Trang Trịnh: “Mong ước đưa nhạc cổ điển tới gần khán giả Việt"

09:53 | 30/06/2013

669 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp, nghệ sĩ piano Trang Trịnh chia sẻ: “Ước muốn của tôi là đưa nhạc cổ điển đến gần với khán giả Việt nên tôi phải ở đây, ngay chính trên quê hương Việt Nam này để thực hiện ước muốn đó”.

- Tôi thắc mắc rằng, tuổi đời vẫn còn trẻ và có cơ hội phát triển ở nước ngoài tốt như vậy, tại sao Trang lại quyết định về nước?

- Trang vẫn sẽ có rất nhiều chuyến đi biểu diễn cũng như học tập quốc tế, vì vậy việc lựa chọn ở tại Việt Nam cũng không quá cản trở các công việc này. Điều quan trọng khiến Trang chọn sống tại Việt Nam, đó là để thực hiện giấc mơ mà Trang đã theo đuổi suốt một thời gian dài đó là: Mang được âm nhạc, nhất là âm nhạc cổ điển, đến gần hơn với công chúng Việt Nam. Tuy là người Việt nhưng Trang đã có 10 năm sống tại Anh, vì thế muốn làm được công việc này Trang cần phải hiểu rõ cuộc sống tại Việt Nam nữa. Hiện tại, Trang dự định sống ở Việt Nam khoảng 6-7 tháng trong một năm. Số thời gian còn lại dành cho việc biểu diễn và học tập tại nước ngoài.

- Tuy mới về Việt Nam được mấy tháng thôi nhưng Trang cảm thấy việc phát triển bộ môn nghệ thuật của bạn có khả quan không? Có khác với những hình dung của bạn trước đó không?

- Cũng không quá nhiều khác biệt. Nhưng phải nói rằng Trang đã rất bất ngờ vì. Trang đã chuẩn bị tinh thần cho việc sẽ gặp phải nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua công việc tiến triển rất khả quan. Trong tuần này thôi Trang có đến 3 buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn và những cơ hội giảng dạy đến với Trang cũng ngày một nhiều.

Mong ước của Trang là muốn đưa âm nhạc cổ điển đến gần với khán giả

- Theo Trang thì cái khó nhất đang tồn tại là gì?

- Là cơ hội để tiếp xúc với khán giả. Trang luôn phải tự tạo ra những không gian nhất định để có thể tiếp xúc với tư cách một nghệ sĩ và một nhà giáo dục. Tuy đã có những sân chơi thú vị như CLB CEG của nhạc sỹ Nguyễn Cường, xã hội Nhạc Cổ Điển, Info và các chương trình thường niên của Nhà Hát Giao Hưởng, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, L’espace, Goethe Institute và cả LUALA Concert. Nhưng Trang vẫn nghĩ có quá ít cơ hội để các nghệ sĩ trẻ có cơ hội được trải nghiệm biểu diễn và tiếp cận với khán giả. Trang đang cố gắng để sẽ tạo được những cơ hội thế này cho chính mình và cả cho các bạn trẻ khác

- Trang nói rằng ở Việt Nam số lượng người theo học nhạc cổ điển đang tăng lên, điều đó không phủ nhận. Nhưng để đi được đến cuối con đường là sống bằng nghề thì rất ít. Đó quả là điều đáng buồn đúng không?

- Đáng buồn chứ. Nhưng không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, số lượng các nghệ sĩ chỉ sống bằng lương biểu diễn rất ít. Tất cả đều kết hợp với việc giảng dạy, hoặc các công việc sáng tạo khác. Tuy nhiên, họ đều chọn sống với nghề, bởi nghề nghiệp không chỉ là để nuôi sống thể xác, mà còn là ước mơ và điều khiến cho họ hạnh phúc nữa.

- NSND Trung Kiên có nói rằng: Rất sốt ruột cho những người trẻ theo nghệ thuật hàn lâm, bởi việc rèn luyện là vô cùng khó khăn nhưng ra kiếm tiền thì khó mà cái khó hơn cả là tìm được khán giả. Đã có thời gian trải nghiệm, Trang thấy có đúng không?

- NSND Trung Kiên nói rất đúng. Vì thế Trang luôn song hành việc tổ chức biểu diễn và việc giảng dạy phổ cập âm nhạc. Vì chúng ta cần khán giả. Và Trang đang tập trung rất nhiều sức lực cho việc kiến tạo lớp khán giả mới này tại Việt Nam.

- Nhìn nhận một thực tế rằng, đại đa số người dân của nước ta chưa đủ trình độ để nghe nhạc cổ điển. Đến một nhà lãnh đạo cũng phát biểu một cách chân thực rằng, khi nghe giao hưởng cứ như nghe người ta sóc vỏ ốc vậy. Trước thực trạng đó, theo Trang chúng ta cần phải làm gì trước?

- Để có một lớp khán giả mới, chúng ta phải bắt đầu từ trẻ em. Việc giáo dục nhạc cụ chỉ dành cho số ít. Hơn nữa việc giáo dục phổ cập âm nhạc trong trường học tại Việt Nam hiện còn rất nhiều bất cập, không tạo ra được một thế hệ biết “nghe”, biết “thưởng thức” âm nhạc. Trang nghĩ việc các trung tâm đào tạo âm nhạc nở rộ như hiện nay minh chứng cho sự thay đổi trong cách suy nghĩ của các bậc làm cha mẹ về vị trí của âm nhạc trong cuộc sống con cái họ. Tuy nhiên, những trung tâm này vẫn hướng nhiều theo việc dạy “chơi” nhạc mà chưa tập trung vào việc “nghe” và “cảm thụ” âm nhạc. Trang nghĩ rất cần những mô hình khác tập trung theo hướng này, từ phía Truyền thông đại chúng như báo, đài... đến phía đào tạo các giáo viên âm nhạc trong trường tiểu học, trung học và cả các cơ sở tư nhân nữa.

Cái thiếu đầu tiên là cơ hội được tiếp xúc với khán giả

- Bởi thế nên Trang đã từng mong ước rằng: Mỗi đứa trẻ Việt Nam đều biết chơi một loại nhạc cụ. Nó có xa vời quá không?

- Không có ước mơ nào dễ thực hiện, vì nếu thế chúng đã chẳng đáng được gọi là “ước mơ”. Nhưng như câu nói "Khi tin là có thể là bạn đã đạt được một nửa thành công" – Theodore Roosevelt, Trang nghĩ rằng mình sẽ làm được một điều gì đó để tiến tới ước mơ này.

- Và thực tế thì Trang đã làm và đi theo hướng gì?

- Là một nghệ sĩ biểu diễn, Trang biết được sức mạnh của việc được trực tiếp nghe một nghệ sĩ biểu diễn và nói về tác phẩm đó lớn thế nào đến cảm thụ và cái nhìn của người nghe đối với nhạc cổ điển. Vì thế Trang sẽ tiếp tục biểu diễn sáng tạo và tổ chức các chương trình biểu diễn. Trang hiện là đại diện của CLB Charles Ansbacher tại Việt Nam, một CLB tập trung vào nhiệm vụ mang âm nhạc cổ điển chất lượng cao đến khán giả. Chương trình đầu tiền với dàn hợp xướng thiếu nhi Boston Children’s Chorus diễn ra vào 26/6 tại HCM và ngày 29/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vé mời miễn phí tới khán giả

- Mong muốn đưa nhạc cổ điển đến gần với khán giả, đó là mong muốn chung của các nghệ sĩ. Thực tế đã có những nỗ lực là đưa nhạc giao hưởng xuống phố. Đó là một trong những phương pháp cũng hữu hiệu, nhưng về căn bản thì cần lâu dài. Theo Trang thì, cần kết hợp những yếu tố gì nữa?

- Cần có rất nhiều các mô hình kết hợp với nhau để tạo nên hiệu ứng lâu dài thực sự. Các chương trình biểu diễn, các mô hình giáo dục, truyền thông đại chúng, nơi đào tạo nghệ sĩ chuyên nghiệp. Chúng ta hiện đã có một Nhạc Viện rất chuyên sâu, các nhà hát với chương trình định kỳ, ngày một nhiều các nghệ sĩ trẻ có trình độ biểu diễn thế giới và cả những chương trình giao hưởng xuống phố... Một người không thể làm hết việc, nhưng những tiến triển trong 5 năm trở lại đây là tín hiệu rất khả quan.

Kết hôn với nghệ sĩ giọng nam cao gốc Hàn - Park Sung Min, cả hai đã có những dự án âm nhạc độc đáo

- Nhiều ý kiến khán giả khuyên rằng: Trang nên theo chân Đặng Thái Sơn mà bước tiếp để rồi quay về phát huy tài năng của mình, phục vụ đất nước. Trang thấy sao?

- Trang cảm ơn các khán giả đã quan tâm. Trang vẫn sẽ trao dồi khả năng của mình bằng các chuyến đi học tập, masterclass và biểu diễn quốc tế. Nhưng ước mơ của Trang là đây và Trang vẫn đang từng bước đến gần hơn với nó.

- Hỏi thật rằng có bao giờ Trang thấy nản vì đã đi theo con đường này không? Có những khó khăn mà muốn bỏ cuộc không?

- Ai cũng có lúc nản khi theo đuổi ước mơ của mình. Trang cũng có nhưng Trang muốn tiếp tục cho đến khi nào còn có thể. Tuổi trẻ cũng là một tài sản mà Trang muốn đầu tư cho ước mơ của chính mình.

- Nói về nỗi lo cơm áo, thẳng thắn mà nói thì Trang có sống được bằng nghề không?

- Có. Hoàn toàn có. Thù lao từ công việc biểu diễn và giảng dạy hoàn toàn có thể cho Trang một cuộc sống gia đình êm ấm.

- Là một người vẫn còn trẻ và đi theo con đường âm nhạc này, Trang có thấy mình mạo hiểm?

- Tuổi trẻ là mạo hiểm và dấn thân mà. Sau này nhìn lại Trang muốn tuổi 20 của mình sẽ đầy những trải nghiệm mà mình không hối hận khi đã theo đuổi chúng.

- Trang may mắn vì có người bạn đời đồng hành trong nghề nghiệp của mình, đã có những dự án âm nhạc cùng nhau. Trang có thấy đó là sự may mắn? Bạn thấy hài lòng với kết quả của dự án mà hai người cùng làm chứ?

- Trang cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn. Ông xã luôn là người ủng hộ, đồng hành, cùng trải nghiệm tất cả những dự án âm nhạc của Trang. Đúng là một món quà tuyệt vời từ Thượng đế.

Cảm ơn Trang về cuộc trò chuyện này!

Huyền Anh (Thực hiện)