Singapore trong cuộc đua sức cạnh tranh

06:10 | 20/10/2013

1,554 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Singapore là một trong những nền kinh tế đầu tàu. Tuy nhiên, mô hình phát triển của đảo quốc Sư tử đang lộ ra những nhược điểm mà để tiếp tục là một mô hình phát triển ở châu Á cũng như không bị tụt lại trong cuộc đua nâng cao sức cạnh tranh, Singapore cần có những thay đổi, thích nghi với tình hình mới.

Trở thành một quốc gia độc lập từ năm 1965, chỉ sau vài chục năm ngắn ngủi, đảo quốc tí hon Singapore với diện tích chỉ vỏn vẹn 714km2, hơn 5 triệu dân, đa sắc tộc, hầu như không có tài nguyên gì, thiếu cả nước sinh hoạt, phải nhập khẩu toàn bộ lương thực thực phẩm, dưới sự lãnh đạo theo quan điểm “nhân tài trị quốc” và rất độc đoán của ông Lý Quang Diệu - người sáng lập, lãnh tụ tinh thần suốt đời của Đảng Nhân dân hành động cầm quyền, cha đẻ của nước cộng hòa này, đã từ một xứ sở nghèo khổ lạc hậu trở thành một nước phát triển giàu có và văn minh hàng đầu thế giới, một trong những trung tâm kinh tế tài chính toàn cầu, hiên ngang trước một Trung Quốc khổng lồ.

Thành công của mô hình này là không thể phủ nhận được: Cơ sở hạ tầng đô thị cực kỳ tốt, môi trường cực kỳ trong sạch và an toàn, sự hòa hợp chủng tộc hiếm có, tiếng Anh được sử dụng phổ biến, luật pháp được tôn trọng, không có tham nhũng, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ, nền hành chính hoạt động hết sức hiệu quả, lượng tiền mặt dồi dào, với các mức thuế thuộc loại thấp nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người là 51.162USD/năm, một con số mà khá nhiều nước ao ước.

Người Singapore biểu tình chống chính sách khuyến khích nhập cư của chính phủ giơ cao khẩu hiệu "Singapore là của người Singapore"

Singapore có một nỗi ám ảnh lớn, đó là chạy đua nâng cao sức cạnh tranh. Trong thời gian khủng hoảng kinh tế năm 1998, theo ông Pierre Verdière, đại diện của Công ty Hermès và Chủ tịch phòng Thương mại Pháp tại Singapore, phần đóng góp của chủ vào tiền lương đã được hạ xuống 10-20%. Một kinh nghiệm khác của Singapore là biết để cho các ngành công nghiệp không còn khả năng cạnh tranh “xẹp xuống một cách từ từ” và biến mất, chứ không cố tìm cách bảo vệ chúng. Tuy nhiên, tình hình ngày càng thay đổi và Singapore đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ trong khu vực. Hiện trên bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới World Competitiveness Score Board 2013, Singapore xếp thứ 5, sau Hongkong, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á này.

Tăng trưởng của Singapore trong mấy thập niên gần đây dao động từ 5 đến 7%/năm, thế nhưng con số này hồi năm 2012  chỉ có 1,3%.  Cũng trong năm ngoái, năng suất tại Singapore giảm nhẹ 2,6%. Đó là một cú sốc cho nhà cầm quyền. Điều đó khiến niềm tin của dân vào đảng lãnh đạo thêm giảm sút. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2011, đảng Nhân dân hành động (PAP) cầm quyền chỉ chiếm được 60,1% phiếu ủng hộ. Đây là mức thấp nhất của Đảng này kể từ năm 1965. Trong bối cảnh đó, liệu số phiếu có còn giảm nữa hay không trong cuộc bầu cử 2016?

Do đó, chính phủ đã quyết định không để bị tụt xa trong cuộc cạnh tranh này, nên đã đưa ra nhiều biện pháp. Để tìm lại sức mạnh của mình, từ nhiều năm nay, Singapore đã đầu tư ồ ạt vào các lĩnh vực mang lại nhiều giá trị như lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là dược phẩm, y sinh học, hàng không vũ trụ. Singapore cũng tìm ra hướng đi trong việc nỗ lực trở thành nơi sản xuất và lắp ráp các sản phẩm tiên tiến nhất của thế giới. Singapore muốn làm một điểm cân bằng giữa một Trung Quốc 1,3 tỉ dân và phần còn lại của khu vực: với Ấn Độ (1,1 tỉ dân) và  Đông Nam Á (600 triệu dân). Hơn 10% vật liệu bán dẫn được sản xuất với nhãn hiệu Singapore.

Nước này cũng phát triển được nền công nghiệp hóa dầu, hay đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Cách trung tâm thành phố chỉ chưa đầy nửa giờ là một khu khoa học công nghệ mới, được xây dựng từ vài năm gần đây, trong đó phát triển các nghiên cứu công nghệ có khả năng mang lại nhiều lợi nhuận, như công nghệ sinh học, trò chơi điện tử, hàng tiêu dùng đại chúng. Theo một chủ doanh nghiệp, mục tiêu của Singapore không phải là dẫn đầu trong nghiên cứu phát triển (R&D), mà trở thành một địa chỉ đáng tin cậy trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, những điều đó liệu đã là đủ chưa với một xã hội đang tồn tại rất nhiều vấn đề nổi cộm tại Singapore?

Đầu tiên là vấn đề lão hóa dân số. Có một thực trạng ở Singapore là người dân sống sung túc thì không muốn sinh nhiều con hoặc chẳng muốn sinh con. Hậu quả là, tỉ lệ sinh (TRF) của Singapore hiện nay là 1,2%, thấp hơn tỉ lệ thay thế dân số là 2,1% trong 3 thập kỷ qua. Để bù đắp tỉ lệ sinh chậm và sự lão hóa dân số đang ảnh hưởng đến lực lượng lao động, chính phủ đã phải kêu gọi nhập cư.

Theo “Sách trắng” được Quốc hội Singapore thông qua vào đầu tháng 2 năm nay, dân số Singapore đến năm 2030 ước tính khoảng 6,9 triệu người và người bản xứ chỉ còn chiếm 55% dân số từ 91% vào năm 1980, rồi 62% trong năm 2012. Dự kiến mỗi năm Singapore sẽ tiếp nhận thêm 15.000-25.000 người nước ngoài và cấp phép cư trú vĩnh viễn cho 30.000 người. Tuy nhiên, chính sách khuyến khích nhập cư của chính phủ lại vấp phải những chỉ trích theo chủ nghĩa dân túy từ phía đảng đối lập. Người dân Singapore vốn đang sống trong thịnh vượng, nên không muốn chia sẻ phúc lợi với những người nhập cư. Thế là, sự ủng hộ dành cho đảng đối lập ngày càng mạnh.

Trong khi đó, chi phí lao động ngày càng tăng cao. Julien Marcilly, một chuyên gia của tổ chức Coface cho biết: “Giá nhân công tăng 15% từ 5 năm nay”. Đó là hậu quả đặc biệt của tình trạng công ăn việc làm dồi dào nên đã đẩy mức lương lên cao. Tình hình này xảy ra không đúng lúc, khi mà người dân Sigapore quá ngán ngẩm, vì có quá nhiều người nước ngoài đến đây làm việc, sinh sống. Họ cũng đổ lỗi cho lao động nước ngoài là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng giá bất động sản và các chi phí sinh hoạt. Trước áp lực biểu tình từ phía người dân, đòi “Singapore là của người Singapore”, đầu năm nay, Chính phủ Singapore đã phải nhắm đến các chính sách nhập cư có chọn lọc, siết chặt các tiêu chí nhập cảnh, giới hạn số người nước ngoài được làm việc tại đây, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp chú tâm nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động địa phương.

Mặt khác, Singapore sẽ gặp phải các giới hạn về dân số và diện tích trong vòng hai, ba thập niên tới. Bộ trưởng Giáo dục Singapore Lawrence Wong thừa nhận, nước này sẽ phải học cách sống được với một mức độ tăng trưởng thấp hơn trước. Một nhà nghiên cứu ghi nhận, từ khoảng hơn mười năm nay, khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm xã hội đã giãn ra nhiều hơn. Lần đầu tiên, thu nhập của nhóm 20% những người nghèo nhất đã bị chững lại. Từ khoảng 5 năm nay, Singapore phải lập ra một hệ thống bảo hiểm để trợ giúp cho những người thu nhập thấp. Hồi tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng vừa công bố một loạt thay đổi chính trong chính sách xã hội.

Một trong những thay đổi lớn nhất là sự thay đổi trong hệ thống bảo hiểm y tế, như người mua bảo hiểm sẽ được bảo hiểm suốt đời (kể cả những người đã có tiền sử bệnh tật), người trên 60 tuổi sẽ được nhà nước hỗ trợ nhiều hơn để trả phí bảo hiểm. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ tăng tiền trợ cấp cho những bệnh nhân ngoại trú bị bệnh nặng. Để có thêm đất xây nhà ở cho dân, Chính phủ Singapore quyết định chuyển căn cứ không quân rộng 800 ha tại Paya Lebar sang khu vực sân bay Changi và chuyển tất cả các cảng container ở Tanjong Pagar gần khu vực dân cư ra khu cảng mới tại Tuas.

Đổi mới để thích nghi với tình hình mới là cần thiết và trong cuộc đua nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu, một quốc gia luôn vận động để thích nghi như Singapore chắc chắn sẽ bứt phá trở lại để tiếp tục là tấm gương phát triển ở châu Á - khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới.

Linh Linh (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc