà vận động học sinh đến trường, chưa kể đường xá xa xôi, nguy hiểm gấp trăm lần dưới đồng bằng, thành phố…”.

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh.

Ông cũng băn khoăn: “Chuyện như thế phải biết sớm hơn để giải quyết, chứ không thể đợi báo chí phản ánh lãnh đạo, cấp chính quyền mới vào cuộc. Chuyện nguy hiểm như thế mà coi đó là bình thường sao? Cũng giống như tai nạn sập cầu Chu Va 6 ở Lai Châu, trước đó chúng ta im lặng, sau đó chúng ta đợi có việc xảy ra mới xem lại, sửa, kiểm tra…Phải chăng “mất bò mới lo làm chuồng”?”.

Đồng thời, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh: “Chúng ta tốn nhiều tiền xây chùa, chiền, tượng đài, một năm có mấy trăm lễ hội trong khi đó chuyện nhỏ như thế này không làm được? Tôi cho rằng phải xem lại, chúng ta phải quan tâm hơn đến vấn đề an sinh, đời sống của nhân dân.

Trong khi nhiều nơi xây nhà vệ sinh hàng tỷ, xây trường hoành tráng mấy trăm tỉ thì ở vùng sâu xa tôi thấy lớp học đúng như cái chuồng bò. Có công bằng không? Chỉ cần vài tỷ là lớp học trên vùng cao đã ấm hơn rồi, thầy cô, học sinh có cầu để đi rồi”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT): "Không được phép tái diễn tình trạng này"

Khi xem clip về cách vượt sông "kì lạ bậc nhất" Việt Nam này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định: “Các cô giáo tại điểm trưởng này phải rất yêu nghề, mến trẻ và rất dũng cảm thì mới có thể khắc phục khó khăn để đảm bảo việc dạy và học cho các em. Bản thân tôi khi biết được về clip này cũng thấy rất đau xót và ngỡ ngàng, bởi không chỉ có các cô giáo mà còn có các em học sinh và người dân hàng ngày phải băng qua suối bằng cách nguy hiểm này”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Ông còn cho rằng, nhẽ ra Sở GD-ĐT Điện Biên nên có những phản ánh, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền từ sớm để tình trạng này không còn tái diễn để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.

Thông qua sự việc này, ông cũng cho rằng xã hội nên suy nghĩ tại sao lại để giáo viên, học sinh chúng ta đi dạy, đi học trong tình trạng nguy hiểm như vậy? Ông cũng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần xem xét xây cầu cho người dân, giáo viên và học sinh, chỉ cần bớt những công trình vô bổ và có thể giúp cho nhân dân vùng cao có được cơ sở hạ tầng, góp phần ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế cho vùng khó khăn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải(GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Bộ đang giao Sở GTVT Điện Biên đi khảo sát thực tế ở đó. Bộ yêu cầu trước mắt phải có giải pháp cho người dân đảm bảo đi lại bằng phương án không nguy hiểm. Giao Sở GTVT Điện Biên phối hợp các ngành trình Bộ GTVT phương án để sớm xây cầu ở đây. Bộ sẽ dùng các nguồn vốn từ giao thông nông thôn để xây cầu. Chúng tôi cho rằng việc xây cầu ở đây sẽ được giải quyết nhanh. Tôi nghĩ thời gian 4-5 tháng để xây cầu treo thì có thể đáp ứng được”.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.