Lính cứu hỏa đặc nhiệm ở Mỹ

07:07 | 13/07/2013

2,411 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
19 người lính cứu hỏa ở Arizona, Mỹ, vừa tử nạn trong khi tìm cách dập tắt một đám cháy rừng trên 2.000 mẫu. Họ không phải là lính cứu hỏa bình thường mà là những người đặc biệt được huấn luyện để đối phó với những vụ cháy nguy hiểm nhất.

Để được làm một lính cứu hỏa đặc biệt cần phải có thể lực tốt và trải qua chương trình huấn luyện rất hà khắc. Họ thường xuyên phải tập chạy 2,5km và đi đường núi 4,5km trong 45 phút mang theo hành trang 23kg. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một số đòi hỏi sơ khởi tối thiểu. Vì vậy những người lính cứu hỏa này thường phải là những người trẻ trong lứa tuổi 20-40. Paul Cerda, Giám đốc Sở cứu hỏa Công viên quốc gia Rocky Mountains cho biết nhân viên của ông thường xuyên chạy 12-16km đường mòn trong rừng ở sườn núi cao. Đi đến nơi làm nhiệm vụ, họ phải lội bộ qua rừng núi, mang theo đầy đủ vật dụng cá nhân bao gồm cưa, shelter... và thường không có hỗ trợ bởi các phương tiện cơ giới như xe ủi.

Cả nước Mỹ chỉ có 107 đội cứu hỏa đặc nhiệm kiểu này, với tổng quân số 2.140 người. Họ được tổ chức thành từng đơn vị 20 người mỗi đội, hoạt động tập thể và độc lập, có thể so sánh như những nhóm lực lượng đặc biệt trên chiến trường.

Bức ảnh cuối cùng chụp đội cứu hỏa Arizona trước khi tử nạn trong lúc làm nhiệm vụ dập tắt đám cháy ở Yarnell Hill

Những đơn vị này được huấn luyện để đưa đến nơi có cháy rừng và dùng vật dụng cá nhân ngăn không cho lửa lan rộng. Họ thường phải đi bộ nhiều cây số vào sâu trong rừng, mang theo cưa và các dụng cụ khác để tạo khoảng trống cần thiết không cho lửa tràn đến nhà dân. Đội cứu hỏa vừa gặp nạn có tên gọi Granite Mountain Hotshots đặt căn cứ ở Prescott, Arizona. Sở cứu hỏa Prescott chỉ có 5 đội và như vậy đã mất hoàn toàn một đội, trừ người duy nhất thoát chết nhờ đang lái xe. Cho đến giờ, người ta chưa hiểu rõ thảm họa đã xảy ra trong tình huống nào và cuộc điều tra còn đang tiến hành.

Trận hỏa hoạn có tên Yarnell Hill Fire xảy ra hôm 28//6 do sét đánh, tới 30/6 đã lan rộng trên 2.000 mẫu và tới nay hơn 8.000 mẫu rừng bị cháy. 200 ngôi nhà đã bị thiêu rụi.

Đã là những lính cứu hỏa “siêu việt” thì tại sao họ lại bị chết vì lửa? Dan Fraijo, Giám đốc Sở cứu hỏa Prescott thuật lại, các nhóm cứu hỏa được điều động tới đối phó không thể biết trước rằng thời tiết nóng và gió mạnh bất ngờ đã biến khu vực cháy thành một hỏa ngục kinh hoàng, chỉ trong vài giờ lan rộng từ 200 ra 2.000 mẫu. Qua bộ đàm ông nhận được tin báo là toàn thể đội cứu hỏa này đã phải mở “shelters” (tấm bạt chống lửa) ra để bao lấy thân mình, vì hiểu rằng đó là phương tiện chống đỡ cuối cùng.

Shelter là những tấm tương tự như lều vải làm bằng chất chống cháy, những người lính cứu hỏa trong trường hợp nguy cấp vì lửa tràn tới, trải shelter mang theo ra và chui xuống dưới, nằm úp mặt dưới hố. Tấm shelter phủ kín bên trên có tác dụng phản hồi sức nóng đi và giữ cho không khí bên trong có thể  thở được khi lửa tràn qua. Nhưng biện pháp chống đỡ này chỉ có hiệu lực trong ít phút. Nếu người lính cứu hỏa không ở chỗ trống trải, ít có nhiên liệu (các vật cháy được) hoặc ở ngay trên đường lan tới của lửa và hơi nóng hoặc ngọn lửa cháy kéo dài thì không thể nào thoát chết.

Tony Petrili, chuyên viên về trang bị cứu hỏa nói rằng shelter được dùng từ 2005 đến nay, được chế tạo bằng những chất mới có khả năng chống lửa và hơi nóng rất tốt, nhưng nếu tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa thì không chịu đựng được. Do đó, shelters phải trải xa nơi lửa cháy. Đội Granite Mountain Hotshots có lẽ bị bất ngờ vì gió đổi chiều và lửa tràn tới quá mau đã không thể nào kịp phòng vệ với đủ điều kiện cần thiết. Sau thảm kịch, người ta tìm thấy chất nhựa nối các shelters đã bị chảy ra, chứng tỏ nhiệt độ cháy lên tới 500oC, trong khi chỉ 300oC đủ làm chết người ngay.

Thảm kịch xảy ra ở Arizona gây thiệt hại nhân mạng nặng nhất cho lính cứu hỏa Mỹ kể từ sau vụ khủng bố 11/9 cướp đi sinh mạng của 340 lính cứu hỏa New York.

Song Phương