Ô nhiễm “liên tỉnh”

06:50 | 14/10/2013

1,051 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trâu chết, cá chết, nước đen ngòm hôi thối là điều mà bà con nông dân tại một loạt các xã Yên Sơn, Yên Lãng, Yên Lương, Lương Xa thuộc huyện Thanh Sơn, Phú Thọ phải gánh chịu trong hơn 5 năm qua. Tất cả chỉ vì con suối Cái - con suối chính chảy qua khu vực này đang bị đầu độc không thương tiếc từ một nhà máy giấy ở tỉnh Hòa Bình. Người dân kêu than vì cuộc sống đảo lộn trong gánh nặng mưu sinh nhưng có vẻ như chưa có cơ quan, tổ chức nào dang tay cứu họ cả.

Suối nguồn thành suối nước thải

Huyện Thanh Sơn từ lâu đã được biết đến là huyện nghèo và xa xôi của tỉnh Phú Thọ. Nếu nhìn trên bản đồ, khu vực huyện Thanh Sơn xanh mướt bởi diện tích rừng. Cách đây chừng 5 năm, dải đất miền trung du này êm đềm lắm. Có suối, có rừng, thiên nhiên ưu đãi nên con tôm, con cá cũng theo đó mà về. Ông Nguyễn Văn Đáo 60 tuổi ở khu 1, xã Yên Lương kể, giọng buồn thiu: “Ngày trước, chỉ cần ra suối, đặt cái sàng xuống, chốc chốc hớt lên cũng có cả bữa cá. Nhưng nay thì khác rồi, nước nó độc hại thế kia, cá tôm nào chịu nổi, nó bỏ đi hết rồi, cả trứng cũng bị tận diệt”.

Hôm đến xã Yên Sơn, biết chúng tôi là nhà báo, người dân kéo đến rất đông bày tỏ nỗi bức xúc đã dồn nén từ lâu, nay họ mới được dịp trải lòng. Bà con tranh nhau kể về hoàn cảnh của mình cùng nỗi tức giận vì những bức xúc bị bỏ quên. Ông Đáo thở dài thườn thượt: “Chú tính xem, con suối Cái ấy, nó quan trọng với dân làng chúng tôi đến nhường nào. Trâu bò uống nước suối, người người uống nước ở đấy, cây cối, đồng ruộng cũng từ nguồn nước ấy mà lớn lên. Suối là mẹ, là cha, cha mẹ chết rồi thì con cái cũng ngắc ngoải”.

Suối Cái lúc nào cũng sủi bọt đục ngầu

Chuyện là, mùa đông, khi nguyên liệu sản xuất giấy dồi dào, nhà máy giấy bên kia chạy hết công suất thì cũng là lúc con suối Cái bị hành hạ ác nghiệt nhất. Nước vốn đã cạn lại nhuốm một màu đen kịt, tanh và hắc như mùi rẻ rách ngâm lâu ngày. Có hôm, cả một khúc suối Cái phủ trắng bọt như bọt xà phòng, lại có hôm nước đóng thành những mảng váng vàng sậm, mùi thối khắm, ai đi qua cũng phải bịt mũi.

Trước đây, người dân thường xuyên tắm giặt dưới suối. Nhà gần thì ra suối gánh nước về dùng, nhà xa thì bắt ống lấy nước về làm nước uống hằng ngày. Nhưng bây giờ thì tuyệt nhiên không ai dám dùng nước suối nữa. Bà Nguyễn Thị Vần, 58 tuổi vạch ống chân lên cho tôi xem rồi bảo: “Chỉ cần lội xuống suối thôi là về bị mẩn ngứa, mọc mụn đầy chân tay thế này thì chú bảo ai mà dám uống cái thứ nước ấy chứ. Đến mấy cái giếng khơi kia, chúng tôi cũng phải bảo nhau đào sâu xuống thêm hàng chục mét nữa vì sợ nước nhiễm độc. Cuộc sống trước bình yên là thế, giờ thì lúc nào cũng lo nơm nớp”.

Thế nhưng, không chỉ có như vậy thôi. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi mới đây, 11 con trâu ở xóm Chự, xã Yên Sơn đồng loạt lăn ra chết. Đó là một thiệt hại to lớn ở miền này bởi con trâu là tài sản lớn nhất của bất cứ gia đình nào. Con trâu là cả một cơ nghiệp, bởi một con trâu tốt, đang tuổi trưởng thành, bán nhanh cũng phải chừng 35-40 triệu đồng. Trâu chết mà nhà như có tang, có người trông thấy xác trâu liền ôm mặt khóc tu tu vừa tiếc công, tiếc của và vừa đau xót vì con trâu chết oan chết uổng. Chị Đỗ Thị Tỵ nhà ở khu 5, xã Yên Lương có con trâu đang thời kỳ tráng kiện. Ngày ngày, nó thường lội qua suối sang bãi cỏ bên kia làng để kiếm ăn. Chỉ lội đi lội về trong dăm ngày nước suối bị đầu độc trầm trọng thôi, bụng con trâu nhà chị Tỵ đã trắng ởn như bị bạch tạng. Sự thật là, phần nào trên thân con trâu thường xuyên tiếp xúc với nước suối thì phần đó bị biến màu thành màu trắng. 

Cái thứ nước thải đó là cái gì thì mãi về sau này người dân mới hiểu được. Nó là thứ thuốc tẩy cực mạnh mà người ta thường mua ngoài chợ về để tẩy trắng quần áo. Chị Tỵ kể: “Thời gian trước đây, mỗi lần đem quần áo ra suối giặt, thấy quần áo rất nhanh sạch, lại còn trắng nữa. Thế nhưng, chỉ giặt được vài buổi, quần áo đã mục nát, những loại quần áo màu thì phai màu khủng khiếp nên chẳng ai dám đem ra suối giặt nữa. Tất cả người dân đều cho rằng, nước xả thải của Nhà máy Giấy Thuận Phát đóng ở xã Hào Lý, huyện Đà Bắc, Hòa Bình - nơi đầu nguồn con suối chính là nguyên nhân khiến một loạt các xã dưới nguồn phải hứng chịu sự ô nhiễm nước suối ấy”.

Suối bị quên, người bị bỏ rơi

Chúng tôi tới gặp ông Đinh Kỳ Thi, Chủ tịch xã Yên Sơn. Ông Thi có vẻ rất “ngô nghê” trong khi nhận định tình hình cuộc sống của bà con nông dân trên chính mảnh đất mà ông đang chịu trách nhiệm quản lý. Ông cho rằng: “Kiến nghị của bà con thông qua đơn thư, thông qua các đợt họp HĐND xã thì nhiều lắm. Tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm là có thật. Vậy nhưng, doanh nghiệp không đóng chân trên địa bàn xã, chúng tôi biết xử lý thế nào, biết bắt đền ai bây giờ?”.

Suối Cái chảy qua khu vực Nhà máy Giấy Thuận Phát và từ đó đổ dọc xuống lần lượt các xã Yên Sơn, Yên Lương, Yên Lãng, Lương Nha rồi đổ ra sông Đà. Bản thân ông Thi quả quyết với chúng tôi rằng: Nước suối bị đục, có mùi không ngửi được, con cá nuôi dưới suối không sống được, nhưng… các cấp, các ngành chức năng vẫn “bình chân như vại” suốt nhiều năm qua.

Phóng viên phỏng vấn người dân xã Yên Sơn về nạn ô nhiễm

Trong thời gian ấy, người dân kêu riết quá, cũng có một lần ông Thi cùng vài ba vị chủ tịch xã quanh vùng đã lên gặp lãnh đạo Nhà máy Giấy Thuận Phát để kêu. Khi về, ông trả lời dân thế này: “Tôi đã lên đó và được lãnh đạo của họ dẫn đi tham quan hệ thống xử lý nước thải của họ. Họ khẳng định rằng, hệ thống đó đảm bảo chất lượng và nước họ thải ra suối không hề có độc. Họ nói thế thì tôi biết thế chứ mấy thứ máy móc đó thì tôi cũng có hiểu gì đâu”.

Cùng ngày, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Ban Giám đốc Công ty Thuận Phát để hỏi rõ thông tin nhưng đều bị từ chối với nhiều lý do như bận đi công tác, bận đi đám…

Trao đổi với chúng tôi, ông Xa Hồng Lung - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc, Hòa Bình khẳng định: “Năm 2009, Phòng Tài nguyên Môi trường đã phối hợp với công an huyện bắt quả tang Công ty Thuận Phát xả nước thải ra suối Cái đoạn chảy qua xóm Chự. Kết quả xét nghiệm nước thải của công ty này vượt quá quy định là 5 lần cho phép. Phòng cùng Cảnh sát môi trường của huyện và Cảnh sát môi trường tỉnh Hòa Bình đã lập biên bản xử phạt theo quy định, với số tiền phạt là 8 triệu đồng. Sau sự việc trên ông Đặng Đình Trường - Giám đốc Nhà máy Giấy Thuận Phát đã cam kết sẽ không tái phạm nữa”.

Và rồi, có vẻ như lời cam kết ấy đã bay theo gió, nước của suối Cái vẫn sủi bọt và đóng váng, dòng suối đang giãy chết còn người dân thì... chết từ từ. Suy cho cùng, cái khó ở đây chính là việc doanh nghiệp gây hậu quả đóng chân trên tỉnh Hòa Bình còn người dân bị ảnh hưởng lại ở Phú Thọ. Bên nọ đổ cho bên kia về ô nhiễm liên tỉnh nên cuối cùng chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm. Trong khi đó, người dân thì vẫn hằng ngày, hằng giờ sống chung với con suối có thể đầu độc họ bất cứ lúc nào.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có ý kiến trả lời của các cơ quan chức năng.

Tiến - Minh