Cánh diều vàng 2012: Đến lúc phải biết nói “không”!

07:00 | 12/03/2013

794 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nếu không có đủ phim hay để dự giải thì Ban Tổ chức nên xếp kho Cánh diều Vàng bằng cách từ chối tổ chức chứ không làm theo kiểu “vơ bèo gạt tép”, “cố đấm ăn xôi” như hiện nay!

Sau nhiều ồn ào thì lễ trao giải Cánh diều Vàng 2012 cũng đã diễn ra. Có thể, với Ban Tổ chức thì họ xem như đã hoàn thành nhiệm vụ là tôn vinh những tác phẩm, cá nhân xuất sắc nhất trong năm vừa qua. Song, với người làm phim, công chúng thì dư âm của mùa diều vàng năm nay sẽ còn đọng lại và còn nhiều điều cần nói!

Với kinh phí đầu tư hơn 25 tỉ đồng, “Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ được xem là phim thể loại kiếm hiệp, cổ trang hay nhất, đánh dấu một bước tiến mới của phim Việt. Vì thế ở hầu hết các hạng mục dành cho phim điện ảnh đều có tên “Thiên mệnh anh hùng”. Phim đại thắng như một cơn mưa nhẹ tưới lên dư luận đang bùng cháy, nếu là một phim khác đoạt giải thì có lẽ Cánh diều năm nay sẽ gặp bão, đứt dây!

“Lạc lối” của đạo diễn NSƯT Phạm Nhuệ Giang là 1 trong 3 phim Nhà nước đã đoạt giải Bạc nhưng phim này chưa trình chiếu rộng rãi tới công chúng. Nhưng nếu so với những Cánh diều vàng năm trước thì phim “Lạc lối” đoạt giải Cánh diều Bạc là điều dễ hiểu và dễ chấp nhận hơn rất nhiều. Bởi đã gần như thành quy luật, tất cả các phim đoạt giải Cánh diều Vàng cho hạng mục phim hay nhất đều là những phim thuộc các hãng Nhà nước, không có phim tư nhân nào được vinh dự nhận giải thưởng này trong những năm gần đây.

Phim "Thái sư Trần Thủ Độ" đoạt giải Vàng thể loại phim truyền hình

Song ở lĩnh vực phim truyện truyền hình thì dường như không vượt qua được quy luật này khi phim “Thái sư Trần Thủ Độ” bất ngờ dành được 3 giải quan trọng nhất. Ngay từ khi mới khởi quay, bộ phim đã gây ra nhiều tranh cãi từ các nhà chuyên môn và công chúng về nội dung phim. Và điều quan trọng nhất là cho đến thời điểm này, “Thái sư Trần Thủ Độ” vẫn chưa được lên sóng truyền hình.

Trả lời chất vấn xung quanh vấn đề phim chưa chiếu vẫn được giải, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, thành viên Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, giải thưởng không có quy định bắt buộc là phim phải được trình chiếu rộng rãi, chỉ yêu cầu có quyết định phổ biến phim trong nước và quốc tế là được!

Nhưng chưa được xem phim thì công chúng biết đâu để giám sát giải thưởng do Ban Tổ chức trao có xứng đáng không, nhà báo biết đường nào bình luận và người làm nghề dựa vào cái gì để đánh giá về đồng nghiệp của mình?! Khi một phim nhận giải thưởng mà chưa công chiếu, tuy không phạm quy chế xét giải nhưng suy cho cùng thì chiến thắng ấy cũng không vẻ vang gì; nó tù mù vậy thôi!

Nếu xem Cánh diều Vàng là bức tranh thể hiện diện mạo của nền điện ảnh nước ta trong 1 năm vừa qua thì ta sẽ thấy gì qua bức tranh ấy! Với 11 phim truyện điện ảnh, trong đó có 3 phim Nhà nước (“Đam mê”, “Lạc lối” và “Cát nóng”), 8 phim tư nhân (“Dành cho tháng 6”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Scandal - Bí mật thảm đỏ”, “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Gia sư nữ quái”, “Mùa hè lạnh”, “Lấy chồng người ta”, “Nhà có 5 nàng tiên”). Trong số 8 phim tư nhân thì 4 là của đạo diễn Việt kiều, điều đó cho thấy điện ảnh thương mại đang thắng thế và phim Nhà nước đang thất thế. Cả 3 phim Nhà nước đều chưa từng được chiếu thương mại. Đội ngũ làm phim Việt kiều đang nắm giữ thị phần lớn của thị trường điện ảnh và các bộ phim của họ đang tạo ra bộ mặt của điện ảnh Việt Nam. “Thiên mệnh anh hùng” đoạt giải đã một phần khẳng định điều đó!

Dẫu vẫn còn nhiều phim điện ảnh không tham gia nhưng nó cũng không vượt ra ngoài nội dung bức tranh đã thể hiện trong Cánh diều Vàng. Bởi vì hầu hết những bộ phim đó đều chủ yếu là các “thảm họa” như: "Nàng men chàng bóng", "Cảm hứng hoàn hảo", "Hoán đổi thân xác"…

Ê-kíp phim "Thiên mệnh anh hùng" nhận giải phim điện ảnh xuất sắc nhất

Tiêu chí của giải Cánh diều là gì? Theo Ban Tổ chức thì đó là: “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Lý thuyết là vậy song thực tế thì lại rất khác! “Cát nóng”, “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Gia sư nữ quái” đều là những phim bị gán “thảm họa” hay hài nhảm nhưng các phim này vẫn được chọn đặt cạnh những “Thiên mệnh anh hùng” hay “Lấy chồng người ta” để tranh giải. Chưa kể, thời gian quy định chốt danh sách phim tham gia đã đề ra nhưng “Mùa hè lạnh” của đạo diễn Ngô Quang Hải vẫn được chọn vào sau đó nhờ sự “du di” của Ban Tổ chức!

Cách chọn phim tham gia như thế mang lại cảm giác như Ban Tổ chức đang “cố đấm ăn xôi”, vơ vớt cho đông đủ, vui là chính. Dễ dãi đến mức dễ dàng bỏ qua, thậm chí đánh mất cả tiêu chí, quy định và cả cái chuẩn nghề nghiệp của mình khi chấp nhận chọn những phim không đạt chuẩn tham dự giải, có lẽ Ban Tổ chức Cánh diều Vàng nên xem xét lại.

Khâu tổ chức lễ trao giải năm nay cũng góp phần vào sự nhàm chán và thất thố của Cánh diều Vàng. Mang danh là một giải thưởng điện ảnh quan trọng bậc nhất với nhiều năm kinh nghiệm trao giải nhưng khâu tổ chức vẫn rất luộm thuộm, thiếu chuyên nghiệp trầm trọng. Thiết kế sân khấu không có chiều sâu, logo quảng cáo quá sống sượng; người lên trao giải liên tiếp quên giới thiệu đề cử cũng như hạng mục trao giải, MC liên tục nói vấp và nói nhầm, không có sự kết hợp ăn ý…

Nói chung thì việc Hội Điện ảnh cố gắng mỗi năm tổ chức một lễ trao giải là một điều rất đáng khen. Nhưng xét ở khía cạnh khác là một điều đáng trách bởi những giải thưởng vinh danh không đúng chỗ chính là động lực cho các bộ phim hài nhảm ra đời nhiều hơn nữa. Việc này cũng giống như các ca sĩ hát nhạc thảm họa vậy, dù báo chí có chê nhưng khi khán giả vẫn nghe và nó giúp cho ca sĩ nhanh được biết đến nên họ cứ lao vào thảm họa. Nhạc Việt từng có một thời gian như thế. Tương tự, những bộ phim dạng hài nhảm, chuyên chiếu vào dịp tết mua vui dễ dãi có thể tham gia Cánh diều Vàng và đoạt giải, dù là giải phụ, là bằng khen thôi thì các nhà sản xuất phim vẫn có quyền tự hào! Như thế giải thưởng đã vô tình cổ súy cho những bộ phim nhảm nhí.

Đạo diễn Vinh Sơn - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Điện ảnh Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo phim truyện điện ảnh cho biết, không phải năm nào cũng có phim hay, chất lượng nên mọi người đừng quá so sánh khắt khe năm này với năn trước! Điều đó chắc chắn rồi, ai cũng biết điện ảnh Việt Nam còn yếu kém và việc sản xuất những bộ phim tốt không phải năm nào cũng sẵn có và chẳng dễ dàng gì. Nhưng nếu một năm không có phim hay thì tại sao ta lại nặng lòng chuyện mỗi năm trao giải một lần thay vì 2 năm để gộp được những phim xứng đáng? Nếu hội có thể mạnh mẽ dám nói “không” khi không có đủ phim hay và thực hiện được như thế thì chắc chắn sẽ đẩy giá trị giải thưởng lên cao hơn rất nhiều, thay vì gây nhàm chán và đón nhận sự thờ ơ, lạnh nhạt của người trong nghề như hiện nay!

Trúc Linh