Trung Quốc trước nguy cơ khủng bố

07:00 | 03/11/2013

699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng, vụ cháy xe ở quảng trường Thiên An Môn hồi đầu tuần đích thực là một vụ tấn công khủng bố. Không giống như những vụ “khủng bố” trước đây Trung Quốc từng biết đến, vụ tấn công lần này nhằm ngay trái tim Trung Hoa-Thiên An Môn, biểu tượng của quyền lực chính trị.

>> Trung Quốc: Cháy xe ở Thiên An Môn là vụ tấn công tự sát?

>> Xe hơi bốc cháy ở Quảng trường Thiên An Môn, 43 người thương vong

Hiện trường vụ khủng bố ngay tại trái tim Bắc Kinh-quảng trường Thiên An Môn hôm 28/10

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm qua đã phổ biến thêm các chi tiết về điều họ gọi là “một vụ tấn công khủng bố” ngày 28/10 ở Quảng trường Thiên An Môn, trong lúc các nguồn tin nói rằng hàng chục người đã bị bắt giữ trong một cuộc bố ráp có liên quan nhắm chủ yếu vào một nhóm người Hồi giáo thiểu số.

Ðài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV loan tin rằng 8 nghi can là những người Hồi giáo chủ trương ly khai ở khu vực tây bắc nhiều xáo trộn thuộc tỉnh Tân Cương đã hoạch định vụ tấn công từ hồi tháng 9/2013 và đã gom góp được hơn 6.500 USD để thực hiện mưu đồ này.

CCTV nói rằng 3 trong số các nghi can này đã lái chiếc xe thể thao đa dụng hiệu Mercedes chở theo nhiều “con dao Tây Tạng” và 400 lít xăng đến quảng trường này hôm 28/10, rồi tự sát, giết chết 2 du khách và làm bị thương mấy chục người khác. 5 nghi can còn lại đã bị bắt.

Người đứng đầu cơ quan an ninh Trung Quốc, Mạnh Kiến Trụ, hôm 1/11 quy trách cuộc tấn công cho nhóm Hồi giáo Uighur đòi ly khai hoạt động ở Tân Cương, thuộc phong trào Hồi giáo Ðông Turkestan, gọi tắt là ETIM, và kêu gọi các nước thành viên SCO (gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) tăng cường hợp tác về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Cả Mỹ và Liên Hiệp Quốc đều xem ETIM là một tổ chức khủng bố được liệt kê trong danh sách năm 2002.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận những hành động khủng bố. Những năm gần đây, khu tự trị Tân Cương thường xuyên xảy ra các vụ đụng độ đẫm máu. Đây là khu vực có đông người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi (khoảng 9 triệu người) sinh sống. Nguyên nhân các vụ xung đột xuất phát từ những căng thẳng giữa tộc người Hán (chiếm đa số tại Trung Quốc) và tộc người Duy Ngô Nhĩ (người Hồi giáo, gốc Thổ Nhĩ Kỳ). Vào tháng 7/2009, các vụ bạo động đẫm máu nhất đã bùng nổ, khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương.

Ngày 24/4/2013, ít nhất có 21 người, bao gồm cả cảnh sát, đã thiệt mạng trong vụ bạo động xảy ra tại Tân Cương. Cảnh sát khu tự trị này khẳng định rằng bạo động bùng phát khi họ phát hiện một nhóm người đang chuẩn bị các “hành động khủng bố”. Chưa hết, đến ngày 26/6/2013, lại có thêm có 27 người thiệt mạng trong các vụ bạo loạn tại Tân Cương. Tân Hoa Xã nói rằng “những người nổi dậy vũ trang bằng dao đã tấn công các đồn công an và trụ sở chính quyền địa phương” thành phố Lukqun, nằm cách thủ phủ Urumqi 250 km. Theo các quan chức địa phương, những người nổi dậy đã “đâm người và đốt các xe công an”…

Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố hôm 28/10 vừa qua không giống như những gì xảy ra trước đây bởi nó không diễn ra ở một nơi biên ải xa xôi mà ngay giữa tim của thủ đô Bắc Kinh- quảng trường Thiên An Môn. Thiên An Môn mang nặng tính biểu tượng là trung tâm quyền lực của Trung Quốc.

Đáng nói hơn cả đây là nơi được canh phòng cẩn mật nhất. Quảng trường Thiên An Môn ngày cũng như đêm được bộ máy an ninh hùng hậu mặc sắc phục lẫn thường phục giám sát, sẵn sàng dập tắt những hành động rục rịch biểu tình và trấn áp những vụ lộn xộn mới bắt đầu. Tổng ngân sách được chính quyền Bắc Kinh dành cho các cấp để duy trì trật tự là một số tiền khổng lồ và không ngừng tăng lên: Năm nay gần 770 tỉ nhân dân tệ (91 tỉ euro), tăng hơn 200 tỉ nhân dân tệ so với năm 2010.

Binh sĩ lực lượng bán quân sự canh phòng trong Quảng trường Thiên An Môn, ngày 1/11

Có thể nói đây là một cú đòn đau điếng người cho bộ máy an ninh khổng lồ của Trung Quốc. David Tobin, giáo sư về chính trị Trung Quốc ở đại học Glasgow nhận xét, trong khi Bắc Kinh là một vùng được giám sát nghiêm ngặt, sự kiện trên khiến chính quyền hết sức lo ngại.

Kam Wong, cựu viên chức cảnh sát Hồng Kông, nay là giảng viên của đại học Xavier, Mỹ nhấn mạnh: “Nếu Bộ Công an không có khả năng giữ an ninh cho Thiên An Môn, điều này cho thấy toàn đất nước Trung Quốc không được an toàn, mở ra cánh cửa cho những hành động thách thức mới tương tự”. Còn giáo sư Lâm Hòa Lập của Chinese University ở Hồng Kông nói với AFP: “Chính quyền đã bị mất mặt” vào lúc chỉ còn khoảng hơn một chục ngày nữa là đến Hội nghị Trung ương lần thứ ba ở Bắc Kinh. Theo ông, chính quyền Trung Quốc bị lúng túng không chỉ do của bộ máy an ninh bị thấy rõ có những thiếu sót, mà còn do trong số các nạn nhân có cả người nước ngoài.

Đáng nói hơn nữa, các chuyên gia nêu ra tính thủ công thấy rõ của vụ tấn công trên. David Tobin nhấn mạnh: “Khá là đơn giản khi lao chiếc xe jeep vào đám đông rồi dùng chất gây cháy để đốt xe – điều này không mang dấu ấn của bất kỳ mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia nào. Đây có thể là hành động của những cá nhân bất mãn. Chắc chắn không thể là một vụ tấn công như kiểu người ta thường thấy ở Trung Đông, với việc sử dụng các kỹ thuật hoàn hảo và phối hợp hậu cần quan trọng”.

Sau vụ khủng bố trên, báo chí Trung Quốc đồng loạt kêu gọi phải “đoàn kết và cứng rắn đối phó với đe dọa khủng bố”. Nhân Dân nhật báo trong bài xã luận hôm 31/10, kêu gọi phải thi hành “mọi biện pháp” để bảo vệ an ninh cho thủ đô và “trừng phạt kẻ thù chung của nhân loại là khủng bố”.

Ấn bản tiếng Anh China Daily cho rằng, đây là “âm mưu của khủng bố tấn công vào trái tim của đất nước mà thủ phạm sẽ bị hậu thế xem là kẻ sát nhân chứ không phải là anh hùng”. 

Những nghi phạm khủng bố bị bắt trong vụ Thiên An Môn

H.Phan

Tổng hợp