Nghệ sĩ Lộc Vàng: Không ân hận vì tình yêu âm nhạc

07:00 | 15/06/2013

2,528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Góc quán nhỏ ven Hồ Tây, một buổi chiều trời trở gió. Nghệ sĩ Lộc Vàng, tuổi 70, gương mặt buồn, nhầu nhĩ vết thời gian. Đôi mắt lúc nào cũng chực khóc. Tâm hồn người nghệ sĩ, đa cảm với đời, phiêu bạt giang hồ khắp chốn cùng nơi nhưng vẫn giữ trọn niềm đam mê với dòng nhạc xưa. Dòng nhạc mà ông tôn thờ như một thánh đường thiêng liêng, để rồi phải trả giá cả cuộc đời vì tình yêu đó, ông vẫn không ân hận.

Trả giá cả đời

Ở một vài góc khuất của Hà Nội, vẫn có một không gian của hoài niệm. Đêm đêm, người nghệ sĩ già vẫn cất tiếng hát nguyên sơ, không kỹ thuật, không pha tạp như chạm thấu nỗi lòng của người nghe bởi những giai điệu xưa. Hát để quên đi những buồn đau của một kiếp người. Cà phê Lộc Vàng, chốn thân quen của những người yêu Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Văn Cao, Từ Công Phụng... bốn năm. Và đêm nào khán giả cũng chật kín. Lộc Vàng bảo, hát nhạc xưa phải giữ được không khí xưa, phải thấm hiểu được tâm trạng của nhạc sĩ thì mới thấu đến tận cùng. Vì thế quán của Lộc Vàng xa lạ với những cách tân, phá cách. Quán chỉ dăm ba nghệ sĩ, đều là những người tự do. 

Có ai biết người nghệ sĩ vẫn thổn thức hằng đêm với từng bài hát xưa ấy đã đánh đổi cả cuộc đời mình vì niềm đam mê dòng nhạc mà với ông là những gì tinh túy nhất của âm nhạc Việt Nam. Nhưng đến tận bây giờ dù đã đi gần hết một cuộc đời, Lộc Vàng nói, ông vẫn không ân hận vì tình yêu của mình.

Nghệ sĩ Lộc Vàng

Không hiểu từ bao giờ, những giai điệu trữ tình, sâu lắng của dòng nhạc xưa lại thấm vào tâm hồn chàng trai Hà Nội đến vậy. Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc, con một ông chủ lò vôi có tiếng ở Hà Nội xưa. Bố Lộc Vàng rất mê nhạc. Từ khi mới 6, 7 tuổi, Lộc Vàng đã thuộc làu làu những ca khúc của Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Từ Công Phụng... Và hình như, một mối duyên tình nào đó đã gắn kết đời ông với dòng nhạc này. Mê đến nỗi, ông đổi tên mình thành Lộc Vàng (yêu nhạc vàng, thứ nhạc xưa với những giai điệu trữ tình, lãng mạn, nhưng sang trọng, chứ không phải dòng nhạc sến).

Những năm 60-70 của thế kỷ trước, vì hoàn cảnh đất nước, dòng nhạc xưa bị cấm hát ở miền Bắc. Lộc Vàng mê quá, đêm đêm tụ tập với bạn bè ở số nhà 125 Triệu Việt Vương, ôm đàn hát cho nhau nghe. Hồi đó, Lộc Vàng không có may mắn được học hành, ông làm đủ nghề kiếm sống. 18 tuổi bố mẹ mất. Một mình bươn chải đủ nghề, từ kéo xe ba gác, gánh đất, quét vôi, lái xe... Vất vả mưu sinh, nhưng đêm đêm, tiếng hát của Lộc Vàng và nhóm nhạc của ông lại vang lên trong căn nhà nhỏ. Hát để thỏa mãn niềm đam mê của mình mà thôi.

Thế nhưng, những cơn cớ của số phận đã khiến cuộc đời Lộc Vàng rơi vào vòng tù tội… Đó là những tháng ngày của khốn khó, cơ cực. Nhưng Lộc Vàng nói, ông là người kiên định. Và ông đã vượt qua những tháng ngày khốn khó đó bằng một niềm tin, đến lúc nào đó, những giá trị đích thực sẽ được trả lại. Và bằng một tình yêu âm thầm vẫn chảy trong tâm hồn người nghệ sĩ.

Tình yêu cứu rỗi

Lang bạt cuộc đời bằng những chuyến đi làm ăn xa, bươn bã kiếm sống. Lộc Vàng cô độc. Không người thân. Không nơi nương tựa. Ai dám trao thân gửi phận cho một cuộc đời có vết. Thế nhưng, có cô gái bé nhỏ, xưa từng nghển cổ lắng nghe tiếng hát Lộc Vàng từ những góc quán nhỏ ở Triệu Việt Vương. Mê tiếng hát Lộc Vàng. Mê cả tâm hồn người nghệ sĩ lang bạt ấy. Thế rồi tình yêu. Thế rồi chờ đợi. Mỏi mòn. Gần 10 năm, Lộc Vàng trở về, người con gái ấy vẫn chờ. Ông nói: “Có lẽ điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời này là có một người phụ nữ đã đón chờ tôi trong giây phút cô đơn, tuyệt vọng nhất. Tôi mang ơn vợ mình”. Vì yêu Lộc Vàng, cô Mai đã từ bỏ nghiệp diễn ở đoàn văn công, ra vỉa hè bán đậu phụ. Vượt qua những định kiến khắt khe, cô chọn tình yêu. Hạnh phúc bé mọn, giản dị. Nhưng trong tâm hồn người nghệ sĩ vẫn đau đáu một tình yêu với dòng nhạc mà ông đã trót dấn thân vì nó.

Năm 1987, những ca khúc trữ tình lần đầu tiên được khôi phục và biểu diễn trên sân khấu. Được mời đi hát trong đêm đầu tiên ở Tràng Thi do NSND Khắc Huề làm đạo diễn. Ông rút hết những đồng tiền cuối cùng mua 30 cặp vé mời khắp bạn bè. Lần đó, Lộc Vàng đã hát “Chuyển bến”, “Thu Quyến rũ” của Đoàn Chuẩn. Đứng trên sân khấu sau nhiều năm tưởng như phải đoạn tuyệt với niềm đam mê, Lộc Vàng hạnh phúc. Hạnh phúc đó có lẽ chỉ đời nghệ sĩ gian truân như ông mới hiểu được.

Lộc Vàng có một mái ấm bình yên bên người phụ nữ yêu thương ông. Nhưng dường như cuộc đời người đàn ông này vẫn chưa đi hết những bi kịch. Khi sinh đứa con thứ 2, vợ Lộc Vàng ốm nặng. 10 năm ròng rã Lộc Vàng chăm vợ ốm. Gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai ông. Ông làm đủ nghề, vay mượn khắp bạn bè để kiếm tiền chạy chữa cho vợ. Nhiều hôm ông ngồi lặng một mình ở công viên ngẫm lại cuộc đời mình sao cay đắng thế. Thế nhưng, Lộc Vàng không gục ngã. Ông chưa bao giờ tuyệt vọng. Ông đi khắp nơi, Yên Bái, Lào Cai. Nghe ở đâu có thuốc chữa bệnh cho vợ là ông lại lọ mọ xách túi đi. Và những lúc bình yên nhất Lộc Vàng vẫn hát cho vợ nghe.

Giờ, khi người vợ thân yêu của ông đi xa đã 10 năm, nhưng mỗi lần nhắc đến vợ, Lộc Vàng lại khóc. Và sau những thời gian chăm sóc vợ, Lộc Vàng vẫn đi hát ở các quán cà phê đêm. Ban ngày là một người thợ quét vôi, nhưng đêm đến, Lộc Vàng trở thành một nghệ sĩ, đắm chìm trong những giai điệu xưa. Tiếng hát Lộc vàng trở thành một địa chỉ thu hút khách của các phòng trà ngày đó. Ông nhớ, trước ngày vợ mất 4 hôm. Hôm đó, đúng sinh nhật của Đoàn Chuẩn. Cà phê Net ở Tôn Đản chỉ chờ tiếng hát Lộc Vàng. Trong túi không còn một đồng. Ông nhẩm tính, nếu đêm nay đi hát sẽ được 200 ngàn, rau cháo cho vợ qua ngày. Lộc Vàng lưỡng lự. Lỡ đi hát mà vợ bị làm sao. Nhưng cuối cùng ông vẫn quyết định cho vợ uống thuốc ngủ, dặn con trông mẹ và đi. Vừa hát, vừa nhìn điện thoại bàn sợ có tiếng chuông reo. Lần đó, Lộc Vàng vẫn về kịp. 4 ngày sau, vợ ông mất.

Ước nguyện cuối đời

Vợ mất, chống chếnh, ông chèo chống gia đình, nuôi hai con trưởng thành. Nhưng niềm đam mê nhạc xưa vẫn chảy trong tâm hồn ông. Lộc Vàng vẫn luôn tâm niệm, sẽ mở một quán nhạc của riêng mình. Ở đó ông sẽ được hát. Hát cho thỏa niềm đam mê. Những năm 90, khi kinh tế ổn định, Lộc Vàng cùng bạn bè hùn hạp mở quán. Nhưng lận đận mãi cho tới năm 2009, quán cà phê Lộc Vàng, một góc giản dị, mang không khí hoài cổ ở ven Hồ Tây ra đời. 4 năm được hát. Được thổi hồn vào không khí xưa, Lộc Vàng cảm thấy hạnh phúc.

“Đời tôi quá nhiều mất mát. Tôi chỉ tiếc vợ tôi không còn sống, để nhìn thấy tôi vững vàng và đàng hoàng như ngày hôm nay”. Nói rồi, ông ôm mặt khóc. Người đàn ông ấy hễ nhắc đến vợ là khóc. Có lần đang hát, tâm sự về bài “Chuyển bến”, “Đêm đông”, những bài hát mà thời còn sống vợ ông rất mê, Lộc Vàng phải dừng lại rất lâu, vì nước mắt. “Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà”.

Quán của Lộc Vàng không vì mục đích kinh doanh. Mà chỉ là cuộc chơi của người nghệ sĩ. Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, Lộc Vàng phải bán cái nhà 50m2, 3 tầng ở Kim Mã để mua một cái xa hơn tận Cầu Diễn, lấy tiền bù lỗ quán. Nhưng rồi, cái nhà Cầu Diễn cũng không giữ lại được. Từ năm ngoái, bố con Lộc Vàng chuyển về sống và sinh hoạt tại quán.

Ông nói, khi nào dòng nhạc xưa còn thì cái tên Lộc Vàng cũng sẽ đứng bên cạnh. Dù dòng nhạc đó giờ đang thịnh hành và nhiều ca sĩ trẻ chọn nhạc xưa như một cách tự làm sang cho mình. Lộc Vàng nói: “Giọng hát bây giờ bị bóp méo, không lột tả đúng nội tâm của người nghệ sĩ. Người hát nhạc xưa chuẩn xác phải là người Hà Nội, hát đúng được bản gốc của nó, phải tròn vành, rõ chữ. Các ca sĩ bây giờ hát sai lời nhiều quá”. Có những bài hát, chừng 30 năm không hát lại, nhưng ông vẫn nhớ như in, không sai một lời, như “Tiếng thời gian”, “Hình ảnh một buổi chiều” của nhạc sĩ Lâm Tuyền.

Hằng đêm, góc quán nhỏ của nghệ sĩ Lộc Vàng vẫn vang lên tiếng hát. Tiếng hát mà ông đã đánh đổi cả cuộc đời mình để giữ gìn, nâng niu. Như tiếng chim từ trong bụi mận gai, đau đớn, bầm dập nhưng vẫn tha thiết yêu cuộc đời.

Linh Chi