Tập Cận Bình ra tay chống tham nhũng

07:00 | 31/10/2013

652 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê, chỉ trong vòng 9 tháng sau đại hội 18 đã có 9 cán bộ cấp cao của Trung Quốc bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Việc này càng khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.

Năng lượng Mới số 269

Ngày 22/10, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Tào Kiến Minh khi phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã cho biết, có tới 99% bị cáo ra tòa với các cáo buộc tham nhũng đều bị kết án có tội và chịu sự trừng phạt của pháp luật. Trong số gần 200.000 trường hợp bị điều tra về tội tham nhũng và nhận hối lộ (từ tháng 1/2008 đến tháng 8/2013), có tới 148.931 người đã bị kết án có tội, tương đương với 99% trường hợp bị buộc tội và xét xử. Trong đó có 32 quan chức cấp bộ. Theo thống kê, chỉ trong vòng 9 tháng sau đại hội 18 đã có 9 cán bộ cấp cao của Trung Quốc bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Việc này càng khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.

Những vụ việc cụ thể

Lại vừa có thêm một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) bị cách chức để điều tra do có dính líu đến các vụ bê bối của ngành dầu khí nước này. Đó là ông Ngụy Chí Cương, nguyên Tổng giám đốc Công ty Dầu khí Petrochina tại Indonesia, vừa bị cách chức để điều tra. Giới truyền thông Trung Quốc vừa chỉ ra 3 biểu hiện lũng đoạn của ngành năng lượng Trung Quốc, đó là bá quyền, quan liêu và hống hách.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC)

Cách đây gần 2 tháng (3/9), Tân Hoa xã đưa tin, ông Tưởng Khiết Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý, giám sát tài sản Nhà nước Trung Quốc bị sa thải do bị tình nghi tham nhũng. Ông Tưởng Khiết Mẫn là Ủy viên Trung ương đầu tiên bị điều tra và hiện còn có 2 ủy viên dự khuyết trung ương (Lý Xuân Thành, Vương Vĩnh Xuân) cũng đang bị điều tra. Ông Tưởng Khiết Mẫn là Tổng giám đốc (từ 2006) và trở thành Chủ tịch CNPC trong năm 2011. Những đồn đại về việc ông Tưởng Khiết Mẫn bị điều tra xuất hiện khoảng 1 năm trước (tháng 9/2012), khi còn là Chủ tịch HĐQT CNPC, ông Tưởng Khiết Mẫn từng bị cư dân mạng “săn lùng” sau khi có tin nói về sự mất tích bí ẩn của ông. Việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của ông Tưởng Khiết Mẫn không phải xuất hiện trong giai đoạn làm Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý, giám sát tài sản Nhà nước Trung Quốc mà ở giai đoạn trước đó.

Ngày 27/8 được coi là lần công khai lộ diện gần đây nhất của ông Tưởng Khiết Mẫn khi Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý, giám sát tài sản Nhà nước Trung Quốc tới thăm và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc. Cũng trong ngày 27/8, 3 cựu cấp dưới của ông Tưởng Khiết Mẫn là ông Lý Hoa Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu mỏ khí thiên nhiên Trung Quốc, ông Nhiễm Tân Quyền, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dầu mỏ khí thiên nhiên Trung Quốc kiêm Tổng giám đốc Công ty Mỏ dầu Trường Khánh và ông Vương Đạo Phúc, kỹ sư địa chất trưởng Công ty TNHH Dầu mỏ khí thiên nhiên Trung Quốc kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu thăm dò bị tuyên bố vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và đang chịu sự điều tra của cơ quan điều tra.

Trước đó (26/8), Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu mỏ khí thiên nhiên Trung Quốc kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Mỏ dầu Đại Khánh Vương Vĩnh Xuân đã bị điều tra. Cũng liên quan tới lĩnh vực năng lượng, ông Lưu Thiết Nam, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cũng vừa bị tước hết chức vụ hồi tháng 5. Ngày 12/5, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương thông báo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Lưu Thiết Nam bị điều tra vì tội tham nhũng. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã quyết định mở cuộc điều tra đối với ông Lưu Thiết Nam vì bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để trục lợi. Sau vụ quan tham Lưu Thiết Nam “ngã ngựa” vì người tình, một số chuyên gia kinh tế đề xuất nên thành lập “Cục Tình nhân chống tham nhũng” để phát hiện và chống quan tham.

Tạo bước đột phá

Có tin nói rằng, trong tháng 11/2013, Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị trung ương, bàn cải tổ ban lãnh đạo mới và CNPC được coi là “đột phá khẩu”. Cho tới nay, trong con mắt của dư luận, CNPC được coi là một trong những tập đoàn độc quyền lớn nhất Trung Quốc, có liên quan tới các “nhóm lợi ích”. Theo giới truyền thông Hongkong và Đài Loan, sự thăng tiến của ông Tưởng Khiết Mẫn là nhờ vào việc bảo trợ của nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người vừa về hưu hồi đầu năm.

Được biết, ông Chu Vĩnh Khang từng là Tổng giám đốc CNPC và có quan hệ khá thân thiết với ông Tưởng Khiết Mẫn. Việc sa thải ông Tưởng Khiết Mẫn (được bổ nhiệm hồi tháng 3), người đứng đầu ủy ban chuyên giám sát các công ty nhà nước cho thấy, Trung Quốc quyết tâm “sờ gáy” Tập đoàn Dầu khí. Bởi trước khi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý, giám sát tài sản Nhà nước Trung Quốc, ông Tưởng Khiết Mẫn là Chủ tịch CNPC.

Cách đây hơn 4 năm (15/7/2009), nguyên Chủ tịch Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc Trần Đồng Hải bị Tòa án Nhân dân số 2 thành phố Bắc Kinh tuyên án tử hình, cho hoãn thi hành án 2 năm vì phạm tội nhận hối lộ với tổng số tiền lên tới 195,7 triệu NDT (khoảng 28,8 triệu USD). Kể từ khi làm lãnh đạo Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc - Sinopec Corp.), Trần Đồng Hải đã đưa Sinopec Corp. trở thành nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á, tập đoàn hàng đầu châu Á về khối lượng dầu tinh chế. Sinopec Corp. là tập đoàn dầu khí lớn thứ hai Trung Quốc, sau CNPC.

Vì được coi là người có công lớn trong việc tạo ra sự tăng trưởng vượt trội của Sinopec Corp. nên trước khi bắt giữ Trần Đồng Hải, cơ quan chức năng đã phải cân nhắc rất cẩn trọng. Sau khi bắt và xét xử Trần Đồng Hải, giới chuyên môn nhận thấy rằng, chính cơ chế “thoáng” tại Sinopec Corp. đã tạo điều kiện để “ông chủ tịch phạm tội”. Nắm trong tay quyền lực lớn, lại am hiểu công việc, cũng như ngóc ngách chốn quan trường nên Trần Đồng Hải dễ dàng thao túng Sinopec Corp.

Chỉ trong vòng hơn 9 năm (từ tháng 4/1998 đến tháng 6/2007), Trần Đồng Hải đã thăng liền 4 cấp, từ Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc, Phó chủ tịch đến Chủ tịch Sinopec Corp. Nhưng cũng trong thời gian kể trên, Trần Đồng Hải đã lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ với số tiền lên tới gần 29 triệu USD. Ngoài ra, Trần Đồng Hải còn tạo điều kiện để người tình kiếm lời bất chính, từ làm ăn phi pháp trong hoạt động kinh doanh đến chuyển nhượng đất đai và các hợp đồng dự án khác. Cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ là người đã tin dùng Trần Đồng Hải bởi ông coi con trai Trần Vỹ Đạt, người từng làm Bí thư thành phố Thiên Tân (một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương), là người được đào tạo cơ bản, có tư tưởng dám nghĩ, dám làm, cần cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trần Đồng Hải được đánh giá là lãnh đạo trẻ có tư tưởng cấp tiến và quyết đoán.

Ngày 2/9, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương cùng Bộ Giám sát liên kết mở trang web chính thức nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và quan hệ với công chúng. Website của CCDI (www.ccdi.gov.cn) bắt đầu hoạt động kể từ thượng tuần tháng 9. Website của CCDI cũng cung cấp địa chỉ các văn phòng và đường dây nóng tố cáo tham nhũng. Theo giới truyền thông, trong nhiều năm qua, CCDI đã bí mật điều tra tham nhũng nhưng không ra thông cáo báo chí, cũng như không công khai số điện thoại của cơ quan này. Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống tham nhũng, kiên quyết trừ tận gốc ung nhọt tham nhũng với thái độ tích cực, cởi mở và thiết thực hơn.


Quốc Khắc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc