Sự thật về quân đội Trung Quốc: "Con cọp" cô độc! (Bài cuối)

07:00 | 01/06/2014

14,639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tham nhũng là một vấn đề rất lớn và là kẻ thù vô hình đối với quân đội Trung Quốc. Các quan chức quân đội bán tài sản nhà nước cho lợi nhuận riêng. Nhà thầu quốc phòng mặc sức thao túng trong khi mang lại sản phẩm thiếu chuẩn. Chủ nghĩa bè phái tạo ra một bộ máy vừa thiếu chuyên nghiệp vừa thiếu chất lượng.

Suy nhược từ bên trong

Nhiều năm trong quá khứ, quân đội Trung Quốc phải kiếm thêm thu nhập bằng cách lập nông trại chăn nuôi trồng trọt tự cung tự cấp. Khi nền kinh tế cất cánh, những nỗ lực tồn tại phát triển thành hoạt động doanh nghiệp. Ngoài canh tác và chăn nuôi, quân đội Trung Quốc kinh doanh thêm khách sạn, rạp chiếu phim và quán bar mà lợi nhuận từ đó thường xuyên lọt vào túi các cán bộ hàng đầu.

Năm 1998, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh cho quân đội cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp thương mại nhằm nâng cao tính sẵn sàng của quân đội. Một đơn vị bộ binh nào đó bây giờ không cần phải nuôi heo để sống. Ngân sách quốc phòng đủ nhiều để có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm của quân nhân. Tuy nhiên, thay vì dừng lại, đám sĩ quan tham nhũng quen ăn đã tổ chức những đường dây tham ô tàn khốc. Việc kinh doanh bất hợp pháp biển số xe quân sự cho dân thường giàu có trở thành một nghề hốt bạc. Ở đất nước mà sĩ quan quân đội được xem như ông trời con, những người mua và xài biển số quân đội cốt chỉ để thị uy ngoài phố. Họ bật còi hụ ầm ầm và chạy bạt mạng giữa phố xá nghẹt xe. Mang biển số quân sự còn được đổ xăng miễn phí. Tình trạng bát nháo đến mức, năm 2013, quân đội Trung Quốc cấm các xe nhập đắt tiền (Mercedes-Benz, BMW, Porsche và Bentley) mang biển số quân đội.

Khu trục hạm Type 052C/D được xếp ngang ngửa với lớp Arleigh Burke của Mỹ nhưng hiệu quả chiến đấu của nó vẫn là một câu hỏi

Vài vụ thanh lọc quân đội đã diễn ra. Năm 2007, Phó đô đốc Vương Thủ Nghiệp đã bị kết án xử tử nhưng cho "chờ đợi" vì tội biển thủ 25 triệu USD. Là phó giám đốc Tổng cục Hậu cần từ năm 1997 đến 2001, Vương đã đút túi bộn nhờ những màn lại quả từ các nhà thầu. Vương bị bắt năm 2006 sau khi đổ bể vụ tống tiền của đám bồ nhí. Giới điều tra tìm thấy hơn 8 triệu USD giấu trong lò vi sóng và tủ lạnh trong nhà Vương tại Bắc Kinh và Nam Kinh; và 2,5 triệu USD nữa trong một máy giặt. Chưa kể bằng chứng cho thấy 8 triệu USD trong các tài khoản ngân hàng…

Tháng 3-2014, tướng hưu - Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu cũng bị bắt, với cáo buộc nhận hối lộ hàng triệu để giúp “chạy ghế” trong quân đội. Từ 2004-2013, Từ là nhân vật có quyền bổ nhiệm sĩ quan trong quân đội Trung Quốc. Chưa biết chính xác Từ “ăn” bao nhiêu nhưng đệ tử của Từ, tướng Cốc Tuấn San (đã bị bắt), từng tặng một thẻ ghi nợ trị giá đến 3,2 triệu USD làm quà cưới cho con gái của Từ! Điều tra ban đầu cho thấy Cốc đã “bán” hàng trăm ghế sĩ quan. “Nếu một đại tá muốn mang lon thiếu tướng, đương sự phải chi 4,8 triệu USD” - một nguồn giấu tên nói với Reuters! Đó là một số tiền khổng lồ nhưng trong hệ thống quân đội Trung Quốc, nó là một khoản đầu tư sinh lãi.

Một quân đội có nhiều sĩ quan “lên lon” bằng con đường phi pháp như vậy sẽ có đủ tướng tá có thực tài để ra trận chinh chiến chăng? Tham nhũng còn làm rạn nứt quan hệ giữa người dân với quân đội. Nếu quân đội được coi là một tổ chức tham nhũng, chẳng người dân nào còn tin vào sự bảo vệ tổ quốc của quân đội. Nếu quân đội được xem là một hệ thống tham nhũng có tổ chức, chẳng người lính nào màng đến việc cầm súng vì sự tồn tại quốc gia. Trong thực tế, tinh thần các sĩ quan quân đội đã giảm mạnh sau vụ bê bối Cốc Tuấn San. Một số người bất bình; trong khi số khác nơm nớp lo sợ bị lôi ra ánh sáng.

“Viện bảo tàng” vũ khí

Mặc dù ngân sách quốc phòng ngày càng tăng, kho vũ khí của Trung Quốc vẫn ngập thiết bị lạc hậu. Quân đội Trung Quốc hiện sở hữu 7.580 xe tăng chiến đấu chủ lực (nhiều hơn so với quân đội Mỹ). Nhưng chỉ có 450 trong số đó, Type 98A và Type 99, là tương đối hiện đại, với súng 125 mm, lớp giáp composite, và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến. Trong khi đó, tất cả 5.000 xe tăng M-1 của Mỹ đều thuộc loại hiện đại. 7.130 chiếc tăng khác của bộ binh Trung Quốc đều là hậu duệ của phiên bản T-55 Liên Xô. Trung Quốc cũng có rất nhiều máy bay chiến đấu, với không ít hơn 1.321 chiếc. Tuy nhiên, chỉ 502 trong số đó thuộc loại hiện đại, với 296 chiếc biến thể Su-27 và 206 chiếc J-10 “tự chế”. Còn lại 819 chiếc, chủ yếu là J-7, J-8 và Q-5, là những phiên bản 1960 hoàn toàn không đủ sức cho bất kỳ cuộc không chiến nào với Mỹ.

Hải quân có vẻ được trang bị tốt nhất nhưng thật ra chẳng có gì nhiều để nói về họ. Tàu khu trục và khinh hạm là khá mới nhưng “tàu sân bay” Liêu Ninh là một sự phô trương đầy mỉa mai. Tàu ngầm là một vấn đề nữa. Hơn một nửa trong 54 tàu ngầm của Trung Quốc được đánh giá là “hiện đại”, có nghĩa được đóng trong 20 năm trở lại. Bên trong ruột chúng đều được lắp thiết bị ngoại nhập. Trong nỗ lực tăng tốc để sớm hiện đại hóa quân đội, thập niên 1980, Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nhà thầu quốc phòng phương Tây. Bắc Kinh đã mua trực thăng, máy bay, động cơ và thiết bị điện tử hải quân và đạn dược. Tất cả chỉ bị khựng lại sau sự kiện Thiên An Môn 1989.

Trung Quốc quay sang Nga, nhưng Nga chỉ bán thành phẩm hơn là đồng ý hợp tác giúp phát triển công nghiệp vũ khí. Bắc Kinh nhận ra họ phải tự cứu bằng con đường tự lực. Điều này không phải dễ dàng. Cho đến nay, khắp thế giới, chỉ có Hoa Kỳ là có công nghệ, chuyên môn và năng lực công nghiệp để phát triển tất cả thiết bị quân sự riêng cho họ. Do đó, nhiều vũ khí "mới" của Trung Quốc thực ra là thiết kế nước ngoài mà các công ty quốc phòng nhà nước Trung Quốc đánh cắp. Trực thăng Changhe Z-8 có nguồn gốc từ chiếc Super Frelon của Pháp; trực thăng Harbin Z-9 từ Eurocopter Dauphin; xe tăng Type 99 từ T-72 của Liên Xô…

Mẫu chiến đấu cơ J-20 tàng hình đến nay đã thực hiện nhiều chuyến bay thử nghiệm kể từ khi nó xuất hiện lần đầu cuối năm 2010. Tuy nhiên, tính hiệu quả, cùng hệ thống vũ khí của nó, vẫn còn là một câu hỏi. Và suốt từ đầu thập niên 1990 đến nay, với bao nhiêu công sức và tiền của, nhóm thiết kế J-20 vẫn không thể chế tạo được động cơ để thay thế động cơ AL-31N của Nga. Cần biết, chiến đấu cơ F-35 Joint Strike Fighter của Mỹ bay lần đầu tiên vào năm 2006 nhưng chúng vẫn tiếp tục trải qua vô số cuộc thử nghiệm và dự tính phải đến năm 2016 mới có thể đưa vào sử dụng - dù Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế chiến đấu cơ tàng hình. Nếu Trung Quốc cũng mất 10 năm để đưa J-20 từ phiên bản nghiên cứu thành máy bay có thể tác chiến thật sự thì J-20 chỉ có thể xuất hiện vào năm 2021. Và đó là thời gian sớm nhất có thể!

Máy bay chiến đấu cổ lỗ sĩ J-7 vẫn được không quân Trung Quốc sử dụng

Tương tự, việc so sánh các thông số kỹ thuật của khu trục hạm Type 052C/D cho thấy nó có vẻ ngang ngửa với tàu chiến phương Tây, chẳng hạn chiếc Daring của Vương quốc Anh hoặc Arleigh Burke của Mỹ. Tuy nhiên, một lần nữa, chẳng ai biết hệ thống vũ khí của nó hoạt động hiệu quả như thế nào, hệ thống radar của nó chính xác ra sao và hệ thống tên lửa của nó có đáng tin hay không. Tóm lại, khi nói đến phát triển vũ khí, Trung Quốc còn cách rất xa phía sau Nga và phương Tây và đang phải vật lộn để bắt kịp.

Cô độc

Trung Quốc đang ngày càng mất đi đồng minh tin cậy. Chỉ riêng Thái Bình Dương, Mỹ đã có các đồng minh Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Hàn Quốc, New Zealand và Philippines… Đồng minh Thái Bình Dương của Trung Quốc, trong khi đó, là… chẳng ai cả! “Bạn quốc tế” của Trung Quốc chủ yếu là các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Nga, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan). Quan hệ Trung Quốc với các nước láng giềng trong đó có Philippines, Việt Nam và Nhật Bản lại bị chính Bắc Kinh phá hoại. Tất cả đặt Trung Quốc vào thế bất lợi chiến lược nghiêm trọng. Bắc Kinh không có đồng minh để thiết lập căn cứ quân sự, chia sẻ gánh nặng tổn phí quân sự lẫn thông tin tình báo, hoặc thậm chí một sự ủng hộ tinh thần nếu họ cần tìm lý do nào đó để khoác lớp áo chính nghĩa cho một hành động phi nghĩa nào đó.

Hành vi hung hăng của Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng hợp nhất nhau hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ của đồng minh lớn và mạnh hơn. Nhật Bản là trung tâm cho rất nhiều các các thỏa thuận hợp tác. Nhật đang xây dựng mối quan hệ với các nước láng giềng bất mãn của Trung Quốc và với các nước phương Tây. Tokyo hiện đàm phán với Úc, Anh, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ… trong đó có hợp tác hậu cần, phát triển thiết bị quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung và viện trợ an ninh…

Tham nhũng đang là kẻ thù vô hình của quân đội Trung Quốc (trong ảnh là tướng Từ Tài Hậu)

Châu Á có thể sẽ không “lắp ráp” thành một liên minh như NATO trong tương lai gần. Các đối thủ của Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận hội nhập quốc phòng, nhất là không sẵn sàng để chiến đấu cho người khác. Nhiều nước trong số đó, dù đã được cảnh giác với sự xâm lược của Trung Quốc, vẫn còn có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, mức độ hợp tác có thể sẽ tăng dần trước các động thái quân sự của Trung Quốc.

Có một câu hỏi phổ biến đang được đặt ra: khi nào Trung Quốc bắt kịp Mỹ về quân sự? Câu trả lời là “Không bao giờ”! Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi rằng liệu Trung Quốc có hất Mỹ khỏi châu Á - Thái Bình Dương được hay không… Trung Quốc có vũ khí hạt nhân. Đó là một đất nước khổng lồ về nhiều mặt nhưng là một anh to xác khập khiễng với nhiều lỗi hệ thống. Một số lỗi đó nghiêm trọng đến mức không thể chữa được, bởi chúng là con đẻ của chính cơ chế sinh ra chúng!

Mạnh Kim