Nhận diện nợ công
Một cơ quan truyền thông của nước ngoài đưa tin, tổng số dư nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2009 ước tính khoảng 44,7% GDP. Nhưng đó là khái niệm nợ công của Việt Nam, hẹp hơn khái niệm phổ biến của quốc tế. Theo tài liệu World Factbook của CIA, nợ công của Việt Nam trong năm 2008 chỉ ở mức hơn 38% GDP, nhưng đến năm 2009 đã tăng vọt lên hơn 52%, đứng hàng thứ 44/129 quốc gia về nợ công. Cũng theo thông tin này, so sánh tỷ lệ nợ của Việt Nam với những nước như Mỹ hay Nhật Bản, để khẳng định nếu nợ công của Việt Nam cao hơn nữa thì cũng không sao. Tỷ lệ trên 44% GDP là đáng báo động vì đã gần bằng mức an toàn 50% theo quy định của Ngân hàng Thế giới.
Nhiều nhà máy xi măng nợ lớn
Một số thông tin khác cũng nhấn mạnh điều mà họ cho là nghiêm trọng ở mức nợ công của Việt Nam. Còn ở ngay trong nước, các thông tin về thực chất nợ công cũng thiếu nhất quán, không phải vì số liệu mà vì cách tính toán. Trong nghiên cứu Nợ công Việt Nam - quá khứ và tương lai do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện có ghi nhận, số liệu ước tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 58,7% GDP. Trong đó, nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 31,1% và 17,6% GDP.
Phải đến ngày áp chót của tháng 10 vừa qua khi Chính phủ trình Quốc hội báo cáo về tình hình nợ công, định hướng vay và trả nợ công đến năm 2015 thì vấn đề nợ công mới rõ ràng và dư luận có thể thở phào nhẹ nhõm. Theo đó, tổng số dư nợ công đến ngày 31-12-2011, bằng 55,4% GDP (1.391.478 tỉ đồng), giảm 1,9% so với năm 2010 thì nợ xấu mới được chính thức nhận diện. Theo đó, trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78% tổng số dư nợ công và bằng 43,1% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 21% tổng số dư nợ công và bằng 11,7% GDP; nợ chính quyền địa phương chiếm khoảng 1,0% tổng số dư nợ công và bằng 0,5% GDP. Về cơ cấu các chủ nợ, các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong nước chiếm 28%; trong số các chủ nợ nước ngoài thì Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất, chiếm 17%, Ngân hàng Thế giới chiếm 13%, Ngân hàng Phát triển châu Á chiếm 8%, còn lại từ các chủ nợ khác.
Phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có thời hạn dài với lãi suất ưu đãi (vay ODA). Các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới có thời hạn 40 năm trong đó có 10 năm ân hạn, không lãi và phí quản lý là 0,75%/năm; khoản vay của ADB có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn và có lãi suất từ 1% -1,5%/năm; các khoản vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn và mức lãi suất khoảng từ 1-2%/năm.
Nguồn vốn vay đã và đang là nguồn tài chính quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vậy là tổng số dư nợ công giảm chủ yếu là nhờ việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, giảm mức bội chi ngân sách Nhà nước, đồng thời Quốc hội, Chính phủ đã quyết định ưu tiên bố trí một phần từ nguồn tăng thu ngân sách hàng năm để tăng chi trả nợ của Chính phủ, giảm nợ công.
Tuy nhiên, Chính phủ dự báo, do nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng tăng, bên cạnh đó tăng trưởng kinh tế năm 2012 dự kiến chỉ đạt khoảng 5,2-5,7% (kế hoạch là 6,0-6,5%) nên xu hướng gia tăng về nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2012 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục. Nợ công năm 2012 ước là 1.632.309 tỉ đồng.
Để tăng cường việc giám sát và kiểm soát các chỉ số giới hạn an toàn về nợ đã được Quốc hội phê chuẩn trong từng giai đoạn, Chính phủ cho rằng cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay nợ công với việc xác định hạn mức vay và các chỉ tiêu an toàn về nợ công. Bên cạnh đó, phải có các biện pháp hữu hiệu để một mặt thống nhất công tác quản lý nợ công, đồng thời tăng cường hiệu quả đầu tư, quản lý sử dụng vốn vay công.
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ (HIPCs).
Về kế hoạch vay và sử dụng vốn vay đến năm 2015, Chính phủ đặt chỉ tiêu nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước theo hướng giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ) dưới 4,5% GDP.
Chính phủ dự kiến tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ để thực hiện chương trình đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục để cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn trái phiếu giai đoạn 2011-2015 với tổng mức 225 nghìn tỉ đồng. Chính phủ đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối Nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.
Tại báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011-2015 và năm 2012, Ủy ban Kinh tế đồng ý với Chính phủ, chỉ tiêu dư nợ công năm 2012 không quá 60% GDP, đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ quốc gia không quá 40% GDP. Dự kiến, nợ công sẽ còn tăng đến 2015 và được đề xuất bắt đầu giảm từ 2016 nhằm tránh ách tắc trong phát triển kinh tế, xã hội.
Báo cáo lưu ý, trong vài năm trở lại đây, quy mô của các khoản vay thương mại trong nợ nước ngoài với lãi suất cao đang có xu hướng tăng lên. Tính đến hết ngày 31/12/2010, đã có gần 6,8% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất lên tới 6-10% và hơn 7% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất thả nổi.
Theo định hướng của Chính phủ, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Vậy là vẫn ở dưới ngưỡng an toàn.
Tình hình vay nợ, tính đến 31/12/2011: * Tổng số vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài là 71,7 tỉ USD; * Tổng số vốn cam kết vay thương mại nước ngoài là 4,08 tỉ USD; * Dư nợ các dự án cho vay lại của Chính phủ tương đương 10,3 tỉ USD, bằng 8,5% GDP; * Trong số 580 dự án cho vay lại, số dự án có nợ quá hạn là 55 dự án; * Tổng số dư nợ công bằng 55,4% GDP, giảm 1,9% so với năm 2010. |
Bảo Văn
-
Tin tức kinh tế ngày 15/4: Thanh long soán ngôi “vua” trái cây
-
Mỹ ép châu Âu mua dầu khí, nói dễ hơn làm?
-
Giá vàng hôm nay (15/4): Thị trường thế giới giảm mạnh
-
Giá dầu hôm nay (15/4): Dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/4: Liên minh Châu Âu xem xét mua thêm LNG của Mỹ