Nước Nga: Chống tham nhũng không ngại "trảm tướng"

07:00 | 15/05/2013

1,315 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nước Nga dưới thời Tổng thống Putin đang có những động thái mạnh mẽ chưa từng thấy để phòng chống tham nhũng (PCTN). Ngày nay, “trảm tướng” không còn là chuyện ngoại lệ ở xứ sở bạch dương nữa.

Tham nhũng đã thành “quy tắc ứng xử” trong xã hội

Nga là nhà nước pháp quyền dân chủ liên bang, gồm 83 chủ thể (nước cộng hòa, tỉnh, tỉnh tự trị…). Liên bang Nga theo hệ thống đa đảng, hiện có một số đảng được đăng ký chính thức, trong đó có: đảng Nước Nga thống nhất, đảng Nước Nga công bằng, đảng Dân chủ Tự do, đảng Cộng sản Liên bang Nga… Liên bang Nga xác định rõ tầm quan trọng của công tác phòng ngừa và xử lý tham nhũng, trong đó có quan điểm xử lý tham nhũng không chỉ vì mục đích trừng phạt kẻ vi phạm mà vì mục đích phòng ngừa.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng tham nhũng hiện nay tại Nga do đất nước này có nhiều thế mạnh về khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên (dầu khí, khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, hóa chất…). Nga hiện là nền kinh tế lớn đứng thứ 10 trên thế giới. Thể chế PCTN mới hình thành và Nga đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nên công tác quản lý còn nhiều bất cập.

Ông V.V. Kornhilov, cố vấn chính Văn phòng của Thượng viện về luật hiến pháp, về các vấn đề tòa án, pháp lý và phát triển xã hội công dân đưa ra nhận định: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Nga vừa qua cũng có những tồn tại nhất định trong đấu tranh chống tham nhũng, sau khi Liên Xô tan rã, Nga gần như thiếu những chuyên gia giỏi, am hiểu pháp luật, có phương pháp tốt trong áp dụng nghiệp vụ điều tra, phát hiện, xử lý tham nhũng... Tất cả những nguyên nhân này đã tạo nên nhiều cơ hội cho tham nhũng nảy sinh”.

Ông Putin luôn tỏ ra cứng rắn với tham nhũng

Tham nhũng là một nguyên nhân chủ yếu khiến cho đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin mất 77 ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2011 so với năm 2007. Theo thống kê, mức hối lộ ở Nga năm 2012 tăng khoảng 60% so với năm 2006, tương đương với mức lạm phát cùng kỳ. 4 năm trước, Nga thống kê khoản thu nhập không chính đáng ngoài lương (ám chỉ các khoản bôi trơn) trung bình của một viên chức Nga năm 2008 là 5.048 rúp (30,3 triệu VND), thì con số này tăng lên tới 8.887,4 rúp (53,3 triệu VND) trong năm 2012.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), các đại biểu chỉ ra tham nhũng đang làm xói mòn môi trường đầu tư tại Nga, khiến cho nhiều nhà đầu tư muốn rút vốn. Tờ Vedomosti của Nga cho rằng, người dân Nga mất dần sự kiên nhẫn đối với cuộc chiến chống tham nhũng không mấy hiệu quả của chính phủ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga tiết lộ rằng, có gần 50 tỉ USD được chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài vào năm ngoái.

Tham nhũng trong cơ quan nhà nước của Nga diễn ra với mức độ trầm trọng. Hầu hết các cấp, các ngành, các cơ quan thực thi pháp luật và ngay cả cơ quan đầu não của liên bang đều phát hiện có tham nhũng. Có thể kể đến vụ nguyên cố vấn Trưởng ban và Trưởng ban Thanh tra Văn phòng Tổng thống lợi dụng chức vụ, quyền hạn tống tiền, nhận hối lộ 10.000USD từ Trung tâm Y tế thuộc Cục Quản lý hồ sơ Văn phòng Tổng thống. Vụ phó Ban Điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc Cục Điều tra thi hành án Moscow về tội nhận hối lộ 0,5 triệu USD trong khoản tiền đặt giá 1,5 triệu USD để tha bổng hai bị cáo can tội buôn lậu.

Các vụ tham nhũng khác được thông tin rộng rãi như vụ bị cáo Sergei Getmanov nhận 18.000 rúp (108 triệu VND) để chạy án cho một công dân phạm tội hình sự; bị cáo Vyacheslav Trofimov, nguyên Phó ủy viên Công tố Tòa án Moscow nhận hối lộ hơn 13 triệu rúp (hơn 78 tỉ VND) và cũng đã nhận hối lộ 2,7 triệu rúp (16,2 tỉ VND) của một bị cáo ngồi tù về hành vi lừa đảo để được trả tự do sớm…

Theo báo cáo của Viện trưởng Viện Công tố tại cuộc họp Hội đồng Chống tham nhũng, thì năm 2010, Nga có 8.000 vụ tham nhũng, 720 công chức ra tòa, song đa số là công chức cấp thấp, 1.300 nhân viên của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhận hối lộ. Đến năm 2012, số vụ tham nhũng tăng 1,5 lần, trong số những người bị truy tố có hàng trăm người là đại biểu nghị viện khu vực, lãnh đạo chính quyền địa phương, thẩm phán, thành viên Ủy ban Bầu cử, nhân viên Viện Kiểm sát, luật sư, nhân viên Ủy ban Điều tra, lãnh đạo các cơ quan điều tra và các điều tra viên của Bộ Nội vụ.

Người phát ngôn Ủy ban Điều tra Liên bang Nga Vladimir Markin đã từng tuyên bố “hầu như mọi chức vụ nhà nước đều có thể mua bán”. Đầu năm 2013, Thủ tướng Medvedev công bố hiện có khoảng 50.000 vụ án tham nhũng đang được điều tra, hầu hết các vụ án sẽ phải đưa ra tòa và kết thúc bằng bản án kết tội. Ông thừa nhận, chưa thể giải quyết được vấn đề tham nhũng trong thời gian này.

Tham nhũng đã trở thành một lối sống, một quy tắc ứng xử trong xã hội Nga. Tổ chức InDem Foundation chuyên nghiên cứu về tham nhũng tại Nga công bố số liệu cho thấy, mỗi năm, người dân phải chi trên 300 tỉ USD để “chạy chọt”. Các doanh nghiệp của Nga cũng phải lo lót đủ thứ mới có thể hoạt động bình thường. Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng ở Nga có biến chuyển theo chiều hướng tích cực nhưng người dân vẫn có thói quen đưa và nhận hối lộ.

Khảo sát do Trung tâm Levada thực hiện đưa ra số liệu có đến 15% người dân Nga thừa nhận phải hối lộ các quan chức, 30% số người được hỏi tin rằng, đối với dân thường thì không có cách nào khác để giải quyết vấn đề ngoài việc đưa hối lộ. Ở khía cạnh khác, 67% số người vi phạm giao thông cho biết họ đã nộp phạt cho cảnh sát giao thông mà không lấy biên lai, 43,3% cho biết muốn được cấp giấy phép lái xe hoặc qua trạm cân buộc phải nộp tiền mãi lộ và có 10% bày tỏ thái độ không hề hối hận khi đưa hối lộ.

Chống tham nhũng từ gốc

Để chống tham nhũng, Nga không thành lập cơ quan ngang bộ chuyên trách chống tham nhũng mà thành lập Hội đồng Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống từ năm 2008. Thành viên hội đồng bao gồm người đứng đầu Thượng viện, Hạ viện, Viện Kiểm sát tối cao, Viện Công tố... Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống là người đứng đầu Đoàn Chủ tịch Hội đồng.

Ông V.V. Kornhilov, cố vấn chính của Văn phòng Thượng viện về luật hiến pháp, các vấn đề tòa án, pháp lý và phát triển xã hội công dân cho biết lý do chọn mô hình này là để tránh sự độc đoán, khó kiểm soát và tiêu cực. Tham gia vào cuộc đấu tranh PCTN có đầy đủ các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Người đứng đầu Bộ Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án không tham gia trực tiếp vào bộ máy chỉ đạo chống tham nhũng mà họ chịu sự lãnh đạo trực tiếp từ trên xuống để tăng tính độc lập.

Trong hoạt động điều tra, Nga có bốn cơ quan độc lập là: Ủy ban Điều tra của Liên bang, Ủy ban Điều tra của Bộ Nội vụ, Ủy ban Điều tra của Ủy ban về An ninh và PCTN, Ủy ban Điều tra của Ủy ban Liên bang về chống buôn bán ma túy. Mỗi cơ quan điều tra thực thi nhiệm vụ riêng và công tác điều tra tham nhũng của các cơ quan này đặt dưới sự chủ trì, điều tiết của Viện Công tố. Các địa phương cũng thành lập các cơ quan tương ứng để thực hiện PCTN. Giống như trọng trách PCTN của quốc gia do tổng thống điều hành, ở các địa phương do các thống đốc đảm nhiệm.

Quan điểm của PCTN Nga là trừng trị kẻ nhận hối lộ, trong khi khoan hồng với người đưa hối lộ. Chính vì vậy, việc nhận hối lộ được xem là nghiêm trọng hơn đưa hối lộ (vì người đưa hối lộ nhiều khi bị ép buộc). Trường hợp một giáo viên nhận hối lộ của sinh viên sẽ được coi là hành vi tham nhũng nghiêm trọng vì nhận hối lộ của tầng lớp phụ thuộc gia đình, chưa có thu nhập.

Trực tiếp liên quan đến PCTN, Nga đã thông qua Luật PCTN năm 2008, Luật Bảo vệ người tố cáo tham nhũng, Luật Thẩm định các văn bản pháp luật về nội dung PCTN, Luật Xử phạt sai phạm hành chính. Quốc gia này cũng tích cực sửa đổi các điều luật về chống tham nhũng theo hướng cụ thể và tăng nặng.

Ví dụ như sửa đổi Điều 104 của Bộ luật Hình sự về tịch thu tài sản đối với tội phạm tham nhũng; sửa đổi Điều 575 của Bộ luật Dân sự về cấm quan chức nhận quà (trước đây, các quan chức được phép nhận quà tặng với điều kiện công khai nơi công cộng và giá trị quà tặng tối đa 3.000 rúp tương đương 18 triệu VND); sửa đổi Điều 447 của Bộ luật Tố tụng hình sự, giảm số người được hưởng thủ tục đặc biệt trong án hình sự, loại bỏ quyền miễn trừ đối với điều tra viên, luật sư, công tố viên và các thành viên Ủy ban Bầu cử.

Tháng 3/2012, nước này thông qua kế hoạch chống tham nhũng quốc gia giai đoạn 2012-2013, trong đó quy định một số nội dung quan trọng về quản lý kinh tế, công tác cán bộ, công tác tuyên truyền về PCTN và đặc biệt là thực hiện việc kiểm soát không chỉ thu nhập mà còn cả chi tiêu của quan chức.

Theo tài liệu này, các quan chức Nga có nghĩa vụ kê khai thu nhập hằng năm. Các công dân giữ chức vụ nhà nước, công chức trung ương và địa phương, nhân viên các tổ chức do nhà nước thành lập có nghĩa vụ báo cáo chi tiêu hằng năm. Người nhà và các con của công chức cũng phải kê khai tài sản, thu nhập và chi tiêu theo quy định và được công khai trên mạng thông tin điện tử. Trị giá tối thiểu bắt buộc khai báo là 3 triệu rúp (tương đương 100.000USD).

Nếu qua kiểm tra phát hiện thấy chi tiêu của một quan chức rõ ràng vượt quá con số thu nhập và người này không thể giải trình nguồn tài chính, thì quan chức đó có thể bị sa thải và tài sản mua bằng tiền không rõ xuất xứ sẽ bị thu hồi thành sở hữu nhà nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov bị cách chức vì tham nhũng

Đối với bộ máy thực thi pháp luật, tất cả sĩ quan quân đội, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên… phải công khai tài sản cá nhân. Tài sản của gia đình những người này cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ và một số công chức sẽ mất quyền miễn trừ truy tố. Năm 2011 đã phát hiện 274 người có nghi vấn trong kê khai. Theo Luật Chống tham nhũng sửa đổi, tội nhận hối lộ được chia thành bốn mức: dưới 25.000 rúp (tỷ giá đương thời là 1USD đổi 28,33 rúp), từ 25.000 đến 150.000 rúp, từ 150.000 đến 1 triệu rúp và trên 1 triệu rúp. Với bốn mức nhận hối lộ này, mức phạt sẽ gấp
15-100 lần hoặc bị tù giam 2-15 năm.

Đuma quốc gia đã thành lập cơ quan phụ trách mua sắm công. Luật Chống tham nhũng được sửa đổi theo hướng chi tiết, cụ thể hơn, ví dụ về cơ chế đấu thầu mua sắm công đã quy định chi tiết từ việc xây dựng kế hoạch, đơn đặt hàng, công khai, minh bạch trong các khâu... giúp người dân và xã hội có thể giám sát được, trong khi luật cũ chỉ chú trọng tới cơ chế đặt hàng. Luật pháp Nga vẫn quy định quá nhiều quyền lực cho thẩm phán, do đó quốc gia này tiến hành xem xét lại các luật hành chính, hình sự để sửa đổi giảm bớt quyền lực của thẩm phán. Dự thảo luật quản lý chi phí công chức đang được hoàn thiện theo hướng thu hồi phần tài sản không giải thích được nguồn gốc về cho nhà nước.

Trảm tướng

Mặc dù không áp dụng án tử hình đối với tội tham nhũng, nhưng Liên bang Nga tỏ ra không nương tay với những quan chức giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cuộc chiến với tham nhũng thực sự quyết liệt hơn khi Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Andrei Kozlov bị ám sát trong cuộc chiến chống tệ nạn rửa tiền liên quan tới các thế lực mafia vào ngày 13/9/2006. Ngay sau đó, Nga quyết định thay Viện trưởng Viện Công tố để tập trung xử lý các vụ bê bối trong một số công ty đồ gỗ. Vụ việc liên quan đến nhiều quan chức của Bộ Nội vụ, Hải quan, Cơ quan An ninh Liên bang và cả Văn phòng Tổng thống.

Kết quả là 19 quan chức cao cấp ở các bộ, ngành bị cách chức, lãnh đạo 5 công ty đồ gỗ bị khởi tố. Tiếp theo, Thị trưởng thành phố Mátxcơva Yury Luzhkov bị sa thải tháng 9/2010 vì trì trệ trong điều hành chính quyền thành phố và để bà vợ tỉ phú lợi dụng quyền lực tham ô, nhũng nhiễu. Nga đã tinh giản gần 20% (trong kế hoạch xây dựng gần 50%) biên chế đối với Bộ Nội vụ, tiến hành xử lý nhiều nhân vật cấp tướng (trong đó có 2 thứ trưởng) do trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ và để tham nhũng lan tràn trong nội bộ.

Cuộc tấn công vào Bộ Quốc phòng chứng tỏ sự can đảm và quyết tâm của người vận hành cỗ máy chống tham nhũng - Tổng thống Putin. Các công ty thuộc quyền kiểm soát của Bộ Quốc phòng Nga bị cáo buộc biển thủ hơn 13 tỉ rúp (433 triệu USD). Kết quả là Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov và 3 thứ trưởng của bộ này bị cho “về vườn” cuối năm 2011. Nguyên nhân mất chức của các viên tướng đều do liên quan đến các đơn đặt hàng quốc phòng thời gian qua không được ký kết và hoàn thành đúng hạn, cũng như tình trạng tham nhũng tràn lan trong quân đội Nga làm ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu và công cuộc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang.

Ước tính, năm 2012, Nga đã truy tố 889 quan chức trong đó có 244 thị trưởng thành phố, 114 nhà lập pháp các cấp và 1.159 quan chức thực thi pháp luật vì tội tham nhũng. Các cuộc điều tra hiện nay đang nhắm vào các cựu quan chức của Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp, kể cả hai vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov và cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Yelena Skrynnik. Hàng loạt đại biểu Đuma phải từ chức vì các cáo buộc không khai báo bất động sản ở nước ngoài hoặc do bê bối tài chính.

Tổng thống Nga còn phản công vào tham nhũng trong lĩnh vực thể thao, theo đó ông Putin đề xuất một dự luật để chống lại nạn thỏa thuận tỷ số các trận đấu thể thao. Dự luật cấm các vận động viên, huấn luyện viên, thẩm phán, đội trưởng các đội thể thao và các đối thủ cạnh tranh khác tham gia cờ bạc và cá cược. Các tổ chức cá cược sẽ phải làm sổ đăng ký dữ liệu hộ chiếu tất cả các tay chơi cá cược trên mỗi lần đặt cược và cung cấp thông tin cho các liên đoàn thể thao.

Mới đây, Tổng thống Nga ban hành sắc lệnh yêu cầu các quan chức phải công bố những khoản chi tiêu và đầu tư của mình. Trước ngày 1/7/2013, các quan chức sẽ phải công bố chi tiêu của họ trong năm 2012, đồng thời họ cũng phải đóng các tài khoản cá nhân ở nước ngoài, hoặc bán cổ phần ở nước ngoài (nếu có).

Những nỗ lực của quốc gia này trong chống tham nhũng được quốc tế đánh giá cao. Xem xét chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2011 so với năm 2010, Nga được Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp hạng tiến bộ hơn 7 bậc (từ xếp vị trí 154/178 năm 2010 lên 143/183 năm 2011). Năm 2012, tăng thêm 10 bậc, xếp thứ 133 trong 176 quốc gia được đánh giá.

Nhiều vụ tham nhũng được phanh phui, xử lý, kể từ cán bộ quản lý cấp thấp tới cán bộ cấp cao ở Liên bang. Nhận định về nguyên nhân tạo nên những tiến bộ đột phá này, ông V.V.Kornhilov cho biết, đó là do Liên bang đã nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch chống tham nhũng 2011-2015 của Tổng thống, tích cực hoàn thiện thể chế PCTN, tăng cường thẩm định, bổ sung tính chống tham nhũng của các văn bản pháp luật, chú trọng đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đồng thời với thái độ kiên quyết, mạnh tay trong xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

 

Anh Khôi (tổng hợp)