Ai nhét con ruồi 500 triệu vào chai Number One?

15:22 | 09/02/2015

7,674 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi thu giữ chai nước Number 1 có con ruồi - tang vật mà Cty Tân Hiệp Phát sẵn sàng chi 500 triệu đồng để đổi, Công an tỉnh Tiền Giang đã gửi chai nước này đến Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an). Kết luận giám định là có tác động của con người ở vị trí nắp chai. Nghe ra thì có vẻ như có người nhét ruồi vào chai. Vậy ai là người đã nhét con ruồi vào?

>> [VIDEO] Xuất hiện thêm 1 chai "Number One có ruồi"?

>> Con ruồi giá 500 triệu: Tân Hiệp Phát quá tàn nhẫn!

>> Con ruồi giá 500 triệu đồng trong chai nước tăng lực Number One

>> Tân Hiệp Phát có trách nhiệm với người tiêu dùng?

>> Tân Hiệp Phát sợ phải thu hồi nên "giăng bẫy"?

Con ruồi chui vào đường nào?

Theo kết luận của Phân viện Viện Khoa học Hình sự: Không thấy dấu vết rách, thủng chai nước hiệu Number 1 gửi giám định; Phát hiện thấy dấu vết biến dạng nắp chai, dấu vết trượt, xước lạ bên trong nắp chai, dấu vết có chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, hình thành do công cụ sắc nhọn tạo ra. Mực nước trong chai gửi giám định thấp hơn mực nước trong các chai nước gửi làm mẫu so sánh. Các dị vật bên trong chai nước là bộ phận của cá thể ruổi.

Như vậy, với kết luận này thì rõ ràng nắp chai nước Number 1 gửi đi giám định đã không còn nguyên vẹn, có tác động của con người – công cụ sắc nhọn tạo ra.

Theo biên bản làm việc giữa ông Võ Văn Minh và đại diện Cty Tân Hiệp Phát vào lúc 8 giờ 10 phút ngày 20/1/2015 thì trong buổi làm việc, ông Trương Tiến Long- chuyên viên giải quyết khiếu nại đã xin được tặng anh Minh 2-3 thùng sản phẩm của Cty để tỏ lòng cảm ơn khách hàng, nhưng anh Minh không đồng ý.

Anh Minh cho biết nếu Cty Tân Hiệp Phát không chấp nhận trả số tiền (từ 1 tỉ xuống 600 triệu đồng) thì anh Minh sẽ trình bày khiếu kiện đến cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương và in 5.000 tờ giấy có hình ảnh và nội dung có con ruồi trong chai nước cho người tiêu dùng biết, sẽ ảnh hưởng đến uy tín công ty.

Tuy nhiên, trong Thông cáo báo chí thì Cty Tân Hiệp Phát lại lấp lửng rằng: Đại diện Tân Hiệp Phát đã đề xuất tặng ông Minh 2 thùng sản phẩm... và xin được mang chai nước có nghi vấn đi kiểm tra, thẩm định nhưng ông Minh không đồng ý. (Trong biên bản được lập ngày 20/1 không thể hiện thiện chí của Cty Tân Hiệp Phát là đưa sản phẩm nghi vấn đi kiểm tra, thẩm định).

Với chi tiết “thêm thắt” này, Cty Tân Hiệp Phát nhằm hướng dư luận đến việc chai nước có ruồi chỉ là nghi vấn.

 Vụ án “ Nửa tỉ đổi lấy con ruồi”: Ai nhét con ruồi vào?

Hình ảnh con ruồi trong chai nước ngọt mang nhãn Number 1 của công ty Tân Hiệp Phát.

 

Rõ ràng, Cty Tân Hiệp Phát có 3 lần gặp ông Minh (lần 1 ngày 6/12; lần 2 ngày 16/12 và lần 3 là ngày 20/1). Vậy trong 2 lần gặp trước, Cty Tân Hiệp Phát có lập biên bản ghi lại nội dung thỏa thuận hai bên?

Hơn nữa, Cty Tân Hiệp Phát cũng chưa công bố việc  hai bên có cuộc hẹn để giao tiền (địa điểm, thời gian và số tiền 500 triệu đồng). Phải có sự thỏa thuận và nhất trí của hai bên thì Cty Tân Hiệp Phát mới có cơ sở để báo với Công an tỉnh Tiền Giang, để bắt quả tang ông Minh nhận tiền.

Hiện nay ông Minh đã bị bắt, Cty Tân Hiệp Phát mới chỉ tiết lộ một biên bản, mọi câu hỏi mà chúng tôi nêu trên - vẫn còn nằm vòng bí mật và chỉ có Cty Tân Hiệp Phát mới trả lời được.

Quan sát chai nước Number 1, vỏ nhựa, nắp chai bằng nhựa. Phía dưới nắp chai là vòng bảo vệ được gắn kết với nhau. Khi dùng lực vặn nắp chai thì nắp mới tách khỏi vòng bảo vệ. Theo kết luận của Viện Khoa học Hình sự thì nắp chai nước Numbe 1 đã có tác động của vật nhọn. Như vậy, thì vòng bảo vệ phía dưới nắp chai một là bị doãng ra, hai là bị đứt thì mới có thể “đẩy” nắp chai để đưa vật thể vào?

Chiều cao cả vòng bảo vệ và nắp chai là 30 mm (vòng bảo vệ là 5 mm và nắp chai là 25 mm). Khi cậy nắp chai thì không thể giữ “nguyên đai, nguyên kiện” cả vòng bảo vệ và nắp chai vẫn “dính” với nhau bằng lớp răng cưa.

Vậy, trong 3 lần thương thảo, đại diện Tân Hiệp Phát có phát hiện được sự tác động ở nắp chai? Sự biến dạng này mắt thường có nhìn thấy hay phải quan sát qua máy móc. Trong khi phần vỏ chai còn nguyên vẹn thì con ruồi chỉ còn được lọt vào chai nước qua đường mở nắp.

Dư luận chờ đợi sự phán của các cơ quan pháp luật của tỉnh Tiền Giang để đem lại sự công bằng cho cả Võ Văn Minh và Cty Tân Hiệp Phát.

Tân Hiệp Phát có lật kèo?

Xin trở lại nhưng “sự cố” thương lượng giữa Cty Tân Hiệp Phát và khách hàng trong thời gian qua. Đây cũng là bài học cho khách hàng khi thực hiện quyền của mình khi mua phải sản phẩm kém chất lượng và bài học ứng xử của doanh nghiệp đối với thượng đế khi sản phẩm gặp sự cố.

Trường hợp xảy ra năm 2011, bà Nguyễn Thị Thu Hà (Biên Hòa, Đồng Nai) khi bán chai nước hiệu Number 1 cho khách, khách đã phát hiện có ống hút trong chai nước khi nắp vẫn còn nguyên, kiểm tra sản phẩm của Tân Hiệp Phát có trong quán, bà Hà phát hiện có 4 chai sữa đậu nành Soya có cặn ở đáy.

Bà Hà có thông báo cho Cty Tân Hiệp Phát, nhưng việc giải quyết không đến nơi đến chốn. Bà Hà yêu cầu Cty Tân Hiệp Phát bồi thường 49 triệu đồng do thất thu trong khi kinh doanh vì quán của bà bị tai tiếng bán hàng kém chất lượng. Cty Tân Hiệp Phát không đồng ý nên bà Hà đã làm đơn tố cáo.

Bảo vệ Công ty Tân Hiệp Phát đòi thu máy ảnh khi phóng viên tác nghiệp.

 

Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai đã mời hai bên đến làm việc, Cty Tân Hiệp Phát đồng ý phương án là thu hồi 4 sản phẩm (chai nước có ống hút và 4 chai đậu nành có cặn, hỗ trợ cho bà Hà 5 thùng trà xanh nhưng bà Hà không đồng ý).

Cuối cùng thì sau 3 lần thương thảo, Cty Tân Hiệp Phát đồng ý đưa bà Hà 49 triệu đồng để lấy 4 sản phẩm nói trên. Tuy nhiên, khi bà Hà đang nhận tiền của Cty Tân Hiệp Phát thì công an Biên Hòa ập đến bắt quả tang. Công an Đồng Nai đã không khởi tố vụ án vì đã xác minh là hai bên đã có biên bản thỏa thuận, đó là tranh chấp dân sự.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, Cty Tân Hiệp Phát đã có công văn gửi công an tỉnh tố giác bà Hà đe dọa, tống tiền Cty, nên công an mới bố trí để bắt quả tang.

Năm 2012, Trần Quốc Tuấn (Bình Thạnh, TPHCM) phát hiện chai nước trà xanh có con gián. Hai bên cũng mấy lần thương thảo và đi đến thống nhất là Cty Tân Hiệp Phát sẽ trao cho ông Tuấn 50 triệu đồng để lấy lại chia trà xanh có gián – mua sự im lặng của ông Tuấn.

Khi ông Tuấn đang nhận tiền thì Công an của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội ( Bộ Công an) ập đến bắt quả tang. Trần Quốc Tuấn đã lĩnh án 3 năm tù vì tội cưỡng đoạt.

Như vậy, trong trường hợp của Trần Quốc Tuấn và Võ Văn Minh thì sau khi thương thảo xong, Cty Tân Hiệp Phát đều báo cáo công an nên mới có chuyện bắt quả tang khi nhận tiền. Dư luận đặt câu hỏi: Tân Hiệp Phát có “lật kèo” sau khi đã thương thảo?

Qua những trường hợp trên, rõ ràng người tiêu dùng chưa biết cách bảo vệ quyền lợi của mình, phần vì thiếu hiểu biết về pháp luật, phần vì lòng tham, trong khi ứng xử của doanh nghiệp đã đẩy người tiêu dùng vào thế việt vị. Trong sự cố này, Cty Tân Hiệp Phát đã không có được sự in lặng như mong muốn và đã rơi vào sự khủng hoảng truyền thông và cao hơn là niềm tin người tiêu dùng.

Luật sư Trần Hồng Phong - Luật sư của Cty Lavie nói rằng: Tôi đã từng tham gia xử lý hàng chục vụ đối với Lavie - tương tự như Cty Tân Hiệp Phát đã gặp. Chúng tôi có thể gài bẫy, đưa đối tượng vào tù, tuy nhiên, với phong cách "FairPlay” chúng tôi chỉ xử lý mang tính nhẹ nhàng và hầu hết đều kết thúc tốt đẹp và không có ai phải vào tù."

Và có lẽ Cty Tân Hiệp Phát đứng đầu bảng trong các doanh nghiệp đẩy người tiêu dùng vào thế… dính án.

Để tạo dựng thương hiệu, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Có vẻ như Tân Hiệp Phát đã “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Trên facebook đã lập ra tài khoản “tẩy chay Tân Hiệp Phát”, tính đến 13 giờ 40 ngày 9/1 đã có đến 16.325 người like (thích) trang này. Điều đó cho thấy, trong cuộc chơi này Cty Tân Hiệp Phát đã mất nhiều hơn được.

Phương Yên

(tổng hợp)