TKV hướng tới nền công nghiệp khai thác xanh

08:00 | 28/10/2014

815 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là định hướng xuyên suốt trong chặng đường phát triển 20 năm qua của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Dù còn nhiều việc phải làm, song những gì TKV đã và đang đạt được hôm nay rất đáng ghi nhận.

Năng lượng Mới số 368

Hiện đại hóa sản xuất

Có thể thấy trong khoảng 5 năm gần đây, TKV đã không ngừng đổi mới, hiện đại hóa công tác sản xuất kinh doanh (SXKD), áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất an toàn hơn, hiệu quả hơn và sạch hơn ở hầu hết các đơn vị.

TKV đã thiết kế, xây dựng các mỏ hầm lò với mức độ cơ giới hóa cao, thiết bị hiện đại, công suất lớn (Hà Lầm, Núi Béo, Khe Chàm II - IV…); tăng cường phát triển cơ giới hóa khai thác than trong lò chợ sử dụng các loại vì chống thủy lực thay thế gỗ, áp dụng máy khấu than, đồng bộ thiết bị cơ giới hóa khai thác ở các mỏ Khe Chàm, Vàng Danh, Nam Mẫu, Mạo Khê, Hồng Thái với các loại giàn chống tự hành như VINAALTA, ZZ,  KDT, ANSA…

Việc vận chuyển than và đất đá đã được TKV đồng bộ thiết bị cơ giới hóa công suất lớn như ôtô 100 tấn (CAT 95), máy khoan đường kính lớn, máy khoan thủy lực, sử dụng dịch vụ nổ mìn, máy xúc thủy lực gầu ngược để đào sâu đáy mỏ và xúc chọn lọc than, hệ thống vận tải liên hợp ôtô - băng tải, ôtô khung mềm cho đáy mỏ sâu, dùng máy cầy xới giảm khoan nổ mìn (DR10).

TKV hướng tới nền công nghiệp khai thác xanh

Cải thiện môi trường là một trong những mục tiêu hàng đầu của TKV

Đến nay, hầu như tất cả các đơn vị đều được nối mạng liên kết cục bộ và quốc tế (LAN, INTERNET) để chuyển tải thông tin, dữ liệu. Sử dụng các phần mềm chuyên nghiệp và tích hợp đa chức năng (Surpac, Surfer, CAD…) phục vụ mô hình hóa và tính toán, xử lý dữ liệu thuận tiện, nhanh chóng, chính xác. Sử dụng các phần mềm thông dụng xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất các khoáng sản và chuyển đổi bản đồ giấy sang bản đồ số hóa điện tử, lưu giữ dễ dàng, truy cập nhanh chóng…

Thân thiện với môi trường

Song song với nhiệm vụ SXKD, hằng năm TKV luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, các đơn vị trên địa bàn Quảng Ninh đã đồng loạt tiến hành cải tạo các bãi thải mỏ. TKV đã cho cắt tầng để giảm độ dốc, đảm bảo an toàn cho bãi thải. Sau đó ổn định sườn bãi thải bằng nhiều cách, nhưng cách thành công nhất là sử dụng biện pháp sinh học, phủ xanh bãi thải bằng cỏ Vetiver vừa có tác dụng ngăn bụi vừa bảo vệ sườn bãi thải. Đây là giống cỏ nhập ngoại, có sức sống mãnh liệt trong điều kiện khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm, độ PH, nghèo dinh dưỡng của bãi thải. TKV đã trồng thử tại bãi thải của mỏ than Núi Béo và chỉ 1 năm sau, bộ rễ của nó đã dài cỡ 1,2-1,4m “tạo thành bức tường bê tông sinh học” chống xói lở sườn bãi thải rất tốt. Đến nay, loại cỏ này được trồng tại nhiều bãi thải như Chính Bắc (Công ty CP Than Núi Béo), Nam Lộ Phong (Công ty CP Than Hà Tu), Nam Đèo Nai (Công ty CP Than Đèo Nai)…

Cùng với biện pháp phủ xanh bãi thải, TKV còn xây dựng hệ thống mương dẫn nước tại các bãi thải để thu gom nước và xử lý trước khi thải ra môi trường và chống sạt lở bãi thải. Vấn đề bụi cũng khá nan giải trong khai thác, vận chuyển than. Giải pháp mà Tập đoàn thực hiện là chấm dứt vận chuyển than bằng ôtô trên Quốc lộ 18 A từ Đông Triều tới Mông Dương và Tỉnh lộ 337 Quảng Ninh; thay vào đó bằng các tuyến đường chuyên dụng, băng tải, đường sắt… và bắt buộc các lái xe khi vận chuyển than cắt qua quốc lộ hoặc ngang qua khu dân cư phải phủ bạt thùng xe. Năm 2009-2010, TKV giao cho một đơn vị thử nghiệm xây dựng hệ thống rửa xe ở hai đầu trước khi ra khỏi mỏ và trước khi rời khỏi cảng quay trở lại mỏ để giảm thiểu bụi.

Tại các khu vực chế biến than, nhất là các khâu công nghệ trong nhà máy tuyển, trạm sàng trên mỏ, các trạm chuyển tải là những ổ bụi dễ phát tán; chúng tôi buộc các đơn vị phải đầu tư thiết bị phun sương, bê tông hóa nền các kho chứa than trên công trường, xây tường bao quanh và có lưới chống bụi. Tập đoàn cũng đã thành lập một đơn vị chuyên trách lo việc xử lý nước thải của các mỏ. Từ đó đến nay đã xây dựng và đưa vào gần 30 trạm xử lý nước thải, cải thiện một bước công tác xử lý nước thải.  Để giảm thiểu bụi, ô nhiễm về nước trên bề mặt lâu dài tại các kho than, từ nay đến 2020, TKV sẽ di dời tất cả các kho than rải rác, nhỏ lẻ, số còn lại trên các bến cảng sẽ được quy hoạch lại, hiện đại hóa các cảng, chứa than trong xilô và vận chuyển tới cảng bằng băng tải để các tàu vào nhận than.

Hiện nay, mặc dù trong điều kiện khó khăn về tài chính, nhưng TKV vẫn đầu tư khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó khoảng 60-70% dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ Môi trường tập trung, phần còn lại sử dụng cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án BVMT của các đơn vị thành viên.Hiện tại TKV đã xử lý xong nước thải hầm lò. Dự kiến đến năm 2015 cơ bản xử lý xong nước thải mỏ lộ thiên. Đi cùng với nước thải là vấn đề bụi, vấn đề bãi thải và cảnh quan, xử lý chất thải nguy hại… Thực hiện mục tiêu này, TKV tiếp tục cải tạo các bãi thải cao và phủ xanh để đến năm 2015-2020 giải quyết xong vấn đề bãi thải mỏ. Lập hệ thống thu gom toàn bộ nước thải bề mặt và xử lý cùng với nước thải mỏ và tuần hoàn phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các mỏ...

Mới đây, TKV cùng với Hiệp hội Nghiên cứu mỏ và môi trường Đức (RAME) đã phối hợp tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả trung gian và tham vấn ý kiến chuyên gia về dự án “Phương pháp quy hoạch sử dụng đất sau khai thác mỏ thân thiện với môi trường”. Mặc dù mới chỉ là những kết quả bước đầu của dự án nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và những nỗ lực của ngành than - khoáng sản Việt Nam, hướng tới xây dựng hình ảnh một TKV luôn thân thiện với môi trường.

Nguyễn Kiên