Nga bị đình chỉ tư cách thành viên G8?
Từ phải qua: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Nga Vladimir Putin vàThủ tướng Đức Angela Merkel
Thông cáo do Nhà Trắng công bố ngày 3/3, nhân danh 7 nước công nghiệp phát triển nhất và các định chế châu Âu. Nga bị đình chỉ trên thực tế quy chế thành viên G8 cho đến khi môi trường trở nên thuận lợi cho các cuộc thảo luận có nội dung bên trong G8.
Trong một loạt phát biểu trên truyền hình, ngày 3/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đe dọa trục xuất Nga ra khỏi G8 và do vậy nhóm này chỉ còn 7 nước - G7. Quyết định được thông báo tối 3/3 là bước đầu tiên. Nhóm G7 lên án hành động vi phạm chủ quyền của Ukraina và khẳng định hoàn toàn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. G7 cũng nhấn mạnh đến quyền tự quyết của nhân dân Ukraina được lựa chọn tương lai của mình.
Matxcơva được khuyên là hãy chấp nhận một sự trung gian hòa giải. Các nước ký bản thông cáo này sẵn sàng phối hợp với ông Putin để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Thông cáo không hề đề cập đến các biện pháp trừng phạt khác về chính trị hoặc kinh tế. Văn bản này được đưa ra sau nhiều cuộc thảo luận để có được đồng thuận chung. Trước đó ngày 1/3, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada cũng đã lên tiếng đe dọa sẽ tẩy chay hội nghị G8 nếu Nga không rút quân khỏi Ukraina.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 3/3 tuyên bố chống lại việc trục xuất Nga ra khỏi nhóm G8, một biện pháp mà Mỹ dự tính. Theo Berlin, biện pháp này không có hiệu quả, bởi vì G8 là diễn đàn duy nhất mà phương Tây có thể nói chuyện trực tiếp với Nga.
G8 là nhóm 8 quốc gia dân chủ và công nghiệp hàng đầu của thế giới bao gồm (Pháp, Đức, Italia, Nhật, Anh, Mỹ (G6, 1975), Canada (G7, 1976)) và Nga (không tham gia một số sự kiện). Điểm nhấn của G8 là hội nghị thượng đỉnh kinh tế và chính trị được tổ chức hàng năm với sự tham dự của những người đứng đầu nhà nước với các quan chức quốc tế, đồng thời cũng có nhiều hội nghị bên lề và khảo sát chính sách.
G8 có căn nguyên khởi đầu từ cuộc khủng hoảng dầu hoả năm 1973 và suy thoái toàn cầu theo sau đó. Các vấn đề này đưa đến việc Mỹ thành lập Nhóm Thư viện (Library Group) quy tập các viên chức tài chính cấp cao từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản để thảo luận các vấn đề kinh tế. Năm 1975, Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing mời nguyên thủ của 6 nước dân chủ và công nghiệp hàng đầu tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Rambouillet và đưa ra đề nghị họp thường kỳ. Những người tham dự đồng ý tổ chức họp mặt hàng năm theo chế độ chủ tịch luân phiên, hình thành nên nhóm G6 bao gồm Pháp, Tây Đức, Italia, Nhật, Anh, Mỹ. Vào hội nghị thượng đỉnh kế tiếp tại Puerto Rico, nó trở thành G7 với sự tham gia của Canada theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Gerald Ford.
Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, năm 1991 Nga bắt đầu gặp nhóm G7 sau hội nghị thượng đỉnh chính. Từ hội nghị lần thứ 20 tại Naplé, nhóm này trở thành P8 (Political 8). Nga được tham gia đầy đủ hơn kể từ hội nghị lần thứ 24 tại Birmingham, đánh dấu sự hình thành G8. Tuy nhiên, lúc đó Nga chưa được tham dự hội nghị dành cho các bộ trưởng tài chính vì không là cường quốc kinh tế; và "G7" được dùng để chỉ cuộc họp ở cấp bộ trưởng này. Hội nghị thượng đỉnh năm 2002 tại Kananaskis (Canada) thông báo Nga sẽ là chủ nhà cho hội nghị năm 2006, và như vậy hoàn tất quá trình trở thành thành viên đầy đủ của Nga. Năm nay, Nga, với tư cách chủ tịch luân phiên G8, dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhóm này vào tháng 6/2014 tại thành phố Sochi.
Hiện dư luận quốc tế đang chờ phản ứng từ phía Nga đối với quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Nga mà Mỹ mới đưa ra.
Trong một diễn biến liên quan tới tình hình Ukraina, ngày hôm qua, Tổng thống Nga Putin đã chấp nhận đề nghị của Thủ tước Đức Angela Merkel là lập ngay một phái đoàn điều tra và một nhóm tiếp xúc, có thể đặt dưới sự chỉ đạo của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), để tiến hành đối thoại chính trị. Đây được coi là cơ hội tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraina.
Nh.Thạch
tổng hợp
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025