Đề thi mở - phá lối mòn trong cách học Văn

07:00 | 29/06/2013

2,207 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một đề thi hay, gần gũi, mang tính thời sự sẽ nhắc nhở người trẻ về lối sống, cách nghĩ và đánh thức những xúc cảm tưởng chừng đã ngủ quên...

Điển hình nhất là đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm nay, đề ra về hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn Nam (lớp 12 Trường THPT Đô Lương 1 Nghệ An) quên mình cứu 5 em nhỏ đã gây xúc động mạnh đối với xã hội. Đây chính là cú “hích” về cách ra đề thi hàn lâm, khuôn mẫu trước đây.

Thú vị với đề nghị luận xã hội giàu tính nhân văn, nhiều thí sinh không chỉ nêu cảm xúc, thán phục tinh thần dũng cảm, quên mình xả thân cứu 5 em nhỏ của Nam mà còn liên hệ thực tế, đả phá, lên án sự thờ ơ, bàng quan với cái ác, tiêu cực. Không chỉ đồng cảm, rơi nước mắt vì sự ra đi đầy ý nghĩa của Nam, nhiều em tự nhủ phải noi gương Nam, dám đối mặt với hiểm nguy và hành động vì người khác. 

Thí sinh rất hồ hởi với các đề thi Ngữ văn theo hướng "mở" năm 2013.

Không chỉ vậy, đề thi vào lớp 10 tại Đà Nẵng năm nay, với câu hỏi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ của Nga: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”, học sinh đã rất thích thú với câu hỏi này.

Hay như đề thi Văn vào lớp 10 của TP HCM có câu hỏi khá lạ và hay yêu cầu học sinh phải có sự sáng tạo và tư duy mới làm được bài: từ hình một người con sử dụng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ teen nói chuyện với bố yêu cầu thí sinh trả lời; từ câu chuyện “Ôm ước mơ đi về phía biển”, yêu cầu các em trình bày suy nghĩ của mình...

TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội chia sẻ, điều khiến thí sinh cũng như đông đảo dư luận hứng thú chính là nội dung yêu cầu của kiến thức, khi những kiến thức quen thuộc của chương trình được yêu cầu soi chiếu, luận bàn, suy ngẫm hướng tới những vấn đề lớn lao, thiêng liêng của đất nước.

Cô còn cho biết thêm: “Đề bài đã chạm tới những xúc cảm cao quý  trong mỗi học trò, mỗi công dân Việt, khiến các em nhận ra mối quan hệ gần gũi giữa những trang văn trong sách vở nhà trường với cuộc sống con người, với chủ quyền đất nước, đặc biệt ý thức được trách nhiệm của mỗi con người với quê hương đất nước, đó chính là giá trị nhân văn đáng trân trọng của đề thi năm nay”.

Tuy nhiên, nếu muốn làm được những đề thi Ngữ văn này một cách chỉn chu và chất lượng, thí sinh phải động não, phải có ít nhiều kỹ năng sống, biết liên hệ thực tế… Có thể nói, đây là một đề hay nhưng tiếc thay cũng “làm khó” nhiều thí sinh bởi lẽ cách dạy và học trong nhà trường hiện nay vẫn theo kiểu rập khuôn, văn mẫu.

Trong suốt 4 năm học THCS, đặc biệt năm lớp 9, học sinh phải làm từ 7-8 bài nghị luận văn học, xoay quanh các tác phẩm trong sách giáo khoa. Về khối lượng tác phẩm, các em vừa phải học một số tác phẩm văn học trung đại vừa ôm thêm văn học hiện đại. Bài nhiều, kiến thức vừa rộng vừa nặng, cách đối phó phổ biến là lên mạng kiếm… văn mẫu! Chỉ cần gõ vào Google, với từ khóa như “Mùa xuân nho nhỏ” hay “Đồng chí”… sẽ hiện ra hàng loạt trang mạng với nhiều đề và bài làm sẵn. Đối với nhiều “lò” dạy và luyện thi, các giáo viên đã cung cấp cho các em các mẫu bài soạn sẵn, phô tô lại các bài văn hay, các bài báo viết về các tác phẩm… và cứ thế mà học.

Riêng phần nghị luận xã hội, thời lượng dành cho các tiết học này rất ít và các vấn đề được bàn luận cũng rất… mẫu. Ví dụ như lòng thương người, tính vượt khó, vượt lên số phận, tình mẹ… Các “tính” này cũng có sẵn trên các trang mạng, cứ tải về học là xong. Rất hiếm có tiết Văn nào tổ chức cho các em bàn luận về chuyện em Nam dũng cảm cứu người hay một ông Tây tình nguyện bưng cơm ở quán cơm 2.000 đồng. Đó là chưa nói đến chuyện dạy cho các em có cái nhìn đúng đắn, phê phán những hiện tượng xấu của xã hội như con giết cha, vợ giết chồng, học sinh tạt axit thầy giáo…

Điểm lại các đề thi môn Văn ở các địa phương và cấp quốc gia trong thời gian gần đây cho thấy cơ cấu, chủ đề ngày càng thay đổi, gần gũi đời thường. Như thế, tư duy sáng tạo, suy nghĩ độc lập sẽ được khuyến khích và sẽ tác động theo hướng tích cực, thay thế việc dạy và học tủ, theo lối mòn trong môn Văn. Trong buổi họp báo tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh đề thi các môn Khoa học xã hội tiếp tục ra theo hướng mở, phát huy tính tích cực và năng lực tư duy sáng tạo, có tác động tích cực đến tình cảm, đạo đức thí sinh.

Dạy Văn là dạy học sinh hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng tình người, gieo mầm nhân ái… Vì thế, ngoài cảm thụ kiến thức văn học, học sinh phải biết suy nghĩ, cảm nhận đúng giá trị nhân văn của cuộc sống, số phận con người, để từ đó noi theo những tấm gương sáng, điển hình tốt. 

Như đúc kết của nhiều giáo viên, khi đề thi môn Văn thoát khỏi lối mòn, đánh thức cảm xúc của học trò và hướng các em tới Chân - Thiện - Mỹ thì môn học này đã lấy lại vị thế, giá trị của mình. Vì thế, dư luận trông chờ ngành giáo dục tiếp tục có thêm nhiều đề Văn hay, thấm đượm hơi thở cuộc sống.

Nhã Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.