Nếu không có Quỹ Bình ổn thì giá xăng đã tăng cao hơn

12:55 | 09/07/2013

887 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vận hành như thế nào? Nguyên tắc sử dụng Quỹ ra sao? Giá xăng dầu trong nước thời gian qua đã được điều chỉnh hợp lý hay chưa?...

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vận hành theo đúng các quy định của pháp luật.

Thời gian vừa qua, trước những biến động của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước đã nhiều lần được điều chỉnh. Đáng chú ý, trong các quyết định mang tính chất định hướng điều chỉnh giá xăng dầu được Liên bộ Tài chính – Công Thương đưa ra, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu luôn được xem là công cụ quan trọng nhất được sử dụng để điều chỉnh giá xăng dầu ở mức hợp lý, cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng.

Và theo đánh giá của Liên bộ Tài chính – Công Thương thì việc trích lập sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không gây những xáo trộn lớn về giá trong nền kinh tế. Tuy nhiên, có một vấn đề mà dư luận xã hội cũng như giới chuyên gia đặt ra từ lâu là việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá hiện đang vận hành như thế nào? Trong quá trình vận hành, Quỹ bình ổn có thực sự tính tới lợi ích của người dân hay không?...

Trước thực tế trên, ngày 9/7, Bộ Tài chính đã công bố công khai việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá thời gian qua. Bộ Tài chính tin tưởng rằng, với việc công khai Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân giám sát việc quản lý, sử dụng Quỹ cũng như giám sát việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường mà Chính phủ và các Bộ, ngành đang kiên trì thực hiện.

Khẳng định với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Quỹ Bình ổn giá được trích lập vào một khoản tiền cụ thể nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu, nghĩa là được hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu. Cho nên đòi hỏi phải công khai, minh bạch Quỹ này là một nhu cầu rất chính đáng và Quỹ được hình thành như một van xả để đảm bảo bình ổn giá cả xăng dầu của chúng ta trên thị trường khi giá thế giới có biến động.

Bộ trưởng cũng cho biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong sản xuất và đời sống của nhân dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ liên tục cập nhật báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và sẽ công bố công khai vào tháng đầu quý, qua đó công khai, minh bạch Quỹ Bình ổn giá.

Theo đại diện của Bộ Tài chính thì cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu dựa trên nguyên tắc được nêu tại Điều 5 Pháp lệnh Giá, cụ thể: "Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường đối với những hàng hoá, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển".

Về việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết: Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng Quỹ Bình ổn giá, chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, Liên Bộ có công văn chỉ đạo doanh nghiệp mới được sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá không phải một khoản cố định giống nhau với các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành (được tính toán công khai theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) và mục tiêu điều hành giá dựa trên tình hình kinh tế, xã hội trong nước...

Đại diện của Bộ Tài chính cũng cho biết: Từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ Bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn. Ví dụ: nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán năm 2011, năm 2012 và năm 2013 (các thời điểm nhạy cảm thường có chỉ số CPI cao) đã phải điều chỉnh giá xăng dầu và mức giá phải điều chỉnh cao hơn nhiều; mặt khác nếu không có Quỹ Bình ổn giá trong một số thời điểm sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

Ngay trong những tháng đầu năm 2013, nếu không có công cụ Quỹ Bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán đã phải tăng giá xăng dầu ở mức cao (có thể lên mức 2.000 đồng/lít xăng tại thời điểm ngày 26/2/2013...).

Cũng trong Báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Thực tế đã chứng minh Quỹ Bình ổn giá là công cụ hữu hiệu để thực hiện bình ổn giá trong điều kiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, cũng còn một số ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp; trong đó có nội dung về Quỹ Bình ổn giá.

“Thực tế đã chứng minh Quỹ Bình ổn giá là công cụ hữu hiệu để thực hiện bình ổn giá trong điều kiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, cũng còn một số ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp; trong đó có nội dung về Quỹ Bình ổn giá” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trong Báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội.

Về tình hình trích lập, sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 30/6/2013: Số dư Quỹ Bình ổn giá đến 01/01/2013 là 756,383 tỉ đồng; Tổng số trích Quỹ Bình ổn giá đến ngày 30/6/2013 là 2.231,452 tỉ đồng; Tổng số sử dụng Quỹ bình ổn giá đến ngày 30/6/2013 là 2.932,368 tỉ đồng; Số dư Quỹ Bình ổn giá đến hết ngày 30/6/2013 là 55,467 tỉ đồng.

(Nguồn Bộ Tài chính)

Thanh Ngọc